“Mất con” vì du học

Tôi có một người bạn, bố anh từng là một cán bộ cao cấp của một bộ quan trọng trong chính phủ. Gia đình anh là một gia đình hiếu học và bản thân anh là một “con ngoan trò giỏi” dù anh là “con một và bố làm quan”. Sẽ chẳng có gì phải bàn vì vợ chồng anh có công việc tốt và lương cao, nếu không có chuyện của cậu con trai duy nhất của anh.

Cậu ta vốn được “bôn ba” cùng bố mẹ đi du học nên có vốn tiếng Anh “làu hơn tiếng Việt”. Thế nhưng khi quay về học ở Việt Nam, sức học của cậu cứ giảm dần.

Cho tới một hôm, cậu bỏ học giữa chừng khiến bố mẹ cậu vô cùng lo lắng. Gặng hỏi mãi, cuối cùng vợ chồng bạn tôi cũng có câu trả lời: Cậu không thể học tốt tất cả các môn trong chương trình với số lượng môn học nhiều hơn gấp đôi số môn mà cậu phải học ở nước ngoài, dù cậu đã cắt hết thời gian vui chơi và thể thao. Nhiều môn học bắt buộc nhưng cậu không hiểu học nó để làm gì! Và tất nhiên, điểm số của cậu rất thấp. Càng ngày cậu càng cảm thấy cô đơn trong lớp học và càng cố thu mình lại. Cậu dần trở thành một học sinh cá biệt – cái “danh hiệu” khi đã khoác lên cổ thì coi như tàn một đời… học sinh. Vì vậy, cậu muốn bỏ học.

Ngày hôm sau, vợ chồng bạn tôi lập tức đưa con đi khám ở bệnh viện tâm thần. Bác sĩ cho biết, cậu bị trầm cảm nặng, rất may bố mẹ đưa đến kịp thời. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo cậu cần 6 tháng để điều trị. Điều đó đồng nghĩa với việc cậu phải lưu ban. Dù buồn vì cậu con phải học chậm một năm nhưng vợ chồng bạn tôi cũng được an ủi phần nào khi cậu bé phục hồi rất nhanh. Có những đứa trẻ khác đang điều trị ở đây nặng hơn cậu bé rất nhiều và không có cơ hội về nhà. Nguyên nhân thì giống nhau: Học quá tải.

Chỉ sau ba tháng cậu đã được xuất viện nhưng bác sĩ vẫn khuyên bố mẹ cho cậu nghỉ ngơi đến hết năm học. Với một quyết tâm cao độ, vợ chồng bạn tôi quyết định cho con đi du học bậc tiểu học như một cách “tị nạn giáo dục”. Sau một năm cuối cấp một ở Singapore, bạn tôi lại quyết định cho cháu sang Mỹ học cấp hai. Thấm thoắt bốn năm trôi qua, cậu bé đã học hết cấp hai. Đây cũng là lúc bố mẹ cậu đã dùng hết số tiền dành dụm định để mua nhà! Quyết định lại được ban ra: Bây giờ con đã đủ trưởng thành để chịu áp lực học như mọi học sinh khác ở Việt Nam. Dĩ nhiên cậu phải chấp nhận thực tế đó.

Khỏi cần phải nói cậu cũng đã biết được những gì đang chờ đợi phía trước và cậu sẽ phải đương đầu như thế nào. Thế nhưng bi kịch lần này không đến từ trường lớp như hồi cấp một mà nó lại đến ngay tại gia đình. Ở cái tuổi dở người lớn dở trẻ con, cậu đòi một phòng riêng biệp lập. Điều đó không khó với bố mẹ cậu. Nhưng xung đột bắt đầu nảy sinh từ  những việc hết sức nhỏ nhặt như việc mẹ cậu muốn vào để dọn phòng cho cậu thì phải hỏi ý kiến trước… Những việc này gây khó chịu cho bố mẹ cậu nhưng họ cũng chấp nhận. Bước qua năm lớp 11 cậu bắt đầu có bạn gái. Lúc đầu chỉ đến chơi rồi về, sau đó là ở lại ban ngày, rồi ở lại ban đêm, rồi ở cả ngày lẫn đêm trong phòng và khóa trái cửa lại! Chịu hết nổi, một lần bố cậu giật cửa xông vào thì bắt gặp đôi tình nhân nhí đang truy hoan. Sau một trận khẩu chiến kịch liệt bất phân thắng bại, cậu bé viết đơn từ cha mẹ vì đã “vi phạm quyền công dân” và cùng bạn gái bỏ nhà ra đi.

Gặp lại anh sau biến cố đó, tôi vô cùng bối rối khi thấy anh suy sụp hoàn toàn. Câu hỏi của anh cứ nhói lên trong tôi: Tại sao con đẻ của mình trở thành một người xa lạ vậy? Tôi không dám khuyên anh điều gì mà chỉ tự hỏi mình: Phải chăng vì anh đã cho con đi “tị nạn giáo dục” từ quá sớm?

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)