Khơi dòng cảm xúc

So với trước đây, trẻ em ngày nay được quan tâm và đầu tư nhiều hơn bao giờ hết, cả về vật chất lẫn tinh thần. Vậy vì sao con em chúng ta vẫn nghèo nàn về cảm xúc?

Cháu tôi năm nay vừa học xong lớp 4 chuẩn bị lên lớp 5, được xếp hạng học sinh giỏi, tính tình ngoan hiền. Thế nhưng có vài lần tôi bắt gặp cháu cắn bút khóc vì không làm được bài tập làm văn cô giao về nhà. Những đề văn khá đơn giản như mô tả một con vật yêu thích khi đi xem vườn bách thú, hay tả lại cánh đồng lúa chín khi được về quê, nhưng cháu tôi hoàn toàn bất lực trước trang giấy trắng và không biết phải bắt đầu từ đâu. Văn chương phải bắt đầu từ cảm xúc, nhưng không ai khơi nguồn cảm xúc cho cháu tôi.

Điều này tưởng như là nghịch lý, khi mà vấn đề giáo dục trẻ em luôn được xã hội và các gia đình quan tâm hàng đầu. Sau nhiều lần đổi mới, cải cách, những cuốn sách giáo khoa môn văn ngày nay đã chứa đựng nhiều đề tài phong phú, có mục đích giúp học sinh tích lũy kiến thức toàn diện về gia đình, bạn bè, nhà trường, và xã hội, với những nội dung về giáo dục đức tính cao thượng, trung thực, dũng cảm, và yêu thương. Một số chương trình tiểu học còn cho xen kẽ cả những bài tập kể chuyện, đóng vai, giúp tăng tính sinh động cho các bài giảng và giúp trẻ em dễ tiếp cận, hóa thân vào trong nội dung bài giảng.

Bên cạnh đó, sự phát triển về kinh tế và công nghệ đã tạo ra những kênh thông tin phong phú mới mẻ. Ngày nay trẻ em không còn bị giới hạn trong những không gian bó hẹp như trước đây. Ở nhà hằng ngày các em thường xuyên được tiếp xúc với những nội dung giải trí phong phú qua truyền hình, internet, sách báo. Chưa kể có những gia đình có điều kiện, cứ vài tuần lại một lần tổ chức đi dã ngoại, giúp con mình sớm được khám phá, thăm thú những di tích, thắng cảnh, thậm chí được đi chơi xa sang tận nước ngoài.

Tuy nhiên, tất cả những điều kiện ưu đãi, thuận lợi ấy dường như không giúp con em của chúng ta tăng tiến được thêm nhiều về cảm xúc. Không hiếm tình trạng trẻ em cấp tiểu học chán học văn, hoặc cảm thấy khó khăn chật vật khi phải đặt bút viết văn. Sản phẩm của các em làm ra, một phần không nhỏ là những bài văn nghèo về ý, gượng gạo hoặc sáo mòn về cảm xúc. Đây là điều mà những bậc cha mẹ và các nhà giáo dục cần phải quan tâm suy nghĩ.

Sách giáo khoa và thầy cô giáo 

Nội dung sách giáo khoa môn văn cấp tiểu học ở Việt Nam có thể nói là đa dạng, phong phú, nhưng quá đầy. Điều này gây khó khăn cho chính các thày cô giáo. Nên chăng, những người soạn sách giản lược đi, chỉ để lại những gì là tối thiểu. Như vậy sẽ giúp học sinh và các thày cô cùng lắng sâu hơn những gì là cốt lõi nhất.

Rất nhiều các tiết hướng dẫn viết văn ở cấp tiểu học hiện nay bắt đầu bằng việc giáo viên cho học sinh đọc bài văn mẫu và hướng dẫn về phân đoạn, sau đó là phần nội dung ghi nhớ với mục đích giúp học sinh nắm bắt được một số yếu tố chính hoặc cách thức cơ bản xây dựng đoạn văn, và cuối cùng là phần luyện tập với yêu cầu học sinh tự mình xây dựng một đoạn văn hoặc một bài văn.

Một tiết học với những cấu phần như vậy thoạt nghe có vẻ hợp lý nhưng thực ra là quá ôm đồm. Để kịp tiến độ, nhiều khi dạy tới phần ghi nhớ các giáo viên đơn thuần chỉ đọc cho học sinh chép, và vội vàng giao bài luyện tập về nhà mà rất hạn chế trong việc kích thích các em tự rút ra những cảm nhận của riêng mình. Hậu quả là, hết tuần này sang tuần khác, lớp học cứ trải qua cùng một kịch bản, học sinh đọc đoạn văn mẫu, phát biểu nhận xét, rồi lại cô đọc trò chép, nhưng rút cục đa số học sinh vẫn không thể tự mình viết văn một cách đúng nghĩa. Có thể một số em khá giỏi học được cách cắt ghép những đoạn văn mẫu của người khác, xào xáo trên cảm xúc của người khác, mà không hề khơi thông được nguồn cảm xúc của chính mình. 

Tâm hồn của trẻ vốn vô cùng phong phú, và sẽ là một sự sai lầm tai hại nếu người lớn không tích cực tương tác để khơi dậy cảm xúc, những hạt mầm tốt đẹp trong các em.

Nên chăng, thay vì chạy theo các nội dung giảng dạy mang tính rập khuôn liên tục chạy theo giáo trình như vậy, các thày cô giảng chậm lại để chú trọng vào việc khơi gợi những cảm nghĩ riêng của trẻ em. Thay vì lệ thuộc vào những bài văn mẫu trong sách, các em nên được đọc bài của nhau, tự nhận xét về bài của bạn cũng như bài của mình.

Nhưng để làm được như vậy, yêu cầu đặt ra cho các thày cô là phải thật sự tôn trọng, hòa đồng với học sinh, nhưng vẫn phải tỉnh táo để đạt được mục đích giáo dục đề ra. Thay vì quan sát, tưởng tượng, trình bày hộ học trò, họ phải kiên nhẫn khơi gợi để các em tự quan sát, tự cảm nhận. Tất nhiên, để khơi nguồn cảm xúc, ban đầu giáo viên phải bắt đầu từ việc kích thích các em khá, giỏi trước khi tiếp nối đến tất cả các em khác. Mấu chốt là không để ai đứng ngoài cuộc, tất cả đều phải làm việc, phải có sản phẩm đầu ra là những cảm nghĩ của riêng mình. Trong quá trình cùng làm việc ấy, trí tưởng tượng của các em sẽ vừa kích thích lẫn nhau, vừa có tính điều chỉnh để đạt được những mẫu số chung về tính nhân văn, giúp cảm nhận của từng cá nhân được vun đắp và bồi bổ.

Vai trò quan trọng của gia đình

Tất cả những điều con người làm ra, tốt hay xấu phần nhiều xuất phát từ thái độ và tình cảm. Xã hội chỉ có thể phát triển đi lên đúng nghĩa nếu trẻ em ngay từ tấm bé, đã được gia đình và cộng đồng hun đúc những tình cảm chân thành, không gượng ép, ẩn chứa trong những sản phẩm hằng ngày của các em.

Những bậc cha mẹ ngày nay có nhiều điều kiện vật chất hơn xưa, có thể cho con rất nhiều, cả về vật chất, tiền bạc, kể cả thời gian. Nhiều phụ huynh có thể mua cho con những đồ chơi đắt tiền, và không hiếm những ông bố, bà mẹ dành thời gian ngồi học giải bài tập với con. Họ đều mong muốn cho con hạnh phúc, được hưởng một cuộc sống tốt đẹp nhất. Nhưng ngay bản thân họ cũng chưa thật thấu hiểu về hạnh phúc. Các bậc cha mẹ chỉ cố gắng thỏa mãn những nhu cầu nhất thời bề ngoài, mà không biết khơi dậy ý thức tự chủ và chia sẻ những khao khát vươn lên trong cuộc sống của các em. Vậy nên, rất ít người kiên nhẫn cùng con tập thể dục, cùng làm việc nhà, và đánh giá, động viên những sản phẩm nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng của các em.

Khái niệm sản phẩm ở đây không nhất thiết cứ phải gắn với điểm số bài vở trên lớp hay những công việc phụ giúp gia đình của trẻ. Sản phẩm ở đây có thể đơn thuần là những suy nghĩ và tình cảm dành cho người thân và gia đình trong cuộc sống hằng ngày. Sự tương tác của người lớn là rất cần thiết. Thay vì chỉ ôm ấp, vỗ về, hãy đặt cho trẻ những câu hỏi về mọi con người và sự vật xung quanh để kích thích cảm nhận. Tâm hồn của trẻ vốn vô cùng phong phú, và sẽ là một sự sai lầm tai hại nếu người lớn không tích cực tương tác để khơi dậy cảm xúc, những hạt mầm tốt đẹp trong các em. Ví dụ như ngày nay không ít trẻ em được tạo điều kiện đi chơi xa, khám phá các miền đất nước, những làng nghề, những di tích lịch sử, nhưng thật lãng phí nếu trong những sinh hoạt ấy, người lớn không tương tác, khơi gợi lên những suy nghĩ, xúc cảm, khiến tâm trí của trẻ chẳng đọng lại được điều gì đặc biệt đáng nhớ. Kết quả là khi về, ta hỏi rằng cháu có thích không, trẻ bảo rất thích, nhưng khi hỏi thích gì nhất, thích như thế nào thì đứa trẻ chịu không nói được. Đó chính là hậu quả của sự thụ động trong tâm trí trẻ xuyên suốt chuyến đi, và lẽ ra các bậc cha mẹ hoàn toàn có khả năng thay đổi điều này. Ví dụ như trong những chuyến đi tắm biển, thay vì chuẩn bị hết mọi thứ cho con từ quần áo, giày dép, đến các đồ chơi, vật dụng (có bậc cha mẹ đi tắm biển thì chuẩn bị cả kính lặn, mũ lặn) hãy yêu cầu các con tự chuẩn bị. Hãy cùng con cảm nhận thế giới, yêu cầu và lắng nghe con tả lại về những con người và sự vật, cảnh mặt trời mọc trên biển buổi sáng, cảnh trăng lên trên biển, lúc vắng vẻ hay đông vui. Những điều nhỏ bé ấy chắc chắn sẽ khiến con họ giàu có và mạnh mẽ hơn rất nhiều trong tâm hồn.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)