Một nghĩa cử của Viettel

Với chương trình cung cấp thiết bị, lắp đặt và cho sử dụng miễn phí vĩnh viễn Internet băng rộng gần 40.000 trường học trên cả nước, giảm 70% cước thuê kênh cho các trường đại học, cao đẳng và trung cấp, Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) đã có một nghĩa cử, góp phần tô đậm bản chất tốt đẹp của “Anh Bộ Đội Cụ Hồ”.

 Trong buổi lễ “Khởi công kết nối mạng giáo dục” ngày 25/9 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel đã lý giải việc thực hiện chương trình này là do: “trong quá trình kinh doanh, Viettel nhận thấy một thực tế, rất nhiều người có nhu cầu sử dụng các dịch vụ mà không có nhu cầu chi trả. Ở đất nước của chúng ta, số người này rất đông và chính họ là những người ảnh hưởng tới tương lai đất nước. Chúng tôi nghĩ rằng, những người này nếu được đào tạo, trang bị kiến thức tốt sẽ có rất nhiều cơ hội trong tương lai. Và khi họ có cơ hội thì họ sẽ trở thành những người có thu nhập cao hơn, khi đó họ sẽ nhớ về quá khứ, nhớ về những người đã giúp đỡ họ, đồng thời họ sẽ có ý thức giúp đỡ những người khác còn khó khăn hơn mình. Những vòng luân chuyển như vậy sẽ khiến xã hội ngày càng tốt đẹp hơn…”. Ông cũng cho biết thêm, Viettel đang tiến tới kỷ niệm 20 năm thành lập Tổng công ty. Trong số các hoạt động hướng tới ngày trọng đại đó thì quan trọng nhất là cảm ơn xã hội Việt Nam đã nuôi dưỡng Viettel. “Lời cảm ơn ấy, chúng tôi muốn dành trước tiên cho ngành giáo dục bằng một chương trình cụ thể là phổ cập Internet tới tất cả các cơ sở giáo dục trên cả nước”.

… Trong kinh doanh thì công ty nào cũng muốn hướng đến người có tiền cả. Mà đối với dịch vụ như Internet băng rộng thì có những người thực sự rất cần như những trường học lại không có tiền mà đây lại chính là những nơi quyết định tương lai của đất nước này. Nếu như chúng ta đều coi giáo dục là tương lai của đất nước này thì tại sao lại không dám mạnh tay đầu tư cho giáo dục? Khi làm chương trình này, chúng tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng: khi mình giúp người nghèo trở thành người có tiền và có thể trở thành người giàu thì ít nhất họ cũng nhớ đến mình như những người tốt bụng, tử tế mà cao hơn nữa thì họ sẽ sử dụng dịch vụ của mình, nói tốt cho mình với những người khác… Thử hình dung xem bạn phải bỏ bao nhiêu tiền để có được hàng chục triệu người yêu mến công ty của bạn một cách thực sự?
… Trong triết lý kinh doanh của Viettel có ghi rõ một điều: kinh doanh có trách nhiệm với xã hội. Chúng tôi luôn nhận thức rằng, để có Viettel ngày hôm nay, một doanh nghiệp mạnh của đất nước với doanh thu năm 2008 ước đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng thì lý do chính là nhờ xã hội 85 triệu dân Việt Nam. Nhờ chính trị ổn định, nhờ kinh tế phát triển thì chúng tôi mới có được doanh thu ấy. Chúng tôi xác định, gần 7.000 tỷ đồng lợi nhuận của Viettel năm nay không thuộc về Viettel mà chính là thuộc về xã hội Việt Nam.
Nguyễn Mạnh Hùng
Phó Tổng giám đốc Viettel

Phát biểu trong buổi lễ này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã cho rằng Chương trình này thực sự giành được sự quan tâm, kỳ vọng và những tình cảm tốt đẹp của không chỉ thầy cô và hàng chục triệu học sinh mà của cả những người tâm huyết với sự phát triển giáo dục, đào tạo của đất nước. “Xin thay mặt hơn 1 triệu thầy cô giáo và 53 triệu học sinh cả nước, trong đó có 1,6 triệu sinh viên thì vẫn phải trả phí nhưng với giá rẻ, cám ơn chân tình tới Viettel . Chúng tôi tin rằng, ngày 25.9.2008 sẽ là ngày lưu vào lịch sử của giáo dục Việt Nam và lịch sử của ngành công nghệ thông tin truyền thông Việt Nam”. Ông nói.
Còn ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Tin học Bộ GD&ĐT thì khẳng định với các nhà báo: “Chương trình mà Viettel dành cho ngành giáo dục là một chương trình vĩ đại nhất mà tôi từng biết của một công ty viễn thông. Đây không chỉ là một chương trình đặc biệt tại Việt Nam mà còn là một chương trình đặc biệt và duy nhất trên toàn thế giới. Tôi thách tất cả mọi người có thể tìm được công ty thứ hai trên thế giới dám làm một chương trình như vậy…”. Ngoài việc dành cho Viettel những lời khen ngợi có phần “hơi quá”, ông Ngọc đã nhờ ông Kriengkrai Bhuvanij- người phụ trách các chương trình Chính phủ của IBM Thái Lan, một đối tác của Bộ GD&ĐT Việt Nam -soạn thảo và phát tức thời đến các hãng thông tấn nước ngoài một thông cáo báo chí bằng tiếng Anh về Chương trình của buổi lễ.
Vị đại diện của IBM đã bày tỏ với ông Nguyễn Mạnh Hùng sự ngưỡng mộ của mình trước nghĩa cử cao đẹp của Viettel: “Thái Lan là một nước giàu hơn Việt Nam nhiều nhưng số lượng người dùng Internet ở các trường học chỉ khoảng 1,5 triệu người và cũng chưa tìm ra cách để đưa số người sử dụng Internet tại Thái Lan tăng lên. Việt Nam là một nước nghèo hơn Thái Lan nhiều nhưng lại có một công ty dám tài trợ cho hàng chục triệu học sinh, sinh viên dùng Internet miễn phí vĩnh viễn thì đúng là một điều rất khó tin”.

Mục tiêu của Chương trình
Không chỉ phục vụ mục tiêu cám ơn xã hội nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập mà chương trình kết nối mạng giáo dục của Viettel là một dạng marketing đặc biệt.

Điểm đặc biệt đầu tiên là nó xuất phát từ ý tưởng: trả ơn xã hội, trả ơn hơn 85 triệu người dân Việt Nam – những người nuôi dưỡng Viettel; nhưng đối tượng được nhắm đến lại là những người không có tiền để chi trả cho những dịch vụ mà Viettel đang cung cấp (những công ty khác thì chỉ nhắm vào các đối tượng khách hàng có khả năng trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ của mình). Điểm đặc biệt thứ hai là dù sẽ phải chi những khoản tiền cực lớn, thường xuyên cho những người có khả năng chi trả thấp nhất xã hội nhưng chương trình phải đảm bảo mục tiêu bền vững tức là phải “có lãi”.
Nếu chỉ nhìn sơ qua từ bên ngoài, việc nhắm tới các đối tượng ít có khả năng chi trả thường xuyên cho các dịch vụ Internet băng rộng là các trường Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT có vẻ không phù hợp với mục tiêu marketing trước mắt cũng như mục tiêu “có lãi”. Thứ nhất, nếu như họ đã ít hoặc không có khả năng chi trả cho dịch vụ của Viettel thì họ không nằm trong diện khách hàng tiềm năng hiện tại nên không phải là mục tiêu marketing ưu tiên. Thứ hai, mục tiêu “có lãi” là cực kỳ viển vông bởi Viettel cung cấp hoàn toàn miễn phí mọi thứ cho đối tượng này thì lấy đâu ra tiền mà “có lãi”?

  
Kế hoạch triển khai việc kết nối mạng giáo dục như sau:
– Đến tháng 10/2008: Dự kiến sẽ hoàn thành kết nối giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo tới tất cả các Sở Giáo dục và Đào tạo trong cả nước.
– Đến tháng 6/2009: Kết nối tới các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Dạy nghề:
– Vào năm 2009 hoặc 2010: Sẽ hoàn thành kết nối tới các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học,…
Theo ước tính đến năm 2010, Viettel sẽ thực hiện kết nối Internet với hơn 39.000 trường trên cả nước và 27 triệu người sẽ được hưởng lợi ích từ các dịch vụ này.

Nhưng theo Viettel, tất cả các học sinh từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở… là những khách hàng miễn phí của Viettel ở trường học nhưng tương lai sẽ là những khách hàng có trả phí của Viettel khi ở nhà hoặc ở nơi khác. Việc quảng bá mạnh mẽ dịch vụ tới đối tượng khách hàng này từ khi còn nhỏ cho tới khi lớn sẽ hỗ trợ cho Viettel rất nhiều trong việc bán hàng khi những đối tượng này trở thành những người có khả năng chi trả. Điều thú vị ở đây là: gần như toàn bộ các khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông sau này đều là những người đã được thụ hưởng các lợi ích từ chương trình Internet băng rộng miễn phí cho trường học của Viettel (từ khi họ còn nhỏ xíu cho tới khi lớn). Trong tâm trí của những khách hàng tương lai này, chắc chắn Viettel là một thương hiệu tốt bụng và tử tế hơn bất cứ một thương hiệu viễn thông nào khác.
Chưa hết, những người trong ngành giáo dục, cha mẹ của những khách hàng tương lai (những học sinh mầm non, tiểu học, trung học…) khi nhắc tới Viettel cũng sẽ hình dung ra một công ty của những người tử tế và tốt bụng dù có thể họ chưa dùng dịch vụ của công ty này. Mặc dù Viettel chỉ dự kiến việc cung cấp dịch vụ Internet băng rộng miễn phí sẽ tới được hơn 27 triệu học sinh, giáo viên, nhân viên… trong ngành giáo dục, nhưng sức ảnh hưởng của chương trình này chắc chắn sẽ lan tỏa thực sự đến toàn bộ xã hội Việt Nam bởi những học sinh đang không có tiền để chi trả này chính là tương lai của đất nước.
Chỉ tính riêng chi phí hằng năm cho việc cung cấp Internet băng rộng miễn phí cho hơn 39.000 trường Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT đã là trên 300 tỷ đồng. Đây là chưa kể đến chi phí ban đầu mà Viettel bỏ ra để kết nối miễn phí tới các trường, cũng như việc cung cấp modem miễn phí cho các trường này.
Có thể nói rằng, ai cũng hiểu việc đầu tư cho ngành giáo dục là một khoản đầu tư chiến lược cho tương lai, nhưng cho đến nay chưa có bất kỳ một doanh nghiệp nào thực hiện một khoản đầu tư cực lớn trước mắt như Viettel chỉ để nhận được những thành quả “vô hình” chỉ có thể thấy được trong một tương lai không gần. Vì thế không ngạc nhiên khi trong giới doanh nghiệp công nghệ thông tin không ít người cho rằng Viettel chơi “ngông”.
Phải chăng đó là cách “chơi ngông” mang bản sắc văn hóa Viettel.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)