Một thế hệ tỉnh thức

COVID-19 và cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này hoàn toàn có thể giúp chúng ta hy vọng một “thế hệ tỉnh thức” sẽ được sinh ra!


Chúng ta không nên quên rằng đến năm 2025, thế hệ Y dự kiến sẽ chiếm 75% nhân công lao động toàn cầu, và thế hệ Z dự kiến chiếm 27%.

Có một thế hệ mang tên “COVID-19”?

 

Khi COVID ập tới, người già và người trẻ là hai nhóm tuổi chịu nhiều tổn thất nhất: với người già là sức khỏe và sinh mạng, với người trẻ là điều kiện sống, cả vật chất lẫn tinh thần.

Thất nghiệp và thiếu thốn vật chất đã trở thành những hệ quả nhãn tiền mà giới trẻ phải gánh chịu khi các cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra từ nhiều năm nay, ngay tại các quốc gia phát triển. Đơn cử như tại Pháp, trong quý 3 năm 2020, tỉ lệ thất nghiệp của lứa tuổi 15-24 lên đến 21,8% so với 9% toàn dân số (INSEE). Ở trong toàn khối OECD, 1 trên 8 thanh niên trong độ tuổi 15 – 29 không có việc làm, thậm chí vào đỉnh điểm của dịch COVID, tỉ lệ này còn lên tới 1 trên 5 người.

Tuy nhiên, những hệ lụy về tinh thần mới thực sự là điều chưa từng có tiền lệ mà giới trẻ phải hứng chịu. Khi đại dịch đổ ập đến thì: vừa nhập học đã phải ngưng, thực tập bị hủy, đi tìm việc bị hoãn, đi làm thêm chấm dứt, hội hè dẹp sang bên, thổ lộ tình yêu chuyển lên màn hình… Những yếu tố này tác động đến điều kiện sống, học hành và làm việc, làm gia tăng bất bình đẳng, ảnh hưởng xấu tâm lý và sức khỏe tinh thần. Theo nghiên cứu Youth and COVID-19: Response, recovery and resilience (OECD, 6/2020), 55% thanh niên nhóm tuổi 15-29 lo lắng cho sức khỏe tinh thần, mối bận tâm này còn quan trọng hơn cả việc học hành và công việc. Thống kê vào tháng 3/2021 cho thấy, người trẻ các nước Mỹ, Pháp hay Bỉ rơi vào trạng thái trầm cảm hay lo âu lớn hơn 30% đến 80% so với người lớn tuổi.

Lẽ thường, gia vị làm nên tuổi trẻ là những dự phóng vào tương lai, là tương tác với xã hội, là thoát dần khỏi vòng tay bảo bọc của gia đình. Thế nhưng, đại dịch khiến thanh niên hết tiền bỏ nhà thuê về ở với cha mẹ (một chiếc vé “bắt ép” quay về tuổi thơ), khiến họ không được giao tiếp với xã hội nơi tạo ra các mối quan hệ và cơ hội nghề nghiệp. Cảm thức rằng tuổi trẻ là những “năm tháng đẹp nhất của cuộc đời” bị che phủ vì cảm giác hạnh phúc giảm đi, mà căng thẳng, lo âu, trầm cảm tăng lên, đời sống tình cảm (bạn bè và yêu đương) bị đảo lộn hay tan vỡ.

Định nghĩa “tuổi trẻ” của ba nhà xã hội học:
Theo Edgar Morin, tuổi trẻ là một hiện tượng văn hóa, cùng với sự xuất hiện của «văn hóa trẻ». Pierre Bourdieu nhận định giới trẻ chỉ là một khái niệm chứ không phải là một tầng lớp xã hội vì nó bị chia rẽ sâu sắc bởi nguồn gốc xã hội. Olivier Galland coi tuổi trẻ như một giai đoạn chuyển tiếp giữa trẻ thơ và người lớn đi qua những cột mốc: đi làm, ở riêng, lập gia đình. Nhưng ngày nay, giai đoạn chuyển tiếp này ngày càng dài ra và các cột mốc trở nên mờ nhạt đi.

 

Từ Thế hệ “COVID” đến Thế hệ “Khí hậu”

 

“Bấp bênh, bất ổn, vô định” là những từ chúng ta mô tả về thế hệ trẻ ngày nay. Đa số hoài nghi và mất lòng tin vào chính quyền và chính trị. Gần 80% người trẻ ở Tây Ban Nha, Mỹ và Anh, 60% ở Pháp, 42% ở Đức cho rằng các chính phủ hoàn toàn không làm chủ được đại dịch COVID-19 (Ipsos Mori Survey, 10/2020). Không đi bầu cử hay bỏ phiếu trắng là cách họ biểu đạt chính kiến với công quyền. Niềm tin vào nền dân chủ giảm sút, từ 50% vào năm 2016 xuống 35% vào 2020 (Financial Times).

Ở hầu hết mọi quốc gia, chưa khi nào trình độ học vấn và bằng cấp của thế hệ trẻ ngày nay lại cao đến vậy so với các thế hệ trước. Nếu như các phương thức lên tiếng hay tham gia chính trị không còn thông qua các kênh “truyền thống”, như bầu cử, gia nhập đảng hay công đoàn, thì điều này không có nghĩa là thanh niên thờ ơ với chính trị. Không chỉ có vậy, họ còn quan tâm đến những vấn đề xã hội như bình đẳng giới, chống kỳ thị đồng tính, chủng tộc, bảo vệ những nhóm yếu thế…

Người trẻ không đi bầu cử nhưng họ vẫn dấn thân! Dường như “Thế hệ COVID” cũng chính là “Thế hệ Khí hậu”. Bị kẹp trong một viễn cảnh hành tinh kiệt quệ dần nguồn tài nguyên, bị giam trong một đời sống thường nhật cấm túc, người trẻ càng có ý thức dấn thân bảo vệ môi trường. Các bạn trẻ ưu tiên những hành động cùng và trong cộng đồng, hướng đến những cái cụ thể và trực tiếp. Các sáng kiến tương trợ lẫn nhau, giữa các thế hệ, xuất hiện ở rất nhiều quốc gia Á, Âu, Mỹ: chống bạo lực gia đình, trao đổi thư từ giữa thiếu niên với người cao tuổi, phụ đạo online, dịch vụ tư vấn tâm lý cho phụ nữ, cho thanh niên và được làm bởi thanh niên, quyên góp và phân phối thực phẩm… Với công cụ là mạng xã hội, họ truyền tải một thông điệp, tụ hội một cộng đồng cùng chia sẻ hệ giá trị. Và hơn thế, các sáng kiến, hành động cũng là hành trình kiếm tìm ý nghĩa cuộc đời cho chính họ.

Gìn giữ môi trường và bảo vệ môi sinh vừa là phương cách người trẻ tự thử thách mình trước thời cuộc vừa là phương tiện họ đang tìm cách đối thoại, chất vấn với các chính thể. Khi đã quyết định hành động, họ sẽ hành động cho bản thân, cho người khác và cho tương lai. Đây là một thế hệ biết gây tác động, biết sáng tạo ra những không gian chính trị mới, đặt thách thức khí hậu lên bàn cờ chính trị quốc tế, đang đảo lộn phương thức tư duy và tiêu thụ, hướng đến phát triển bền vững. Giới trẻ này mang sức lan tỏa!

 

Đừng gọi chúng tôi là “thế hệ hiến sinh”

 

“Thế hệ COVID-19 không phải là thế hệ hiến sinh mà là một thế hệ dấn thân hết mình, đoàn kết, táo bạo, dám nghĩ dám làm và dũng cảm”. (Léna Van Nieuwenhuyse, sinh viên, chủ tịch Pass’Politique và tác giả cuốn sách Génération Engagée).

Cuộc điều tra về giới trẻ thuộc nhiều quốc gia do Vice Media Group thực hiện năm 2020 sau đây đem lại nhiều tín hiệu tích cực. 62% thanh niên thuộc khối EMEA (châu Âu, Phi và Trung Đông) lo lắng cho người thân mắc COVID hơn là cho chính họ (chỉ chiếm 25%). 57% nghĩ rằng “coronavirus đem lại những tác động tích cực về lâu dài cho xã hội”. Và nhiều người tìm thấy những điều tích cực trong cơn khủng hoảng y tế như “có những ý tưởng mới”, “tạm ngưng để suy nghĩ”, “cơ hội để làm lại từ đầu”… 49% tập trung phát triển bản thân, làm những việc mang tính sáng tạo trong thời gian cấm túc. 41% cho rằng việc cảm thấy mình có ích cho hôm nay và tương lai đem lại sự trấn an tinh thần.

Thế hệ trẻ này hoàn toàn ý thức rằng mọi thứ sẽ không tốt đẹp hơn mà phải dự đoán các hệ quả xấu và tìm thấy những tín hiệu tốt nảy sinh. Các thế hệ Y (1981-giữa thập niên 1990), Z (giữa thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010) đã kêu gọi những thay đổi đến từ thượng tầng từ nhiều năm nay. Các thiết chế và chính thể phải lắng nghe họ và tiến hành những thay đổi cùng với họ. Hãy chỉ cho họ những gì chúng ta có thể làm để giúp đỡ các bạn trẻ và cùng nhau tìm ra các giải pháp. Chúng ta không nên quên rằng đến năm 2025, thế hệ Y dự kiến sẽ chiếm 75% nhân công lao động toàn cầu (The Deloitte Millennial Survey, 2014) và thế hệ Z dự kiến là 27% (McCrindle Research, 2019).

Ít may mắn hơn thế hệ Baby Boomer, sinh thời hậu chiến, được hưởng thành quả kinh tế, thế hệ trẻ ngày nay, trong nhiều năm qua, đã chứng tỏ được sức bền và sức bật trong một tinh thần lạc quan và vì cộng đồng.□

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)