Luật giáo dục đại học cần giải quyết những vấn đề cốt tử của giáo dục đại học

Tại kỳ họp thứ 3 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét và biểu quyết thông qua dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH).  Có thể khẳng định nhiều ưu điểm cũng như nêu ra nhiều hạn chế của bản dự thảo này.

Tuy nhiên, điều làm chúng tôi tôi băn khoăn nhất ở bản dự thảo này là nó chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết những vấn đề cốt tử của GDĐH hiện nay, đồng thời vẫn còn nhiều lỗi kỹ thuật đáng ra không thể có trong lần cuối cùng trình Quốc hội này.

Dưới đây là ý kiến của chúng tôi về các vấn đề đó:

1. Vấn đề quan hệ giữa quy mô và chất lượng GDĐH

Theo “Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII thì từ năm 1998 đến năm 2009 đã có 312 trường ĐH, CĐ được thành lập, nghĩa là trung bình cứ 2 tuần lại có 1 trường ĐH, CĐ ra đời. Kết quả, tính đến tháng 9/2009, cả nước có 440 trường ĐH, CĐ, trong đó có 77 trường ngoài công lập. Tổng quy mô đào tạo ĐH, CĐ năm học 2008 – 2009 là 1.719.499 SV, tăng 13 lần so với năm 1987; tỷ lệ SV/số dân năm 1997 là 80 SV/1vạn dân thì đến năm 2009 là 195 SV/1 vạn dân, và năm 2010 có thể đạt 200 SV/1 vạn dân. “Trong khi quy mô đào tạo ở tất cả các bậc học và hệ đào tạo tăng nhanh thì các điều kiện cơ bản để bảo đảm chất lượng đào tạo không theo kịp […] Vì vậy, chất lượng đào tạo đại trà của sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, chưa tiếp cận được với trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới.” [1]

Như vậy, vấn đề cốt tử của GDĐH hiện nay là phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển quy mô với nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó chất lượng đào tạo phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, ngành GDĐH hiện nay vẫn đang phấn đấu theo hướng tăng quy mô đào tạo với chỉ tiêu cả nước có 573 trường ĐH, CĐ; bình quân 400 SV/1 vạn dân vào năm 2020.[2] Trong khi đó, dự thảo Luật GDĐH không xác lập được các quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa phát triển quy mô với nâng cao chất lượng đào tạo. Có thể nhận thấy thiếu sót này qua những khía cạnh sau :

1.1. Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH

“Việc mở trường và mở ngành tràn lan dẫn tới tình trạng mất cân đối về hình thức, trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu vùng miền” [3] trong thời gian qua cho thấy quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH chưa tốt. Để điều chỉnh lĩnh vực quy hoạch này, dự thảo Luật chỉ có một điều (Điều 9). Nhưng đáng lẽ phải quy định một cách cụ thể về tiêu chí lập quy hoạch, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch thì Điều 10 chỉ nêu một số quy định chung về nguyên tắc, nội dung quy hoạch, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, thực tế thành lập và hoạt động của các trường đại học ngoài công lập thời gian qua cho thấy nhiều trường ban đầu đăng ký thành lập và hoạt động ở một số tỉnh chưa có trường đại học nhưng sau một thời gian ngắn không tuyển được sinh viên lại chuyển về Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là những đô thị đang có rất nhiều trường. Dự thảo Luật  chưa có quy định để điều chỉnh những trường hợp này; cũng chưa quy định các điều kiện ưu đãi để khuyến khích mở trường ở vùng chậm phát triển và mở các ngành công nghệ là những ngành mà đất nước đang rất cần.     

1.2. Kiểm định chất lượng đào tạo

Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo. Dự thảo Luật dành hẳn một chương với 5 điều quy định về “Bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH”, nhưng hầu hết các quy định đều không cụ thể, đồng thời rất nhiều nội dung thiết yếu để tiến hành hoạt động kiểm định chất lượng lại chưa được quy định, ví dụ: thẩm quyền thành lập tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo, điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo, quyền và nghĩa vụ của tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo, xử lý kết quả kiểm định chất lượng đào tạo, thừa nhận kết quả kiểm định chất lượng đào tạo, giải quyết tranh chấp về kết quả kiểm định chất lượng đào tạo, xử lý vi phạm pháp luật về kiểm định chất lượng đào tạo v.v…

Thiếu những quy định như trên, Luật GDĐH có ra đời cũng không thể tổ chức được các cơ sở kiểm định chất lượng và thực hiện được việc kiểm định chất lượng. Trong trường hợp dự thảo Luật trao toàn quyền cho cơ sở GDĐH quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, hình thức tuyển sinh, tự chủ về chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, in và cấp phát văn bằng thì việc thiếu những quy định về kiểm định chất lượng sẽ dẫn tới tình trạng sa sút nghiêm trọng về chất lượng GDĐH.  

1.3. Giáo dục thường xuyên (đào tạo tại chức)

Dư luận nhiều năm nay rất phàn nàn về việc phát triển quy mô kèm theo sự tuỳ tiện trong tổ chức đào tạo và sự sa sút nghiêm trọng về chất lượng giáo dục thường xuyên. Đây là vấn đề nhất thiết phải giải quyết nếu muốn xây dựng một xã hội học tập lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước. Để tiến tới một xã hội học tập, trong đó người lao động có thể học bất kỳ một học phần nào để nâng cao hiểu biết và kỹ năng, phục vụ cho công việc của mình, không nên quan niệm cứng nhắc giáo dục thường xuyên phải tổ chức thành những lớp học riêng, học phải lấy bằng, mà cần quan niệm là tuỳ điều kiện thời gian của mình và khả năng tiếp nhận của cơ sở giáo dục, người học có thể theo học cùng sinh viên chính quy hoặc học lớp riêng. Nhưng để nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên, đảm bảo giáo dục thường xuyên có mặt bằng ngang với mặt bằng đào tạo chính quy, những người có nguyện vọng học lấy bằng hay tín chỉ cần thi học phần, thi tốt nghiệp chung với sinh viên chính quy. Tóm lại, theo chúng tôi, Luật GDĐH cần thể hiện quan niệm mới hơn về giáo dục thường xuyên và dành cho loại hình giáo dục này ít nhất một chương, trong đó có những quy định về chương trình, chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức đào tạo, kiểm tra, cấp bằng,…

1.4. Văn bằng tốt nghiệp

Vấn đề này tuy thiên về hình thức nhưng cũng thể hiện quan điểm về phân công nhiệm vụ đào tạo nhân lực và tác động không nhỏ đến chương trình, phương thức đào tạo, tâm lý giảng viên, sinh viên, tâm lý xã hội, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Khác với quy định tại điều 43 Luật Giáo dục, dự thảo Luật GDĐH quy định toàn bộ văn bằng tốt nghiệp các ngành khác nhau đều là “văn bằng tốt nghiệp CĐ hoặc ĐH” (Điều 40), không còn các danh hiệu cử nhân, bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư. Hàm ý của quy định mới này là nhường việc bồi dưỡng, công nhận các danh hiệu ấy cho tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Nếu vậy thì quy định này chắc chắn ảnh hưởng đến chương trình, phương thức đào tạo sinh viên và sự gắn bó của cơ sở GDĐH với đơn vị sử dụng lao động. Có lẽ ở đây chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm sâu sắc về tác động tiêu cực của việc gọi sinh viên là “học sinh ĐH” trong những năm 70 của thế kỷ trước. Chỉ bằng sự thay đổi tên gọi ấy, chúng ta đã góp phần làm cho sinh viên giảm sút ý thức về vị thế “người lớn” của mình và trường ĐH nhanh chóng trở thành “trường phổ thông cấp 4”.   

2. Vấn đề thị trường GDĐH

Từ khoảng 20 năm nay, cùng với sự ra đời của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài và các hình thức liên kết đào tạo với nước ngoài, đã dấy lên cuộc tranh luận về việc có hay không có, nên chấp nhận hay không chấp nhận thị trường giáo dục ở nước ta. Tới nay, với các quy định tại khoản 3 Điều 7 về “cơ sở GDĐH có 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài”, “cơ sở GDĐH liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài”, dự thảo Luật GDĐH đã chính thức chấp nhận sự tồn tại của loại thị trường này.

Sự tồn tại thị trường giáo dục không phải là thảm hoạ. Tuy nhiên, luật pháp cần phân biệt rõ hai loại hình dịch vụ giáo dục – dịch vụ vì mục đích lợi nhuận và dịch vụ không vì mục đích lợi nhuận – để có chính sách phù hợp với mỗi loại hình.

Khoản 7 Điều 4 dự thảo Luật GDĐH giải thích: “Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận nếu phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất huy động tiền gửi bình quân do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.”

Theo quy định tại Điều 16 thì trường tư thục thành lập hội đồng quản trị – tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của nhà trường. Hội đồng quản trị có nhiệm vụ “tổ chức thực hiện các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông” – cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất về đường lối phát triển của nhà trường theo Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục [4].  

Thành viên hội đồng quản trị bao gồm: “a) Đại diện của các tổ chức, cá nhân có số lượng cổ phần đóng góp ở mức cần thiết theo quy định; b) Hiệu trưởng; đại diện cơ quan quản lý địa phương nơi cơ sở giáo dục đại học có trụ sở; đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể; đại diện giảng viên.”

Chấp nhận chia lợi tức và dành thẩm quyền cao nhất cho các cổ đông như quy định tại dự thảo Luật GDĐH và Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục không khác gì nguyên tắc tổ chức, hoạt động của công ty cổ phần. Chính vì vậy mà có nhà nghiên cứu đã khẳng định: “Trên thực tế, có thể nói 100% ĐH tư thục ở Việt Nam là vì lợi nhuận” [5] Cũng theo nhà nghiên cứu này, “các trường ĐH tư thục vì lợi nhuận thường xuất hiện ở những lĩnh vực đào tạo có lợi nhuận, tránh đầu tư lớn và dài hạn […] Những hạn chế do phải thoả mãn yêu cầu về lợi nhuận của các cổ đông làm cho các ĐH tư thục vì lợi nhuận không thể đáp ứng được những chức năng giáo dục thường có của một trường ĐH công lập. Những hạn chế đó thường là thương mại hoá giáo dục, chạy theo lợi nhuận, chạy theo ngành đào tạo chi phí thấp, nhu cầu lớn, không có đầu tư lớn vào nghiên cứu cơ bản, thậm chí có những hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh và quy chế đào tạo.” [6] Nguyên tắc hoạt động vì mục đích lợi nhuận cũng giải thích vì sao ở nhiều trường ĐH ngoài công lập nước ta phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ gay gắt, kéo dài. Những trường ĐH như vậy rất khó để phát triển.

Đáng tiếc là dự thảo Luật GDĐH đang duy trì tình trạng không rõ ràng về mục đích hoạt động vì lợi nhuận/không vì lợi nhuận và kéo dài sự ưu đãi của Nhà nước cho các cơ sở kinh doanh giáo dục.   

3. Vấn đề gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và với đơn vị sử dụng lao động

Phát triển theo mô hình của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, ở nước ta, các cơ sở GDĐH và cơ sở nghiên cứu khoa học là hai hệ thống độc lập với nhau. Nhiều cố gắng thống nhất hai hệ thống này với nhau đều không thành công. Kết quả cao nhất chỉ là thành lập được một số viện hoặc trung tâm nghiên cứu & chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học – công nghệ ở các trường ĐH và thành lập hai trường ĐH thuộc hai cơ quan Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Tóm lại là mỗi hệ thống phát triển thêm bộ máy của mình và tiếp tục hoạt động độc lập với hệ thống kia. “Nhiều cơ sở đào tạo chưa thấy nghiên cứu khoa học là một khâu không thể thiếu trong chương trình đào tạo để đảm bảo chất lượng giảng dạy, học tập. Phần lớn các trường ngoài công lập thậm chí không bố trí kinh phí cho công tác này. Về phía GV, do số giờ giảng cao, thường đem lại thu nhập tức thời và cao hơn thu nhập từ nghiên cứu khoa học, đồng thời do ngại tiến hành các thủ tục đăng ký đề tài, đấu thầu, nghiệm thu, quyết toán,… nên ít dành thời gian tham gia nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.” [7]

Giữa các trường ĐH, CĐ với các đơn vị sử dụng lao động (trong đó có doanh nghiệp) cũng chưa thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ. “Tình hình trên dẫn đến hệ quả là đào tạo thường không đáp ứng ngay được yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động, do đó tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm phù hợp hoặc tương đối phù hợp với ngành nghề đào tạo ngay sau khi tốt nghiệp không cao [8], tỷ lệ sinh viên phải đào tạo lại sau khi ra trường còn cao.” [9]

Nhận thức rõ những hạn chế nói trên, Ban soạn thảo Luật GDĐH đã đưa vào dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước “gắn đào tạo với nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ, đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với cơ sở nghiên cứu khoa học và với doanh nghiệp” (khoản 4 Điều 11). Tuy nhiên, cũng như hầu hết các chính sách được quy định tại Điều 11, chính sách gắn đào tạo với việc sử dụng lao động không được triển khai cụ thể ở bất kỳ điều khoản nào trong dự thảo Luật. Còn hoạt động khoa học và công nghệ tuy được dành hẳn một chương với 4 điều nhưng các quy định đều chung chung. Điều mong đợi nhất là chính sách đầu tư phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở GDĐH thì giao các Bộ quy định (Điều 44). Hàng chục năm qua, chính sách này đã được giao các Bộ nghiên cứu xây dựng nhưng chưa thành công. Đến lúc này, Luật vẫn không đưa ra được quy định cụ thể mà giao các Bộ tiếp tục nghiên cứu thì giải pháp gắn bó đào tạo với nghiên cứu khoa học lại tiếp tục được xếp vào hồ sơ lưu, chờ thêm nhiều năm nữa hoặc nhiều chục năm nữa mới được giải quyết.

Luật GDĐH không phải luật riêng của ngành giáo dục. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ cần huy động sự tham gia tích cực của các Bộ, thúc đẩy nghiên cứu vấn đề này và những vấn đề khác còn vướng mắc để đưa vào Luật những quy phạm pháp luật có tính khả thi và tính hiệu quả cao.   

4. Vấn đề hệ thống GDĐH

Theo Điều 7, cơ sở GDĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: a) trường cao đẳng; b) trường đại học, học viện; c) đại học, đại học quốc gia. Sự phân loại này không lôgic vì nó vừa căn cứ vào trình độ đào tạo mà cơ sở GDĐH đảm nhiệm (cao đẳng/đại học và sau đại học), vừa căn cứ vào mô hình tổ chức (đại học 1 cấp/đại học 2 cấp) và vị thế trong hệ thống (trường đại học/đại học/đại học quốc gia). Cũng theo sự phân loại này thì không rõ các học viện có đào tạo đại học và sau đại học như Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Quốc phòng thuộc vào loại nào: các học viện này không nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng cũng không thuộc đối tượng được quy định ở khoản 2 (viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ). Cũng không rõ các trường cao đẳng nghề thuộc hệ thống dạy nghề có phải đối tượng áp dụng của Luật GDĐH không.

Lẽ ra, việc soạn thảo và ban hành Luật GDĐH là cơ hội để khắc phục tình trạng lộn xộn của hệ thống GDĐH nhưng Dự thảo Luật chỉ nhắc lại những cái tên rất thiếu rõ ràng và thiếu tính hệ thống đang có trong thực tế. Dự thảo Luật không có khoản nào giải thích trường đại học khác học viện, học viện khác viện đại học như thế nào. Cách dùng danh từ đại học vốn chỉ một bậc học (một trình độ đào tạo) làm tên gọi một loại cơ sở GDĐH (đại học, đại học quốc gia) ngay từ đầu đã bị nhiều người phản đối vì sai  tiếng Việt nhưng đến nay vẫn được giữ chỉ vì đã quen dùng.

Sự phân loại cơ sở GDĐH ở Điều 7 còn thể hiện một hệ thống bất hợp lý và siêu hình, không phù hợp với thực tế GDĐH ở nước ta hiện nay cũng như khả năng phát triển của nó trong tương lai. Theo sự phân loại này thì những trường đại học trọng điểm như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội cũng được xếp vào loại b, trong khi vị trí, uy tín và năng lực của họ không hề thấp hơn so với các cơ sở loại c và chắc là Luật cũng không thể hạn chế quyền tự chủ của họ. Khoản 3 Điều 12 quy định trường đại học tư thục có cơ cấu tổ chức như một trường đại học được quy định tại khoản 1, tức là đại học 1 cấp. Quy định này không tính đến triển vọng một số cơ sở GDĐH tư thục trở thành đại học 2 cấp, mà đây là một quyền không ai bác bỏ được của cơ sở. Ví dụ, theo chúng tôi được biết Đại học Bình Dương đã thành lập trường đại học thành viên đầu tiên của mình dưới tên gọi “phân hiệu”. Ở các nước phát triển, chúng ta cũng thấy hàng loạt đại học tư thục được tổ chức theo mô hình 2 cấp.

Theo chúng tôi, tốt nhất là Luật GDĐH nên xác định tiêu chí xếp hạng cơ sở GDĐH gắn với chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, làm cơ sở xác định mức đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước (đối với trường công lập) và việc giao đề tài nghiên cứu khoa học (đối với cả trường công lập và ngoài công lập).

5. Một số vấn đề kỹ thuật

Ngoài bốn vấn đề quan trọng nói trên, một số chi tiết trong Dự thảo Luật cũng cần được điều chỉnh. Dưới đây là một số trong những chi tiết ấy:   

5.1. Giải thích từ ngữ (Điều 3)

Nhiều thuật ngữ được giải thích tại Điều 6 như giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên, ngành đào tạo, chuyên ngành đào tạo, liên thông trong giáo dục đại học không chính xác, cần được chỉnh sửa. Ví dụ:

“1. Giáo dục chính quy là hình thức đào tạo theo các khoá học tập trung toàn bộ thời gian tại cơ sở giáo dục đại học để thực hiện chương trình đào tạo một trình độ của giáo dục đại học.”  Theo định nghĩa này thì toàn bộ các khoá đào tạo có thời gian thực tập ngoài khuôn viên nhà trường (như ở trường y, trường sư phạm) không phải là giáo dục chính quy.

“2. Giáo dục thường xuyên gồm vừa làm vừa học và đào tạo từ xa, là hình thức đào tạo theo các lớp học, khóa học tại cơ sở giáo dục đại học hoặc cơ sở liên kết đào tạo, phù hợp với yêu cầu của người học để thực hiện chương trình đào tạo ở trình độ cao đẳng, đại học.” Như đã nói, cách hiểu về về giáo dục thường xuyên ở đây không phù hợp các hình thức giáo dục thường xuyên trong một xã hội học tập mà ở đó mỗi người có thể học bất kì tín chỉ nào để bổ sung kiến thức, kĩ năng cần cho công việc của họ, không nhất thiết để lấy bằng và không nhất thiết tổ chức thành lớp riêng.  

“3. Ngành đào tạo là một tập hợp những kiến thức và kỹ năng chuyên môn của một  lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp, khoa học nhất định.” Giải thích ngành đào tạo như tại khoản này thì cần phải hiểu các thuật ngữ mở ngành đào tạo, chấm dứt hoạt động của ngành đào tạo quy định tại Điều 31 như thế nào? Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học không có cụm từ ngành đào tạo nhưng có từ ngành và từ này được giải nghĩa là “lĩnh vực hoạt động về chuyên môn, khoa học, văn hoá, kinh tế”. [10]

Tôi rất lấy làm tiếc là bản thân đã phát hiện những sai sót này trong lần góp ý thứ 2 cho Dự thảo Luật nhưng không được tiếp thu.

5.2. Chính sách của Nhà nước về phát triển GDĐH (Điều 10)

Điều 10 có những quy định tuy đúng nhưng không thể coi là chính sách của Nhà nước, vì Nhà nước chỉ có thể tạo điều kiện ưu đãi về thuế, đất đai và về các mặt khác để khuyến khích cơ sở GDĐH, cơ sở nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp gắn kết với nhau, chứ không thể làm thay các đơn vị này. Ví dụ:

– “Đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở GDĐH với cơ sở nghiên cứu khoa học và với danh nghiệp.” (khoản 4)

– “Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp nhận và tạo điều kiện để sinh viên, giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.” (khoản 6)

Khoản 5 Điều 10 quy định: “Nhà nước đặt hàng và bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với cơ sở giáo dục đại học có tiềm lực mạnh về khoa học công nghệ.” Theo tôi, Luật nên bãi bỏ chế độ cấp kinh phí NCKH theo kiểu bao cấp như hiện nay. Nhà nước nên cấp kinh phí NCKH cho các cơ sở GDĐH công lập và cơ sở GDĐH khác hoạt động không vì mục đích lợi nhuận qua hình thức đấu thầu.  

5.3. Hiệu trưởng (Điều 18)

Luật cần quy định rõ: “Hiệu trưởng không kiêm nhiệm chức vụ chủ tịch Hội đồng trường.” và “Chủ tịch Hội đồng trường không kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng.”

Đồng thời cũng nên cân nhắc xem nên để hiệu trưởng hay chủ tịch Hội đồng trường làm chủ tài khoản, vì ở cơ sở GDĐH ngoài công lập, chủ tài khoản là chủ tịch Hội đồng quản trị, chứ không phải hiệu trưởng.

5.4. Thẩm quyền quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể, … đối với cơ sở giáo dục đại học (Điều 25)

Khoản 3 quy định: “Người có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học thì có thẩm quyền quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học.” Đối với cơ sở GDĐH  ngoài công lập, quy định này không áp dụng được.

Khoản 4 quy định: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo trường cao đẳng, trường đại học, học viện, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.” Dự thảo Luật không quy định cấp nào có thẩm quyền đối với (viện) đại học và (viện) đại học quốc gia.

5.5. Thời gian đào tạo (Điều 33)

Khoản 2 quy định: “Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định số học phần và khối lượng tín chỉ tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo.” Theo chúng tôi, Luật nên quy định rõ người có thẩm quyền này là hiệu trưởng, vì có thể có cách diễn giải chủ tịch Hội đồng trường, Hội đồng quản trị mới là người đứng đầu cơ sở GDĐH.

5.6. Về câu chữ

Cách diễn đạt trong một số điều khoản Luật còn thiếu chuẩn mực. Ví dụ, quy định tại Điều 8 là một kiểu văn nói, không thật đúng ngữ pháp tiếng Việt: “Ngôn ngữ dùng trong cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Luật Giáo dục.”

Cách trình bày tại điểm đ khoản 1 Điều 34 dễ bị suy diễn sai, không có lợi cho quan hệ quốc tế và công tác tôn giáo: “Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tự chủ, tự chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng, không có nội dung truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng xấu đến văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục và đoàn kết các dân tộc Việt Nam, hòa bình và an ninh thế giới. Không truyền bá tôn giáo và thực hiện các nghi lễ tôn giáo trong trường học là quy định chung đối với tất cả các cơ sở GD, không riêng cơ sở GD có vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng đặt vào giữa các nội dung cấm khác ở điều này, quy định “không truyền bá tôn giáo” gây ấn tượng truyền bá tôn giáo là một điều xấu như “gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng, ảnh hưởng xấu đến văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục và đoàn kết các dân tộc Việt Nam, hòa bình và an ninh thế giới”. Điều này, trong cả hai lần hội thảo trước, chúng tôi đều góp ý nhưng chưa thấy sửa. Theo chúng tôi, toàn bộ các yêu cầu nêu tại điểm đ khoản 1 này là quy định chung cho chương trình đào tạo của tất cả các cơ sở GDĐH, chứ không riêng gì cơ sở GDĐH nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, dù coi là quy định chung hay quy định riêng cho cơ sở GDĐH nước ngoài cũng nên tách nội dung “không truyền bá tôn giáo và thực hiện các nghi lễ tôn giáo” thành một khoản riêng. 

Nói tóm lại, dự thảo Luật GDĐH trình Quốc hội lần này chưa giải quyết được những vấn đề quan trọng nhất của GDĐH và còn khá nhiều lỗi kỹ thuật. Theo ý chúng tôi, Quốc hội nên dành thêm thời gian bàn kỹ về những chính sách lớn, giao các cơ quan hữu quan thể hiện lại để kỳ họp cuối năm xem xét, bởi vì có thông qua dự thảo như hiện nay thì Luật cũng không có tác dụng gì đối với sự phát triển GDĐH .  


[1] “Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII, tháng 5/2010.

 

[2] Dự chi cho kế hoạch này từ nay tới 2020 là 2.135.000 tỷ đồng (bao gồm cả kinh phí chăm sóc sức khoẻ); tức là khoảng 10 tỷ USD mỗi năm. Dự toán này quá chênh lệch với khả năng thực tế, nếu biết rằng hằng năm ngân sách nhà nước chỉ có thể chi cho GD khoảng 4 – 5 tỷ USD, trong đó GDĐH chỉ được 500 triệu USD; số kinh phí chăm sóc sức khoẻ và kinh phí huy động từ xã hội không đáng kể.

 

[3] “Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII, tháng 5/2010.
[4] Ban hành kèm theo Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ; sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg ngày 10/11/2011.

[5] Phạm Duy Nghĩa. Đa dạng hoá loại hình đại học – một số góp ý xây dựng Luật GDĐH. – Nghiên cứu lập pháp, số 6 (214)/2012, tr. 29.
[6] Như trên.
7] “Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII, tháng 5/2010.
[8] Theo kết quả khảo sát của Hội Sinh viên Việt Nam, khoảng 50% SV Việt Nam ra trường không có việc làm trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
[9] “Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII, tháng 5/2010.
[10]  Viện Ngôn ngữ học. Hoàng Phê chủ biên. Từ điển tiếng Việt. Nxb Đà nẵng, Trung tâm Từ điển học, 2005, tr. 669.
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả