Giúp sinh viên tiếp cận nghiên cứu khoa học qua các chương trình hợp tác quốc tế

Tóm tắt: Giảng dạy ở bậc đại học phải bao gồm việc cung cấp cơ hội cho sinh viên học cách nghiên cứu khoa học (NCKH). Thông thường các trường đại học ở Việt Nam thực hiện nguyên tắc này bằng cách: (1) hướng dẫn sinh viên thực hiện các đề tài NCKH liên quan đến nội dung môn học để qua đó giúp sinh viên xây dựng và ứng dụng kiến thức của môn học và (2) hướng dẫn sinh viên thực hiện các đề tài NCKH các cấp, thường là cấp trường. Tuy nhiên trong hoàn cảnh thực tế của các trường đại học Việt Nam, việc làm thế nào để tăng cường năng lực NCKH và tạo điều kiện tốt hơn cho sinh viên được thực hiện những NCKH của các em là một câu hỏi không dễ trả lời cho các nhà quản lý và giảng viên. Bài viết này giới thiệu một cách làm mới, đó là giúp sinh viên tiếp cận và thực hiện NCKH qua các dự án hợp tác quốc tế (HTQT) của khoa mà các em đang theo học. Công việc này đã được tác giả bài viết thực hiện ở trường Đại Học Cần Thơ từ năm 1999 đến 2005 và trường Đại Học Nông Lâm Tp.HCM từ năm 2007 đến 2008. Ở trường hợp thứ nhất, sinh viên được chọn làm đối tượng của đề tài NCKH thực hiện phục vụ cho chương trình HTQT. Nhưng song song với tiến trình đó sinh viên đã được hướng dẫn thực hiện đề tài của chính các em với những chủ đề có liên quan đến đề tài NCKH của chương trình HTQT. Trong trường hợp thứ hai, một số chủ đề trong đề tài NCKH dự kiến sẽ thực h

 

1.      Đặt vấn đề

Hội nhập quốc tế đang là điều tất yếu mà giáo dục đại học Việt Nam cần thực hiện. Trong việc hội nhập, một trong những điều cần làm của các trường đại học Việt Nam là phải làm sao cho sinh viên có cơ hội tiếp cận với nghiên cứu khoa học (NCKH) mang tính quốc tế như: tham dự tập huấn, hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế, tham gia những NCKH có sự phối hợp của chuyên gia từ các trường nước ngoài… Tuy nhiên, do đa số sinh viên Việt Nam có trình độ ngoại ngữ hạn chế, kỹ năng và kinh nghiệm NCKH yếu kém, do thu nhập ít ỏi của người Việt Nam việc tìm cơ hội cho các em tiếp cận với các sinh hoạt học thuật mang tính quốc tế kể trên là không dễ dàng. Để giải quyết vấn đề này, tác giả bài viết này đã nghĩ đến một hướng tiếp cận khác. Hiện nay các trường đại học Việt Nam đều có các chương trình HTQT. Trong các chương trình này nhiều dự án và đề tài NCKH đã được hai bên phối hợp thực hiện tại Việt Nam. Cho rằng nếu sinh viên được tham gia vào các đề tài này thì các em sẽ được tiếp cận các hoạt động NCKH mang tính quốc tế một cách ít tốn kém, thuận tiện và mang lại hiệu quả cao tác giả bài viết đã thực hiện định hướng này ở trường Đại Học Cần Thơ từ năm 1999 đến năm 2005 và Đại Học Nông Lâm Tp.HCM từ năm 2007 đến 2008.

 

2.      Sinh viên là đối tượng nghiên cứu của đề tài NCKH của chương trình HTQT đồng thời thực hiện NCKH của chính mình ở các chủ đề có liên quan

Đại học Cần Thơ là cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trọng điểm của nhà nước ở đồng bắng sông Cửu Long, là trung tâm văn hóa – khoa học kỹ thuật  của vùng. Từ  một số ít ngành đào tạo chủ yếu là nông nghiệp và sư phạm ban đầu, trường đã củng cố, phát triển thành một trường đa ngành đa lĩnh vực với 76 chuyên ngành đại học, 28 chuyên ngành cao học 8 chuyên ngành nghiên cứu sinh và 1 chuyên ngành cao đẳng trong các lĩnh vực nông nghiệp, sư phạm, cơ khí-công nghệ, y khoa, kinh tế, luật, tin học… Do ưu thế là luôn nhận được rất nhiều tài trợ quốc tế trường đã có được đội ngủ giảng viên đào tạo chu đáo ở nước ngoài và cơ sở vật chất thuộc vào loại tốt nhất nước. Tuy nhiên, do tính chất của vùng ĐBSCL là nơi giáo dục phát triển kém nhất nước điểm thi tuyển sinh đầu vào và khả năng học tập cũng như NCKH của sinh viên chưa cao.

Từ năm 1995 đến năm 2004 Khoa Sư Phạm, trường Đại Học Cần Thơ đã thực hiện một chương trình hợp tác quốc tế với Hà Lan mang tên MHO 4. Chương trình được chia làm 2 giai đoạn (1995-1999 và 2000-2004) nhằm giúp Khoa Sư Phạm nâng cao chất lượng giảng dạy, trình độ giảng viên và cải tiến phương pháp giảng dạy. Ngoài ra còn giúp các trường đại học, cao đẳng, cũng như phổ thông trung học (PTTH) vùng ĐBSCL cải tiến phương pháp giảng dạy. Một trong những việc nhằm thực hiện những mục tiêu này là tổ chức các lớp tập huấn do chuyên gia Hà Lan đảm trách để giới thiệu cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng, cán bộ lãnh đạo và giáo viên phổ thông trung học vùng đồng bằng sông Cửu Long về một lý thuyết giáo dục thể hiện quan điểm lấy học sinh làm trung tâm đang được nghiên cứu và áp dụng ở Mỹ, Canada, Hà Lan, Úc…. Lý thuyết này mang tên Dimensions of learning (Marzano, 1993). Để hỗ trợ cho việc thực hiện lý thuyết này các chuyên gia còn phổ biến thêm phương pháp dạy học khám phá (learning by discovering). Các lớp tập huấn về Dimensions of learning (DoL) và phương pháp dạy học khám phá đã được tổ chức hai lần mỗi năm trong suốt thời gian từ năm từ 1995 đến 2004. Bên cạnh đó những hoạt động học thuật khác như soạn thảo, dịch thuật tài liệu, trang web, dịch sách, thực hiện các đề tài NCKH giáo dục… đã được tiến hành. Để phổ biến sâu rộng và duy trì lâu dài việc phát triển lý thuyết DoL và phương pháp dạy học khám phá, các nội dung này đã được giảng dạy trong các học phần giáo dục chính của sinh viên Khoa Sư Phạm. Tổng cộng có khoảng 250 giáo viên PTTH, cao đẳng, đại học ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được tham gia tập huấn và tài trợ kinh phí để phát triển DoL và phương pháp dạy học khám phá. Tuy hoạt động tích cực và đa dạng như vậy nhưng sau giai đoạn 1 của chương trình (1995-1999) nhìn chung DoL chỉ mới được giảng viên Khoa Sư Phạm, Đại học Cần Thơ áp dụng bước đầu ở các môn học. Còn các các giáo viên PTTH được tham gia tập huấn và giáo sinh của Khoa Sư Phạm khi thực tập sư phạm ở trường PTTH vẫn chưa sử dụng được DoL và phương pháp dạy học khám phá.

Nhận thức được điều này, tác giả bài viết này với tư cách là thành viên của chương trình MHO 4 đã đề xuất và nhận được sự đồng thuận của chương trình để thực hiện đề tài NCKH mang tên “Áp dụng ba mô hình hướng dẫn thực hành của Schon (1983, 1986) trong việc hướng dẫn giáo sinh học giảng dạy Toán theo DoL”. Đề tài NCKH này đã được thực hiện trong 2 giai đoạn từ năm 2000 đến 2001 và từ 2002 đến 2004. Ba mô hình của Schon (1983, 1987) với ý tưởng chủ đạo là phát triển khả năng phân tích thực tế nghề nghiệp của người học việc (reflective learning) đang được đánh giá cao trong việc hướng dẫn thực hành, thực tập nói chung và giảng dạy nói riêng và cũng đã được áp dụng ở học viện kỹ thuật Massachuset (MIT), Mỹ. Đề tài nhằm áp dụng thử nghiệm ba mô hình hướng dẫn thực hành của Donald Schon (1983, 1986) cho đối tượng là 14 giáo sinh sư phạm Toán trong các đợt thực tập sư phạm (TTSP) năm 2000, 2003 và 2004.

Với mục đích giúp sinh viên được tiếp cận để học hỏi từ những NCKH có sự phối hợp với chuyên gia nước ngoài, ngoài việc chọn các em làm đối tượng nghiên cứu của đề tài tác giả bài viết này còn tranh thủ kết hợp hướng dẫn cho các em thực hiện các đề tài NCKH của chính các em. Từ ý tưởng đó các đề tài mang tên “Nghiên cứu về việc áp dụng Dimensions of learning để dạy Toán trong đợt TTSP”, “Sử dụng phương pháp dạy học khám phá trong giảng dạy Toán ở PTTH” và “Thử nghiệm giảng dạy Toán học theo hướng liên hệ thực tế ở PTTH” của các em sinh viên (là đối tượng trong đề tài NCKH của MHO 4) đã được thực hiện.

Những thuận tiện cho các em khi thực hiện NCKH có chủ đề liên quan tới đề tài của chương trình HTQT như sau:

1)                  Được tham dự các buổi tập huấn các nội dung lý thuyết và thực hành về DoL của các chuyên gia nước ngoài, từ đó có cơ sở lý luận vững chắc cho NCKH của các em.

2)                  Vì là đối tượng nghiên cứu và có nhiều dịp trao đổi trực tiếp hay quan sát thành viên chương trình MHO 4 và các chuyên gia nước ngoài thực hiện NCKH các em đã thâm nhập và qua đó học được các phương pháp NCKH một cách hiệu quả.

3)                  Được dịp tiếp xúc trao đổi về các công việc NCKH với thành viên chương trình MHO 4 và chuyên gia nước ngoài.

4)                  Được mượn các phương tiện kỹ thuật, sách, tài liệu, tư liệu… của chương trình MHO 4 để thực hiện đề tài.

5)                  Do sẵn có mối quan hệ hợp tác bền vững và lâu dài giữa chương trình MHO 4 và các trường PTTH, các em luôn được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của các trường khi đến thực hiện đề tài của các em.

 

Sau đây là một trường hợp khác mà tác giả bài viết này đã thực hiện tại trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM từ 2007 đến 2008.

 

3.      Tách các chủ đề của dự án HTQT thành các đề tài NCKH nhỏ hơn cho sinh viên thực hiện trước như những nghiên cứu thử nghiệm

Đại Học Nông Lâm Thành Phố Hồ Chí Minh là một trường đại học đa ngành đào tạo trình độ đại học và sau đại học. Tiền thân là trường đại học chuyên đào tạo các ngành nông-lâm-ngư, hiện nay trường đã phát triển và có 46 chuyên ngành thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, cơ khí-công nghệ, kinh tế, sư phạm, GIS, tin học… Trường có một số ngành đào tạo sau đại học thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên do thế mạnh của trường là đào tạo các ngành nông nghiệp, điểm tuyển sinh đầu vào và khả năng học tập của sinh viên thấp hơn so với nhiều trường đại học khác ở Tp.HCM. Điều kiện cơ sở vật chất của trường cũng rất hạn chế.

Năm 2007 Khoa Sư Phạm kỹ thuật trường Đại Học Nông Lâm đã được tiếp nhận GS.TS Cary.J.Trexler, học giả Fulbright, đến từ University of California tọa lạc tại thành phố Davis, Mỹ. Song song với giảng dạy, học giả còn cùng Khoa Sư Phạm Kỹ Thuật soạn thảo một dự án mang tên “Áp dụng mô hình Future Farmers of America (FFA) của Mỹ vào việc giảng dạy kỹ thuật nông nghiệp và giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh phổ thông trung học Việt Nam”. Mô hình FFA là mô hình đã được dùng để giáo dục kỹ thuật nông nghiệp và bảo vệ môi trường cho nông dân Mỹ. Mô hình này dựa trên lý thuyết “học tập qua thực hành” (experiencial learning). Theo đó giáo dục giáo dục kỹ thuật nông nghiệp và môi trường nên được thực hiện qua (1) giảng dạy trên lớp, (2) giảng dạy trong phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm và (3) thực tế. Mục đích của dự án là áp dụng mô hình FFA cho giáo dục kỹ thuật nông nghiệp và môi trường cho học sinh PTTH. Công việc cụ thể của dự án là thiết kế và tập huấn cho giáo viên PTTH cách dạy các bài giảng, bài thực hành về các chủ đề kỹ thuật nông nghiệp và môi trường cho học sinh theo mô hình FFA này. Theo kế hoạch của dự án chúng tôi và GS. Trexler sẽ có những buổi cùng giáo viên PTTH hướng dẫn học sinh đến một số địa điểm trong địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai để dạy các em khảo sát về hai vấn đề thực tế của sản xuất nông nghiệp và môi trường, đó là:

1)                  Chất lượng nguồn nước sử dụng cho việc sản xuất rau an toàn.

2)                  Quản lý chất thải rắn.   

Khoa Sư Phạm Kỹ Thuật biết rằng khi thực hiện dự án sẽ cần đến một số trợ lý có kiến thức về giáo dục, kỹ thuật nông nghiệp và môi trường. Để thỏa mãn tiêu chí này khoa dự định sẽ chọn các trợ lý trong số sinh viên của Khoa Sư phạm kỹ thuật trường Đại học Nông Lâm. Ngoài ra, việc này cũng nhằm giúp các em có cơ hội tiếp cận học hỏi NCKH với chuyên gia Mỹ. Để chuẩn bị tâm thế và khả năng cho sinh viên tham gia làm việc cho dự án khoa đã: (1) cho các em học về lý thuyết học tập qua thực hành và mô hình FFA trong môn Lý luận dạy học với GS. Trexler và (2) đã tách hai chủ đề thành phần trong dự án ra thành hai đề tài NCKH để hướng dẫn cho 2 nhóm sinh viên thực hiện trong năm học 2008-2009, đó là:

1)                  Đề tài “Khảo sát chất lượng nguồn nước từ sông Đồng Nai sử dụng cho việc canh tác hoa màu ở một số vùng miền Đông Nam B” .

2)                  Đề tài “Nghiên cứu việc giảng dạy môn kỹ thuật nông nghiệp ở PTTH qua các hoạt động ngoại khóa”.

Với sự hướng dẫn của tác giả bài viết này và GS. Trexler đề tài thứ nhất đã được tiến hành vào tháng 1/2008. Đề tài hoàn tất và được nhà trường nghiệm thu vào tháng 10/2008 với đánh giá xếp loại tốt.

Đề tài thứ hai được giao cho một giáo viên khác trong khoa hướng dẫn. Đề tài lẽ ra phải bắt đầu thực hiện vào tháng 1/2008 nhưng do nhiều yếu tố khách quan như giáo viên thiếu khả năng hướng dẫn, thiếu nhiệt tình, sinh viên không biết cách làm việc theo nhóm, đề tài mới chỉ được thực hiện vào tháng 6/2008 và chỉ thực hiện trong 1 tháng. Nhìn chung, việc thực hiện thiếu sự hướng dẫn nghiêm túc và do đó sinh viên đã không thử nghiệm được những ý tưởng khá sâu sắc và thú vị như dự kiến.

 

4.      Kết luận

Những thành quả quan trọng mà sinh viên thu nhận do được tiếp cận NCKH qua các chương trình HTQT từ hai trường hợp nêu trên như sau:

1.    Các em học được kiến thức chuyên môn giáo dục cập nhật, tiếp cận được những hướng NCKH của thế giới và học được các phương pháp NCKH. Từ đó các em đã thực hiện được những đề tài NCKH mà phần lý luận lẫn thực nghiệm đều tốt.

2.   Các em xây dựng được lòng tự tin trong giao tiếp với các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài và bắt đầu biết cách làm việc cho những NCKH có sự phối hợp của chuyên gia nước ngoài.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng cho công tác hợp tác quốc tế, lẫn chất lượng học tập và NCKH của sinh viên, tác giả bài viết (là giảng viên, trưởng khoa) đã phải thực hiện cùng một lúc nhiều chức năng: (1) thực hiện đề tài NCKH cho chương trình HTQT; (2) quản lý chương trình HTQT và (3) hướng dẫn đề tài NCKH của sinh viên. Điều này đã đòi hỏi ở tác giả bài viết rất nhiều công sức, thời gian và tâm huyết. Cũng cần lưu ý rằng nếu một trong ba thành phần tham gia vào tiến trình đó là giáo viên hướng dẫn đề tài cho sinh viên hoặc là chuyên gia nước ngoài hoặc là sinh viên không có tinh thần hợp tác tốt thì sự phối hợp sẽ lập tức bị phá vỡ và việc học tập cũng như NCKH của sinh viên sẽ không thể đạt được kết quả mong muốn. Trường hợp của đề tài “Nghiên cứu việc giảng dạy môn kỹ thuật nông nghiệp ở PTTH qua các hoạt động ngoại khóa” đã là một minh chứng.

 

Tóm lại, với các khoa HTQT có thể là cơ hội lớn để phát triển khả năng NCKH của sinh viên nói riêng và đào tạo nói chung. Tuy nhiên, với điều kiện làm việc và mức lương rất hạn chế của cán bộ đại học Việt Nam thì đây quả là một thử thách.

———

* TS. Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh

—————

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Albach G. Philip. 2007. Trường đại học và toàn cầu hóa- thực tế trong một thế giới bất công. Phạm Thị Ly dịch. Truy cập tại: http://www.ciecer.org

Nguyễn Thiện Nhân. 2007. Phát triển nhanh việc đào tạo nhân lực có kỹ năng: những sáng kiến của Việt Nam. Báo cáo khoa học tại Hội thảo Quốc tế Globalization in Education : Opportunities, Challenges and Implications for Vietnam and the Region. SEAMEO RETRACT.

Phạm Phụ. 2005. Về khuôn mặt mới của giáo dục đại học Việt Nam. NXB Đại học Quốc Gia Tp.HCM.

Shon, D.1983. The reflective practitioner: How professionals think in action. New York: Basic Books.

Schon, D.1987. Educating the reflective practitioner: Toward a New Design for Teaching and Learning in the professions. San Francisco: Jossey-Bass.

Tác giả