Không thay đổi cách làm giáo dục, trường học sẽ thành “chợ”

Cách chia thành trường “điểm”, trường “chất lượng cao”, trường “chuyên” sẽ làm đảo lộn những giá trị giáo dục truyền thống. Trường học sẽ trở thành “chợ” mà ở đó ai có nhiều tiền thì có nhiều quyền lợi.

Với tựa đề “Nghịch lý trường mầm non”, báo Tuổi Trẻ ngày 18-3 nhận định có một nghịch lý đang diễn ra tại các trường mầm non (MN) trên địa bàn TP.HCM từ nhiều năm nay: học sinh con nhà khá giả vẫn nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, còn học sinh con nhà nghèo phải tự lực cánh sinh.

Báo này dẫn chứng tại quận Gò Vấp, ngôi trường được nhiều phụ huynh tín nhiệm là Trường MN Hồng Nhung – trường đạt chuẩn quốc gia với sân chơi, phòng ốc rộng rãi, thoáng mát, đa số giáo viên đều đạt giáo viên giỏi. Nhưng mỗi tháng phụ huynh Trường Hồng Nhung chỉ phải đóng 800.000 đồng/HS, bao gồm tất cả các khoản: học phí, vệ sinh phí, tiền ăn, tiền bán trú… Trong khi đó, trên cùng địa bàn quận Gò Vấp, một số nhóm trẻ gia đình cũng thu 800.000 đồng/tháng/HS nhưng chất lượng chăm sóc, nuôi dạy thì ngược lại: phòng học chật chội, nóng bức, thiếu đồ dùng, đồ chơi, người chăm sóc trẻ chưa đạt trình độ trung cấp sư phạm MN. Cũng theo bài báo, tình trạng trên không chỉ xảy ra ở quận Gò Vấp mà ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.

Bài báo đặt câu hỏi “ai sẽ được học ở những ngôi trường lý tưởng như các trường trên?” và trả lời hiện chưa có cơ quan, ban ngành nào làm khảo sát cụ thể, nhưng chỉ cần dạo một vòng vào giờ tan học tại các trường trên cũng thấy không ít phụ huynh đi xe hơi nối đuôi nhau đưa đón con em mình đi học. Trong một buổi làm việc với HĐND TP.HCM, Ths Nguyễn Thị Kim Thanh – trưởng Phòng GD mầm non (Sở GD-ĐT TP.HCM) – cũng nhắc đến vấn đề này: “Phần đông học sinh học ở trường MN đạt chuẩn quốc gia, trường tiên tiến cấp TP đều thuộc diện gia đình khấm khá. Còn HS ở các nhóm trẻ gia đình rất khổ, đa số là con em nhân dân lao động”.

Thật ra, tình trạng “trường tốt dành cho con em nhà giàu, trường xấu cho con em nhà nghèo” đã được nhiều nhà giáo dục chỉ ra cả chục năm nay rồi. Lúc sinh thời, GS Dương Thiệu Tống đã rất nhiều lần chống lại cách làm giáo dục hiện nay nhưng hầu như chẳng quan chức giáo dục nào nghe. Ông phản đối cách chia thành trường “điểm”, trường “chất lượng cao”, trường “chuyên”. Ông nói đó là cách làm nguy hiểm, dẫn tới làm đảo lộn những giá trị giáo dục truyền thống. Trường học sẽ trở thành “chợ” mà ở đó ai có nhiều tiền thì có nhiều quyền lợi. Ông dẫn ra ở Liên Xô (cũ) nhiều trường học của nhà nước trở thành phục vụ cho giới nhà giàu, quan chức cấp cao vì phụ thuộc vào mức mà họ “đóng góp” nhiều hơn. Còn con em nhà nghèo, của giới thợ thuyền đành chấp nhận học ở những trường không được tốt về cơ sở vật chất, phương tiện dạy học.

Cách làm giáo dục như vậy đã phá vỡ mục tiêu công bằng trong giáo dục. Trẻ em, đáng lý được hưởng một chất lượng giáo dục như nhau, thì nay phải chịu sự đối xử bất công của người lớn. Thử hỏi các thế hệ mà về sau sẽ trở thành người chủ tương lai của đất nước nghĩ gì, sẽ đáp lại quá khứ của mình như thế nào, hay sự bất công sẽ tiếp tục bất công?

Nhưng vì sao một cách làm giáo dục… phản giáo dục như vậy vẫn cứ tồn tại, thậm chí liên tục phát triển? Có thể nhận ra vì nó dính tới đặc quyền, đặc lợi của các quan chức trong ngành giáo dục. Trong điều kiện thu nhập còn khiêm tốn, họ quyết duy trì những “giá trị” này để tạo thế “cân bằng” với những ngành khác vốn cũng đầy rẫy đặc quyền, đặc lợi còn nhiều hơn cả ngành giáo dục. Tất nhiên, người lãnh đạo cao hơn của ngành giáo dục, của địa phương quản lý có thấy nhưng không dại gì “chọc vào tổ kiến lửa”. Vả lại, ngay bản thân và con em họ cũng đã hưởng được các đặc quyền, đặc lợi đó rồi. Thay đổi để làm gì?

Cuối cùng, vẫn chỉ con em dân nghèo thua thiệt!

Giáo dục phải được cung cấp đồng đều cho mọi trẻ em, không phân biệt giàu nghèo, thành thị hay nông thôn với giá rẻ nhất có thể hoặc miễn phí. Bởi vì có như vậy mọi trẻ em mới được đến trường một cách bình đẳng. Đó là nền giáo dục của dân, do dân và vì dân.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)