Internet với nền giáo dục 2.0

Trong nền giáo dục với sự hỗ trợ mạnh mẽ của internet, mà Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng gọi là nền giáo dục 2.0, cả người dạy và người học đều phải chủ động hơn, và biết tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc.

Đó là những thay đổi quan trọng được nhấn mạnh tại tọa đàm “Internet đã, đang và sẽ thay đổi cách dạy và học như thế nào?” do ĐH FPT, Hiệp hội Internet Việt Nam và tạp chí Tia Sáng đồng tổ chức tại Hà Nội sáng 05/12.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng công nghệ thông tin nói chung và internet nói riêng đã khiến hình thức giáo dục truyền thống trở nên thụ động và lạc hậu. Việc dạy học theo lối giáo viên đọc bài cho học sinh chép đã không còn phù hợp nữa. Người thầy từ vai trò truyền thụ kiến thức sẽ chuyển sang vai trò hướng dẫn cho học sinh cách tìm kiếm và chọn lọc thông tin giữa biển kiến thức trên internet. Theo ông Hoàng Văn Phú, hiệu phó chuyên môn của Trường trung học Chu Văn An, người thầy có thể đặt ra những yêu cầu để buộc học sinh phải phát huy khả năng tự học, khả năng ttìm kiếm trên internet. “Chẳng hạn, học sinh của chúng tôi đã rất quen với những yêu cầu của thầy cô giáo như tìm những câu hỏi thường gặp về một dạng toán nào đó,” ông nói.

Cùng với sự hình thành của các hình thức học tập mới, không gian dạy và học truyền thống cũng bị phá vỡ. Việc học sinh phải lên lớp trực tiếp nghe thầy cô giảng không còn là yêu cầu bắt buộc. Thông qua các học hiệu mở, thư viện mở, học sinh có thể tự nghiên cứu và trang bị kiến thức cho mình về nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho những ai muốn học suốt đời.

Để tận dụng được kho kiến thức trên internet, TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT cho rằng tiếng Anh là một yêu cầu bắt buộc vì hầu hết các tài liệu hiện nay đều bằng tiếng Anh. “Cho đến ngày chúng ta có những công cụ trong mơ giúp dịch tài liệu sang bất kỳ tiếng nào chúng ta muốn thì biết tiếng Anh vẫn là yêu cầu bắt buộc,” ông nói. Ông dẫn ra trường hợp ĐH FPT phải dành năm đầu tiên để xóa vùng trũng tiếng Anh cho sinh viên và đi đến kết luận rằng, nếu hệ thống giáo dục phổ thông làm tốt việc dạy tiếng Anh thì sinh viên sẽ tiết kiệm được thời gian ở bậc đại học.

Thế nhưng, có tới 90% giáo viên Tiếng Anh chưa đạt chuẩn, theo thống kê trình độ của giáo viên tiếng Anh từ tiểu học đến THPT được TS Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD&ĐT), thông tin tại tọa đàm.

Bên cạnh kỹ năng tiếng Anh, theo ông Ngô Trung Việt, chuyên gia CNTT, ngay từ khi trên ghế nhà trường, học sinh cần sớm được các thầy cô giáo hướng dẫn cách làm việc theo nhóm, bởi nếu trước đây nói đến internet là nói đến cơ sở hạ tầng thì ngày nay nói đến internet là nói đến việc hình thành nhóm những người hiểu biết cùng nhau làm việc trong môi trường internet.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)