Năm hào

Sự việc này xảy ra vào mùa thu năm trước. Hôm đó vào đầu giờ học, các bạn cùng lớp kéo nhau thành một hàng dài, đến trước phòng nghỉ của thày giáo Ngô nộp tiền tạp chí của năm học mới. Điều này thày Ngô đã dặn từ hôm qua, trước khi tan học. Tất cả là 99,50 NDT. Người xếp hàng đầu tiên là Triệu Lương, lớp trưởng, sau đó là các đồng học vừa đi theo vừa xì xầm nói chuyện

Vương Cường cũng xếp hàng trong đội ngũ đó, tay cầm một tờ giấy bạc có mệnh giá lớn-100NDT, đầy những vết nhăm nhúm. Thế nhưng vào lúc đó, con người vốn có tính hiếu động này lại đang bồn chồn không yên, lòng đầu suy tính. Vì sao? Khoản tiền này không dễ dàng gì mà có được. Nhà Vương Cường làm nghề nông. Bố, mẹ đều là những người làm ruộng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Tối hôm qua, cậu ta phải lấy hết dũng khí mới dám mở miệng nói với bố khoản chi trên. Lúc đó ông bố chỉ thở dài một cái và không hề nói câu nào. Không ngờ, sáng hôm sau, ông đã run rẩy đưa cho Vương Cường tờ giấy bạc đầu những nếp nhăn nhúm này, và nói: “Con trai, nhà ta dù có nghèo nữa, bố mẹ cũng không thể làm con phải tủi thân. Một trăm đồng này, là tối hôm qua bố đến nhà trưởng thôn vay, còn thừa năm hào con giữ lại mà ăn cơm trưa ở trường”. Vương Cường suýt nữa thì bật khóc vì những lời nói đó của bố. Đúng là trưa hôm nay, cậu ta không còn tiền để mua cơm trưa. Vương Cường đang trầm tư suy nghĩ, bỗng có tiếng nói sang sảng, cắt đứt những suy tính đó: “Đừng làm ồn, mọi người hãy im lặng”, thì ra thày Ngô tay cầm một cuốn sổ đăng ký, bắt đầu thu tiền. Triệu Lương là người đầu tiên nộp tờ 100 NDT, thày Ngô vừa ghi chép vừa nói: “Người đầu tiên, Triệu Lương. Này, trả lại em năm hào”.

“Thưa thày, không cần trả lại!”. Vừa nói xong, Triệu Lương đã quay người bỏ đi.
“Đợi một chút, Triệu Lương!…” Thầy Ngô gọi lớn, nhưng cậu ta đã biến mất.

Vương Cường ngẩng đầu lên nhìn, lúc đó mới phát hiện, hầu như trong tay mọi người đều cầm tờ 100 NDT cả, để ý một chút mới thấy, hình như Triệu Lương đã dẫn đầu, vì mấy bạn xếp hàng sát ngay sau cậu ta đều không lấy lại tiền thừa từ thầy Ngô. Lòng Vương Cường càng nặng nề: ta làm thế nào bây giờ, có lấy lại hay không? Lấy lại, chỉ có mấy hào, thật là đáng xấu hổ, mọi người có lấy lại đâu! Thế nhưng, nếu không lấy lại, trưa nay sẽ bị đói… Đang lúc suy tính lung tung như vậy, Vương Cường đã đi tới trước mặt thầy Ngô. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, mặt cậu đỏ lên, đúng vào lúc thày Ngô tìm tiền lẻ, cậy ta đã buột miệng nói ra câu: “không cần tìm đâu ạ!”, rồi rảo bước đi ra.
Sau khi thu tiền xong, là đến giờ ngữ văn, do thày Ngô dạy. Thày Ngô giảng rất hay, nhưng bụng dạ Vương Cường lại để đi đâu, trong lòng chỉ nghĩ đến bữa ăn trưa. Khi chỉ còn năm, ba phút nữa là hết giờ lên lớp, thày Ngô chợt ngừng giảng bài nói: “Hôm nay, các em nộp tiền rất tốt, nhưng trong khi nộp tiền đã xuất hiện một vấn đề, mỗi người các em đều nộp một tờ 100 NDT, nhưng tiền thu thực tế chỉ là 99,50 NDT, cần phải trả lại năm hào nhưng không em nào chịu nhận, có phải là định hối lộ thày không?”. Lời nói của thày Ngô làm các bạn đồng học giật mình. Nhưng không ngờ thày đã nghiêm giọng nói tiếp: “Tôi không thể làm kẻ phạm tội tham ô, vì vậy bây giờ tôi trả lại các em số tiền thừa đó. Các em hãy nhớ lấy, cố gắng nói lời nói thật, cố gắng làm một người chân thật, hãy bắt đầu từ năm hào này vậy. Thày không bao giờ muốn các học trò của thày sau này đều trở thành những con người xa lạ mang một chiếc mặt nạ!”. Nói xong, thày Ngô lấy từ ngăn bàn ra một tập tiền lẻ năm hào, lần lượt trả cho từng người, khi đến lượt Vương Cường, thày Ngô còn vỗ vỗ vào vai cậu mấy cái. Máu nóng trong người Vương Cường như trào lên, cậu cảm thấy mình đã hiểu rõ được không ít điều trái phải.                                                            

                      Bành Vĩnh Quý (Trung Quốc)

Dương Quốc Anh (dịch)

Theo “Cố sự hội” tháng 2 năm 2002

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)