Một giải pháp khác cho kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (kỳ 2)

Nguyên tắc đầu tiên và thiết yếu của giải pháp này, đó tổ chức thi tốt nghiệp THPT với tất cả 8 môn văn hoá cơ bản: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử, Ngoại ngữ. Đưa tiến trình dạy-học và kiểm tra đánh giá ở bậc phổ thông về lại quy trình bình thường vốn có và cần thiết trong giáo dục, phân biệt rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm ở cả ba cấp độ cơ sở, địa phương và quốc gia. Tạo tiền đề cho những chủ trương tự chủ tuyển sinh đại học bao gồm cả các phương án xét tuyển thông qua kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc tổ chức thi riêng theo trường hay nhóm trường.

1. Duy trì kì thi tốt nghiệp THPT là thiết yếu

Đã từng có nhiều ý kiến, kể cả của những người nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, rằng kì thi tốt nghiệp THPT không đảm bảo chất lượng nên tốt nhất là bỏ đi. Nhưng nếu tham khảo kĩ lưỡng các mô hình giáo dục phổ thông phổ biến trên thế giới, ta sẽ thấy đa số các nước có nền giáo dục phát triển vẫn có kì thi kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, theo cách này hay cách khác. Các nước này đều có chương trình giáo dục quốc gia, trong đó nêu rõ các tiêu chuẩn kiến thức, kĩ năng mà học sinh cần đạt được qua từng lớp, từng cấp học cho đến hết bậc giáo dục phổ thông. Đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động xác định nội dung giáo dục, lựa chọn phương pháp giáo dục, tổ chức quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá, thi cử, cấp phát văn bằng,… dù cơ chế phân cấp quản lí và quyền tự chủ trong lĩnh vực giáo dục theo xu hướng chủ đạo là giảm số kì thi chính thức đồng thời tăng cường kiểm soát hoạt động đánh giá liên tục trong suốt quá trình học tập (như các nước Bắc Âu), và tăng cường kiểm tra chính thức ở các giai đoạn học tập khác nhau (mỗi 1-3 năm) thông qua các bài thi chuẩn hoá (standardized tests) như các nước khối Anh-Mĩ. Riêng nước Pháp lại duy trì cả hai kì thi cuối cấp trung học cơ sở (thi một số môn chính) và trung học phổ thông (thi trên 10 môn bắt buộc cùng với một số môn tự chọn trong hai năm học).

Việt Nam chưa có hệ thống đánh giá độc lập, cơ cấu tổ chức hành chính chưa phù hợp với mô hình phân cấp toàn quyền tự chủ về giáo dục phổ thông cho các địa phương, cơ chế và công cụ thanh tra giám sát quá trình dạy-học vừa thiếu vừa yếu vừa kém hiệu quả… Do đó việc duy trì kì thi tốt nghiệp THPT là thiết yếu, nhưng phải thay đổi cách làm để kì thi này không còn là “trò chơi may rủi”, để thực sự trở thành cột mốc quan trọng thiết lập trở lại mặt bằng tối thiểu về chất lượng giáo dục phổ thông ở cấp độ quốc gia.

Thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản rất gần với mô hình “học gì thi nấy” của Pháp, vốn là nguồn gốc hình thành hệ thống giáo dục nước ta hiện nay. Trở ngại đầu tiên có thể gặp phải, đó là việc tăng thêm 1 ngày thi so với hiện nay. Nhưng so với việc tổ chức 4 ngày thi với 5-6 môn tự chọn (như đã nói ở trên) thì hiệu suất tổ chức sẽ tăng cao hơn khi tất cả các môn thi đều bắt buộc. Cái “nút thắt” căn bản nhất là “trò chơi rút thăm may mắn” để chọn môn thi tốt nghiệp hàng năm sẽ được tháo gỡ. Sẽ không còn cảnh thầy cô và học trò ngóng trông về Bộ mỗi độ tháng 3 để xem “vận rủi” sẽ rơi vào môn nào, để rồi “đua nước rút” kết thúc sớm chương trình những “môn không thi” và dành trọn thời gian còn lại để ôn luyện các “môn thi”. Bộ và các Sở GD&ĐT sẽ không còn phải cứ “làm bộ” kí các loại văn bản quy định cấm cắt xén, rút ngắn chương trình, mà trong thực tế nhắm mắt làm ngơ cho tất cả các trường tổ chức thi học kì II cho học sinh lớp 12 sớm hơn một tháng nhằm dồn sức chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp. Sẽ không còn cảnh phân biệt “môn chính” và “môn phụ” để đưa tất cả các môn văn hoá cơ bản về đúng vị trí của mình trong nhà trường phổ thông. Không có điều kiện này mọi nỗ lực cải cách giáo dục, đổi mới thi cử sẽ chỉ dừng lại ở hình thức mà không thể đạt kết quả như mong muốn.

2. Chất lượng coi thi và sự khách quan khi chấm thi tốt nghiệp THPT sẽ có sự cải thiện theo thời gian. Tổ chức 4 ngày thi so với 3 ngày thi thực ra không phải là điều gì quá khó. Một số địa phương vốn đã có kinh nghiệm tổ chức thi học kì các môn theo đề chung của Sở GD&ĐT, với sự phân cấp trách nhiệm về chất lượng thi cử về cho từng cơ sở giáo dục. Nâng cấp những kinh nghiệm này thêm một bậc, với đề thi chung của Bộ GD&ĐT, thiết nghĩ là một bước chuyển hợp lí và hoàn toàn khả thi. Độ khó của đề thi là việc hoàn toàn kiểm soát được, để cân đối lợi ích của những vùng miền khó khăn, nơi cần một mức chuẩn mực tối thiểu để học sinh có thể bước vào cuộc đời nghề nghiệp hoặc đi học tiếp, và những địa phương có trình độ phát triển cao hơn, nơi cần sự “phân tầng” trên mức sàn tối thiểu, để có thể lựa chọn cho mình những nhóm người học hay người lao động có chất lượng cao hơn, phù hợp với nhu cầu và năng lực đào tạo-sử dụng của mình. Sự khách quan trong quá trình chấm thi cũng là việc không khó để giải quyết, nhất là khi có được quyết tâm chính trị cao độ của các vị lãnh đạo ngành và địa phương, với sự đồng thuận của công luận.

3. Khi kì thi tốt nghiệp THPT đảm bảo được chất lượng và độ tin cậy, một cách bình thường, không chịu quá nhiều áp lực căng thẳng, thiết lập được một mặt bằng tối thiểu và những nhóm “phân tầng” khác nhau, việc bãi bỏ kì thi tuyển sinh đại học để sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ còn là một bước đi tất yếu, thuận lợi, phù hợp không chỉ với xu thế phân cấp quyền tự chủ tuyển sinh mà cả về mục tiêu phân tầng đại học. Trường nhỏ hay chất lượng trung bình sẽ ưu tiên xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT trung bình kết hợp đánh giá qua học bạ (theo các môn học tương ứng với ngành đào tạo cần tuyển); trường vừa hay chất lượng khá có thể yêu cầu xét tuyển với mức điểm thi tốt nghiệp cao hơn; trường lớn hay chất lượng cao có thể tổ chức thi riêng đối với các thí sinh đã đậu kì thi tốt nghiệp THPT. Vai trò chính của Bộ GD&ĐT khi đó không còn là những việc sự vụ trong tổ chức thi tuyển sinh với “nhiều chung” phức tạp, mà là cầm trịch đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông, điều tiết tổng thể quá trình chuyển tiếp giáo dục từ trung học lên đại học.

4. Xây dựng hệ thống hồ sơ tuyển sinh đại học chung trong toàn quốc. Thực vậy, không thể phủ nhận những ưu điểm của mô hình “ba chung” áp dụng như nhiều năm nay, khi mà chất lượng kì thi tốt nghiệp THPT còn nhiều vấn đề, và khi quay trở lại tự tổ chức thi riêng theo từng trường như hai mươi năm trước cũng không phải giải pháp phù hợp. Nhưng điểm trở ngại lớn nhất của mô hình này chính là số lượng hồ sơ “ảo” quá cao, không thể kiểm soát được. Nguyên nhân chính là mỗi trường tự quản lí hồ sơ thí sinh một cách riêng rẽ, do đó dù Bộ GD&ĐT có phối hợp trao đổi dữ liệu thường xuyên với các trường thì cũng không có cách nào xác định được có chính xác bao nhiêu thí sinh thực sự, mỗi thí sinh nộp bao nhiêu hồ sơ, đăng kí những nguyện vọng nào, đi thi ở đâu, kết quả ra sao… Tham khảo mô hình tuyển sinh của nước Pháp, ta sẽ thấy một hướng đi khắc phục được những nhược điểm của “ba chung” bấy lâu nay, kết hợp hài hoà với lộ trình đổi mới giáo dục, cải cách thi cử mà chúng ta đang muốn đi theo. Một cách ngắn gọn, mô hình tuyển sinh “một chung” ở Pháp được tổ chức như sau:

a.  Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu xây dựng một hệ thống đăng kí hồ sơ tuyển sinh trực tuyến thống nhất trong toàn quốc. Tất cả các trường đào tạo sau trung học cung cấp thông tin tuyển sinh của mình bên trong hệ thống này.

b.  Mỗi thí sinh tạo một tài khoản cá nhân duy nhất trên hệ thống; sau đó tự tìm hiểu và đăng kí dự thi vào các trường và ngành khác nhau, từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, hoàn toàn qua Internet. Lãnh đạo và giáo viên các trường THPT có thể kết nối vào hệ thống để theo dõi và hỗ trợ học sinh trong suốt tiến trình đăng kí hồ sơ tuyển sinh.

c. Các trường tuyển sinh sử dụng dữ liệu đăng kí dự thi từ hệ thống để chuẩn bị công tác tổ chức xét tuyển. Nếu trường có yêu cầu hồ sơ giấy, thí sinh sẽ in hồ sơ từ hệ thống và gửi kèm các giấy tờ chứng thực qua bưu điện. (Ở điểm này, quy trình nhập liệu ngược hẳn với cách làm ở Việt Nam vốn tốn kém nhiều công sức, tiền của, hiệu quả khai thác thấp mà tỉ lệ sai sót rất lớn.)

d. Mỗi thí sinh có quyền đăng kí đến 36 hồ sơ dự thi, với tối đa 12 hồ sơ cho mỗi bậc đào tạo sau trung học (dự bị đại học, trung cấp kĩ thuật, cao đẳng cộng nghệ, cử nhân…), tự xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng của mình và có quyền thay đổi cho đến trước khi diễn ra kì thi tú tài vào đầu tháng 6. Trong thực tế, trung bình mỗi học sinh chỉ đăng kí 10 nguyện vọng.

e. Sau khi có kết quả thi tú tài, điểm được nhập vào hệ thống làm điều kiện ràng buộc (có khoảng 15 % thí sinh bị loại ở giai đoạn này), và các trường chuyển sang giai đoạn phê duyệt hồ sơ, gồm ba vòng, mỗi vòng kéo dài một tuần và giãn cách nhau một tuần. Hệ thống có những thuật toán đặc biệt để xếp hạng thứ tự ưu tiên dựa trên khả năng tuyển sinh của mỗi cơ sở đào tạo, danh sách hồ sơ thí sinh được hội đồng tuyển sinh mỗi trường quyết định phê duyệt ở mỗi vòng và danh sách các nguyện vọng của thí sinh.

g. Ở vòng 1, hội đồng tuyển sinh của các trường phê duyệt hồ sơ đăng kí dựa trên các tiêu chí học thuật mà không biết rõ thứ tự nguyện vọng ưu tiên của thí sinh. Sau khi các trường phê duyệt, thí sinh nhận thông báo qua điện thư và có một tuần để trả lời (chấp nhận hoặc không), cũng qua Internet. Thí sinh nào không đạt nguyện vọng ở vòng 1 sẽ chờ thêm một tuần để hội đồng xét tuyển của các trường duyệt hồ sơ vòng 2 dựa trên số hồ sơ đăng kí còn lại. Sau đó họ lại có một tuần để quyết định chấp nhận hay không. Số không đạt nguyện vọng ở vòng 2 lại chờ thêm một tuần để có kết quả xét duyệt vòng 3. Tất cả những trường hợp còn lại, không đạt nguyện vọng ở vòng 3, sẽ còn một cơ hội cuối cùng là quy trình đăng kí bổ sung, vẫn qua Internet, vào những chương trình đào tạo còn khả năng tiếp nhận.

h. Sau khi thí sinh được chọn và trả lời chấp nhận theo học tại một chương trình đào tạo nào đó (qua hệ thống trực tuyến), họ chỉ còn cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ chứng thực để đến làm thủ tục đăng kí nhập học theo lịch của trường trúng tuyển. Qua thực tế gần 10 năm triển khai hệ thống này tại Pháp, tỉ lệ đạt được nguyện vọng 1 của thí sinh ở ngay vòng phê duyệt đầu lên đến trên 90 %.

Xét về các điều kiện xã hội, kinh tế và kĩ thuật hiện thời, cũng như qua mọi kinh nghiệm tích luỹ được từ nhiều năm tổ chức thi “ba chung”, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi nước Pháp để xây dựng hệ thống tuyển sinh “một chung”, với một số điều chỉnh nhất định cho phù hợp với hoàn cảnh giáo dục hiện thời cũng như lộ trình đổi mới vừa mở ra. Hệ thống này sẽ không chỉ giúp giải quyết câu chuyện thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh, mà còn có thể tạo ra tiền đề cho nhiều bước cải cách mới cho toàn bộ nền giáo dục nước nhà, như cấp mã số sinh viên quốc gia; chuẩn hoá đặc tả sinh viên và chương trình đào tạo; nâng cao hiệu quả phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông; v.v.

5. Trên tổng thể, giải pháp mới cho kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học có thể được triển khai theo một tiến độ hợp lí hơn như sau:

– Năm học 2013-2014: không thay đổi phương thức thi (tốt nghiệp THPT 6 môn, tuyển sinh “ba chung” với một số thí điểm tự chủ tuyển sinh); chuẩn bị dự án khả thi chi tiết cho giải pháp mới.

– Năm học 2014-2015: thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản; duy trì thi tuyển sinh “ba chung”; tiếp tục thí điểm tự chủ tuyển sinh; tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống tuyển sinh “một chung”.

– Năm học 2015-2016: cải thiện quy trình và chất lượng thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản; triển khai hệ thống đăng kí hồ sơ tuyển sinh “một chung” nhưng vẫn duy trì kì thi tuyển sinh (bao gồm đề thi chung theo ba đợt như hiện nay, và các hình thức thí điểm tự chủ tuyển sinh) song song với kì thi tốt nghiệp THPT.

– Năm học 2016-2017: hoàn thiện quy trình thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản (với khoá tuyển sinh lớp 10 vào năm học 2014-2015); bãi bỏ kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; hoàn thiện và áp dụng hệ thống tuyển sinh “một chung” để xét tuyển đại trà theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, cho phép các trường đặc thù tự chủ tuyển sinh để “phân tầng” đại học.

Một mặt, lộ trình này có thể giúp giải quyết được các vấn đề nổi cộm trước mắt, mặt khác vẫn đảm bảo tính đồng bộ giữa nhiều nhóm giải pháp khác nhau về trung hạn và dài hạn như xây dựng chương trình giáo dục quốc gia; đổi mới phương thức biên soạn và sử dụng sách giáo khoa; cơ cấu lại hệ thống phân ban, hướng nghiệp, dạy nghề; tăng cường liên thông giữa các cấp học và hình thức giáo dục, đào tạo; v.v. để thực sự đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà./.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)