Luận về thị trường dạy và học

Trước mắt chúng ta là một hệ thống tầng tầng lớp lớp các loại hình dạy học, và đội ngũ những người hành nghề dạy học. Đông đảo hơn hàng chục lần, chính là lớp lớp những người cần học. Nhìn một cách tổng thể theo quy luật cung - cầu một cách tự nhiên, khách quan, bỏ qua mọi vấn đề khác, thì rõ ràng thực tế xã hội đang cân bằng giữa hai lực lượng này. Người có nghề thì được hành nghề, kẻ có nhu cầu học thì được học. Rõ ràng điều này đang làm ổn định hệ thống dạy và học. Tất nhiên sự ổn định này có mang đến sự phát triển lành mạnh hay không, thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

Người ta bức xúc vì nhìn thấy một đội quân học xong mà không được hành nghề (tạm gọi là A) đang bị gia tăng hằng năm, nhưng dường như còn chưa để ý thấy tại thời điểm này, chính đội quân này đã phần nào thay thế cho đội quân gồm những người muốn học mà không được học (tạm gọi là B) và đội quân đang hành nghề dạy học mà bị dừng dạy (tạm gọi là C). Và có phải chăng trong hoàn cảnh thực tại của đất nước, chỉ có thể lựa chọn một trong hai, hoặc A hoặc B và C?

Về bản chất nếu đáp ứng càng cao cho nhu cầu được học, tức B được giảm thiểu, thì C cũng được giảm thiểu, và đương nhiên khi đó A sẽ có thể bị gia tăng, và đôi khi có chiều ngược lại. Như vậy trong thời điểm hiện tại, xã hội có vẻ như đang đứng trước sự lựa chọn hoặc A hoặc B, xem đằng nào lợi hơn!? Sự thật không ít người đã trả lời ngay được rằng, nên cần đáp ứng tối đa nhu cầu được học tập của xã hội. Và rằng hãy để quy luật cung cầu giữa dạy và học được phát huy cao nhất có thể, theo cơ chế thị trường.

Cần nói thêm rằng, A bị gia tăng, tức là những người học xong mà không được hành nghề gia tăng, không hẳn chỉ là hệ quả của thị trường dạy và học, mà nó còn có nguồn gốc từ nhiều nguyên nhân luôn biến động khác. Vì thế thực tế hơn, người ta thường tập trung quan tâm làm cho thị trường dạy và học được phát triển lành mạnh, tức là người học có nhu cầu thực học, còn phía nơi dạy phải đảm bảo được đúng chức năng nghề nghiệp của mình, cùng với nó là thị trường tuyển dụng lành mạnh.

Sự thực ở Việt Nam trong những năm qua, một mặt đội ngũ các nhà tư bản còn chưa phát triển như mong muốn của cơ chế thị trường, cùng hàng loạt cơ quan và công ty nhà nước bị xóa bỏ, mặt khác việc tuyển dụng nhân lực ở các khu vực công còn thiếu khách quan, đã góp phần tác động tiêu cực đến thị trường dạy và học. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân văn hóa như bệnh háo danh-trọng bằng cấp…, cũng góp phần tác động đến thị trường dạy và học này.

Cũng cần chú ý thêm rằng, trong một thời gian dài, nhiều tác động tiêu cực đến giáo dục, như tính bao cấp còn quá nặng nề, bệnh thành tích và bằng cấp hoành hành, bên cạnh đó là chủ nghĩa hình thức và bệnh phong trào còn không được ngăn chặn, sử dụng và khuyến khích nhân tài còn chưa hiệu quả, thậm chí người làm giáo dục đâu đó còn bị tước đi quyền làm chủ nghề nghiệp…, đều đã ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển lành mạnh của thị trường dạy và học.

Quốc gia nào cũng vậy, để thị trường dạy và học phát triển lành mạnh, thì không có gì khác là vai trò của thể chế. Rồi vấn đề là nhà nước cần nắm giữ những loại hình đào tạo chủ chốt nào phục vụ cho mục tiêu chiến lược quốc gia, đặc biệt là cần được đầu tư thích đáng, để nó trở thành những lực lượng chủ lực, làm chỗ dựa cho giáo dục. Thứ nữa là phải làm cho thị trường tuyển dụng lành mạnh.

Rõ ràng cuối cùng thị trường dạy và học luôn cần được ổn định, một cách khách quan, dưới bất cứ một hình thái chính trị nào. Vì sự ổn định này góp phần quan trọng vào ổn định xã hội. Tuy nhiên việc thị trường này có phát triển lành mạnh theo hướng văn minh và hiệu quả hay không, thì hoàn toàn trước hết phụ thuộc vào thể chế chính trị, thứ nữa là văn hóa dân tộc, và còn lại là khả năng kinh tế.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)