Không tiếc khi trở về dù đối mặt nhiều rào cản

Là một trong những chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu trong lĩnh vực hàng không thế giới, GS Dương Nguyên Vũ chọn về nước làm việc khi đang ở thời kì khoa học sung sức của mình. Ông tham gia thành lập viện nghiên cứu John Von Neumann (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) theo mô hình các trung tâm xuất sắc thế giới, hòng mong tạo đột phá góp phần cho nghiên cứu khoa học Việt Nam. Nhưng trên con đường thực hiện mục tiêu đó, ông gặp phải quá nhiều rào cản.  

Đến gặp GS Dương Nguyên Vũ, giám đốc viện John Von Neumann (JVN), vẫn nụ cười thật trẻ thơ, vẫn hai tay đút túi quần jeans mang dáng dấp trẻ trung, giọng nói ấm, sự điềm đạm, thông minh trong lối trò chuyện, và tư duy logic, nhưng lần này còn là cả một sự mệt mỏi chùng nặng khó giấu.

GS Vũ cười bảo, làm việc ở Việt Nam mệt mỏi là thường. Mệt mỏi không phải đến từ chất xám mình tiêu dùng mà do những cái “rất kì” làm mình bực mình. Những cú thay đổi công việc liên tục vào giờ chót làm ông phải đối phó với nó, kế hoạch bị vỡ, chất lượng công việc đi xuống. Nhưng đó chưa phải là tất cả…

Dùng tri thức khoa học ứng dụng vào thực tiễn

Là một trong những chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) đầu ngành trong lĩnh vực hàng không thế giới, GS Dương Nguyên Vũ được biết đến nhiều nhất với ứng dụng toán tối ưu trong dự đoán và điều tiết lịch trình bay và công trình về đường bay tự kiểm soát, tạo ra bứt phá trong ngành hàng không. Với quản lý bay tự động trong những vùng không kiểm soát không lưu hoặc kiểm soát không lưu ít, thì hiện tất cả các máy bay bay vào khu vực châu Âu đều buộc phải có công cụ hệ thống hỗ trợ sự cách ly giữa các máy bay trên không phận. Sau thành quả này, GS Vũ tiếp tục có những tham gia đóng góp lớn vào các quản lý bay không cần không phận, không cần kiểm soát qua các vùng kiểm soát, những hệ thống tối ưu hóa cho các luồng bay, giảm vấn đề nhiên liệu, âm thanh, môi trường, thời gian…

Đang ở thời kì khoa học sung sức như vậy, thì năm 2010, GS Vũ quyết định về Việt Nam, thành lập viện John von Neumann (JVN), với các lĩnh vực toán ứng dụng, khoa học hệ thống, khoa học tri thức và khoa học thông tin, theo mô hình các trung tâm xuất sắc trên thế giới (COE – Center of Excellence). Đây là mô hình nhằm vào cải cách đại học qua việc hỗ trợ có định hướng, tạo ra các cơ sở nghiên cứu và đào tạo đạt đẳng cấp quốc tế bên trong các trường đại học; đào tạo sau đại học, hợp tác nghiên cứu khoa học (NCKH) với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước… GS Vũ chia sẻ, ông mong muốn tạo được một môi trường nghiên cứu khoa học cách tân, không nặng nề về cấu trúc hành chính, tự chủ về tài chính, tự trị về quản lý và tự do về học thuật.

Để làm được điều đó, ngoài thu hút được nhiều nhà khoa học giỏi trong và ngoài nước cùng chung sức, GS Dương Nguyên Vũ đi theo hướng: dùng tri thức khoa học để thực tiễn hóa mô hình hợp tác giữa viện, trường đại học với doanh nghiệp! Theo đó, viện JVN tập trung vào hướng tư vấn, đào tạo, hợp tác với doanh nghiệp qua các dự án, để cho ra những công cụ (mẫu, ý tưởng, phương pháp, quy trình,…) giúp doanh nghiệp làm sản phẩm tốt hơn, hoặc làm ra sản phẩm mới, giúp doanh nghiệp tăng tiềm năng cạnh tranh trên thị trường.

Sau bốn năm hoạt động, hiện viện đã bắt đầu có doanh nghiệp chủ động tìm đến hợp tác, thay vì phải hoàn toàn đi tìm và thuyết phục họ như trước. Nhưng thứ mà JVN làm được là xây dựng một môi trường làm việc khoa học! Đến nay viện đã thu hút được 40 SV cao học, năm nghiên cứu sinh, 10 giảng viên cơ hữu và hơn 20 giảng viên ở nước ngoài. SV được tuyển vào học được giảm từ 25-100% học phí, học và nghiên cứu với nhiều nhà khoa học Việt giỏi trong ngoài nước, có thể kể như: GS.TS Vũ Hà Văn (GS toán học của ĐH Yale – Mỹ, từng đoạt các giải thưởng George Polya, NSF Career, Fulkerson), GS.TS Phạm Xuân Huyên (GS về toán kinh tế – ĐH Paris 7), GS.TS Hồ Tú Bảo (Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ Nhật Bản), TS Trần Minh Triết (giải thưởng Quả cầu vàng về công nghệ thông tin 2009),…

NCKH không phải là làm ra sản phẩm

Xã hội hiện vẫn còn suy nghĩ NCKH, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai nghĩa là làm ra sản phẩm, thay vì làm ra tri thức. Vì vậy người làm NCKH ở Việt Nam chưa được coi trọng, còn người làm ra sản phẩm đem bán ngoài chợ được coi trọng hơn nhiều. Nhà nước không đầu tư cho NCKH nhiều bằng đầu tư cho những trung tâm, viện làm ra sản phẩm, đồng thời không hề tiến hành đánh giá để biết những sản phẩm ấy cho đến nay liệu đã thực sự đóng góp được những gì cho xã hội? Tất nhiên cần có sự phân chia mục tiêu ngắn – dài hạn phù hợp, nhưng nếu cứ tiếp tục theo con đường này, đất nước sẽ không thể có một nền NCKH mạnh. Một quốc gia không có NCKH như một căn nhà có những đứa con không được đi học, chúng chỉ làm việc tay chân. Muốn một quốc gia có khoa học thì cần nuôi dưỡng những đứa con để nó làm ra tri thức mới”. – GS Dương Nguyên Vũ.

Viện đã đạt được mong muốn đặt ra ban đầu? GS Vũ nhìn nhận: Chưa, chỉ mới đạt 1/3, gồm cả mục tiêu nguồn tài chính cho trả lương, học bổng, và chưa có kết quả nghiên cứu khoa học nào để kể. Đối với GS Dương Nguyên Vũ, bốn năm về làm ở Việt Nam là những trải nghiệm thực tế không cho phép mình chùn bước, và… khó lường hết được! Ông đau đáu: hiện có quá nhiều rào cản lớn trong làm khoa học hiện nay ở nước nhà…

Vấn đề tài chính và con người

Chia sẻ khó khăn cũng là rào cản trong NCKH hiện nay mà viện JVN vẫn đang phải đối mặt là tài chính, GS Vũ nhận định, cả hai nguồn tài chính, từ doanh nghiệp lẫn Nhà nước đều đang “có vấn đề”!

Ông phân tích, thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp vẫn dựa vào mối quan hệ, hoặc bởi tính độc quyền của một số doanh nghiệp trên thị trường khiến cả hai nhóm này đều không hoặc chưa cần đến đổi mới sáng tạo, vì họ không bị cạnh tranh. Nguyên nhân khác, văn hóa các trường, viện ở Việt Nam từ lâu chỉ đào tạo, không NCKH, nên doanh nghiệp cũng không biết các trường, viện nghiên cứu có thể làm được gì cho họ, hay chỉ nói lí thuyết, cái trên mây. Vì vậy, các doanh nghiệp thường không làm việc với các trường đại học, viện nghiên cứu. “

JVN cần một nguồn thu ổn định, có mức lương đàng hoàng để người nghiên cứu có thể tập trung làm ra chất lượng, từ đó nó giúp lại mình làm việc được với doanh nghiệp, rồi tạo ra thu nhập”, GS Vũ giải thích. Ông nói, vòng xoay con gà – quả trứng này khi đã xoay được, tất nó sẽ xoay lên. Nhưng tiếc rằng, bốn năm nay, nó xoay rất chậm, đẩy thì nó xoay, không thì ngưng. Trong khi đó, doanh nghiệp thường cần những cái trước mắt chứ không phải cái đi đầu của 5-10 năm nữa như NCKH. Nên với GS Vũ, JVN rất cần thêm nguồn từ Nhà nước.

Nhưng với ngân sách nhà nước ở nước ta, quy chế quản lý tài chính dù đã được đổi mới nhưng vẫn còn rất phức tạp so với quốc tế, lại không có sự tách biệt giữa vai trò quản trị dự án và vai trò làm nghiên cứu, đã không chỉ hạn chế năng lực sáng tạo của những người làm khoa học, mà nhiều khi còn buộc họ phải lựa chọn: hoặc là làm ra sản phẩm khoa học nhưng đi trái quy trình tài chính, hoặc là làm theo quy trình tài chính để có tiền nhưng không mang lại sản phẩm khoa học đúng nghĩa. “Lựa chọn thứ hai là cái hiện nay đa số mọi người đang làm, nhưng trong khoa học có một số điểm mấu chốt không bao giờ có thể thay đổi, đó là trước một lựa chọn dễ dẫn tới sự sai lệch so với chuẩn mực và đạo đức khoa học, chúng ta phải từ chối nó!”, GS Vũ tâm tư.

Chính vì vậy, lựa chọn của GS Vũ là đi tìm các nguồn tài chính khác từ hợp tác với doanh nghiệp. Ông chấp nhận phải làm việc rất vất vả và bản thân không còn thời gian để nghiên cứu. Từ lúc JVN thành lập, thời gian nghiên cứu của ông còn rất ít, chỉ có nửa buổi đến một buổi/tuần để làm việc với SV, nghiên cứu sinh của mình. Tối ngày ông vất vả tìm những dự án, những mối quan hệ, hợp tác, nhân rộng nó lên để có được một nguồn tài chính ổn định cho JVN…

Nhưng tài chính không phải là tất cả. GS Vũ còn nặng một tâm tư rất thật khác: Ở Việt Nam, ông có quá ít những cộng sự toàn tâm toàn ý làm khoa học. Rất khó để giữ chân những cộng sự toàn tâm đồng hành làm khoa học, khi mà môi trường nghiên cứu khoa học ở nước ngoài tốt hơn; chưa kể, ngay ở trong nước đã có một “thị trường” cạnh tranh khác: nhiều công ty săn nhà khoa học giỏi về làm việc với mức lương cao gấp 5-10 lần, dù ở viện JVN, có những lúc GS Vũ đã có thể lo được thu nhập cho một giảng viên ở mức hơn 1.000 USD/tháng (gồm lương cơ bản, tiền giảng dạy và phụ cấp nghiên cứu)! JVN đang khó thu hút người là vậy.

Nhưng GS Vũ nói, ông không tiếc vì quyết định về Việt Nam của mình. Được sống trong không khí, cây cối, con người này, đây là quê hương của ông, và “được tham gia vào sự phát triển của đất nước, chẳng phải ý nghĩa lắm sao!”. Bởi vậy, dù rất nhiều mệt mỏi và có những lúc nghĩ muốn buông, thì vị giáo sư này vẫn tếu táo: “Chúng tôi sẽ không bao giờ thua vì mình có thời gian. Một nhiệm kì chỉ có năm năm, còn mình thì không có nhiệm kì…”

Tất bật lo cho JVN hoạt động, có những lúc nhớ nghề, trong đầu ông chỉ nghĩ về khoa học thuần túy. “May quá, giờ tôi ít được rảnh nên không nhớ nhiều lắm!”, ông cười nhẹ.

Tự tin bản thân đã có khả năng xây dựng những nhóm, ekip nghiên cứu uy tín, phòng thí nghiệm có tầm ảnh hưởng trên thế giới ở nước ngoài rồi, GS Vũ chia sẻ: Hai năm nữa, khi mọi sự đang trên đà đi lên như hiện nay, ông sẽ quay lại làm khoa học thật sự, nghĩa là ông sẽ có khoảng 50% thời gian cho NCKH. Và chừng nào đất nước cần tri thức của ông, ít nhất ở lĩnh vực hàng không đã ghi dấu ông trên bản đồ tri thức thế giới, ông sẽ làm!…

GS.TS Dương Nguyên Vũ tốt nghiệp Trường Quốc gia Cầu cống thuộc viện Công nghệ Paris (Pháp). Năm 1990, ông trở thành tiến sĩ với đề tài liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Trước khi về Việt Nam, GS Vũ từng là cố vấn khoa học cấp cao kiêm chủ nhiệm Hội đồng Khoa học tại trung tâm Nghiên cứu không lưu của châu Âu – Eurocontrol, gồm 37 quốc gia thành viên, và là thành viên Hội đồng Khoa học của Liên minh châu Âu trong lĩnh vực nghiên cứu về hàng không (SESAR). Ông còn là giáo sư tại trường Telecom-ParisTech và EPHE Sorbonne (Pháp) và từng là giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học tại trường này.

 

 

Tác giả