Mô hình trường chọn không chuyên
Có thể nói rằng các trường chuyên lớp chọn của ta những năm qua đã góp phần đáng kể vào bước đầu hình thành lớp người tinh hoa cho đất nước. Tuy nhiên, câu hỏi sau 50 năm trường chuyên lớp chọn là có nên tiếp tục duy trì mô hình này hay không?  Nếu không thì chọn mô hình nào?
Các lớp “chuyên” trong giáo dục của Nhật Bản
Tuy nhiên, câu hỏi là có nên tiếp tục duy trì mô hình trường chuyên lớp chọn sau 50 năm không? Có mô hình nào khác phù hợp hơn để bồi dưỡng những em nhỏ có năng khiếu đặc biệt về khoa học không? Có cách nào khác để giáo dục phổ thông gắn kết tốt hơn với việc hình thành lớp người tinh hoa của đất nước?
Muốn biết mình thì phải biết người. Nên chăng nhìn vào sự hình thành lớp người tinh hoa của nhiều quốc gia để nghĩ về các trường chuyên lớp chọn của chúng ta? Chẳng hạn thử xem nền giáo dục Nhật Bản gắn với việc hình thành lớp người tinh hoa của họ thế nào. Ở cấp tiểu học, học sinh ở Nhật học như chơi, không lưu ban, không thi cử và chấm điểm, nhà đâu học đấy và việc phát triển thể chất rất được chú trọng. Ở cấp trung học cơ sở cũng nhà đâu học đấy nhưng cuối cấp có việc thi vào các trường trung học phổ thông (THPT). Mỗi tỉnh đều có một, hai trường THPT hàng đầu, chất lượng và điều kiện tốt hơn hẳn các trường khác, những học sinh giỏi nhất hoặc có năng khiếu đặc biệt về một lĩnh vực nào đó ở tỉnh đều gắng thi vào đây. Các trường hàng đầu chọn những giáo viên giỏi nhất của tỉnh về dạy. Một số trường đại học cũng có các lớp phổ thông riêng và chọn lọc của mình, và cũng có nhiều trường tư chất lượng cao nhận và đào tạo học sinh giỏi hoặc có năng khiếu đặc biệt. Trong các môi trường trò giỏi thầy giỏi này, học sinh được yêu cầu học toàn diện tất cả các môn trong chương trình phổ thông (các thầy cô dạy giỏi luôn có khả năng lôi cuốn học sinh hào hứng học tập các môn khác nhau). Học sinh giỏi vào trường mỗi năm không phân thành các lớp chuyên, mà chia ngẫu nhiên vào các lớp học của khóa. Mỗi trường đều có các câu lạc bộ về những môn học khác nhau, cho phép học sinh có năng khiếu hoặc ham thích các môn học này tham gia, được dìu dắt và rèn luyện tư duy với các thầy cô giỏi. Cách làm này đáp ứng được nhu cầu phát triển năng khiếu của học sinh trong khi vẫn giữ việc học toàn diện thay vì sớm chuyên sâu vào một môn học. Sở dĩ như vậy là vì nhà khoa học dù có xuất sắc đến đâu trong một lĩnh vực, những hiểu biết phổ thông và căn bản về xã hội, kinh tế, nghệ thuật… vẫn hết sức cần thiết để họ đóng góp được tốt hơn cho xã hội và khoa học, và để cho chính họ có một cuộc sống hài hòa, tốt đẹp. Rất nhiều học sinh trường chuyên Việt Nam khi vào đời, hoặc khi có dịp học tập ở nước ngoài đã nhận ra sự thiếu hụt kiến thức chung do không học tốt ở các trường chuyên lớp chọn.
Việc thi vào đại học cũng phản ánh quan điểm giáo dục toàn diện ở bậc phổ thông ở Nhật. Dù ai rất giỏi một môn nào đó, nhưng nếu không có tổng điểm cao của ba môn Toán, Quốc ngữ và tiếng Anh, cũng rất khó vào được các đại học hàng đầu. Hầu hết sinh viên của Đại học Tổng hợp Tokyo và Đại học Tổng hợp Kyoto, hai trường hàng đầu nước Nhật, đều là học sinh giỏi đến từ các trường hàng đầu của các tỉnh. Từ bậc đại học trở đi, họ mới chính thức bắt đầu quá trình “chuyên” của mình, và do có kiến thức phổ thông tốt cộng với môi trường đại học tốt, năng khiếu của họ được phát triển nhanh trên một con đường dài với khả năng thành công cao. Thông thường, sau khoảng gần 10 năm chuyên trong một lĩnh vực nào đó để hoàn thành các chương trình cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, họ có thể trở thành những người có khả năng làm nghiên cứu độc lập. Từ đây và thường sau một quãng đường dài nữa họ mới có thể trở thành những nhà khoa học có đóng góp tốt và có uy tín trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Tất nhiên, từ bậc đại học trở đi, những người xuất sắc có cơ hội sớm đạt được những kết quả rực rỡ, có cơ hội gặp được những người thầy rất giỏi dẫn dắt vào khoa học.
Phần lớn những người trưởng thành từ các đại học hàng đầu lại làm việc ở các đại học và viện nghiên cứu hàng đầu, các công ty lớn và các tổ chức quan trọng. Lớp người tinh hoa của xã hội đại thể được hình thành như vậy. Cách chọn lọc và đào tạo người tài, người có năng khiếu này phổ biến ở nhiều nước, và khác rất nhiều với cách làm trường chuyên lớp chọn của ta.
Xây dựng mô hình trường chọn không chuyên
Sau một chặng dài 50 năm của “trường chuyên lớp chọn”, khi tình hình đất nước và điều kiện giao lưu quốc tế đã nhiều đổi thay, nên chăng xem xét các mô hình khác, chẳng hạn mô hình “trường chọn không chuyên” sau đây:
Xây dựng ở mỗi tỉnh một trường phổ thông trung học chất lượng cao, với thầy cô giỏi cho tất cả các môn học. Cũng có thể có một số trường chất lượng cao ở các trường đại học lớn chung cho cả nước hay cho học sinh ở các vùng miền Bắc, Trung, Nam.
Chọn vào trường những học sinh xuất sắc toàn diện hoặc có năng khiếu vượt trội về một môn của khoa học tự nhiên hay xã hội ở bậc trung học sơ sở.
Học sinh của trường được học tập toàn diện, được học tốt về tiếng Việt và tiếng Anh. Các em có năng khiếu vượt trội sẽ được sinh hoạt câu lạc bộ hợp với năng khiếu đó do các thầy cô giỏi dẫn dắt.
Mô hình “trường chọn không chuyên” này đã thành công ở nhiều quốc gia. Theo tôi, nó phù hợp hơn với xu thế chung toàn cầu, với sự thay đổi của môi trường sống và thế giới quanh ta, và có thể với cả nguyện vọng của phần lớn các gia đình có con cái có năng khiếu đặc biệt. Lấy thí dụ hai đồng nghiệp nước ngoài trong ngành học máy và khai phá dữ liệu của chúng tôi, một lĩnh vực sôi động của công nghệ thông tin với nền tảng từ nhiều chuyên ngành toán học: giáo sư Zhi-Hua Zhou ở Đại học Nam Kinh và giáo sư Masashi Sugiyama ở Đại học Tokyo. Họ đều còn khá trẻ, hoàn toàn được đào tạo ở Trung Quốc và Nhật Bản. Theo quan sát của tôi, trong lĩnh vực của mình, hiện họ là người có uy tín trên thế giới cũng như xuất sắc nhất ở nước họ trong vòng ba bốn chục năm qua. Giáo sư Zhou học phổ thông ở “trường điểm” của tỉnh (trường được xếp thứ hạng cao nhất tỉnh và học sinh được chọn qua thi tuyển), nơi không tổ chức theo các lớp chuyên. Giáo sư Sugiyama cũng học ở một trường trung học phổ thông có thứ hạng cao nhất tỉnh Chiba, nơi cũng không có các lớp chuyên. Tôi tin rằng những nhà khoa học xuất sắc của ta đã trưởng thành từ các lớp chuyên cũng sẽ đạt được thành tựu đã có nếu họ học trong các “trường chọn không chuyên”.
Với nhiều ưu điểm hơn so với mô hình “trường chuyên lớp chọn”, mô hình “trường chọn không chuyên” phải chăng nên được xem xét cẩn thận, đánh giá và lựa chọn cho chặng đường tiếp theo của giáo dục nước nhà?