Năm điểm mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ

Tại Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ do bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 14/2 tại Hà Nội, những điểm mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 đã được thảo luận và thông qua, cụ thể như sau:

Tuyển thẳng đối với học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (đạt giải nhất, nhì, ba) vào đại học và giải khuyến khích vào cao đẳng các ngành đúng hoặc ngành gần theo môn học sinh đạt giải.

Trong trường hợp học sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng hoặc không đăng ký vào học đúng nhóm ngành theo môn đoạt giải, nếu dự thi ĐH, CĐ thì được ưu tiên: nếu dự thi đủ số môn quy định, kết quả thi đạt điểm sàn đại học trở lên, không có môn nào bị điểm 0 thì các trường tuyển thẳng vào đại học; nếu dự thi đủ số môn quy định, kết quả thi từ điểm sàn cao đẳng đến dưới điểm sàn đại học, không có môn nào bị điểm 0 thì các trường tuyển thẳng vào cao đẳng.

Bổ sung khối thi A1

Năm nay, bên cạnh các khối thi truyền thống A, B, C, D, các khối năng khiếu, sẽ có thêm khối thi A1 với các môn Toán, Vật lý, Tiếng Anh.

Để bảo đảm sự ổn định ở các trường tuyển sinh theo khối thi truyền thống và không ảnh hưởng đến việc học tập, định hướng ôn tập của học sinh trong ba năm học trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường vẫn tuyển sinh theo các khối thi của từng ngành đào tạo như những năm trước và có thể bổ sung khối A1 nếu thấy cần thiết và phù hợp đối với từng ngành đào tạo.

Điều chỉnh lịch thi tuyển sinh

Kỳ thi năm nay vẫn bao gồm ba đợt thi và được tổ chức vào các ngày thứ 7, chủ nhật của ba tuần đầu tháng 7. Cụ thể: đợt I tổ chức trong các ngày 7 và 8-7, thi đại học các khối A, A1 và V; đợt II tổ chức trong các ngày 14 và 15-7, thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu; đợt III tổ chức trong các ngày 21 và 22-7, thi cao đẳng tất cả các khối.

Bổ sung cụm thi

Vẫn phát hành cẩm nang tuyển sinh

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về thi và tuyển sinh” vẫn sẽ được in và phát hành để các thí sinh và người nhà tiện tham khảo.

Ban đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo định không in và phát hành cuốn cẩm nang này như những năm trước. Thông tin tuyển sinh đăng ký của các trường sẽ được đưa lên trang thông tin điện tử của Bộ, Báo Giáo dục và Thời đại, Báo Giáo dục và Thời đại điện tử… và website của các trường.

Tuy nhiên, tại hội nghị, hiệu trưởng nhiều trường ĐH, CĐ bày tỏ sự lo ngại điều kiện tiếp cận thông tin của các thí sinh và phụ huynh ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi… và kiến nghị Bộ vẫn duy trì việc in và phát hành cuốn cẩm nang này.

Năm nay, ngoài tổ chức ba cụm thi tại Vinh (Nghệ An), Quy Nhơn (Bình Định) và Cần Thơ như những năm trước, Bộ bổ sung thêm cụm thi Hải Phòng do trường Đại học Hàng hải làm trưởng cụm thi, tổ chức thi cho các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng, Quảng Ninh có nguyện vọng học tại các trường đại học Hàng hải và các trường đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, Bộ cũng cho phép thí sinh có hộ khẩu thường trú tại bốn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nguyện vọng học tại trường đại học Vinh hoặc các trường đại học đóng tại Hà Nội (như những năm trước) và các trường đại học đóng tại TP Hồ Chí Minh được dự thi tại cụm thi Vinh, do trường đại học Vinh làm trưởng cụm thi.

Giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển

Căn cứ điểm sàn, chỉ tiêu tuyển sinh, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển. Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định số đợt, số nguyện vọng, thời gian mỗi đợt xét tuyển; không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước.

Sau khi xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học đối với thí sinh đăng ký dự thi vào trường, nếu còn chỉ tiêu, các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác điều kiện xét tuyển: thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển mỗi đợt; thời gian công bố điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển; chỉ tiêu cần tuyển; ngành và khối tuyển; mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển; nguồn tuyển…

Về thời hạn kết thúc xét tuyển, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định cho phép các trường xét tuyển nhiều lần nhưng sẽ nghiên cứu để chốt một mốc thời gian cụ thể cho việc xét tuyển, không để kéo dài và mốc thời gian này đến sau ngày 31- 12.

Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 296 về đổi mới quản lý giáo dục đại học, xác định tập trung thực hiện trong ba năm. Đến nay, đã qua 2/3 thời gian, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự rà soát, đối chiếu để tiếp tục thực hiện cho hiệu quả.

Phó Thủ tướng lưu ý những nội dung cần chú trọng thực hiện là việc điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; vấn đề đổi mới cơ chế quản lý tài chính đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội; đánh giá, kiểm định chất lượng các trường đại học; đào tạo đội ngũ giảng viên…

Dự hội nghị sáng nay có lãnh đạo của gần 450 trường ĐH, CĐ trong cả nước. Bên cạnh thảo luận những điểm đổi mới trong công tác tuyển sinh, các đại biểu còn nghe báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đổi mới quản lý giáo dục ĐH năm 2011 và những nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 do Thứ trưởng Bùi Văn Ga trình bày.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)