Nghĩ về việc dạy từ Việt Hán trong tiếng Việt

Thời gian qua, vấn đề dạy chữ Hán (tức mảng từ Việt Hán) trong nhà trường được báo chí đề cập nhiều lần và dư luận quan tâm. Có điều dạy chữ Hán trong trường phổ thông hay đại học thì từ việc đào tạo giáo viên tới xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình v.v sẽ rất tốn tiền, mất nhiều thời gian, mà cung cách nhồi nhét phổ biến trong nhà trường hiện nay chỉ làm công việc ấy trở thành một chuỗi các hành vi bị động, thiếu hứng thú và ít sáng tạo ở phần đông chủ thể tiếp nhận, trong khi đó phải là một quá trình tự nhiên và tự nguyện được nhất hóa vào hoạt động sống của từng cá nhân. Cho nên phải nhìn nhận từ một góc độ khác, hành động theo một cách thức khác.


Các từ điển – tự điển chữ quốc ngữ từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX thể hiện hai dòng chính tả -ngoại nhập và Việt hóa.

Là một giá trị văn hóa phi vật thể, ngôn ngữ là một không gian xã hội mang nhiều yếu tố di sản mà mọi người đều phải hội nhập vào, đồng thời là một thực tại xã hội mang nhiều yếu tố đương đại mà mọi người đều tham gia kiến tạo. Dưới mắt người bình thường, thực tại đời sống hằng ngày thường được xem như tồn tại độc lập với ý muốn của mỗi người. Nhưng dưới cái nhìn xã hội học, thực tại ấy không phải là một thứ thực tại tự nó và không hề tồn tại tách rời khỏi cuộc đời của từng con người cá thể mà là một sản phẩm, một công trình được tạo lập bởi đời sống xã hội và trong đời sống xã hội. Nói cách khác, thực tại mà mỗi người chứng kiến và trải nghiệm trong đời sống hằng ngày chính là thực tại được kiến tạo về mặt xã hội. Tuy nhiên nhiều khi những con người cá nhân trong đời sống thường nhật không nhận ra thực tại ấy là “công trình của mình” nữa. Nói cách khác, con người có khả năng sản xuất ra một thực tại sẽ phủ nhận chính họ (Peter L. Berger và Thomas Luckmann, Sự kiến tạo xã hội về thực tại – Khảo luận về xã hội học nhận thức, bản dịch của nhóm Trần Hữu Quang, NXB Tri thức, Hà Nội, 2015). Nếu ứng dụng nhận định xã hội học nói trên vào việc nhìn nhận tiếng Việt, nhiều người sẽ thấy rõ cái thực tại này đã bị kiến tạo kiểu xuyên tạc tới mức nào. Phương châm, khúc chiết, tham quan bị nhiều người nói và viết thành phương trâm, khúc triết, thăm quan; hay quan ngại (chướng ngại vật), tự vẫn (tự tử bằng dao) được hiểu là lo ngại, tự thắt cổ hay uống thuốc độc v.v phổ biến trên báo đài, đã góp phần làm tiếng Việt mất đi sự trong sáng vốn có chứ chưa nói là cần có.

Cũng cần nhìn qua hệ công cụ của tiếng Việt tức chữ quốc ngữ Latin. Vì nhiều lý do, trước thời Pháp thuộc, Việt Nam về cơ bản không có hoạt động nghiên cứu ngôn ngữ; một số nghiên cứu lẻ tẻ đầu tiên về tiếng Việt của những người nước ngoài như Alexandre De Rhodes, Taberd cũng chỉ dừng lại ở việc mô tả sơ bộ nhằm dạy tiếng Việt cho các giáo sỹ Thiên chúa giáo phương Tây, chủ yếu để giao tiếp và truyền giáo. Sự xuất hiện của hoạt động nghiên cứu ngôn ngữ dưới thời Pháp thuộc do đó đáng kể là một bước tiến trên con đường hiện đại hóa, nhưng hoàn cảnh lịch sử đương thời cũng khiến nó rơi vào tình trạng “dĩ Âu vi trung”, và việc du nhập các quan điểm ngôn ngữ học phương Tây đã đưa tới những nhìn nhận không chính xác về tiếng Việt, nhất là thông qua hệ công cụ văn tự mới tức chữ quốc ngữ Latin vốn còn nhiều khiếm khuyết. Một khảo sát sơ bộ về các từ điển – tự điển chữ quốc ngữ từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX đã chỉ ra sự khác biệt giữa hai dòng chính tả được gọi là dòng ngoại nhập và dòng Việt hóa, theo đó đặc trưng của các từ điển thuộc dòng chính tả ngoại nhập là xếp mục vần theo ký tự (vốn được coi là âm vị) và xếp các từ theo âm vị, ví dụ C – Ch, G – Gi, T – Th – Tr… được xếp chung một mục mặc dù là những phụ âm đầu hoàn toàn khác nhau; còn đặc trưng của các từ điển thuộc dòng chính tả Việt hóa là xếp mục vần theo âm vị và xếp các từ theo âm tiết (chẳng hạn Hán Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh tách C và Ch, K và Kh thành những mục khác nhau). Hay một đặc trưng khác của dòng chính tả ngoại nhập là thái độ ít thân thiện, nếu không nói là thường xuyên bài xích đối với âm vị y trong mảng từ Việt Hán, và cần nhấn mạnh rằng sau tháng 4/1975 sự thắng thế của nó đã được khẳng định với hàng loạt từ điển tiếng Việt bên cạnh một số văn bản pháp qui về lối viết i/y (Xem Cao Tự Thanh, I và Y trong chính tả tiếng Việt, NXB Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2014).

Tương tự, trên các phương diện khác cũng có tình hình qui đồng tiếng Việt về mẫu số ngữ pháp và ngữ nghĩa của ngôn ngữ châu Âu, đến nỗi một nhà ngữ học xuất sắc đã phải nhiều lần la làng “về sự khác biệt lớn lao giữa thứ tiếng Việt mà dân ta nói và viết với thứ tiếng Việt được dạy ở nhà trường theo đúng tinh thần của các sách ngữ pháp tiếng Pháp xuất bản vào những năm 1920 – 1930” (xem Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXB Giáo dục, 1999). Có thể nói sự phát triển ngôn ngữ học ở Việt Nam là một bằng chứng điển hình về khuynh hướng quốc tế hóa1, chỗ khác nhau cơ bản giữa thời Pháp thuộc và sau Cách mạng Tháng Tám chỉ là quốc tế hóa cưỡng bức và quốc tế hóa tự nguyện, nhưng chính vì tự nguyện nên nguy cơ mất gốc càng cao. Có điều chính loại học thuật không tổng kết đủ, không lý giải đúng và do đó cũng không dự báo được về tiếng Việt ấy khi đưa vào nhà trường đã thực sự là một tác nhân đưa tiếng Việt tới chỗ trở thành một vườn ươm cho những mầm mống lai căng.

Một giải pháp trong tầm tay

Thật ra sự suy thoái của tiếng Việt đã diễn ra khá ồ ạt khoảng ba mươi năm nay trong đó nổi bật là việc hiểu sai dùng sai mảng từ Việt Hán. Có điều muốn hiểu đúng dùng đúng thì phải được dạy đúng, mà cho dù được dạy đúng thì vốn liếng tiếng Việt ngay cả của người tốt nghiệp đại học cũng không đủ giúp họ tiến hành được các hoạt động ngôn ngữ – văn tự một cách thuần thục và tự nhiên. Nhà trường không thể là nơi đào luyện năng lực hoàn chỉnh và phù hợp về ngôn ngữ, vả lại ngôn ngữ là một sinh thể luôn vận động và thay đổi, nên đó là một năng lực mà người ta phải tự rèn luyện suốt đời. Cho nên có thể nghĩ tới việc cung cấp điều kiện để mọi người có thể tự học sau khi rời khỏi nhà trường, nói rõ hơn là phải xác lập một hệ thống tiếng Việt có qui chuẩn và có những cách thức phù hợp để xã hội hóa nó. Một Từ điển tiếng Việt tổng hợp online có kèm chữ Hán, chữ Nôm và nguyên ngữ của những từ nước ngoài du nhập được Việt hóa để mọi người tra cứu hay tham khảo miễn phí trong hoàn cảnh mạng internet hiện nay hoàn toàn là một việc trong tầm tay.

Về đại thể, với một từ điển có nội dung tích hợp như thế người không biết chữ Hán cũng có thể thấy rõ hai từ tham quan (quan lại tham lam) và tham quan (tham dự quan sát) có tự hình khác nhau và ít nhất cũng không lầm từ sau thành thăm quan, người không biết tiếng Hoa được giải thích xường sám là trường sam (áo vạt dài) đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông thì sẽ không nói hay viết là sườn xám nữa. Học sinh sẽ viết là giấu diếm chứ không viết là giấu giếm nhờ hiểu sự khác biệt về âm đọc giữa d+iếm và gi+ếm, một số nhà báo cũng sẽ không tiếp tục đưa tin ai đó treo cổ hay nhảy xuống sông tự vẫn vì họ đã biết chữ vẫn có bộ đao tức cắt cổ bằng dao, hai lối tự chết kia là tự ải và tự trầm…

Những người thích tìm hiểu có thể thấy từ nghĩa trang vốn có nghĩa gốc là “điền trang làm việc nghĩa” do một số thương nhân và quan lại Trung Quốc từ thời Tống lập ra để giúp đỡ người trong tông tộc, việc nó được dùng để chỉ nơi chôn cất người chết như ở Việt Nam hiện nay chỉ mới xảy ra trong thế kỷ XX. Hay nhở trong nhắc nhở thật ra là nhớ chuyển thanh theo qui luật thanh điệu (cùng là thanh Phù), sau khi chuyển thanh vì có nét nghĩa qui ước khác với nhắc nhớ nên thành một từ mới, còn vì trong trị vì là vị chuyển thanh (cùng là thanh Trầm), trị vị là xử lý công việc trên ngôi, tức làm vua. Các từ ghép đẳng lập nửa Việt nửa Việt Hán như tôn thờ, nuôi dưỡng sẽ được lý giải, nguồn gốc của hai từ kinh tế (kinh bang tế thế) và kinh tế (economy) sẽ được giải thích rõ ràng. Những đậm đà điệu đà mặn mà mượt mà nuột nà ruột rà rườm rà thật thà thịt thà, chớn chở nức nở phớn phở trắc trở, gọn ghẽ sạch sẽ mát mẻ mới mẻ màu mè v.v sẽ được giải thích có hệ thống chứ không phải theo những phát kiến riêng lẻ bá láp, quan hệ ngữ âm giữa các cặp từ Việt Hán và Việt hóa loại phàm – buồm, phi – bay, phòng – buồng, phố – búa, phủ – búa, phụ – bố sẽ cho thấy búa trong chợ búa hoàn toàn không phải là bến trong câu Trên bến dưới thuyền… Hẳn hoi, thẩn thơ, vơ vẩn, ngơ ngẩn có quan hệ thế nào với hẳn hòi, thẩn thờ, vớ vẩn, ngớ ngẩn, quá trình biến đổi từ tha thiết tới se sắt, da diết, ra rít sẽ được trình bày mạch lạc.

Thứ tự các phụ âm đầu trong từ điển sẽ được sắp xếp ăn khớp với âm vị và âm tiết của tiếng Việt, ví dụ C và K, G và Gh phải dồn lại làm một; Ch, Kh và Gi phải tách riêng v.v.

Khoảng mươi nhà nghiên cứu và kỹ thuật viên lập trình có năng lực và kinh nghiệm biên soạn một từ điển như thế nhiều lắm cũng chỉ mất trên dưới bốn năm, so với một biên chế tương tự dạy tiếng Việt và chữ Hán trong trường đại học không mất nhiều thời gian hơn nhưng hiệu quả xã hội trên phương diện phổ biến tiếng Việt đúng qui chuẩn chắc chắn cao hơn. Tất nhiên việc sửa chữa và bổ sung định kỳ trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu mới và sự góp ý của dư luận phải được tiến hành, nhưng cho dù mỗi lần phải sửa chữa thêm bớt tới 10 – 15 % thì chi phí cũng không đáng kể vì không phải in ấn.

Một từ điển kết hợp nhiều lối giải thích như giải thích từ vựng (ý nghĩa từ), giải thích từ nguyên (nguồn gốc từ), giải thích từ pháp (cách tạo từ) như vậy nếu được thực hiện nghiêm túc và có phương pháp không chỉ có tác dụng trong việc dạy từ Việt Hán mà còn ít nhiều giống như tổng kết từ vựng tiếng Việt trước nay trong hoàn cảnh mới, sẽ có tác dụng lâu dài và chắc chắn tới việc tự học tiếng Việt của nhiều cá nhân trong nhiều năm.
***
Nhìn từ góc độ xã hội hóa cá nhân, ngôn ngữ là một không gian xã hội mà mọi người đều phải nhập thân vào, một số người do nghề nghiệp còn phải thực hiện quá trình cá thể hóa nhưng ai cũng phải thực hiện quá trình tiêu chuẩn hóa. Cho nên khi chưa có một hệ thống ngôn ngữ được chuẩn hóa trước hết về từ vựng và chính tả thì quá trình ấy vẫn còn thiếu điều kiện để có thể được thực hiện ở tất cả các cá nhân và nhóm xã hội. Việc giáo dục trong nhà trường là một trong những cách xã hội hóa tiếng Việt chứ không phải là cách duy nhất, tóm lại giao trọn một nhiệm vụ to tát như thế cho những người vốn không thể thực hiện nó thì bất kể thế nào cũng không phải là một hành động khôn ngoan.

Khác với tiến trình quốc tế hóa, tiến trình hiện đại hóa luôn đòi hỏi kiểm điểm lại tất cả những nguồn lực truyền thống, nhìn nhận lại toàn bộ những kinh nghiệm quá khứ, trên cơ sở ấy cụ thể hóa truyền thống thành những bài học mới, những giá trị sống trong sinh hoạt thường nhật của mọi tầng lớp xã hội trên phạm vi toàn quốc gia. Đó chính là xuất phát điểm để nhìn nhận và thực hiện việc dạy tiếng Việt trong đó có mảng từ Việt Hán hiện nay. Dĩ nhiên không thể đòi hỏi một người bình thường có kiến thức, nhận thức và ý thức về các vấn đề ngôn ngữ nói chung hay tiếng Việt nói riêng như các nhà nghiên cứu, nhưng nếu được học một cách đúng hướng và đúng cách thì ai cũng có thể có một tâm thức ngôn ngữ lành mạnh phát huy được tác dụng tích cực trong các hoạt động ngôn ngữ – văn tự, và đó chính là nền tảng văn hóa – xã hội bền vững cho sự phát triển của tiếng Việt ngay cả trên những khúc quanh hiểm nghèo sẽ xuất hiện trong tương lai.
—————–
1 Hai khái niệm quốc tế hóa và hiện đại hóa dùng trong bài viết này dĩ nhiên còn cần có sự thảo luận, song chúng tôi quan niệm hiện đại hóa cơ bản là sự thay đổi các tổ chức, thiết chế, quan hệ trong cấu trúc kinh tế – xã hội theo hướng hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu và xu thế trước hết của các hoạt động sản xuất cả vật chất lẫn tinh thần trong quốc gia, còn quốc tế hóa chủ yếu là sự tiếp thu các mô hình, chuẩn mực, giá trị nước ngoài trên phạm vi rộng và với quy mô lớn để thích ứng trước hết với sự giao dịch thế giới. Xem thêm Cao Tự Thanh, Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ thất kỷ, NXB Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2012, tr. 46.

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)