Khi người lớn học STEM

Trong khuôn viên của hội trường C2 Đại học Bách khoa rộng 625 m2, suốt hai ngày diễn ra Ngày hội STEM, lán trại của mỗi hoạt động luôn ở trong tình trạng “quá tải” mặc dù các em đã đăng kí từ trước. Có những em nhỏ xem đi xem lại Science show (trình diễn khoa học) tới năm lần. Thế nhưng, những gì người lớn học được cũng nhiều không kém gì các em nhỏ.

Giáo dục STEM là gì?

Có thể nói, khái niệm “Giáo dục STEM” còn rất mới mẻ ở Việt Nam và hầu hết phụ huynh tới tham dự ngày hội đều chia sẻ rằng, trước đó, họ chưa từng biết tới khái niệm này bao giờ.

Giáo dục STEM vẫn được giải thích một cách “trừu tượng” rằng, đó là một phương pháp giảng dạy tích hợp bốn môn: Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering), Toán học (Mathematics). Tuy nhiên, mọi người có lẽ chỉ thực sự hiểu về nó khi thấy con mình trực tiếp tham gia các trải nghiệm khoa học trong các lán trại. Có những lán trại mà số người tham gia gấp đôi số người đăng kí do phụ huynh cũng muốn vào… chơi.

Vườn ươm tài năng Talinpa do GS. Ngô Bảo Châu sáng lập có ba lán trại. Trước khi ngày hội diễn ra, các lán trại của vườn ươm là nơi hết chỗ đăng kí chậm nhất nhưng bất ngờ là trong thời gian diễn ra ngày hội, lại có lúc trở thành địa điểm “tụ tập ăn chơi nhảy múa” của mọi người –  theo lời của anh Nguyễn Quốc Khánh, Phó giám đốc Vườn ươm này. Mỗi lán trại về toán chỉ cho phép tối đa 16 người đăng kí nhưng có lúc lên tới 30 người tham gia, trong đó có cả phụ huynh học sinh.

Một trong những hoạt động Toán hấp dẫn nhất là xây cầu Da Vinci bằng cách ghép các thanh gỗ rời có kích thước bằng nhau, không cần đóng đinh, không cần keo dán để xây thành một chiếc cầu cong. Không giới hạn số lượng thanh gỗ được sử dụng, người chơi có thể xây cầu với càng nhiều thanh gỗ càng tốt. Trong quá trình chơi như vậy, người tham gia sẽ tự điều chỉnh độ nghiêng, khoảng cách giữa các thanh gỗ một cách thích hợp để cây cầu vẫn đứng vững khi tiếp tục đưa các thanh gỗ mới vào để tăng độ cong và độ dài của chiếc cầu. Ngoài ra, còn có các trò chơi khác như cờ đẳng thức, trong đó, mỗi quân cờ vua sẽ được dán một ký hiệu toán học (chữ số hoặc các dấu cộng, trừ, nhân, chia), ai tạo một phép tính đúng đầu tiên khi chơi cờ thì sẽ chiến thắng; trò “Hiệp sĩ tắc đường” yêu cầu các em xác định cách đi để “cứu thoát” một chiếc xe ô tô trong tình huống tắc đường; trò sử dụng những tấm giấy hình học để dán thành bức tranh… “Người ta lại tưởng lán trại Toán là xưởng nghệ thuật, “tí toáy” hay gì đó” – anh Khánh nói. Có trường hợp, bố mẹ và các con cùng ngồi chơi với nhau suốt từ trưa đến chiều trong lán của Toán.

Anh Khánh kể lại, hoạt động Toán “hot” tới mức, sau khi Vườn ươm tài năng Talinpa đăng ảnh các hoạt động lên Facebook, GS. Phùng Hồ Hải và PGS. Phan Thị Hà Dương nhắn tin cho anh lúc 12h đêm ngày 16/5 để xin vé đưa con tham dự vào hôm sau.

Ví dụ về trại Toán ở trên là cách thức giáo dục STEM. Thực ra, giáo dục STEM không xa lạ như người ta vẫn tưởng, thậm chí lại còn quen thuộc. Đó là cách “học qua hành”, học qua các ví dụ, qua các trò chơi mà các em sẽ phải kết hợp kiến thức của nhiều môn với nhau. Chị Thu Hương, đồng sáng lập Học viện Sáng tạo S3, trong buổi trò chuyện về giáo dục STEM cho trẻ em đã chia sẻ rằng, mặc dù khái niệm STEM mới có cách đây khoảng một thập kỷ nhưng phương pháp giáo dục STEM đã hình thành từ cách đây 100 năm dưới hình thức của giáo dục Steiner – một chương trình giáo dục được khởi xướng bởi Wardolf Steiner và hiện nay đang được áp dụng ở hàng nghìn trường phổ thông toàn thế giới và triết lí giáo dục có rất nhiều điểm tương đồng với giáo dục Phần Lan: Học sinh nỗ lực và cố gắng vì sự đam mê, vì niềm vui chứ không phải vì sự cạnh tranh. Và niềm vui đó được tạo ra bằng cách dạy liên môn, chẳng hạn như dạy Toán thông qua Âm nhạc và Hội họa. Theo chương trình giáo dục Steiner các em học hoàn toàn bằng thực hành qua những dự án trong từng môn học, các em phải vận dụng lí thuyết để tạo ra sản phẩm.


Tự dạy STEM

Bên cạnh những hoạt động diễn ra sôi nổi ở trong hội trường còn có diễn đàn STEM dành riêng cho phụ huynh tham dự. Tham gia thuyết trình là các nhà khoa học, giáo viên và những người khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực KH&CN. Nội dung của diễn đàn khá đa dạng nhưng rồi lại luôn quay  trở lại với những câu hỏi về việc dạy và học STEM và các diễn giả, nhiều khi trao đổi với khán giả như giữa những ông bố, bà mẹ với nhau.

Trong buổi đầu tiên của Ngày hội STEM, một phụ nữ đã thành thực chia sẻ với GS. Pierre Darriulat rằng, con chị mới 10 tuổi và tỏ ra rất có năng khiếu về khoa học. Nếu sau này cháu muốn theo đuổi công việc nghiên cứu, liệu gia đình có nên cố gắng cho cháu đi du học hay không?  Bản thân chị không tin vào nền giáo dục của Việt Nam nhưng gia đình chị không giàu có. GS. Pierre cho rằng, thực ra đại học trong nước có thể đào tạo một cách hiệu quả. Ông đã chứng kiến nhiều gia đình dành rất nhiều tiền cho con đi học nước ngoài với hi vọng con mình sau khi tốt nghiệp có thể thành công để rồi vỡ mộng, đáng buồn hơn là con họ học những ngành mà Việt Nam chưa cần. Bản chất của việc học nằm ở đam mê và lòng quyết tâm và nếu có hai điều đó thì dù ở đâu cũng có thể học tốt, nhất là hiện giờ đã có sự trợ giúp của internet.

Nhiều phụ huynh tới Ngày hội STEM với nỗi hoang mang rằng, những gì mà trẻ con cần ngày càng đa dạng và phức tạp mà khả năng của họ khó lòng theo kịp. Có người khi biết về ngày hội thậm chí đã tìm hiểu trước về STEM trên thế giới để hỏi diễn giả rằng, làm thế nào để dạy trẻ em lập trình khi cha mẹ không biết, đa số các trường tiểu học thì không dạy trong khi trên thế giới, trẻ em được khuyến khích lập trình từ khi dưới 10 tuổi ? Câu hỏi của phụ huynh này được trả lời bằng bài phát biểu của anh Trần Tuấn Anh, trưởng văn phòng đại diện phía Nam của DTT về “lập trình không cần máy tính”. Gọi tám khán giả lên cầm tám tờ giấy có đánh số từ 1-8, anh đố những người ở dưới (không hề biết ai cầm số nào) tìm được số lớn nhất bằng cách cho hai người bất kì so sánh các số mình cầm với nhau. Đó vừa là trò chơi nhưng cũng vừa là bài tập luyện tư duy máy tính. Bên cạnh đó, theo anh Thế Trung các trường Đại học như MIT và Carnegie Melon cũng phát triển những ngôn ngữ lập trình miễn phí, trực quan dành cho trẻ em tự học như ngôn ngữ lập trình Scratch và Alice (Một trong những lán trại đông nhất tại ngày hội là Computer Science với hơn 40 người mỗi lượt, thậm chí có em không đăng kí cũng vẫn vào chơi vào buổi trưa để làm phim hoạt hình bằng ngôn ngữ lập trình này).


Xã hội hóa STEM

Anh Thế Trung, người đã triển khai chương trình Robotics ở 20 trường tiểu học và trung học cơ sở trên toàn quốc cho biết: “Chỉ cần đầu tư 1.000 đồng cho mỗi em học sinh thì đã mất 15 tỉ để đầu tư cho giáo dục cả nước. Vì vậy khó có thể trông đợi sự phổ cập của Bộ Giáo dục. Chúng tôi nghĩ phương thức giáo dục STEM phải được làm từ dưới lên với sự đồng hành của những người tâm huyết với giáo dục STEM”.  Giáo dục STEM có thể bắt đầu từ bây giờ ở mỗi trường phổ thông với sự đóng góp từ phía phụ huynh, trước hết bằng cách thành lập các tủ sách khoa học và câu lạc bộ khoa học ở mỗi trường để các em có thể mượn sách về và chia sẻ kiến thức với bạn bè, vận dụng chúng để làm những dự án thực tế như làm tên lửa, máy bay bằng vật liệu tái chế. Trên thực tế, chương trình Sách hóa Nông thôn và nhà sách Long Minh đã từng thiết lập một hệ thống gồm khoảng 3000* tủ sách tại các trường tiểu học và trung học cơ sở tại huyện Thái Thụy, Thái Bình do phụ huynh đóng góp khoảng 50.000/người/năm và sắp tới sẽ được triển khai ở Nam Định.

Tương tự như vậy, Ngày hội STEM cũng không nên chỉ dành cho 2.000 trẻ em mà cần phải lan đến 15 triệu học sinh trên cả nước. Vì vậy theo Ban tổ chức, những kinh nghiệm xây dựng Ngày hội STEM lần thứ nhất tại Hà Nội sẽ được tài liệu hóa và công khai trên mạng để tất cả mọi người đều có thể vào đọc và các trường phổ thông và địa phương đều có thể tự thực hiện với quy mô tùy thuộc vào điều kiện của mình.

*Chỉnh sửa lại so với bản in Tạp chí Tia Sáng ra vào ngày 20/5 là “hơn 1000”

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)