Hậu Covid-19: Nghĩ lại về vai trò của trường học

Đại dịch Covid-19 diễn ra vào thời điểm chúng ta cũng đồng thời chứng kiến toàn cầu hóa trên mọi mặt, cả kinh tế, văn hóa và bệnh tật; và quá trình chuyển đổi sang thời đại kỹ thuật số - đã được các sử gia về lược sử loài người nhận định là sẽ làm thay đổi căn bản xã hội loài người. Nhưng dù bước vào thời đại nào, chúng ta cũng phải trao truyền tri thức khoa học, tư duy phản biện, lòng trắc ẩn, thấu hiểu các quan điểm đa dạng khác nhau giúp các thế hệ sau đối diện với những thay đổi mới. Nhân loại có đầy đủ các tri thức khoa học và công nghệ để ứng phó với Covid-19 nhưng nhìn dài hạn hơn, chúng ta phải chuẩn bị cho các khủng hoảng khác tương tự bằng cách thức giáo dục mới, bằng các nền tảng kiến thức khoa học xã hội. Do vậy trong cụm bài này chúng tôi đề cập tới vấn đề đại dịch sẽ trao cho ta những câu hỏi gì về vai trò của trường học (GS Roger-François Gauthier), KHXH và giáo dục sẽ phải trang bị cho học sinh những gì (GS Keith C. Barton, PGS Li-Chig Ho). Cùng với đó là những điều cần lưu ý khi chuyển đổi từ dạy học truyền thống sang dạy học trực tuyến (TS. Nguyễn Tấn Đại).


GS Roger-François Gauthier,  Đại học Paris-Descartes.

Chỉ trong một thời gian ngắn, đại dịch Covid-19 đã làm biến đổi sâu sắc bức tranh giáo dục trên toàn thế giới. Các nhà giáo dục giờ đây đang phải đối diện với những câu hỏi đầy thách thức: Nhà trường đang dạy những gì? Học sinh sẽ học được điều gì? Và rộng hơn nữa, bản chất của Giáo dục là gì?

Những câu hỏi ấy vẫn luôn ở đấy, nhưng chỉ khi lớp học biến mất, chỉ còn lại người giáo viên với học sinh – cách nhau bởi màn hình máy tính, chúng mới có dịp hiện lên rõ ràng. 

1. Nhà trường có phải là nơi nắm giữ chân lý? 

Tùy thuộc vào điều kiện lịch sử và văn hóa, giáo dục ở các nước trên thế giới cũng có những hình thái khác nhau, nhưng nhìn chung, ở hầu hết các nước, việc tiếp thu kiến thức ở trường được xem là một con đường độc đạo, thậm chí gần như là một điều hiển nhiên: người ta chưa từng tham gia tiết học ở một ngôi trường nào khác ngoài ngôi trường họ từng học. Họ cũng chưa từng nảy ra ý tưởng nào về những chủ đề nhà trường nên dạy – ngoài những chủ đề họ vốn được học. Tất cả chúng ta đều như vậy. Tất cả chúng ta, hậu-trẻ-em, đều có nguy cơ bị bó hẹp về kinh nghiệm sống, bị giới hạn trong trải nghiệm cá nhân và những kiến thức được học dưới mái trường địa phương.   

Thoạt nghe, có vẻ như các hệ thống giáo dục đã quên rằng, trong suốt lịch sử loài người, không phải lúc nào nhà trường cũng truyền đạt điều hay lẽ phải. Nhưng dù là thời nào, tất cả đều giống nhau, đều có hai điểm cần lưu ý: thứ nhất, vẫn còn tồn tại một quy tắc ngầm, đó là học sinh không được phép nghi ngờ những gì mình được dạy, nói cách khác, thầy cô là người ‘nắm giữ’ chân lý. Và thứ hai, đừng quên trong một số giai đoạn, trường học vẫn có thể dạy những điều sai trái theo một hệ tư tưởng lệch lạc, chẳng hạn như trường hợp Đức Quốc xã dưới chế độ độc tài của Hitler, hay chính sách phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi, và những trường hợp như vậy ngày nay vẫn tồn tại ở những nơi theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thù hằn dân tộc hoặc phân biệt chủng tộc. Những vấn đề nhà trường dạy chúng ta chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ là lẽ dĩ nhiên.  

Hầu hết các hệ thống giáo dục thường quên điều này, vì họ mải tập trung vào việc đánh giá và xếp hạng học sinh. Hãy nhớ rằng chúng ta không chỉ đánh giá và xếp hạng học sinh về cách học và tiếp thu kiến thức có giá trị, mà còn theo dõi những lỗ hổng kiến thức hoặc sai lầm trong nhận thức, hành vi! Nhiều hệ thống giáo dục trên thế giới đang sử dụng sai phương pháp để kiểm tra và đánh giá học sinh, mà Pháp là một ví dụ điển hình. 

Mục đích của việc đến trường không chỉ là chiến thắng các cuộc thi và đạt điểm số cao nhất. Mục đích của việc đến trường là để học hỏi. Hãy truyền đạt cho học sinh những điều mà thầy cô nghĩ là cần thiết để có thể tồn tại trong một thế giới không ngừng biến đổi – chứ không phải chỉ vì nó đã được dạy suốt hàng chục năm nay. Đây thực sự là một vấn đề cấp thiết và thú vị, nhưng hiếm khi được xem xét kỹ càng.

2. Đại dịch trao cho chúng ta điều gì?

Điều thú vị là, đại dịch đã khiến một số vấn đề của ngành giáo dục – mà trước đây chúng ta không mấy bận tâm – hiện rõ hơn bao giờ hết. Trong giai đoạn này, học sinh phải làm bài tại nhà, học tập từ xa với sự kèm cặp của cha mẹ. Và do đó, những kiến thức đã từng là kim chỉ nam cho học sinh, giờ đây bắt đầu bước ra ngoài đời sống một cách ‘trần trụi’, không còn bị ‘thần thánh hóa’. Học tập không còn là một bước đệm cho việc đánh giá và xếp hạng, mà nó đã thực sự mang lại ý nghĩa từ bên trong. Hơn nữa, kiến ​​thức ở trường có cơ hội gặp gỡ với kiến ​​thức trong gia đình, kiến ​​thức bản địa và đôi khi là kiến ​​thức từ góc nhìn nghề nghiệp của phụ huynh. Tri thức xuất hiện nhờ quá trình học trực tuyến, nó được giải phóng khỏi quyền năng vô hình của giáo viên và nhà trường.


Trong lịch sử loài người, không phải lúc nào nhà trường chính thống cũng dạy những điều hay lẽ phải. Trong một số giai đoạn, nhà trường đã từng là nơi truyền bá những tư tưởng sai lệch như phân biệt chủng tộc. Ảnh: Năm 1955, học sinh da màu ở Mỹ xếp hàng chờ đợi đăng ký đi học sau sự kiện một phụ huynh da màu kiện các hội đồng giáo dục vì đã phân biệt đối xử (Brown v. Board of Education) và đòi hỏi học sinh cần phải được tiếp cận giáo dục công bằng bất kể chủng tộc nào. Kể từ đây học sinh da đen mới được đi học cùng trường với học sinh da trắng. Nguồn: Gordon Tenney / Smithsonian National Museum of African American History and Culture. 

Hơn nữa, sự vắng mặt của các bạn cùng lớp khiến các em cảm nhận được tầm quan trọng của bạn bè trên con đường học tập và tích lũy kiến ​​thức. Xa hơn, đại dịch xuất hiện và mang đến cho học sinh cơ hội suy ngẫm về vai trò của khoa học, về ý nghĩa của sự thật, và sự hoa mỹ của những lời nói dối. Vì vậy, một cách ngắn gọn, có thể nói, đại dịch đã trao cho chúng ta một cơ hội hiếm có để suy ngẫm về câu hỏi: nhà trường nên dạy gì cho học sinh? Và đó cũng là một trong những câu hỏi quan trọng mà xã hội nào cũng cần tìm kiếm câu trả lời.

3. Tầm quan trọng của tri thức

Thế giới của chúng ta, hơn bao giờ hết, ngập tràn các tin tức giả mạo và thuyết âm mưu. Lúc này nhà trường nên giúp học sinh hiểu được tại sao chúng lại có sức hấp dẫn đến vậy, đó sẽ là liều vaccine hiệu quả, giúp các em có kỹ năng ứng phó với các thể loại tin giả và thuyết âm mưu hiện nay.

Nhìn chung, chủ nghĩa tương đối (relativism) cũng là một loại tin giả nguy hiểm, nó có khả năng khiến học sinh thờ ơ với sự thật: ở một số quốc gia, học sinh được quyết định cái gì là sự thật và cái gì thì không, kể cả những tri thức về lịch sử hình thành vũ trụ, cuộc sống, hay loài người. 

Các trường học cần có biện pháp cụ thể nhằm giúp học sinh hứng thú hơn với việc khám phá tri thức. Đại dịch, cùng ‘cơn sóng thần’ tin giả, đã chứng minh đây là yếu tố quan trọng hàng đầu.

4. Khi kiến ​​thức trong nhà trường là nền tảng để tiếp thu các dạng kiến thức khác

Như đã nói, đại dịch là cơ hội hiếm có để những kiến thức hàn lâm trong trường học có cơ hội gắn kết với đặc điểm của các thành viên trong gia đình, với những kiến thức phong phú ở thế giới ngoài kia. 

Điều này chỉ cho thấy rằng lằn ranh ngăn cách những kiến thức trong trường học – như thể ngăn cách một nơi tôn nghiêm – đã biến mất. Kiến thức nhà trường cần phải là chìa khóa mở ra những dạng kiến ​​thức mới, cần thiết, trong thời đại toàn cầu hóa. Từ đó, cho thấy rằng người giáo viên không nên bỏ qua hoặc coi thường những kiến thức không nằm trong sách giáo khoa. Các loại kiến ​​thức khác, bất kể là trên Internet, trong đời sống học sinh, trong các tôn giáo, quan điểm và ý thức hệ khác nhau đều cần được tôn trọng. Tất nhiên trường học không cần phải dạy mọi thứ, ngược lại, nhà trường nên dạy một cách chọn lọc từ những kiến thức đã có sẵn. 

Bên cạnh đó, trong bối cảnh phức tạp này, nhà trường cần phải đặt ra cho học sinh những giới hạn, hướng dẫn học sinh xử lý các loại thông tin mà các em sẽ phải tiếp nhận trong suốt phần đời còn lại. Do đó, một nhiệm vụ mới được đặt ra cho các trường học hiện nay: giúp học sinh sắp xếp lượng kiến thức, bao gồm cả việc lựa chọn các chủ đề mà nhà trường sẽ dạy hoặc chia sẻ cho các em.  

5. Sự bất bình đẳng trong giáo dục

Trong suốt đại dịch, tình trạng bất bình đẳng lại càng hằn sâu hơn bao giờ hết. Từ xã hội này sang xã hội khác, dù là xã hội nào, cơ hội được đến trường và học hỏi kiến ​​thức có giá trị giữa các em học sinh cũng không hề giống nhau.  

Rõ ràng, bất bình đẳng trong chia sẻ tri thức cho các em học sinh là một việc làm không thể chấp nhận được – bất kể hậu thảm họa, cuộc sống trên Trái đất này có khác đi như thế nào đi chăng nữa.

Chia sẻ kiến thức một cách công bằng không chỉ là yêu cầu suông: đó là một câu hỏi về giá trị của sự sẻ chia giữa các nền văn hóa khác nhau. Đại dịch đã nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta cũng chỉ là một giống loài trong vô số những giống loài khác, chúng ta phải khiêm nhường trước thiên nhiên – chứ không phải xem chúng như một loại tài sản để sở hữu. Nhưng trên hết, sự khiêm nhường này cần phải được hòa quyện và chấp nhận trong toàn bộ những nền văn hóa, giữa những cá nhân và các nhóm người khác nhau: chứ không phải là một mô hình áp đặt lên tất cả các dân tộc, mà chúng ta vẫn thường thấy trong nhiều trường hợp xuyên suốt quá khứ và thậm chí là đến tận ngày nay.

6. Cạnh tranh hay hợp tác?

Chúng ta vẫn thường nói, trên khắp thế giới, trường học đang trở thành một nơi nguy hiểm. Đó dường như là một võ đài khốc liệt trong suốt một khoảng thời gian dài: giữa học sinh với học sinh, giữa các trường với nhau, giữa các loại hình trường học (tư thục và công lập), và cuối cùng là giữa các quốc gia, hay thậm chí là giữa các châu lục. Các em học sinh đã phải chịu đựng những áp lực này trong một môi trường học đường tồi tệ, các em rồi sẽ chán nản, mất tự tin, và thậm chí luôn nghĩ rằng mình là một kẻ thất bại trong suốt phần đời về sau. 

Đại dịch đã khiến mọi người suy nghĩ về một mô hình cạnh tranh tổng thể, mà ở đó những yếu tố như sự đồng cảm, hợp tác, bảo vệ những người yếu thế, đóng góp cho xã hội và một nền y tế công cộng dành cho tất cả mọi người sẽ là những giá trị trung tâm. 

Các trường họ cần phải tự mình thay đổi: họ nên phát huy các giá trị hợp tác và sự đồng cảm trong quá trình dịch bệnh lây lan, và họ nên cân nhắc để giảm thiểu những yếu tố có thể gây căng thẳng cho các em học sinh. 


Đại dịch là thời điểm bộc lộ rõ nhất những bất bình đẳng trong giáo dục. Trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19, trong khi học sinh thành phố có thể học tập trực tuyến thì học sinh ở các khu vực miền núi không có phương tiện để học. Trong ảnh là thầy cô giáo ở Hồng Ca, Trấn Yên, Yên Bái treo bài tập vào các ống nhựa để học sinh lấy mà không phải tiếp xúc. 

Các trường học cần phải dạy về tính đúng đắn của khái niệm “chọn lọc tự nhiên” của Darwin, rằng quy luật này là chính xác, ngoại trừ việc nó bị các chế độ độc tài lợi dụng – đây là những thứ cần phải bị xã hội loài người loại bỏ ngay từ đầu, mà trường học là nơi thích hợp để thực hiện điều đó. 

7. Tri thức là tài sản của nhân loại

Khi đại dịch xảy đến, mọi người dần hiểu được tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nhà khoa học, không chỉ trong nước mà cả quốc tế, và nhiều người đã bị sốc khi biết rằng loại vaccine sắp tới có thể chỉ được dành riêng cho một số quốc gia cụ thể. Thứ hai, sự hợp tác giữa các ngành khác nhau, từ các lĩnh vực khoa học khác nhau, định lượng cũng như định tính, thực nghiệm cũng như lý thuyết, đều rất cần thiết. Thứ ba, tại nhiều quốc gia, dịch vụ y tế công cộng là yếu tố quan trọng quyết định khả năng ứng phó trước đại dịch. 

Vì vậy, có thể nói rằng, trong bối cảnh tư nhân hóa đang thống trị các quốc gia trên thế giới, lợi nhuận được đặt lên hàng đầu, trường học không nên là nơi dạy cho học sinh ích kỷ với những hiểu biết của mình. Ngược lại, trường học phải là nơi đầu tiên dạy cho các em biết rằng, kiến thức là sở hữu chung của loài người, chứ không phải là một thứ tài sản sở hữu, chỉ mang lại lợi nhuận cho số ít. 

8. Nếu không có lương tri, sẽ không thể học hỏi bất cứ điều gì giá trị

Nếu hỏi rằng đâu là bài học mà chúng ta có thể rút ra từ đại dịch, thì có thể nói chưa bao giờ khoa học lại được xem là yếu tố quyết định đến sự sống còn của nhân loại như hiện tại: hằng ngày, người dân ở khắp mọi nơi đều mong chờ kết quả của những thí nghiệm khoa học, bước tiến trong quá trình nghiên cứu vaccine, hoặc tò mò về những công trình mới của các nhà dịch tễ học. Chưa bao giờ khoa học được đề cao đến thế. Chưa bao giờ mọi người cảm nhận được sự liên kết của khoa học với quyết định của các chính trị gia rõ ràng đến thế, cũng như tầm quan trọng của nó trong việc giải đáp các nhu cầu của xã hội, hoặc thúc đẩy lợi nhuận. 

Dường như có một khoảng trống giữa những tiến bộ công nghệ với mong muốn của mọi người về sự tự do: chẳng hạn, liệu có thể chấp nhận được việc truy dấu những người nghi ngờ mắc Covid-19 bằng điện thoại thông minh của họ? Chúng ta có nên đặt ra cho học sinh những câu hỏi này trong những tiết dạy về thuật toán và trí tuệ nhân tạo không? Bất kỳ một tiến bộ khoa học hay nền tảng công nghệ nào cũng đặt ra cho chúng ta câu hỏi về ý nghĩa đạo đức của nó đối với xã hội loài người.  


Nhà trường mang trong mình sứ mệnh giúp trẻ em thực hành tư duy phê phán khi tiếp xúc với khoa học và công nghệ. Ảnh: Học sinh tìm hiểu về corona ở Đắk Nông. Nguồn: Dân trí. 

Còn những chính sách được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến các nhà khoa học thì sao? Chẳng lẽ nó không phải là một tấm gương phản chiếu những gì khoa học đang có, và đồng thời đang đại diện cho tiếng nói của người dân hay sao? Trong xã hội hiện đại của chúng ta, nơi khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng, nhà trường cần đặt ra những vấn đề để học sinh có thể suy ngẫm về vai trò của đạo đức trong khoa học, cũng như giúp các em thực hành tư duy phê phán khi tiếp xúc với khoa học công nghê. 

Ngày nay, nhà trường mang trong mình một sứ mệnh quan trọng: đặt ra cho học sinh câu hỏi về giá trị đạo đức và ý nghĩa thực sự của tri thức. Nhà trường phải có trách nhiệm trước mỗi học sinh với tư cách là một cá nhân, chịu trách nhiệm trước các cộng đồng khác nhau (bao gồm cả cộng đồng quốc gia), chịu trách nhiệm trước Nhân loại, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chịu trách nhiệm trước Hành tinh này. □

Anh Thư dịch
——
*Giáo sư Đại học Paris-Descartes (Pháp)
Nội dung này sẽ được GS Roger-François Gauthier trình bày trong tham luận tại hội thảo Vietnam Education Symposium (VES), ngày 9/6/2020 do AVSE Global và trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đồng tổ chức.

Tác giả

(Visited 23 times, 1 visits today)