Học về sự học

Cá nhân nào cũng phải học và quốc gia nào cũng phải tổ chức dạy và học. Quan niệm về sự học và cách thức học tập khác nhau đã tạo ra nguồn chất lượng con người khác nhau và do đó, tạo ra vị trí của các quốc gia cũng khác nhau.


Trẻ cần được học tranh luận, đóng vai, thuyết trình, biện luận… “học về cách học” chứ không chỉ học kiến thức. Nguồn ảnh: Thanh niên. 

Lẽ thường, khi chúng ta muốn bắt tay khởi sự việc gì, nhất là những việc hệ trọng, thì chúng ta sẽ học về cách để làm điều đó. Chẳng hạn muốn mở một công ty thì cần học về cách thức quản trị, tiếp thị, gọi vốn… Càng học kỹ càng về những điều này, người ta càng có cơ hội thành công. Thế nhưng logic thông thường này lại không được áp dụng cho sự học, nhất là tại Việt Nam như lâu nay, mặc dù sự học là quan trong và mang tính lâu dài đối với cá nhân và xã hội như đã nói. Người lớn cứ chăm bẵm chuyển tải các kiến thức cho trẻ em, bắt các em học, thâu nạp những gì người lớn muốn, mà không lưu ý trang bị cho học sinh các năng lực để các em biết cách học thế nào, sử dụng phương pháp nào, công cụ nào, nguồn lực nào phù hợp với bản thân nhằm tự xây tạo nên “vốn văn hóa” của mình một cách đúng và hiệu quả nhất. Nghĩa là nhà trường chưa quan tâm đủ về việc dạy và học về chính sự học (apprendre à apprendre).

 

Học về sự học là gì?

 

Sự học là bao la, nên cũng có vô số điều đáng nói khi bàn đến việc học thế nào. Người học là duy biệt xét về nhiều mặt1 nên cần khác biệt hóa trong cách thức tổ chức giảng dạy2, và cả trong phương cách học tập. Vậy nên, học về sự học trước hết là học về bản thân: học nhận diện các đặc điểm tâm thể lý, loại hình thông minh nổi trội và tiềm ẩn, cách thâu nhận thông tin… để tìm ra “chân dung học tập” của riêng mình; đó còn là việc học về não bộ, học để tự tin, học cách tập trung, học cách tự chăm sóc cơ thể, học cách giữ cân bằng trong cuộc sống, học cách chống stress, cách bảo vệ mắt, tai và lưng, cách tự bơm thêm động lực. Học về sự học còn là học về cách thức thức tổ chức, học tập thế nào ở trường, ở nhà và ở ngoài xã hội một cách hiệu quả nhất, chẳng hạn học về phương pháp, về những điều cụ thể như học cách đọc, cách viết, cách tra từ điển, cách trình bày, thuyết phục người khác, cách phản biện, cách đặt câu hỏi, cách đặt giả thuyết, cách tra cứu và kiểm chứng thông tin, cách chuẩn bị ba lô đến trường, cách nói chuyện với thầy cô giáo và cha mẹ, cách làm việc nhóm, cách tự chủ, cách nhờ sự hỗ trợ của người khác khi cần, cách thi cử, cách lập kế hoạch trong học tập và cuộc sống … (Xem Giordan, 2016).

Trong chương trình cải giáo dục hiện nay của các nước mà tôi biết như Pháp, Phần Lan và cả Việt Nam, Học về sự học đã được nhấn mạnh rất nhiều. Tôi xin lấy giáo dục Pháp như một ví dụ.

 

Vị trí của học về sự học trong chương trình, nội dung giảng dạy tại Pháp

 

Chương trình cốt lõi mới của giáo dục phổ thông Pháp được áp dụng từ năm học 2017 – 2018 bao gồm năm lĩnh vực, cụ thể:

Lĩnh vực 1: Các ngôn ngữ để tư duy và truyền thông trao đổi với nhau;

Lĩnh vực 2: Các phương pháp và công cụ để học tập (học về sự học);

Lĩnh vực 3: Đào tạo con người và công dân;

Lĩnh vực 4: Các hệ thống tự nhiên và kỹ thuật (các kiến thức và kỹ năng về khoa học tự nhiên và kỹ thuật)

Lĩnh vực 5: Các biểu trưng của thế giới và hoạt động của con người.

Trong 5 lĩnh vực, thì lĩnh vực 2 liên quan đặc biệt đến “học về sự học”. Các kỹ năng liên quan không gói gọn trong một môn học hay một vài chuyên đề mà là một phần nhiệm vụ chính yếu của toàn bộ chương trình, thể hiện bằng những yêu cầu về kỹ năng và được đo lường, đánh giá một cách cụ thể thông qua từng bài học trong tất cả các môn học và các hoạt động học tập.

Dưới đây, tôi xin lấy sách “Lịch sử – Địa lý – Giáo dục đạo đức và công dân lớp 6”, xuất bản năm 2016, đang được sử dụng tại Pháp như một ví dụ để làm rõ hơn cách người Pháp triển khai giáo dục các kỹ năng này cho học sinh của họ một cách cụ thể thế nào.



Tóm tắt chương trình tổng thể Pháp và 1 trang sách giáo khoa môn lịch sử. 

Ngay sau phần giới thiệu về các tác giả (có trên 200 tác giả tham gia và số đông là các giáo viên phổ thông đang trực tiếp giảng dạy, với sự cộng tác của hầu hết tất cả các Phòng giáo dục (academie) địa phương trong nước) là 16 trang giới thiệu về cơ cấu, tóm tắt nội dung, cách tiếp cận, cách thức đánh giá, cách thức sử dụng cuốn sách và phương pháp học dành cho học sinh.

Sách căn dặn học sinh với những điều rất cụ thể chẳng hạn như: – Tớ xem thời khóa biểu và lịch của mình để chuẩn bị ba lô vào tối hôm trước; – Trong ba lô, tớ luôn mang theo hộp đựng đồ dùng học tập, sổ liên lạc, lịch, vở nháp và một số giấy trắng để làm bài kiểm tra …

Sách đề nghị học sinh cần phải làm thế nào khi ở trường và ở nhà, chẳng hạn:  – Tớ nghỉ một chút khi ở trường mới về trước khi làm bài tập; – Tớ học ở những nơi yên tĩnh; – Tớ lấy lịch và hộp đựng đồ dùng học tập ra; – Tớ tắt điện thoại di động, máy tính, truyền hình… (tr. 18).

Xuyên suốt các bài học trong sách có năm hoạt động: tranh luận, đóng vai, thuyết trình, biện luận và thực hiện những chọn lựa và nghiên cứu. Từ khóa chính trong từng trang sách là “compétence” (năng lực, kỹ năng). Các năng lực được chia thành bốn mức khi đánh giá học sinh: mức 1 là chưa đạt; mức 2 là còn yếu; mức 3 là thỏa mãn và mức 4 là đạt.

Nhiệm vụ của mỗi phần, mỗi chương sách là trang bị cho các học sinh một số năng lực cụ thể, đó là các năng lực về làm việc nhóm, các năng lực của nhà nghiên cứu như biết đặt câu hỏi, thiết lập các giả thuyết, kiểm chứng, biện luận, khai thác các tài liệu, xác định thời gian, không gian, viết, trình bày…

Phần cuối của mỗi chương luôn có phần bài tập và phần để các học sinh tự đánh giá một số năng lực của bản thân. Trong các phần luôn có hộp thông tin (box) quan trọng dẫn các em đến các trang web để tải một ứng dụng miễn phí nhằm sử dụng vào việc học hay để làm bài tập, xem một phim tài liệu, một bộ sưu tập của bảo tàng số…

Xin lấy chương (bài) 1 “Khởi đầu của loài người” để trình bày rõ hơn.

Trong bài có các phần:

Trước hết là giới thiệu cách học với những yêu cầu, chỉ dẫn như : chỉ dẫn học sinh truy cập web để xem video tài liệu “Sự phiêu lưu của những con người đầu tiên“, theo dõi các phát hiện mới nhất của những phát hiện mới nhất của các nhà nghiên cứu sinh học cổ và khám phá những sưu tầm mới của bảo tàng về Con Người; một bài trắc nghiệm ngắn để giúp học sinh nhận biết những gì mình có liên quan đến chủ đề ; mục tiêu của bài học và những năng lực mà học sinh sẽ phải đạt được thông qua việc học bài này: năng lực 1: biết và sử dụng được các thuật ngữ thích hợp; năng lực 2: sử dụng được một tài liệu; năng lực 3: làm việc nhóm; và năng lực 4: biết tự định vị trong thời gian. (tr. 24 – 25).

Phần kế tiếp là trình bày những kiến thức nền tảng giúp học sinh làm căn cứ với những hình ảnh, sơ đồ, bản đồ, số liệu, mốc thời gian và một “hồ sơ nghiên cứu” (dossier – enquete). Trong box đầu của phần này, học sinh được yêu cầu nhập vai như thành viên của nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra bộ xương hóa thạch năm 1984 có biệt danh là “Thiếu niên Turkana”. Nhiệm vụ của học sinh là làm việc nhóm để nghiên cứu và trình bày kết quả bằng một bài viết.

Để giúp học sinh làm điều này, trong một box khác, các tác giả sách giáo khoa đem ra những câu hỏi cụ thể chẳng hạn: Cái gì? Ở đâu? Trong tình trạng nào? Trong lớp đất nào? Tương ứng với thời kỳ nào? Học sinh có thể tìm các thông tin trong các mục sau đó như giới thiệu địa điểm khai quật phát hiện ra bộ xương, so sánh với các bộ xương người tiền sử khác, các công cụ lao động đầu tiên của người tiền sử. Sách cũng không quên hướng dẫn các học sinh tải ứng dụng để làm cho bài viết đẹp hơn với yêu cầu trình bày ngắn gọn bằng ngôn ngữ của lớp 6.

Phần cuối bài là một box gút lại với nội dung “Hoan hô! bằng cách thực hiện nghiên cứu này, tớ đã học được: –  làm việc nhóm;  –  tự đặt các câu hỏi và thiết lập cá giả thuyết; – kiểm chứng phương pháp của mình và biện luận”. (tr. 19).

Như vậy có thể thấy, học sinh không bị yêu cầu học thuộc lòng các kiến thức có sẵn để đi thi, mà học để có năng lực, học phương pháp, học cách tư duy và thực hành của các nhà khoa học. Sách dành nhiều nội dung để chuyển tải các kỹ năng liên quan đến học về sự học, từ những công việc đơn giản như chuẩn bị cặp vở thế nào, cho đến công việc của các nhà khoa học như cách viết một bài báo khoa học thế nào. Học xong bài học, điều quan trọng không phải là các em phải nhớ các ngày tháng và những thông tin cụ thể liên quan đến các sự kiện lịch sử, mà biết cách tìm kiếm, thẩm định những thông tin đó, biết công việc của các nhà khảo cổ học, các nhà sử học thế nào. Tức là biết con đường và biết cách sử dụng các công cụ để tìm kiếm và công bố các kiến thức của mình.

 

Chương trình mới của Việt Nam

 

Cũng giống như Pháp và các nước khác, năm 2018, Bộ Giáo dục đã chính thức ban hành Chương trình Giáo dục Phổ thông tổng thể mới theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, theo đó có 5 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần phát triển nơi học sinh. Các năng lực liên quan đến “học về sự học” được thể hiện ở nhiều điểm, đặc biệt trong phần “tự học, tự hoàn thiện”, chẳng hạn như các yêu cầu đối với học sinh cấp trung học cơ sở là:

– Tự đặt được mục tiêu học tập để nỗ lực phấn đấu thực hiện. – Biết lập và thực hiện kế hoạch học tập;  lựa  chọn  được  các  nguồn  tài liệu học tập phù hợp; lưu giữ thông tin  có  chọn  lọc  bằng  ghi  tóm  tắt, bằng bản đồ khái niệm, bảng, các từ khóa;  ghi  chú  bài  giảng  của  giáo viên theo các ý chính.

– Nhận ra và điều chỉnh được những sai sót, hạn chế của bản thân khi được giáo viên, bạn bè góp ý; chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của người khác khi gặp khó khăn trong học tập.


Bộ Giáo dục có thể phân quyền đủ cho các giáo viên sáng tạo trong công việc hằng ngày của họ không? Ảnh: Tập huấn “Giáo dục phát triển năng lực và triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới” của Bộ Giáo dục. Nguồn: MOET.

Trích dẫn trên là những điểm tiến bộ mà chương trình tổng thể mới đã đạt được về mặt lý thuyết. Điều quan trọng là những nội dung này sẽ được triển khai, chuyển tải thế nào trong các bộ sách giáo khoa mới sau này và trong thực hành giáo dục tại các cơ sở.

Điều đáng lo là hệ thống giáo dục của chúng ta lâu nay vận hành trong một cơ chế tập quyền với một chương trình, một bộ sách giáo khoa, thậm chí là một sách giáo án. Các cán bộ quản lý địa phương, các hiệu trưởng và các giáo viên được “bao tiêu” gần như toàn bộ kể cả tư duy. Liệu những con người quen với văn hóa “đồng phục” này có thể thay đổi thực sự trong cách nghĩ và cách làm chỉ qua những khóa bồi dưỡng ngắn hạn? Các trường sư phạm đã và đang đào tạo các giáo viên thế nào, các giáo sư đào tạo các giáo viên “thế hệ mới” liệu có mới thực sự không? Bộ Giáo dục có phân quyền đủ để các giáo viên có thể sáng tạo trong công việc hằng ngày của họ không?

Tập tính tập thể và thói quen cá nhân cũ đã ăn sâu bám rễ từ nhiều năm, sức ì của nó là rất lớn. Tôi sợ rằng quán tính của hệ thống cũ sẽ nghiền nát tất cả các cố gắng đổi mới nếu chúng ta không có cách làm phù hợp.

Tóm lại, làm việc gì, nhất là những việc quan trọng, muốn thành công thì nhất thiết phải học cách làm, học phương pháp làm. Học – dạy lịch sử thì không những học cách thâu nhận các kiến thức lịch sử một cách hiệu quả, mà còn để tập tành cho các em các kỹ năng và khả năng của các nhà sử học: biết nghiên cứu, biết đọc các dữ liệu lịch sử, biết phản biện và tư duy độc lập, biết trình bày bằng văn bản và bằng lời các vấn đề lịch sử.

Nắm bắt phương pháp học là một sự giàu có nơi người học. Khi người học hiểu biết về bản thân, hiểu biết về sự học, nắm chắc cách học, cách nghiên cứu thì họ có thể tự học mọi nơi và suốt đời. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong thời đại thông tin và kỹ thuật số hiện nay, cũng như bản chất duy biệt của từng học sinh.

Không phải ngẫu nhiên mà người trẻ tại các nước phát triển nói chung và Pháp nói riêng thường tỏ ra tự chủ, có chính kiến, biết làm việc nhóm và hợp tác với người khác một cách hiệu quả. Trong khoa học, họ có nhiều phát minh, nhiều công bố quốc tế,… vì tất cả những điều này đã được luyện tập rất kỹ trong chương trình giáo dục phổ thông mà những điều trình bày trên là một minh chứng. □

1 Tác giả đã trình bày trong bài viết “Người học là ai?” đăng trên Tia Sáng (số 13, ngày 5/7/2020).

2 Tác giả đã trình bày trong bài “Khác biệt hóa trong giáo dục” đăng trên Tia Sáng (số 14 ngày 5 /8/2020)

 

Tài liệu tham khảo

Giordan, A. (2016). Học thế nào bây giờ – Chiến lược phát triển bản thân và thành công trong việc học dành cho học sinh cấp 2 (Nguyễn Khánh Trung dịch năm 2017). Hà Nội: Nxb: KHXH.

Blanchard, E., & Mercier, A., và cộng sự. (2016). Histoire – Geographie – Enseignement moral et civique. Lyon: Editeur de manuels scolaires collaboratifs et innovants.

Sahlberg, P. (2015). Bài học Phần Lan 2.0 (Đặng Việt Linh dịch năm 2016).

Bộ Gd & ĐT. (2018). Chương trình giáo dục phổ thông – Chương trình tổng thể.

Bộ GD & ĐT. (2018). Chương trình giáo dục phổ thông – Môn lịch sử.

Cách làm trong đổi mới giáo dục của ta khác với Phần Lan. Người Phần Lan chủ trương đổi mới các trường và khoa sư phạm trước khi đổi mới giáo dục phổ thông của họ rất lâu. Chính những giáo viên thế hệ mới được đào tạo chất lượng này là những chủ thể chính phát động, thúc đẩy, và triển khai các thay đổi (Pasi Sahlberg, 2016), chứ những thay đổi không đến từ trên và các giáo viên phải chạy theo một cách thụ động.

Tác giả

(Visited 123 times, 1 visits today)