Giáo dục nhân văn ở đại học

Một đại học tốt không phải là một cơ sở đào tạo nghề. Nếu như trong đào tạo nghề, một sinh viên chỉ học các kĩ năng liên quan đến kĩ thuật để kiếm một việc làm đủ tốt, thi thoảng có thể học thêm một vài thứ gọi là “kỹ năng mềm”, bao gồm tâm lý học và quản trị, để phục vụ cho việc giám sát nhân viên và giao tiếp với khách hàng. Nhưng, “đại học”, xuất phát từ khái niệm “tri thức toàn cầu” (universal knowledge) và hơn hết, nó có nghĩa là giáo dục nhân văn. Lịch sử, văn học, ngoại ngữ và các môn nghệ thuật là cốt lõi của giáo dục đại học chất lượng cao.

Thư viện Firestone của Đại học Princeton, Mỹ dành cho các sách trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Khái niệm “khai phóng” (liberal arts), xuất phát từ gốc Latin liberalis trong thời kì cổ đại, nhằm chỉ những kiến thức tổng quát mà một con người tự do cần nắm được để tham gia vào đời sống dân sự. Trong thời hiện đại, thuật ngữ này thường chỉ chung những môn học nằm ngoài các môn chuyên ngành, kỹ thuật, dạy nghề. “Khai phóng” có thể bao gồm những môn khoa học xã hội và khoa học cơ bản nhưng trọng tâm của giáo dục khai phóng là các ngành nhân văn.

Giáo dục khai phóng đem lại lợi ích to lớn hơn nhiều so với việc dạy nghề một cách hạn hẹp. Trước hết, chất lượng đời sống dân sự của một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào sự hiểu biết của công dân. Điều đó bây giờ còn thiết thực hơn so với trước kia. Chúng ta đang đối mặt với những vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp trong thế kỉ 21 – biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa người giàu và người nghèo, căng thẳng trên trường quốc tế và nguy cơ xảy ra chiến tranh. Trước những thách thức đó, một chính phủ có thể sẽ nhận được sự ủng hộ to lớn của công chúng khi đưa ra những chính sách dài hạn và khéo léo nếu như người dân được giáo dục tốt. Ngược lại, những người dân không có hiểu biết về lịch sử và văn hóa thường có xu hướng ủng hộ những quan điểm cực đoan và hiếu chiến mà họ thu nhận được từ internet hoặc mạng xã hội.

Thứ hai, trong khi dạy nghề chỉ chuẩn bị cho sinh viên trở thành một mắt xích trong một cỗ máy sản xuất hoặc một bộ máy hành chính, giáo dục khai phóng bồi đắp tri thức cho con người một cách toàn diện, chuẩn bị cho họ đối diện với nhiều khía cạnh của đời sống.

Lý do thứ ba – thường không mấy được chú ý, đó là phông kiến thức rộng về các lĩnh vực nhân văn đem lại những lợi ích to lớn cho những chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Chỉ trừ một số rất ít ngoại lệ, nếu muốn tạo ra ảnh hưởng xã hội, những người trong lĩnh vực STEM phải có kĩ năng viết hiệu quả và sáng tạo. Chẳng hạn như trong lĩnh vực của chính tôi, về ứng dụng của toán học trong bảo mật thông tin. Bốn mươi năm trước, vào thuở bình minh của kỷ nguyên máy tính, Hiệp hội Kỹ sư điện và điện tử (IEEE) đã xuất bản một bài báo với nhan đề “Những phương hướng mới trong ngành mật mã học”, được coi là bài báo quan trọng nhất trong lịch sử lĩnh vực này. Viết bởi hai nhà khoa học máy tính được đào tạo một cách toàn diện, Wit Diffie và Martin Hellman, tác động của bài báo không phải bởi những kiến thức chuyên ngành (Phím biến hoán Diffe- Hellman), dù rất ấn tượng mà bởi hai tác giả có khả năng vẽ ra một tương lai của internet mà cho đến bây giờ vẫn đóng vai trò dẫn dắt cho sự phát triển những định luật cơ bản của mật mã học.

Xã hội luôn cần những con người có thể diễn dịch ngôn ngữ khoa học công nghệ thành ngôn ngữ mà công chúng và những nhà hoạch định chính sách có thể hiểu được. Chẳng hạn, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo mật dữ liệu, ở mức độ nào đó, phải khuyến cáo chính phủ trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Hơn nữa, những người có khả năng giao tiếp hiệu quả luôn là thành viên chủ chốt trong một nhóm nghiên cứu liên ngành.

Những nhà khoa học muốn trình bày công trình của họ ở một hội thảo lớn hoặc trên những tạp chí hàng đầu nên học cách viết tốt. Những phần quan trọng nhất của một công bố là phần tóm tắt (Abstract) và mở đầu (introduction), bởi vì đây là phần mà tất cả mọi người sẽ đọc và dựa vào đó để đánh giá người viết. Một phần mở đầu tốt cần phải rõ ràng và hấp dẫn đối với cả những người ngoài ngành, nó kể một câu chuyện đi từ nhận định về vấn đề, tính cấp thiết, tổng quan những nghiên cứu trước đó cho đến khái quát về đóng góp của bài báo và thách thức cho những nghiên cứu và phát triển sau này. Tương tự như vậy, một đơn xin tài trợ hoặc một báo cáo chính về một dự án có thành công hay không phụ thuộc vào khả năng truyền tải những thành tựu khoa học trong một ngôn ngữ đưa ra bối cảnh, lịch sử và phương hướng mà không bị mắc lỗi “thấy cây mà không thấy rừng”.

Điểm chung trong những lý do trên là khả năng kể câu chuyện. Trái ngược với những quan điểm sai lầm về khoa học và công nghệ, một công trình kỹ thuật tốt không phải là những công thức hay phép tính rời rạc mà nó phải thể hiện mình là một phần của câu chuyện dài kì với một dàn nhân vật đông đảo.

Kể chuyện cũng là hoạt động trải dài suốt một đời người, từ khi chúng ta còn thơ bé. Nó cũng là cốt lõi của nhiều truyền thống văn hóa.

Vậy làm sao để một sinh viên kể chuyện giỏi? Đầu tiên và quan trọng nhất, bằng cách đọc những tác phẩm văn học lớn. Tôi có một sự biết ơn sâu sắc, đầu tiên là với tất cả những người thầy dạy Văn học Anh xuất sắc thời phổ thông và thứ hai là với Dostoevsky, tác giả của những tác phẩm mà tôi say mê khi còn trẻ. Một cách khác để sinh viên có thể học cách phân tích bối cảnh và theo dõi sự hình thành và phát triển của một ý tưởng đó là học lịch sử. Thứ ba, một trong những cách hiệu quả nhất để mở rộng quan điểm và trân trọng những sắc thái trong giao tiếp là qua việc học ngoại ngữ và văn học (Tôi học bằng kép là Toán học và Văn học, ngôn ngữ Nga khi tôi còn là sinh viên đại học).

Các trường đại học Mỹ có truyền thống lâu đời về giáo dục khai phóng. Tuy nhiên, mặt bằng chung giáo dục đại học của Mỹ đang bị giảm sút, vì nhiều lý do. Yêu cầu về ngoại ngữ bị hạ thấp hoặc loại bỏ – ở mức mà hầu hết các sinh viên ở đại học Mỹ chỉ biết mỗi tiếng Anh. Hơn nữa, họ cũng không hiểu rõ ngôn ngữ viết của mình đủ tốt, do kĩ năng viết được dạy qua loa ở cả trường phổ thông và đại học.

Nhiều giáo sư phàn nàn về sự “kinh doanh hóa” trong trường đại học của họ. Khái niệm “Kinh doanh hóa” nghĩa là những người điều hành trường đại học đặt ưu tiên tài chính lên hàng đầu. Những khoa có nhiều hợp đồng với khối chính phủ và khối công nghiệp – thường sẽ không bao gồm các khoa liên quan đến các môn khai phóng – mới được hỗ trợ. Sự cắt giảm ngân sách đặc biệt nhắm vào những lĩnh vực trong trường đại học mà không đem lại những lợi ích kinh tế ngay lập tức. Một tỉ lệ lớn ngân sách của đại học giờ đây được dùng để chi trả cho bộ máy hành chính và các chương trình thể thao hơn là những nhu cầu học thuật căn bản. Những người điều hành trường đại học luôn tìm kiếm cách thức để “giáo dục với giá rẻ” qua hình thức các khóa học online, sử dụng những học sinh cao học và các giáo sư danh dự để giảng dạy hơn là những người trong biên chế, và cấp cho sinh viên miễn phí các chứng chỉ cho các môn ở đại học nếu sinh viên đó đã học các khóa tương tự (nhưng với chất lượng rất thấp) ở phổ thông hoặc các trường cao đẳng cộng đồng. Hơn nữa, các giáo sư thì lúc nào cũng bị áp lực phải chấm điểm cao hơn và thiết kế khóa học dễ hơn. Tuy vậy, mặc dù với những xu hướng tiêu cực này, các sinh viên tốt nhất ở những trường đại học hằng đầu ở Mỹ vẫn được giáo dục tốt trong các môn nhân văn.

Điều gì tạo nên đẳng cấp cao của giáo dục đại học? Những sinh viên được giáo dục tốt ở Việt Nam, ngoài tiếng Anh và tiếng Việt, nên biết ít nhất thêm một ngoại ngữ và nền văn học khác – có thể là tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Trung hoặc Ả Rập (cùng với tiếng Anh là một trong sáu ngôn ngữ trong Liên Hợp Quốc). Họ cũng cần phải có kiến thức về truyền thống văn hóa và lịch sử, cả thời cổ và hiện đại và biết trân trọng vị trí của Việt Nam trong lịch sử thế giới.

Những kiến thức lịch sử hết sức cấp thiết đối với những công dân được đào tạo bài bản. Tôi cảm thấy hết sức khó chịu khi nghe thấy những người Mỹ và vài người Việt Nam nói rằng Việt Nam “chỉ nên nghĩ về tương lai thay vì ngoái lại quá khứ”. Sự thiếu hiểu biết về quá khứ không phải là điều đáng tự hào hay đáng khuyến khích. Những sự kiện và truyền thống lịch sử đem lại những bài học giá trị và chỉ dẫn cho tương lai. Trong nhiều trường hợp, nó còn truyền cảm hứng cho thế hệ sau.

Ví dụ, trận Điện Biên Phủ huy hoàng 64 năm về trước là một sự kiện chấn động của thế kỷ 20 – đánh dấu sự kết thúc của chế độ thực dân châu Âu. Trong Kháng chiến chống Mỹ, việc sơ tán trường đại học lên những cánh rừng của Thái Nguyên là một thành tựu chưa từng xuất hiện trong lịch sử thế giới. Trước đấy, chưa bao giờ có một nước đang phát triển trong giai đoạn nghèo khó có đủ khả năng duy trì giáo dục đại học chất lượng cao lúc sơ tán trong khi thủ đô thì bị đánh bom bởi một lực lượng quân đội có sức mạnh khủng khiếp. Theo ý kiến của tôi, sẽ là hợp lý nếu ngày nào đó, những địa điểm lịch sử này, Điện Biên Phủ và địa điểm sơ tán của Đại học Hà Nội được công nhận là di sản thế giới của UNESCO.

Những người trẻ được đào tạo bài bản về nghệ thuật, lịch sử , văn học và ngoại ngữ sẽ có khả năng bảo tồn truyền thống văn hóa của đất nước họ. Họ sẽ không dễ dàng bị dụ dỗ bởi những giá trị giả tạo của chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa tiêu dùng bành trướng đang được du nhập từ các quốc gia khác. Họ có thể dẫn dắt đất nước của họ theo một con đường độc lập.

Hãy để tôi kết luận với một lời cảnh báo. Khái niệm “khai phóng” đang trở thành một từ thời thượng để quảng cáo của những tổ chức gọi là đại học đang mọc lên như nấm ở rất nhiều nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam. Nhận định này đặc biệt phổ biến ở những “đại học” mà Mỹ tài trợ, chẳng hạn như Đại học Fulbright Việt Nam. Đừng bị lầm tưởng bởi những bong bóng quảng cáo. Trước khi đồng tình với những tuyên bố “chúng tôi theo đuổi giáo dục khai phóng”, hãy hỏi vài câu sau đây: Có bao nhiêu khoa cung cấp bằng Tiến sĩ ở các môn học như lịch sử, văn học và nghệ thuật? Họ có thư viện kiểu gì? Những khoa học về lịch sử và văn học là về Việt Nam hay các quốc gia khác? Họ có những cơ sở vật chất nào cho các studio về nghệ thuật? Những người điều hành cấp cao là những trí thức thực sự với những công bố khoa học, hay chẳng qua họ chỉ là doanh nhân và các chính trị gia? Trong hầu hết các trường hợp, những câu trả lời cho những câu hỏi này là đủ để tiết lộ tổ chức đấy không phải là những đại học thực sự và không đủ khả năng để theo đuổi giáo dục khai phóng.

Chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho những người trẻ ở Việt Nam không nằm trong những đại học nước ngoài hay đại học tư nhân mà nằm ở sự tiến bộ của những đại học quốc gia và đại học vùng của Việt Nam. Với sự hỗ trợ của chính phủ, những trường đại học này có thể không chỉ đào tạo để cho sinh viên có việc làm mà còn có thể cung cấp một nền giáo dục khai phóng.

Hảo Linh dịch

Tác giả

(Visited 42 times, 1 visits today)