Làm việc tại Viện Toán học: Cơ hội cho các bạn trẻ
Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đã xây dựng một phương thức quản lý mới, nhằm tạo cho các sinh viên mới ra trường, các thạc sĩ, tiến sĩ trẻ cơ hội học tập, nghiên cứu tại Viện cũng như giới thiệu họ đi học, nghiên cứu, thực tập ở nước ngoài.
Mô hình đào tạo đại học và trên đại học thông thường trên thế giới hiện nay gồm các giai đoạn sau: Cử nhân (3-4 năm), Thạc sĩ (2 năm), Tiến sĩ (3-5 năm), và đặc biệt đối với một số ngành khoa học cơ bản, các tiến sĩ mới ra lò còn có cơ hội thực tập sau tiến sĩ, thời gian này thường kéo dài từ 3 tới 6 năm. Nghiên cứu sinh là giai đoạn bước đầu học cách nghiên cứu. Yêu cầu thông thường đối với một luận án tiến sĩ là thu được một số kết quả nghiên cứu mới. Tuy nhiên ở trong bước đầu này, vai trò của người thầy còn khá lớn trong việc đưa ra vấn đề, hướng giải quyết vấn đề và nhiều khi là cả kỹ thuật giải quyết vấn đề. Vì những lý do đó, thực tập sau tiến sĩ là khoảng thời gian quan trọng, giúp cho các tiến sĩ trẻ khả năng độc lập nghiên cứu. Thời gian thực tập sau tiến sĩ khá dài cho ta thấy việc trở thành một người có khả năng nghiên cứu độc lập cũng như thu được những kết quả hoàn toàn của riêng mình không hề đơn giản.
Về mặt tài chính, mặc dù ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, học phí đối với thời gian học cử nhân rất cao, nhưng ngay từ bậc học thạc sĩ, nhiều trường đã có chương trình cấp học bổng, có thể là thông qua phương thức nhận làm trợ giảng (chữa bài tập hay chấm bài cho các giảng viên chính). Đại đa số các nghiên cứu sinh đều có học bổng toàn phần, trực tiếp hoặc dưới dạng trợ giảng. Thực tập sau tiến sĩ cũng vậy, với mức tài trợ thường gấp đôi nghiên cứu sinh.
Phương thức đào tạo tại Việt Nam chưa bắt kịp mô hình này. Một mặt nhà nước đầu tư rất nhiều tiền để gửi học sinh đi học ở nước ngoài, gần giống mô hình gửi lưu học sinh đi học ngày xưa. Mặt khác, tất cả các hệ đào tạo trong nước đều phải đóng tiền, từ đại học cho tới tiến sĩ. Khái niệm thực tập sau tiến sĩ chưa có ở Việt Nam. Có lẽ Viện nghiên cứu cao cấp về Toán là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam xây dựng được mô hình thực tập sau tiến sĩ, tuy nhiên với một khuôn khổ rất khiêm tốn, 2-3 người trong một năm.
Trong hai năm qua, để đáp ứng yêu cầu phát triển của chính mình, cũng như với trách nhiệm nâng cao hơn nữa đóng góp vào việc đào tạo lực lượng cho Toán học Việt Nam, Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đã xây dựng một phương thức quản lý mới, nhằm tạo cho các sinh viên mới ra trường, các thạc sĩ, tiến sĩ trẻ cơ hội học tập, nghiên cứu tại Viện cũng như giới thiệu họ đi học, nghiên cứu, thực tập ở nước ngoài.
Theo phương thức mới này, các tiến sĩ, thạc sĩ trẻ hay cả các sinh viên mới ra trường có thể đăng ký xét tuyển viên chức (biên chế) ngạch nghiên cứu viên tại Viện. Thời hạn ký hợp đồng viên chức thường là ba năm (các ứng viên xuất sắc có thể được ký hợp đồng không thời hạn ngay lập tức). Các hợp đồng này sẽ được xem xét lại sau thời gian ba năm. Tùy thuộc vào thành tích học tập, nghiên cứu của cán bộ, Viện sẽ cân nhắc việc ký hợp đồng không thời hạn. Mặt khác, các cán bộ trẻ, sau một thời gian làm việc tại Viện cũng sẽ cân nhắc có tiếp tục làm việc lâu dài tại Viện không, hay chuyển công tác cho phù hợp với hoàn cảnh và năng lực của mình.
Cán bộ trẻ làm việc tại Viện được hưởng lợi kép: vừa là viên chức lại vừa như nhận học bổng để nâng cao trình độ. Viện Toán học mong các bạn khắp nơi trong cả nước biết những thông tin này và xin mời các bạn đăng ký xét tuyển vào làm việc tại Viện! |
Cơ chế linh hoạt này trước tiên là một cơ hội cho các sinh viên trẻ được học tập, được hướng dẫn nghiên cứu tại một cơ sở nghiên cứu cơ bản hàng đầu của Việt Nam. Đồng thời họ cũng được trả lương và hưởng các tiêu chuẩn khác của một cán bộ nhà nước. Viện không những tạo điều kiện và cơ hội, mà còn tạo sức ép đối với cán bộ trẻ.
Tiêu chí thành tích quan trọng nhất đối với họ là kết quả học tập và nghiên cứu. Ngoài ra ý thức tham gia đóng góp trong các hoạt động chung của Viện cũng là một yếu tố được tính đến.
Các bạn trẻ cần chuẩn bị gì nếu muốn được xét tuyển vào biên chế của Viện? Chắc chắn không phải là quà cáp phong bì. Do yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiêu chí duy nhất để nhận cán bộ của Viện là tài năng và chỉ có tài năng. Thực ra trong 45 năm xây dựng và phát triển, bài toán kinh phí luôn là bài toán lớn đối với các thế hệ cán bộ quản lý của Viện. Hiện nay thu nhập của các cán bộ Viện thấp hơn hẳn so với thu nhập của các đồng nghiệp tại các trường đại học. Tuy nhiên nguồn kinh phí hạn hẹp lại cũng góp tạo cho Viện một môi trường mang đậm không khí học thuật. Suy nghĩ chung của các cán bộ trong Viện là “đóng góp cho Viện và tự lo cho mình”. Viện xác định việc tạo cho mình một môi trường học thuật nghiêm túc, một không khí dân chủ, minh bạch trong các hoạt động chính là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của Viện.
Khi đánh giá trình độ của các ứng viên, các thành viên hội đồng của Viện thường không đề cao quá vai trò của các công bố khoa học. Kiến thức cơ bản vững, hiểu biết rộng về Toán học, hiệu biết sâu về những đề tài mình nghiên cứu (trong đồ án tốt nghiệp, luận văn cao học, luận án tiến sĩ) là những yêu câu cơ bản đối với ứng viên.
Trong thực tế, nhiều cán bộ trẻ mới được nhận vào Viện trong hai năm qua đã được Viện giới thiệu đi học tập và nghiên cứu tại các trường đại học và cơ sở nghiên cứu uy tín ở Pháp, Đức, Mĩ, Italia, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore. Chương trình cao học quốc tế của Viện trong ba năm qua đã gửi hơn 20 học viên sang các nước Pháp, Mĩ, Italia với học bổng do phía bạn cấp. Trong số các học viên này, các cán bộ trẻ của Viện thường là những người xuất sắc nhất. Về khả năng, Viện có thể gửi đi số lượng gấp đôi, gấp ba con số đó. Rất tiếc, nhiều sinh viên mới ra trường vì thiếu thông tin đã không dự thi vào chương trình này. Việc gửi cán bộ đi đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài cũng là một cách để Viện tạo biên chế trống cho các bạn trẻ khác. Với cơ chế động như vậy, Viện Toán học hy vọng sẽ góp phần đào tạo được nhiều cán bộ trẻ cho nền toán học nước nhà, một trong bốn nhiệm vụ được Nhà nước giao phó khi thành lập. Trong quá trình đó, những cán bộ có năng lực, có định hướng nghiên cứu sẽ trở thành những trụ cột lâu dài của Viện.