Hai lỗ hổng “chiến lược”!

Triết lý giáo dục (TLGD) và Tâm lý giáo dục (TLGD) là những cơ sở phương pháp luận khoa học sát sườn nhất cho việc hoạch định chiến lược phát triển giáo dục. Hạt nhân của TLGD là tính nhân bản. Hạt nhân của TLGD là tính hướng nghiệp. Nguồn nhân lực được đào tạo để vào đời và hội nhập không thể thiếu hai tố chất làm tiền đề căn bản đó. Nhưng thật đáng lo ngại, toàn bộ dự thảo chiến lược đã không đề cập gì đến Giáo dục nhân bản (GDNB) và Giáo dục hướng nghiệp (GDHN) trong khi chúng chính là bệ phóng của một nền GD phát triển. Ngay từ quan điểm chiến lược, trong dự thảo chưa vạch rõ một thực trạng hiện nay để xác định điểm nhấn cho tầm nhìn. Đó là, học sinh và sinh viên (HS-SV) đang học rất nhiều về khoa học và công nghệ, nhưng lại không được rèn kỹ về thái độ nhân bản & tinh thần hướng nghiệp khi giao tiếp cộng đồng và hội nhập quốc tế. Về điều này, nhiều kết quả nghiên cứu (1) đã cho thấy phần lớn HSSV ra trường bị hẫng hụt và vấp ngã về cách ứng xử nhân bản giữa người với người và cách tương tác chuyên nghiệp giữa người với việc.

GDNB (lấy chữ NHÂN làm gốc) giúp HSSV biết trọng văn hóa, trọng lẽ phải, trọng công lý, trọng tín nghĩa, trọng hòa hợp, trọng bang giao… Nhưng trên thực tế, đây lại là những điều ít được quan tâm (còn bị cho là “xa xỉ”) trong nội dung đào tạo lâu nay. Một thực tế bị trả giá là các hiện tượng phi nhân bản xẩy ra ngày càng nhiều về lượng và tàn bạo về chất. Khi mọi giá trị cuộc sống bị đảo lộn thì những giá trị ảo và các phẩm chất phi nhân bản “được” lên ngôi, cái xấu đẩy lùi cái tốt!

Thời hội nhập toàn cầu lại càng phải cấp thiết tạo dựng được một nền GDNB, vì, cùng với ý thức dân tộc, người học cần được nâng cao ý thức cộng đồng (cộng đồng quốc tế) khi hợp tác và phát triển. Lâu nay, sự yếu kém và không coi trọng về GDNB đã là một lỗ hổng lớn nhất của việc đào tạo nhân lực. Tình trạng băng hoại, sa sút phẩm chất (kể cả khi giao tiếp quốc tế) của nhiều HSSV và nhân lực xã hội (nhất là khi lao động hợp tác) đã chứng tỏ điều trên đây. Bây giờ, thiết kế chiến lược GD mà không nghĩ đến chuyện phát hiện và lấp đầy lỗ hổng đó, thật đáng tiếc và cũng thật đáng lo, vì nó chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn!

Tinh thần hướng nghiệp của GDHN lấy chữ CHUYÊN làm trọng. Theo đó, không chỉ là chuyên ngành, chuyên môn, chuyên biệt, mà cơ bản nhất là chuyên tâm (đầu tư tập trung tâm sức cho công việc) và rèn luyện tốt để trau dồi tính chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp không chỉ yêu cầu thạo việc và lành nghề, mà quan trọng hơn là thể hiện sự chu đáo, tận tâm trong thái dộ công vụ và tinh thần phục vụ, với ý thức trách nhiệm cao.

Lỗ hổng thứ hai trong dự thảo chiến lược, như đã nêu, là không thấy đề cập gì đến GD hướng nghiệp, trong khi GDHN là mũi nhọn chủ lực của “công nghệ” trồng người và đào tạo nhân lực. Bản dự thảo có nói đến GD nghề nghiệp, nhưng đó chỉ là một ngành học trong hệ đào tạo (như ngành phổ thông, ngành đại học…) chứ không phải GDHN. Tinh thần của GDHN là tư tưởng chỉ đạo “bổ dọc” (xuyên suốt các ngành học trong hệ đào tạo: từ mầm non đến đại học và sau ĐH) chứ không phải “bổ ngang”, nghĩa là không chỉ có GD nghề nghiệp mới chịu sự chi phối của tinh thần hướng nghiệp). GD nghề nghiệp chỉ là một nội dung hẹp của tinh thần hướng nghiệp mà thôi.

Tinh thần hướng nghiệp của GDHN lấy chữ CHUYÊN làm trọng. Theo đó, không chỉ là chuyên ngành, chuyên môn, chuyên biệt, mà cơ bản nhất là chuyên tâm (đầu tư tập trung tâm sức cho công việc) và rèn luyện tốt để trau dồi tính chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp không chỉ yêu cầu thạo việc và lành nghề, mà quan trọng hơn là thể hiện sự chu đáo, tận tâm trong thái dộ công vụ và tinh thần phục vụ, với ý thức trách nhiệm cao. Đó là sự định hướng mang tính chiến lược của việc đào tạo ngưồn nhân lực cho trước mắt và lâu dài. Mơ hồ hoặc không thấu triệt về vấn đề này sẽ là một sai lầm về phương pháp luận khoa học.

Sự thiếu chuyên tâm và yếu kém về tính chuyên nghiệp của số đông HSSV hiện nay khi ra trường đã khiến họ không đủ sức cạnh tranh về mặt nhân lực. Sau khi tốt nghiệp, đa số trong nguồn nhân lực được đào tạo đã không thích ứng được với nghề, khiến cho việc tuyển dụng nhân lực gặp rất nhiều khó khăn. Nếu được tuyển chăng nữa, phần lớn (trên 50%) phải qua đào tạo lại (2), Tiếc thay, trong dự thảo đã không có hoạch định và giải pháp chiến lược nào để khắc phục hậu quả đó, để hy vọng đến năm 2020 đào tạo được những thế hệ nhân lực phát triển toàn diện nhưng có chuyên sâu, vững tay nghề, mê sáng tạo, thích ứng cao với nghiệp vụ đã theo đuổi.

Nếu hai yếu tố trên đây (GDNB & GDHN) không được coi trọng và không được hoạch định đúng tầm trong chiến lược phát triển GD, thì, theo các chuyên gia chiến lược, nền GD của chúng ta có nguy cơ bị đẩy đến chỗ phản GD. Hơn thế, nếu hai lỗ hỗng nói trên không được lấp đầy trong chiến lược GD và trong thực tế GD, sẽ có nguy cơ làm “thủng” thêm các lỗ hổng khác, đưa đến suy thoái trầm trọng và hậu quả khó lường…

____________________

(1) và (2): Tư liệu khoa học của Viện NCGD, có thể truy cứu tại www.ier.edu.vn

Tác giả