Hai loại trường đại học của thời hậu hiện đại
Trong bài viết nhan đề “Lược sử giáo dục đại học và những vấn đề của trường đại học đương đại”(đã đăng trên “Diễn đàn doanh nghiệp”), tôi đã khảo sát hai mô hình của trường đại học hiện đại. Mô hình thứ nhất là trường đại học văn hóa của Humboldt, vốn xuất phát từ trường đại học duy lý của Kant. Mô hình thứ hai là trường đại học-doanh nghiệp khá phổ biến hiện nay ở Hoa Kỳ và một số nước phương Tây.
Mô hình thứ hai là trường Đại học-Doanh nghiệp mà tư tưởng chủ đạo là doanh thu chứ không phải là Lý trí hay Văn hóa. Nền tảng triết học của trường đại học-doanh nghiệp là chủ nghĩa hậu hiện đại. Vì không tin vào các chân lý phổ quát cũng như khả năng của lý trí và khoa học, các nhà tư tưởng hậu hiện đại cho rằng văn hóa chẳng qua là biểu hiện của các quan hệ quyền lực trong xã hội. Richard Rorty, nhà triết học hàng đầu của Hoa Kỳ, lập luận rằng một khi không thể tìm được chân lý phổ quát thì điều nên làm là tổ chức tốt cuộc sống của con người theo quan điểm “thực dụng luận”. Cùng với sự lên ngôi của xã hội tiêu thụ, các trường đại học phương Tây đang dần biến thành các trung tâm đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp và những người tiêu thụ tiềm năng cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thay vì là nơi đào tạo những chủ thể văn hóa.
Những điều trên đây được Bill Readings phân tích rất hay trong cuốn Trường Đại học trong đống đổ nát. Ông lập luận rằng cùng với sự lớn mạnh của các tập đoàn xuyên và đa quốc gia, nhà nước-dân tộc đang suy tàn và các trường đại học văn hóa theo hình mẫu của Humboldt đang biến mất để nhường chỗ cho các trường đại học – doanh nghiệp. ( Readings, Bill, The University in Ruins, Cambridge: Harvard U.P., 1996). Trên thực tế, những ai từng giảng dạy ở các trường đại học phương Tây đều có thể dễ dàng nhận thấy một hiện tượng là nhiều sinh viên rất thông minh, rất giỏi về chuyên ngành hẹp của mình, nhưng hiểu biết chung về văn hóa, xã hội, lịch sử rất kém.
Chúng ta không thể buông xuôi để con em chúng ta được nhào nặn thành những cái máy lao động và tiêu thụ như vậy. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta cần phải làm gì?
Theo tôi, chúng ta không thể phủ nhận những tác động tích cực của Chủ nghĩa Hậu hiện đại đối với lĩnh vực giáo dục, trong đó có sự mở rộng cửa đại học cho việc nghiên cứu và giảng dạy văn hóa của những cộng đồng thiểu số, sự đánh giá lại nghệ thuật bác học và bình dân, sự thay đổi vai trò của người thầy, cũng như sự nhận thức lại khái niệm tri thức…Tuy nhiên, chúng ta cũng phải chống lại việc biến trường đại học thành những doanh nghiệp thuần túy kinh doanh dịch vụ đào tạo nhân lực. Để làm được điều này, theo tôi, chúng ta phải phân biệt hai loại trường đại học, gắn với hai loại mục đích đào tạo khác nhau. Loại thứ nhất là những trường đại học thực hành, có nhiệm vụ đào tạo nhân lực, hay nói cách khác là người lao động thông thường, và loại thứ hai là những trường đại học tinh hoa, có mục đích đào tạo những nhân tài cho đất nước. Cả hai loại trường đại học đều rất quan trọng. Mọi xã hội đều tồn tại nhờ những người lao động thông thường, nhưng chỉ có thể phát triển được là nhờ nhân tài, những người phát hiện và tìm ra cách giải quyết các vấn đề sống còn đối với tương lai của cộng đồng.
Vì các trường đại học thực hành có nhiệm vụ đào tạo nhân lực nên các cơ sở kinh doanh, các tổ chức (công hoặc tư) sử dụng nhân lực phải trả tiền cho hoạt động đào tạo, nói đúng hơn là dịch vụ đào tạo. Việc trả tiền có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, thông thường nhất là thông qua lương của người lao động. Người lao động, căn cứ vào phán đoán nhu cầu nhân lực mà đầu tư trước vào việc học hành (thông qua học phí) và sau đó sẽ được hoàn lại thông qua lương do nhà sử dụng lao động trả. Ở đây, thị trường quyết định nhu cầu đào tạo, tiêu chí tuyển sinh.
Vì đối tượng các trường tinh hoa không phải là nhân lực cho các cơ sở kinh doanh mà là nhân tài, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản và lý thuyết vì nhu cầu lâu dài của xã hội. Vì các hoạt động này không sinh lãi ngay nên cần phải được nhà nước bao cấp. Nhưng vì thế, sinh viên các trường tinh hoa cần phải được tuyển lựa rất kỹ càng. Khi được tuyển, họ không chỉ được miễn học phí mà còn được hưởng học bổng, được đảm bảo điều kiện nghiên cứu thật tốt nếu đáp ứng được các yêu cầu của nhà trường.
Mặc dù chia thành hai loại trường như vậy, chúng ta luôn luôn phải coi trọng việc rèn luyện cho sinh viên tư duy phê phán và không được phép coi nhẹ các môn khoa học xã hội và nhân văn. Chúng ta không được phép biến trường đại học thành trường dạy nghề đơn thuần. Albert Einstein đã viết: “Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa” (Einstein, Albert, “Thế giới như tôi thấy”, Đinh Bá Anh, Nguyễn Vũ Hảo, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Hà Nội: Tri Thức, 2005. Tr. 48.)
Điều này có gì mâu thuẫn với các lý thuyết Hậu hiện đại hay không? Theo tôi là không. Chúng ta đồng ý với các lý thuyết gia Hậu hiện đại rằng không có chân lý tuyệt đối và vĩnh cửu, rằng văn hóa và chủ thể, cũng như lý trí, đều là sản phẩm của xã hội. Thế nhưng chúng ta không cần phải quan tâm đến những chân lý vĩnh cửu. Chúng ta có những chân lý cụ thể trên trái đất này, có những khế ước văn hóa được chấp nhận rộng rãi lâu dài để đáp ứng đòi hỏi của nhu cầu chung sống trên trái đất. Học tập, nói cho cùng, chính là học chung sống: chung sống với thiên nhiên, xã hội và với chính bản thân mình.
Tóm lại, dù là trường tinh hoa hay trường thực hành thì sinh viên đại học vẫn cần phải học khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, thị trường nói chung không muốn và cũng không có trách nhiệm tài trợ cho việc đó. Đó là việc của nhà nước. Như vậy, nếu các trường tinh hoa cần có sự trợ cấp hoàn toàn của nhà nước, các trường thực hành cũng cần được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để duy trì việc giảng dạy khoa học xã hội và nhân văn chất lượng cao./.