Một số yêu cầu đối với hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học

Khi đặt mục tiêu trong hợp tác quốc tế là đưa chất lượng một trường đại học của Việt Nam lên đẳng cấp quốc tế thì việc hợp tác không thể tùy tiện, phải “chọn bạn mà chơi”. Tôi xin đề xuất một số yêu cầu đối với việc hợp tác quốc tế như sau.

1. Phải đảm bảo sự bình đẳng tối thiểu về mặt khoa học trong hợp tác quốc tế.
Không thể hợp tác theo kiểu “ta có mặt bằng còn bạn đầu tư máy móc, công nghệ”. Cần xác định rằng việc hợp tác quốc tế là để nâng cao chất lượng, trình độ của giáo viên để thông qua đó nâng cao chất lượng sinh viên.
Để có thể thật sự thành công trong hợp tác quốc tế một trường đại học của ta phải đủ khả năng đào tạo bậc cử nhân theo đúng nghĩa của điều này, cũng như ít nhất là một phần của chương trình đào tạo cao học và nghiên cứu sinh. Để đảm bảo chất lượng phải có một chương trình giảng dạy, đánh giá theo tiêu chí quốc tế. Vấn đề đầu vào thực ra không phải quá quan trọng, đầu ra mới đóng vai trò then chốt. Phải có một quá trình sàng lọc khắt khe, thi cử nghiêm túc để đảm bảo được chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Đây là một dilemma. Với tâm lý trọng bằng cấp hơn kiến thức của người Việt thì một trường đại học mà chỉ có 50% số sinh viên tốt nghiệp trên tổng số sinh viên nhập học (một tỷ lệ phổ biến tại các nước tiên tiến) rõ ràng sẽ không lôi kéo được sinh viên vào học. Nhưng không giải quyết được điều này thì bài toán chất lượng của trường sẽ không bao giờ được giải quyết.
Có thể học tập kinh nghiệm của các trường đại học ở Mỹ. Nếu so với Tây Âu thì có lẽ đầu vào họ kém hơn vì chất lượng phổ thông của Mỹ thấp hơn. Để giải quyết vấn đề trình độ đầu vào các trường ở Mỹ thường có các khóa chuẩn bị, về cơ bản là dạy lại chương trình phổ thông cho các sinh viên mới nhập trường còn bị yếu về kiến thức. Phương thức này cũng đang bắt đầu được các nước châu Âu học tập.
Tại các trường đại học lớn, những bài giảng chính cho các sinh viên năm đầu luôn được thực hiện bởi những giáo sư giỏi nhất của trường. Ngoài kiến thức uyên thâm, những kinh nghiệm nghiên cứu hoặc hợp tác với các đối tác ngoài trường của họ còn là những động lực quan trọng cho sự say mê học tập của sinh viên. Đối với các trường trong nước hiện nay, điều này còn chưa khả thi. Mặt khác việc mời các giáo sư nước ngoài có đủ cả uy tín lẫn nhiệt tình về làm việc dài hạn ở Việt Nam để tham gia vào việc giảng dạy sinh viên lại càng không khả thi. Chính vì vậy trường phải có chương trình đặc biệt để lôi kéo các nhà khoa học trẻ xuất sắc của Việt Nam về làm việc và thông qua việc hợp tác nghiên cứu với đối tác nước ngoài tạo điều kiện để họ trở thành các giáo sư nòng cốt của trường.
2. Hợp tác trong nghiên cứu khoa học phải đóng vai trò then chốt trong toàn bộ chương trình hợp tác

Để một trường đại học có thể đạt được “đẳng cấp quốc tế” trước tiên nó phải được tổ chức theo mô hình của các trường đã có “đẳng cấp” cụ thể là mô hình liên thông giữa đào tạo và nghiên cứu, có quy chế tuyển chọn giáo sư theo thông lệ quốc tế. Các giáo sư phải được tin tưởng, tôn trọng, được tạo điều kiện cao nhất để làm việc và có tiếng nói quyết định trong các chiến lược giáo dục và đào tạo của trường.

Nếu nhìn việc có được một trường đại học “đẳng cấp quốc tế” như là thu hoạch được những quả ngọt thì bước đầu tiên chúng ta phải trồng cây và sau đó là sử dụng các biện pháp chăm bón để tới ngày có quả ngọt. Việc “chăm bón” cho một trường đại học không gì khác ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy mà điểm mấu chốt là thông qua việc nghiên cứu khoa học. “Nghiên cứu khoa học” ở đây cần được hiểu theo nghĩa rộng để phân biệt với giảng dạy, tương tự như phân biệt giữa học và hành.
Đối với các lĩnh vực cơ bản như Toán, Lý,… nghiên cứu khoa học có thể là những nghiên cứu cơ bản. Những giảng viên có nghiên cứu sẽ có những bài giảng cho sinh viên lý thú hơn nhiều so với những người chỉ thuần túy dạy lại những kiến thức mà họ đã được học, cho dù họ có được bồi dưỡng bao nhiêu đi nữa những kiến thức sư phạm.
Đối với những lĩnh vực kỹ thuật nghiên cứu khoa học cũng có thể là những nghiên cứu ứng dụng, hợp tác với doanh nghiệp. Những kinh nghiệm thực tế của giảng viên sẽ rất có giá trị cho các bài giảng của họ…
Chính nghiên cứu khoa học là lĩnh vực mà các trường đại học muốn nâng cao chất lượng cần sự hợp tác quốc tế nhất. Trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thực lực của chúng ta còn quá kém và phải nói rằng “không thầy đố mày làm nên”. Các chương trình trao đổi nghiên cứu với một vài trường đại học có chất lượng ở nước ngoài, trước tiên là đảm bảo điều kiện nghiên cứu ở tầm quốc tế cho các giảng viên trong trường, giúp họ tiếp tục vươn lên trong khoa học, mặt khác chỉ với các chương trình đó mới đảm bảo được chất lượng đào tạo cao học và nghiên cứu sinh của trường.
“Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Ngay một cây lúa chúng ta cũng không ép nó lớn nhanh quá được. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo là lâu dài. Tư duy “đi tắt đón đầu” chắc chắn sẽ chỉ làm hại cho sự nghiệp này. 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)