Kant: Giáo dục là gì?

Lập trường giáo dục của Kant dựa trên nhận định cơ bản sau đây: giáo dục là mệnh lệnh đối với sự phát triển của nhân loại. Chính vì con người có "xu hướng mạnh mẽ hướng đến tự do", nên con người "cần phải làm quen ngay từ tuổi ấu thơ để chấp nhận mệnh lệnh của lý trí".

Ta vừa biết qua bốn câu hỏi cốt lõi của triết học Kant: Tôi có thể biết gì? Tôi phải làm gì? Tôi được phép hy vọng gì? và, sau cùng, theo ông, cả ba câu hỏi quy về câu hỏi thứ tư: Con người là gì? Chưa đi sâu, ta có thể nhận ra rằng câu hỏi thứ tư không nhắm đến những câu trả lời trừu tượng, viển vông, trái lại, là câu hỏi năng động: “Con người chỉ có thể trở thành người thông qua giáo dục. Con người không gì khác hơn là những gì được giáo dục tạo nên.” (Về giáo dục, 1803). “Con người là gì hay vận mệnh của con người ra sao, theo nghĩa đạo đức là thiện hay ác, là do chính con người làm lấy, cả bây giờ và trong quá khứ.” (Tôn giáo trong ranh giới của lý tính đơn thuần, 1793). Vậy, có thể mạnh dạn nói rằng, theo nghĩa thâm sâu nhất, triết học Kant là một triết thuyết giáo dục!

Kant tiếp cận các vấn đề đặt ra trong các câu hỏi nói trên ở cả hai bình diện tư tưởng:

–  Thứ nhất, trong tinh thần phê phán và khai minh, Kant cố làm rõ tiềm năng lẫn giới hạn của lý tính con người. Điều này giải thích sự “khiêm tốn” lạ thường khi Kant cho rằng ta nên vừa lòng với tiềm năng mà kinh nghiệm có thể mang lại cho ta (“những hiện tượng”). Trong tác phẩm trứ danh “Phê phán lý tính thuần túy”, ông biện minh cho điều ấy và chứng minh sự phi lý và bất khả của những “tín điều” xuất phát từ tham vọng muốn dùng “lý tính thuần túy” (vượt khỏi phạm vi kinh nghiệm) hòng xây dựng tri thức “khoa học” về “những vật tự thân” mà ta không tài nào đạt đến được.

–   Nhưng, mặt khác, Kant không muốn trói buộc con người trong phạm vi chật hẹp của kinh nghiệm giác quan, cắt cụt đôi cánh hướng thượng trong tâm hồn phong phú của con người. Ông nhìn nhận những khả thể vô hạn của con người trong kích thước đạo lý và nhân sinh. Đó là kích thước của tự do nội tâm, của hành động luân lý, của đức tin vào cái siêu việt. Tuy nhiên, những đức tin có thể mang lại an vui, hạnh phúc cho con người này tuyệt nhiên không được phép biến thành những “học thuyết” giáo điều để rao giảng, nhồi sọ vì nhầm tưởng rằng có thể “chứng minh” được chúng. Kant cảnh báo rằng, nếu giả sử chúng được chứng minh theo kiểu khoa học thì tự do trí tuệ, tự do lương tâm ắt không còn có lý do tồn tại! Làm sao “chứng minh” được sự tự do khi ta hàng ngày hàng giờ ở trong vòng vây của những định luật tự nhiên tất yếu? Cũng thế, làm sao “chứng minh” được nhân phẩm nếu ta chỉ xem xét con người đơn thuần ở phương diện sinh vật? Thế nhưng hiếm có ai dám phủ nhận tự do và nhân phẩm! Vậy, giải quyết như thế nào? Kant cho rằng ta nên quan niệm con người đồng thời là “công dân” của cả hai thế giới: thế giới khả giác và thế giới siêu cảm giác. Ta không thể và không cần chứng minh, trái lại ta thể nghiệm và sống thật với hai thế giới ấy qua vô vàn ví dụ trong đời sống thường ngày. Không ai “bắt” ta phải cứu người bị nạn không quen biết ngoài sự tự do lương tâm của ta. Không ai có thể ngăn cản ta lên tiếng và phản kháng nếu ta cảm thấy nhân phẩm mình bị xúc phạm hay chà đạp. Quan niệm của Kant là một phiên bản mới của lý thuyết “hai thế giới” vốn quen thuộc trong lịch sử tư tưởng: hoặc mang tính thần học trong các nền tôn giáo lớn, hoặc mang tính huyền học trong nhiều triết thuyết (chẳng hạn nơi Platon và Plotius v.v…). Phiên bản của Kant là mới mẻ, bởi nó không phải là thần học lẫn huyền học mà là triết học, theo nghĩa thế tục, dựa hoàn toàn vào bản tính con người như một sinh vật có lý tính và tự do. Khi Kant viết: “Tôi thấy cần thiết phải dẹp bỏ tri thức để dành chỗ cho lòng tin”, ông không muốn nói gì khác hơn là cần phân định rạch ròi thẩm quyền và phạm vi của “biết” và “tin”, mở đường cho những điều xác tín về đạo lý trong không gian sinh hoạt nhân sinh vô cùng phong phú của con người. Có thể nói, học tập để biết cách làm người “công dân” xứng đáng của hai thế giới là mục tiêu của triết thuyết giáo dục khai minh của Kant.

KANT VÀ “CÁC BÀI GIẢNG VỀ GIÁO DỤC”

Tư tưởng giáo dục của Kant bàng bạc trong những tác phẩm chính yếu của ông (ba quyển Phê phán nổi tiếng) dù chúng không trực tiếp bàn về giáo dục. Những công trình khác cũng rất quan trọng gồm một số những bài viết ngắn mà tiêu biểu là: “Ý niệm về lịch sử phổ quát với mục đích làm công dân thế giới” (1784); “Phỏng đoán về khởi nguyên của lịch sử loài người” (1786); “Trả lời câu hỏi: Khai minh là gì?” (1784) và một số tác phẩm dài hơn: “Hướng đến nền hòa bình vĩnh cửu” (1795); “Nhân học dưới giác độ thực tiễn” (1798) và “Tôn giáo trong ranh giới của lý tính đơn thuần” (1793).

Là giáo sư triết học, ông thỉnh thoảng được yêu cầu phải giảng chuyên đề về triết học giáo dục. Kant đã giảng vào bốn lục cá nguyệt từ 1776/1777, 1780, đến 1783/1784 và 1786/1787. Như ta đã biết, các bài giảng này được môn đệ tập hợp lại, công bố năm 1803 với nhan đề “Về giáo dục học”. Trong khuôn khổ giới hạn, ta sẽ tìm hiểu tư tưởng giáo dục của Kant dựa trên các bài giảng này, xung quanh ba câu hỏi chủ yếu: giáo dục là gì? giáo dục cho ai? và giáo dục như thế nào? Ta sẽ không quên liên hệ ba câu hỏi này với các tác phẩm khác, nếu xét thấy cần thiết để hiểu ông hơn.

Ý NIỆM GIÁO DỤC

Lập trường giáo dục của Kant dựa trên nhận định cơ bản sau đây: giáo dục là mệnh lệnh đối với sự phát triển của nhân loại. Chính vì con người có “xu hướng mạnh mẽ hướng đến tự do”, nên con người “cần phải làm quen ngay từ tuổi ấu thơ để chấp nhận mệnh lệnh của lý trí”. Nếu con người (cá nhân cũng như giống loài) không gì khác hơn là sản phẩm của giáo dục, thì cần nhận rõ rằng “con người luôn được người khác dạy dỗ và bản thân những người này cũng từng được dạy dỗ trước đó”. Vậy, giáo dục có thể được xem như là sự kiện thường nghiệm, diễn ra trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định, nhưng đồng thời, cần được xét theo bề sâu nhân học trong sự liên hệ mật thiết với một “Ý niệm” mang tính quy phạm. “Ý niệm” là thuật ngữ then chốt của triết học Kant, và không có nghĩa gì khác hơn là khái niệm về một sự hoàn hảo mà ta không bao giờ có thể trải nghiệm trọn vẹn được. Ý niệm là ngôi sao Bắc đẩu dẫn đường, đồng thời là đường chân trời chỉ có thể tiệm cận và càng đến gần càng lùi xa.

Do đó, Ý niệm về giáo dục là thước đo cho việc thực hành giáo dục. Chính nó mới là cơ sở cho phép ta tiến hành mọi sự phê bình, đánh giá đối với nền giáo dục nói chung cũng như đối với nhà trường cũng như việc dạy và học. Dù khó thực hiện hoặc chỉ có thể thực hiện từng bước, Ý niệm giáo dục, theo Kant, chính là “việc phát triển tối đa mọi tố chất và tiềm năng thiên phú của con người, vì sự thiện hảo”.

Nền giáo dục thiện hảo là gì và nó nắm giữ chìa khóa bí mật nào cho sự thăng tiến của nhân loại nói chung và cho con người với tư cách “công dân thế giới”?

(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 17, 22.05.2014)

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)