Năm bài học lớn đại học Mỹ nên học từ các đại học châu Á

Thượng nghị sỹ Lamar Alexander, nguyên là hiệu trưởng ĐH Tennessee, gần đây đã cảnh báo “cũng giống như nền công nghiệp ô tô những năm 60, đã có một vài dấu hiệu cho thấy ĐH Mỹ đang trong giai đoạn khủng hoảng”.

Cảnh báo này của ông làm tôi nhớ lại cuộc trò chuyện với một giáo sư ĐH Harvard khi vị giáo sư này đến thăm Nhật Bản những năm 80 và đã rất kinh ngạc khi thấy những dây chuyền sản xuất hiện đại của Toyota. Khi quay trở về Mỹ, giáo sư đã chia sẻ với phó chủ tịch tập đoàn General Motors (GM) về những tiến bộ vượt bậc của Toyota nhưng ngài phó chủ tịch có nói: “Tôi cũng biết thế nhưng nếu tôi nói với hội đồng quản trị của GM là Toyota đang có những thay đổi vượt trội thì tôi sẽ mất việc ngay mà GM thì lại sẽ chẳng thay đổi gì hết.”

Câu chuyện này giải thích những khó khăn hiện nay của GM. (Rất trớ trêu, sau 20 năm bây giờ Toyota đang mắc phải những sai lầm hệt như GM trước đây). Và chính điều này là bài học cảnh báo lớn cho các ĐH Mỹ mặc dù hiện nay ĐH Mỹ đang được coi là hàng đầu của thế giới. Khỏi phải bàn cãi ai cũng biết những ĐH ưu tú nhất của Mỹ như Harvard, Princeton, Stanford và Yale đứng ngoài tất cả các cuộc cạnh tranh và xếp hạng ĐH trên toàn thế giới nhưng có mấy ai biết số sinh viên nhập học của họ chỉ chiếm một phần vô cùng nhỏ trong tổng số sinh viên nhập học toàn nước Mỹ. Và trong khi các ĐH Mỹ còn đang dẫm chân tại chỗ thì các ĐH châu Á đang phát triển như sóng dậy. Với hơn hai mươi triệu sinh viên, năm 2005 Trung Quốc đã tranh vị trí quán quân của Mỹ là nước có thị trường GDĐH lớn nhất thế giới.

Và bây giờ là lúc ĐH Mỹ phải nghĩ đến một điều chưa bao giờ có trong lịch sử là học hỏi kinh nghiệm từ các ĐH Châu Á. Dưới đây là năm điều khuyến nghị cho các nhà lãnh đạo và quản lý ĐH Mỹ: 

1) Nhận thức vai trò quan trọng của giáo dục đại học (GDĐH) trong sự phồn thịnh kinh tế của một quốc gia

Ở Trung Quốc năm 1995 chỉ có 5% sinh viên độ tuổi 18-22 vào được ĐH nhưng đến năm 2007
con số này đã tăng lên 23%. Thời gian đó nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển rất mạnh. GDP của Trung Quốc năm 1995 chỉ có 728 tỷ USD nhưng đã tăng lên là 3.251 tỷ vào năm 2007.

Tất nhiên sự phát triển mạnh của giáo dục GDĐH không phải là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc nhưng nó là một phần quan trọng. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới kết luận “Những phép màu nhiệm trong kinh tế không phải bất ngờ mà có, nó phải dựa trên những phép màu xuất phát từ nền giáo dục.”

2) Phát triển chính sách GDĐH tầm quốc gia

Trong một thời gian dài Mỹ đã luôn áp dụng chính sách tư nhân hóa giáo dục đại học và đã có
những kết quả tuyệt vời trên thực tế. Nhưng điều này cũng dẫn đến một cân nhắc là liệu trong cuộc cạnh tranh mới này có đáng phải đầu tư theo những hướng đi mới hay không.

Trung Quốc có thể sẽ vượt mặt Mỹ không những chỉ trong so sánh về số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học mà còn ở số những đại học có đẳng cấp thế giới. Chỉ trong giai đoạn từ 1995 đến 2000, rất nhiều các cơ quan chính phủ Trung Quốc đã lựa chọn một vài trường ĐH ở Trung Quốc để nâng cấp trang thiết bị và giáo trình giảng dạy với khoản đầu tư khoảng 20 tỷ USD. Trong những năm tiếp theo, 38 trường trong số các trường được đầu tư đợt đầu sẽ tiếp tục nhận hỗ trợ.

Ví dụ điển hình là từ 1999 đến 2003, hai ĐH hàng đầu Trung Quốc là ĐH Bắc Kinh (Peking  University) và ĐH Thanh Hoa (Tsinghua University) nhận được khoảng 225 triệu USD mỗi trường trong khoản đầu tư này. 

Song song với việc đầu tư, rất nhiều ĐH Trung Quốc thường được giao nhiều quyền tự chủ trong việc tuyển sinh cũng như mở ngành học mới. Những trường này được khuyến khích thiết lập quan hệ đối tác với các trường ĐH và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới thông qua các hoạt động tổ chức hội thảo, thu hút các học giả có tiếng trên khắp thế giới đến Trung Quốc và đặt nền móng trong việc hợp tác đào tạo cấp bằng cũng như các chương trình nghiên cứu song phương. Từ 1998 đến 2006, thông qua chương trình học bổng Trường Giang (Changjiang Scholars Program) của Bộ Giáo dục Trung Quốc, đã có khoảng 800 giáo sư được tuyển dụng vào các trường ĐH Trung Quốc. 90% trong số các giáo sư được tuyển dụng này đã học hoặc có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài. 

Ấn Độ cũng là một nước nhận thức rất rõ vai trò của giáo dục đại học như một sức mạnh vượt trội. Ấn Độ đặt mục tiêu tăng số sinh viên nhập học lên 5% vào năm 2012. Chính phủ cũng chủ trương thành lập mới khoảng vài chục ĐH, trong đó bao gồm cả 14 trường ĐH đẳng cấp thế giới. Một vài giáo sư gốc Ấn đang giảng dạy tại các trường hàng đầu ở Mỹ như Jagdish Bhagwati (ĐH Columbia), C.K. Prahalad and Ashutosh Varshney (ĐH Michigan), Tarun Khanna (ĐH Harvard). Rất nhiều giáo sư trong số này đang giúp tư vấn thành lập những ĐH hàng đầu ở Ấn Độ. Nếu trong một hoặc hai thập kỷ tới, Ấn Độ tạo nên một làn sóng mới với những trường ĐH đẳng cấp thế giới thì có lẽ sẽ không phải là một điều ngạc nhiên lớn lắm. 

Một nghiên cứu của Goldman Sachs đã dự đoán đến năm 2050, thế giới sẽ bao gồm bốn nền kinh tế lớn là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật. Những dự đoán này không hề bao gồm những phân tích chiến lược phát triển giáo dục ĐH của Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi những nước này dấy lên những chiến lược giáo dục mang tầm cỡ quốc gia, liệu Mỹ có thể đứng yên tại chỗ mà chẳng có một chiến lược nào? 

3) Đừng tưởng nước Mỹ có tất cả các câu trả lời

Theo xếp hạng mới nhất của Tạp chí GDĐH Mỹ (Times Higher Education), không có một trường ĐH nào ở châu Á lọt vào bảng xếp hạng 20 ĐH hàng đầu thế giới. Nhưng Hiệu trưởng ĐH Yale Richard C. Levin gần đây đã nhận định “Bảng xếp hạng 20 ĐH hàng đầu thế giới sẽ có nhiều khả năng bị thay đổi trong vài năm tới: ĐH Quốc gia Singapore (National University of Singapore) là một ví dụ vì trường này đang tiến rất gần đến bảng xếp hạng. Ngoài ra, ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa của Trung Quốc cũng sẽ có khả năng lọt vào bảng xếp hạng trong tương lai gần.”

Hơn nữa, các trường ĐH Mỹ cũng nên có sự so sánh toàn cục với tất cả các trường ĐH Châu Á chứ không phải chỉ một vài trường được chọn lựa. Thí dụ, tại ĐH Massachusetts ở Boston chỉ có 33% sinh viên tốt nghiệp trong vòng 6 năm từ lúc bắt đầu nhập học, ít hơn 41% so với ĐH Montana và ít hơn 44% so với ĐH New Mexico. Theo các nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ khoảng hơn 50% sinh viên các trường ĐH Mỹ tốt nghiệp theo các chương trình ĐH truyền thống, trong khi con số này ở Hàn Quốc là 83% và Nhật Bản 91%.

Một khía cạnh văn hóa khác cũng góp phần trong thành công của các ĐH Trung Quốc cũng như các ĐH Châu Á khác đó là sự khát khao giáo dục. Và sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi những khát khao này kết hợp với sự bùng nổ các trường ĐH mới và đem lại những kết quả vượt trội.

4) Nghiên cứu kết quả và nguyên nhân dẫn đến thành công của các ĐH Châu Á

ĐH Quốc gia Singapore là một minh chứng rõ ràng trong việc này khi họ cho sinh viên hội nhập với nền giáo dục toàn cầu bằng cách liên kết với các ĐH khắp các nơi trên thế giới như ở Bangalore, Bắc Kinh, Silicon Valley ở California, Thượng Hải và Stockholm. Thay vì cách học theo phương pháp truyền thống, sinh viên có cơ hội sáng tạo, làm việc cũng như chia sẻ thách thức, khó khăn và những say mê trong công việc như một nhà kinh doanh thực thụ. Điều quan trọng là những trải nghiệm này diễn ra ngoài nơi mà họ đã từng quen sống. 

Trong khi đó, rất nhiều sinh viên Mỹ vẫn tiếp tục được giáo dục trong môi trường không hề biến đổi. James B. Hunt, cựu Thống đốc bang North Carolina từng cảnh báo: “Sinh viên Mỹ bị mắc kẹt trong nền giáo dục đơn phương. Nền giáo dục này có thể phù hợp với kỷ nguyên công nghiệp nhưng chính nó làm cho sinh viên của chúng ta thiếu hẳn sự chuẩn bị cho những yêu cầu của nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21”. Ông cũng luôn thúc giục các ĐH Mỹ bổ sung thêm kiến thức về lịch sử, ngôn ngữ cũng như ngoại giao quốc tế vào chương trình giảng dạy. 

5) Hợp tác với các ĐH châu Á

Trong khi một ĐH ở châu Á đơn cử như ĐH Quốc gia Singapore đã có quan hệ đối tác với một loạt các trường như  ĐH MIT, Johns Hopkins, Duke, Harvard Kennedy School, thì chỉ một số rất ít các trường ĐH Mỹ đặt nền móng quan hệ với các trường ở châu Á. Rất nhiều ĐH Mỹ chỉ trông chờ các ĐH châu Á tiếp cận với quan hệ xin cho chứ không phải một quan hệ đối tác bình đẳng. 

Cơ hội cho quan hệ hợp tác không phải chỉ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn mà còn trong cả khoa học cơ bản với những ngành đụng chạm nhiều đến khác biệt văn hóa và đạo đức. ĐH Quốc gia Singapore từ lâu đã trở thành trung tâm nghiên cứu y học vì đã có công phát hiện một vài bệnh thường thấy như ung thư phổi, bệnh béo phì, đột quỵ có những diễn biến khác biệt giữa người Âu với người Á. Tương tự như vậy với ảnh hưởng của một vài loại thuốc. Để giúp sáng tỏ những nguyên nhân và ảnh hưởng này, các nhà nghiên cứu y học phương tây đang hợp tác với các nhà nghiên cứu châu Á tiến hành những nghiên cứu tiên tiến trong lĩnh vực này. 

Các trường ĐH Mỹ rất nên chuẩn bị tâm lý cho một thế giới cạnh tranh mà quan hệ hợp tác với các ĐH châu Á là nhân tố quyết định của thành công. Và các ĐH châu Á luôn sẵn sàng cho những quan hệ hợp tác này là một tín hiệu tốt để khởi đầu. 
 
CÚC THƯ dịch với sự cho phép từ “The Chronicle of Higher Education”, số ra ngày 7/3/2010.
 

(*) Kishore Mahbubani là giáo sư giảng dạy môn Chính sách công tại ĐH Quốc gia Singapore. Ông cũng từng là Đại sứ của Singapore tại Liên hiệp quốc.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)