GiapSchool và hành trình tự thân khai sáng

Cuối tháng Tám vừa qua, từ nỗ lực cá nhân của một nhà khoa học, cổng giáo dục trực tuyến mở theo hình thức MOOCs (Massive Open Online Courses) - trào lưu giáo dục tiên tiến nhất - đã được ra mắt lần đầu tại Việt Nam.

“Bắt đầu từ đêm tối, những con chữ, hình vẽ và giọng nói xuất hiện. Chúng được sinh ra và lớn lên, hoàn thành sứ mệnh, rồi được xếp vào ngăn ký ức. Theo thời gian, những ký ức này sẽ đầy dần lên, thành nhiều lớp khác nhau. Chỉ khi nào cần đến mới được truy vấn, xong rồi lại được xếp vào ngăn kéo của ký ức, cho đến hết bài giảng” – đó là cách mà các bài giảng trên Giapschool được thực hiện để tiếp cận theo cách tự nhiên nhất tới người học trên “lớp học” mạng. “Tôi muốn sắp xếp chúng theo dòng ký ức của một con người” – Giáp Văn Dương, “cha đẻ” của trường học đặc biệt này, lý giải.

Cách giảng bài này, đối với thể giới có lẽ không xa lạ, vì nó có phần tương tự như cách Salman Khan, sáng lập viên của Học viện Khan (Khan Academy), khởi xướng từ năm 2006. Nhưng điểm khác biệt giữa Khan Academy và GiapSchool là ở chỗ, trong khi các bài giảng của Khan ngắn, có tính chất tham khảo, thì với GiapSchool, bài giảng được sắp xếp theo các khoá học riêng biệt, tựa như một môn học tại nhà trường chính quy, tương tự cách EdX và Coursera – hai cổng MOOCs nổi tiếng khác đang được áp dụng tại Yale và Harvard, hai đại học hàng đầu ở Mỹ. Nói cách khác, với “lợi thế” của kẻ đi sau, Giáp Văn Dương đã kết hợp được các điểm mạnh của các cổng MOOCs đi trước, đồng thời sáng tạo trong việc mở rộng nội dung bài giảng không chỉ cho sinh viên đại học mà còn cho cả học viên ở các bậc học thấp hơn.

Hơn nữa, GiapSchool lại là cổng MOOCs đầu tiên và duy nhất, miễn phí, bằng tiếng Việt và dành cho người Việt.

Để thực hiện ý tưởng này, Giáp Văn Dương đã quyết định từ bỏ công việc nghiên cứu vốn đã quen thuộc với anh suốt 12 năm qua để trở về nước đầu tư toàn bộ thời gian cho dự án riêng của mình.

Một quyết định “tân tự do”

Vậy lý do gì để một nhà khoa học đang ở độ tuổi “năng suất” nhất, một người đàn ông cũng với gánh nặng “cơm áo” cho gia đình – như mọi người đàn ông bình thường khác, lại từ bỏ công việc ổn định ở trường đại học danh tiếng trên thế giới để về nước “vác tù và hàng tổng”?

Góc nhìn từ học thuyết Tân tự do (Neoliberalism) có thể cho ta lời giải thích cho “hiện tượng” này: “Cá nhân (trong thời đại tân tự do) sẽ theo đuổi công việc hoặc học tập giúp họ có thể thu lại được lợi ích lớn nhất, bất kể việc đó là ở quê hương hay viễn xứ.”

Đối chiếu với trả lời của Giáp Văn Dương với Vietnamnet “…tôi cho rằng nếu tôi làm giáo dục đến nơi đến chốn thì sẽ có đóng góp lớn hơn so với việc tiếp tục nghiên cứu chuyên môn của mình. Số các nhà Vật lý ở Việt Nam đã rất nhiều. Nhưng số nhà giáo dục am hiểu các nền giáo dục bên ngoài, và bắt nhịp được với các trào lưu giáo dục mới của thế giới còn rất ít. Việt Nam đang rất cần những người làm giáo dục nghiêm túc và sáng tạo. Giáo dục cần có những chuyển động mới” có thể thấy, cách lý giải trên đây phần nào là đúng.

Tuy vậy, có thể ngầm hiểu rằng “lợi ích lớn nhất” đối với Dương không chỉ là vấn đề tài chính mà còn là số lượng và chất lượng tri thức được phổ biến.

Với niềm tin về lợi ích đó, Giáp Văn Dương đã dành sáu tháng cuối năm 2012 để tìm hiểu cách làm, mất thêm hai tháng đầu năm 2013 để quyết định tạm hoãn dự định ban đầu là tổ chức biên dịch “Tủ sách chuyên gia” để quay sang với MOOCs. Quyết định có lẽ khá thức thời, bởi lẽ từ hơn hai năm trở lại đây, MOOCs chính là cách thức giáo dục thu hút được nhiều sự quan tâm cũng như bàn cãi nhất của giới học thuật trên toàn thế giới.

Vậy MOOCs là gì? Nếu bạn đọc chưa rõ về MOOCs, xin bớt chút thời gian đọc lại bài của ThS Nguyễn Ngọc Tuấn1 từ Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán đăng trên website hocthenao do GS Ngô Bảo Châu sáng lập.

Khan Academy của Việt Nam?

Xin quay trở lại để nói thêm về Salman Khan cũng như Khan Academy mà truyền thông trong nước cũng đã nhắc đến nhân sự kiện GiapSchool ra đời trong thời gian vừa qua.

Khan Academy ra đời vào năm 2006, tức là trước cả khi khái niệm MOOCs lần đầu được hai giáo sư ở Đại học Stanford giới thiệu vào năm 2009; tuy vậy, Khan thực sự đã được khởi động từ năm 2004, một cách rất tình cờ. Thời điểm đó, Khan có người em họ, Nadia, 13 tuổi, sống ở một thành phố khác, cần anh giúp gia sư về toán. Ban đầu, Khan dùng phần mềm Yahoo Doodle giúp anh có thể giảng bài trực tuyến cho Nadia; về sau, anh quyết định chuyển sang thu bài giảng của anh và tải lên Youtube, nhờ vậy Nadia cũng như những người em họ khác của Khan (lúc này cũng bắt đầu tham gia vào lớp học đặc biệt của anh) có thể xem đi xem lại bài giảng khi cần. Cho đến năm 2009, Khan quyết định bỏ hẳn công việc chuyên viên phân tích tài chính ở California để dành toàn bộ thời gian cho xây dựng Khan Academy. Đến tháng 5/2013, Khan Academy có khoảng hơn 4.000 bài giảng với hơn 300 triệu lượt xem từ khắp nơi trên thế giới. Từ chỗ chỉ một mình quản lý, điều hành website cũng như giảng bài, cho đến nay, nhờ được đầu tư gần 10 triệu USD từ Gates Foundation, Google và The O’Sullivan và một số quỹ khác, Khan đã phát triển trường học online của mình với gần 50 nhân viên; bài giảng của Khan đồng thời được dịch song ngữ sang 27 thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh.

Khan chưa bao giờ tự nhận anh là một nhà cải cách giáo dục. Tuy vậy, những gì anh làm được dường như đang thực hiện điều đó. Gần 30 năm trước, khi Benjanmin Bloom, nhà giáo dục đầu tiên, bằng phương pháp thực nghiệm, chứng minh hiệu quả rõ rệt của việc học một thầy một trò so với cách học thông thường. Tuy vậy, kết quả của ông, ở thời điểm đó, không thể áp dụng được ở góc độ vĩ mô, bởi không một nhà nước nào, dù là giàu nhất cũng có thể trang trải nổi chi phí cho một hệ thống giáo dục với tỷ lệ một thầy – một trò như vậy. Ngày nay, hàng trăm nghìn học sinh tại 30.000 lớp học trên khắp thế giới đang sử dụng bài giảng của Khan trong chương trình chính quy của mình, đúng như mô hình một thầy-một trò mà Bloom đã đề xuất 30 năm trước.

Nhiều người xem video của Khan không khỏi ngạc nhiên tự hỏi làm sao một người có thể giảng bài được ở nhiều lĩnh vực tới vậy, từ toán, lý, hoá, sinh học, thiên văn, triết học, kinh tế, tài chính, tâm lý, lịch sử… tất cả đều do một mình Khan tự giảng bài và thu hình trong những năm đầu tiên, và mãi cho đến gần đây, mới có sự tham gia của các chuyên gia, học giả khác. Tuy vậy, nếu nhìn vào bảng thành tích học tập của Khan, ta có thể biết được câu trả lời. Khan có ba bằng đại học về toán, kỹ sư điện và khoa học máy tính từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), hai bằng thạc sỹ, một về khoa học máy tính cũng từ MIT và một về quản trị kinh doanh từ Harvard.

Tương tự như Khan, Giáp Văn Dương cũng có bề dày thành tích học tập đáng kể, thậm chí còn có phần đa dạng hơn – xét về mặt địa điểm học. Dương tốt nghiệp thạc sĩ ngành Công nghệ hóa học ĐH Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc), tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật ĐH Công nghệ Vienna (Áo); từng làm việc và nghiên cứu tại ĐH Liverpool (Anh), ĐH Quốc gia Singapore. Mặc dù không được học bài bản về một lĩnh vực ngoài khoa học tự nhiên như Khan với bằng MBA từ Harvard, Giáp Văn Dương từ lâu cũng được biết đến rộng rãi trong nước với tư cách một nhà bình luận, đăng nhiều bài báo sắc sảo về nhiều lĩnh vực như khoa học, giáo dục, chính sách, triết học trên nhiều tờ báo hàng đầu trên cả nước như Tuổi trẻ, Vietnamnet, Sài Gòn tiếp thị, Tia Sáng …. Hai bài giảng đầu tiên mà Giáp Văn Dương thử nghiệm với Giapschool cũng không liên quan gì đến chuyên ngành được đào tạo của anh, bài thứ nhất “Kỹ năng viết báo” tổng kết kinh nghiệm làm báo không chuyên của anh; còn bài thứ hai “Triết học là gì”, với nội dung hoàn toàn do Dương tự học.

Tự thân khai sáng

Khác với Khan, trước khi bắt tay vào xây dựng trường học online của mình, Giáp Văn Dương đã bỏ ra hơn nửa năm để tìm hiểu về MOOCs. MOOCs không phải là e-learning, mặc dù “MOOCs cũng dùng Internet. Sự ra đời của MOOCs là sự ra đời một khái niệm mới, một cách tiếp cận mới, về giáo dục, hơn là về công nghệ”, Dương nhận định. MOOCs làm thay đổi hoàn toàn cách dạy và học, ví dụ như với Khan Academy, “Các em học sinh tự học ở nhà qua các bài giảng trực tuyến theo chỉ định của giáo viên, còn thời gian đến lớp chỉ làm bài tập và thảo luận, tức là học ở nhà, làm bài tập trên lớp. Quy trình hoàn toàn ngược với quy trình truyền thống: học trên lớp, làm bài tập ở nhà”, Dương nhận xét trong một bài phỏng vấn gần đây.

Ý thức rất rõ về tính chất “cách mạng” của MOOCs trước khi bắt đầu thực hiện GiapSchool, tuy vậy, có trở thành một nhà cách mạng giáo dục hay không, với Dương không quan trọng bằng việc thông qua MOOCs có thể giúp người học trở lại với đúng ý nghĩa nguyên bản của việc học – tức là người học đi học và học cái gì là do anh ta hoàn toàn tự do quyết định, vì chính anh ta chứ không phải vì bất kỳ một ai khác. Dương quan niệm, học, trước hết không phải để “trở thành người có ích” (cho bất kỳ một ai khác) mà “để trở thành con người tự do”, và từ tự do đó thì anh “sẽ có xu hướng hành xử có trách nhiệm để bảo vệ tự do của mình và không xâm phạm vào tự do của người khác”. Như vậy, “tự do” phải là cái đến trước hết, từ có tự do, con người kéo theo có “trách nhiệm” và từ “trách nhiệm”, con người mới “có ích cho xã hội được”. Với triết lý đó, Giáp Văn Dương xây dựng GiapSchool mà ở đó, cả người dạy và người học đều tự do. Người dạy tự do dạy những gì mình thấy cần; người học tự do học những gì họ thích. “Mỗi người tự do và tự chịu trách nhiệm trong việc khai sáng bản thân mình”. Đó cũng là lý do tại sao Dương chọn khẩu hiệu cho GiapSchool là “Tự thân khai sáng”.

Đến nay, sáu khoá học chính thức của Giáp Văn Dương trên GiapSchool, cả ở dạng kỹ năng hoặc rất chuyên sâu, đã được khai giảng, đều do Dương trực tiếp thực hiện. Riêng khóa “Hiểu về giao tiếp” đã có hơn 1.500 người theo học. Cộng dồn sáu khoá, Dương đã có khoảng gần 4.000 học viên, con số có phần khiêm tốn so với hơn một triệu của Khan Academy, nhưng cũng đủ lớn để khích lệ cho một sự khởi đầu. Còn quá nhiều thử thách mà Giáp Văn Dương sẽ phải đối mặt: Anh sẽ lấy đâu ra nguồn tài chính để duy trì GiapSchool về mặt dài hạn? Liệu có mạnh thường quân nào đồng ý tài trợ cho anh như Bill Gates, Google hay The O’Sullivan đã làm với Khan Academy? Làm sao để Dương kêu gọi được sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học khác tham gia giảng bài, làm phong phú thêm nội dung cho GiapSchool? Nhưng có lẽ với Dương giờ đây, anh cũng không còn thời gian để lo lắng nữa. Sáu khoá học đã khai giảng, với lịch học 2 buổi/tuần; các khoá học khác sẽ tiếp tục được triển khai trong tháng tới, dự kiến 2 khóa/tuần. Có lẽ, điều anh mong muốn nhất hiện giờ là chiếc iPad cá nhân, công cụ chính để thu hình bài giảng của anh không gặp trục trặc gì trong thời gian tới.

Khai sáng là một trào lưu văn hóa thế kỷ 17-18 rất nổi tiếng của phương Tây, xây dựng cơ sở cho sự phát triển của Âu Mỹ và một số nước khác sau này. Cho đến nay, ảnh hưởng của trào lưu Khai sáng đến văn hóa và sự phát triển của các nước vẫn còn rất mạnh mẽ. Đặc trưng cơ bản nhất của trào lưu Khai sáng có thể khái quát trong một chữ thôi: Lý tính. Nhưng thực sự khai sáng là gì, thì triết gia I. Kant đã có một câu trả lời ngắn gọn mà xuất sắc: “Khai sáng là sự thoát khỏi tình trạng thiếu trưởng thành do chính mình gây ra.” Bằng cách nào? Tất nhiên, bằng cách sử dụng lý tính của mình. Và tất nhiên, tôi muốn người Việt Nam thoát khỏi tình trạng vị thành niên về tư duy này. Chỉ khi đó, khoa học, nghệ thuật, các giá trị nhân văn, các thiết chế xã hội… mới có thể nảy nở sinh sôi được. Và con người cá nhân, trong đó có tự do cá nhân, mới được thừa nhận.

Tuy nhiên, ở phương Đông, chữ khai sáng lại có nghĩa khác hơn, đó là sự giác ngộ. Một người đã giác ngộ là một người đã tìm thấy tự do, thấy đường đi và ý nghĩa cuộc đời mình. Anh ta khi đó sẽ không bị ràng buộc bởi giáo điều nữa. Giác ngộ ở phương Đông có thể đạt được thông qua trải nghiệm hoặc tri thức, theo cách đốn ngộ hoặc tiệm ngộ, nhưng dù cách nào đi nữa thì tri thức cũng đóng vai trò quan trọng, nhất là trong sự giác ngộ của đám đông.

Điều thú vị là cả hai chữ khai sáng và giác ngộ này đều được dịch chung thành enlightment trong tiếng Anh. Qua đó cho thấy, hai quan niệm Đông – Tây này rất gần nhau, dù cách thức đạt được có thể rất khác nhau. Tôi có trải nghiệm cả hai nền văn hóa Đông-Tây, nên tất nhiên tôi đánh giá cao sự gặp gỡ này.

Giáp Văn Dương

1 Nguyễn Ngọc Tuấn, Các khóa học đại trà trực tuyến mở MOOC, 3/6/2013, hocthenao.vn.

Tác giả

(Visited 2 times, 2 visits today)