Khắc phục tình trạng “cơm chấm cơm”

 “Khát nhân lực giảng dạy” đang là vấn đề nóng bỏng đối với các trường đại học của nước ta, đặc biệt đối với những trường tư mới được thành lập. Trong nhiều tháng qua, báo chí cả nước liên tiếp đưa tin về vấn đề này. Thống kê cho biết, trong năm học 2007 – 2008 vừa qua cả nước có 38.217 giảng viên ở trình độ đại học nhưng chỉ có 5.643 (chiếm 14,77 %) là có trình độ tiến sỹ.

Các nhà báo hài hước gọi đó là hiện tượng “cơm chấm cơm” (cử nhân dạy cử nhân, thạc sỹ dạy thạc sỹ) và Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng này. Nhiều ý kiến cũng cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn hóa học vị của giảng viên đại học phải từ trình độ tiến sỹ trở lên.

Nhưng thực tế cho thấy, công tác tuyển dụng giảng viên có học vị cao của các trường đại học trên toàn quốc đang gặp rất nhiều khó khăn; cộng thêm việc chảy máu chất xám, giảng viên bỏ nghề ra ngoài làm, dẫn đến thực trạng, nhiều trường tư mới thành lập “lấp liếm” bằng cách mượn tên những người có học vị tiến sỹ hoặc nhiều tiến sỹ “chạy sô” dạy cho 2,3 trường cùng một lúc.

Giải pháp cho vấn đề này, nhiều trường thực hiện chính sách “nâng cao nội lực” bằng cách cử giảng viên đi học ở các bậc cao hơn, cả trong nước lẫn ngoài nước. Lại có trường bố trí việc làm cho cả… vợ hoặc chồng trong trường hợp chồng hoặc vợ người đó có học vị cao… Nhưng cho đến nay, tình hình dường như vẫn chưa được cải thiện.

Mặt khác, chúng ta lại cũng đang kêu gọi các trường đại học “đào tạo sinh viên phục vụ nhu cầu xã hội.”

Như vậy, có thể ngầm hiểu rằng nhiều giảng viên có học vị cao là điều kiện “cần và đủ” cho việc trường đại học có thể đào tạo sinh viên ra trường có khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội.

Nhận định trên hình như chưa thật đúng. Một chuyên gia giáo dục người Singapore, trong bài trả lời phỏng vấn báo Dân trí gần đây đã “gián tiếp” phản bác lại nhận định này khi cho rằng: “Không làm nghề sao dạy được nghề. Muốn giảng dạy báo chí, rõ ràng giáo viên phải đã hoặc đang công tác tại một tòa soạn báo chí, có kinh nghiệm nghề nghiệp trong phỏng vấn, thu thập thông tin, viết bài.” Điều này cũng đúng đối với một số ngành khác như xây dựng, giao thông, thủy lợi, quản trị kinh doanh, kỹ sư tin học…. Một người thầy ít kinh nghiệm lăn lộn trên công trường, thì liệu sẽ dạy được cho sinh viên trở thành những kỹ sư xây dựng, giao thông hay thủy lợi của tương lai? Một người thầy chưa từng làm kinh doanh liệu có thể đào tạo sinh viên trở thành những nhà lãnh đạo doanh nghiệp?

Nhưng thực tế, những người có học vị tiến sỹ thì thường sau đó sẽ tiếp tục đi theo con đường nghiên cứu. Mà đã nghiên cứu thì còn thời gian đâu để cọ xát với thực tế, để có kinh nghiệm nghề nghiệp?

 Đến đây, câu hỏi của chúng ta sẽ là: “Để sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu xã hội, thì đội ngũ giáo viên phải cần điều kiện gì: học vị hay kinh nghiệm thực tế?

 Câu trả lời rất đơn giản: Cần cả 2. Sinh viên cần những người thầy có học vị cao, tức là có khả năng nghiên cứu tốt để trang bị cho những kiến thức cơ bản. Bên cạnh đó, sinh viên cũng rất cần những người thầy có kinh nghiệm thực tế để dạy cho các kỹ năng chuẩn bị cho việc hành nghề sau này.

Như vậy, điều các trường đại học cần làm là phải xây dựng được một chương trình giảng dạy trong đó kết hợp được hài hòa giữa số giờ lên lớp của các thầy giáo có học vị lẫn các thầy giáo có kinh nghiệm thực tế, nhằm đáp ứng được mục tiêu, chiến lược đào tạo của nhà trường.

Nhưng điều này lại nảy sinh một loạt các nghịch lý: Rõ ràng, ai cũng biết, các đại học tiên tiến trên thế giới thì điều bắt buộc đối với giáo sư là phải có học vị tiến sỹ. Hơn nữa, những người có đã kinh nghiệm thực tế, thì làm sao vừa đi dạy lại vừa đi làm ngoài để có thêm kinh nghiệm nghề nghiệp?

Những nghịch lý này sẽ được lý giải dễ dàng, nếu chúng ta xét trên triết lý gắn kết nhà trường với các doanh nghiệp – xu hướng tất yếu của các trường đại học ngày nay. Trong xu hướng đó: những người có học vị cao sẽ có biên chế trong các trường đại học làm công việc nghiên cứu những vấn đề khoa học phát sinh từ mối hợp tác nhà trường – doanh nghiệp đó. Còn các doanh nhân, các kỹ sư làm việc cho các doanh nghiệp sẽ trở thành giáo sư thỉnh giảng, thời vụ tại các trường mà công ty của họ có liên kết; qua đó, họ cũng được hưởng lợi vì có được nguồn nhân lực tương lai từ chính các sinh viên của họ.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)