Ngộ nhận về giáo dục đại học
Kể từ khi các nhà kinh tế học chỉ ra đóng góp to lớn của các trường đại học đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế, các nhà chính trị đã bắt đầu quan tâm hơn đến giáo dục đại học. Tuy nhiên, một số ngộ nhận của các nhà chính trị về vai trò của các trường đại học đã ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả chính sách mà họ đưa ra.
Ví dụ, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhiều lần cho rằng nước Mỹ cần gia tăng tỷ lệ thanh niên Mỹ có bằng đại học, nhưng nghiên cứu của các nhà kinh tế học về mối quan hệ giữa giáo dục và tăng trưởng kinh tế cho thấy điều quan trọng nhất trong giáo dục đại học không phải là số lượng bằng đại học được cấp mà ở phương pháp giáo dục kĩ năng nhận thức, như tư duy phê phán và khả năng giải quyết vấn đề.
Không nhận thức được vấn đề này có thể dẫn đến những hậu quả to lớn. Chi phí của việc đào tạo chạy số lượng cao hơn đáng kể so với đào tạo chú trọng về chất lượng, trong khi chính phủ còn phải hỗ trợ nhiều chương trình khác – chưa kể người dân luôn có xu hướng chống lại việc tăng thuế – và ngày càng khó có đủ nguồn ngân sách Nhà nước cho những nỗ lực như vậy.
Việc thực hiện cả ba mục tiêu – chất lượng, số lượng và hiệu quả chi phí – cùng một lúc là vấn đề khó khăn, do đó nhiều khả năng người ta phải chấp nhận hi sinh một trong ba mục tiêu. Trong đó, các mục tiêu về chi phí đào tạo và số lượng đào tạo đều dễ đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ, còn mục tiêu về chất lượng rất khó để đo lường, đánh giá, quy trách nhiệm, vì vậy sẽ dễ bị hi sinh nhất.
Khi các nhà lãnh đạo của chúng ta coi giáo dục chỉ là phương tiện để tạo ra công ăn việc làm và tiền bạc, sẽ không có gì là bất ngờ nếu thế hệ tương lai cũng có chung ngộ nhận này. |
Quan niệm sai lầm thứ hai của những người làm chính sách là chỉ lưu tâm tới một lợi ích của giáo dục đại học, đó là việc cung cấp cho những người tốt nghiệp cơ hội tìm được một công việc của tầng lớp trung lưu và đóng góp vào phát triển kinh tế và thịnh vượng. Trong khi đó, những lợi ích khác vẫn thường bị xem nhẹ, đó là việc những người tốt nghiệp đại học dường như dễ thích nghi hơn những người chỉ có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học trong quá trình phát triển, biến động của nền kinh tế và thị trường lao động, họ thường có tỉ lệ tham gia bầu cử cao hơn, tích cực hoạt động xã hội hơn, ít phạm tội, giáo dục con cái tốt hơn, và ít ốm đau hơn vì có lối sống lành mạnh hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng những lợi ích phụ trội này còn có giá trị cao hơn khoản tăng về thu nhập suốt đời mà tấm bằng đại học có thể mang lại, song việc xem nhẹ những lợi ích này sẽ khiến những người làm chính sách khuyến khích đường lối giáo dục nhanh chóng chạy theo số lượng với chi phí thấp hơn nhưng mang lại ít lợi ích hơn cho cả người học lẫn xã hội.
Những sự hiểu lầm như thế được thể hiện rõ ràng trong những bài phát biểu của các nhà lãnh đạo chính phủ Mỹ trong suốt hai thập kỉ qua, trong đó chủ yếu chú trọng vào mục tiêu giáo dục, đào tạo một thế hệ đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Không chỉ Mỹ, các nước khác cũng thể hiện một thái độ thực dụng tương tự, điển hình như chính sách chuyển quyền tài phán đối với các trường đại học Anh vào năm 1992 từ Bộ Giáo dục và Khoa học (Department of Education and Science) sang cho Bộ Giáo dục và Lao động (Department for Education and Employment), rồi năm 2009 lại chuyển sang một bộ mới là Bộ Kinh doanh, Cách tân và Kĩ năng (Department for Business, Innovation, and Skills).
Sự thu hẹp vai trò của giáo dục đại học theo xu hướng chú trọng những giá trị vật chất như trên là điều chưa từng có trước đây. Thật đáng kinh ngạc khi người ta đã bỏ qua các giá trị từ lâu vẫn được coi là những mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục: hoàn thiện nhân cách đạo đức của người học và đào tạo họ trở thành những người công dân tích cực, có kiến thức. Điều này hoàn toàn trái nghịch với quan niệm cho rằng khi các nước trở thành giàu có hơn thì mối bận tâm của người dân về tiền bạc và của cải sẽ giảm đi, như John Maynard Keynes từng tiên đoán trong thập niên 1920.
Trong một xã hội dân chủ, các nhà chính trị thường phải ngả theo nhu cầu của đa số người dân, trong đó hầu hết mọi người dân đều coi trọng vấn đề tiền bạc và công ăn việc làm. Theo một cuộc khảo sát gần đây (2012), 88% sinh viên năm đầu tiên tại các đại học tại Hoa Kỳ nói rằng tìm được việc làm tốt hơn là một lý do quan trọng cho việc học đại học, và 81% nói rằng “được đảm bảo lợi ích tài chính” là mục tiêu “thiết yếu” hay mục tiêu “rất quan trọng” trong sự nghiệp.
Nhưng mặt khác, cũng có tới 82,5% các sinh viên năm đầu này khẳng định “việc học hỏi thêm những kiến thức mà tôi quan tâm” là một lý do quan trọng theo học đại học, và 73% muốn “đạt được một nền học vấn cơ bản và thông hiểu các tri thức.” Trong số các mục tiêu được coi là “thiết yếu” hoặc “rất quan trọng”, 51% có để cập tới nhu cầu “cải thiện hiểu biết của bản thân về các nước khác và những nền văn hóa khác”, 45,6% bày tỏ muốn “xây dựng một quan điểm triết lý có ý nghĩa về cuộc đời”, ngoài ra không ít người đưa ra những mục tiêu như “trở thành người lãnh đạo cộng đồng,” “góp phần thúc đẩy sự hiểu biết về các chủng tộc,” và “tham gia vào những chương trình làm sạch môi trường.”
Cuối cùng, các cuộc khảo sát cho thấy rằng điều người ta mong muốn nhất không phải là của cải mà là hạnh phúc và sự hài lòng từ một cuộc sống trọn vẹn và có ý nghĩa. Tiền có ích, nhưng còn những điều vô cùng quan trọng khác: quan hệ gần gũi giữa người với người, những hành xử nhân ái, những niềm say mê, cơ hội được sống trong một xã hội tự do, đạo đức, và được quản lý một cách dân chủ. Mặt khác, một nền kinh tế trì trệ và thiếu vắng cơ hội chắc chắn gây ra nhiều vấn đề cho xã hội, nhưng tỉ lệ người tham gia bầu cử thấp, sự thờ ơ với đời sống dân sự, thái độ coi thường những tiêu chuẩn đạo đức, và sự thờ ơ với nghệ thuật, âm nhạc, văn học, và tư tưởng cũng tạo ra nhiều vấn đề không kém.
Trách nhiệm của nhà giáo dục là giúp sinh viên của mình vươn tới một cuộc sống như mong muốn, với lối sống có trách nhiệm, và trọng trách của Nhà nước là quan tâm và khuyến khích các trường đại học nỗ lực làm tốt nhiệm vụ này. Nói cho cùng, như Louis Brandeis từng nhận xét: Dù tốt hay xấu, “Chính phủ chính là một người thầy giàu quyền lực và hiện diện khắp nơi.” Khi các nhà lãnh đạo của chúng ta coi giáo dục chỉ là phương tiện để tạo ra công ăn việc làm và tiền bạc, sẽ không có gì là bất ngờ nếu thế hệ tương lai cũng có chung ngộ nhận này.
Phạm Nguyên Trường lược dịch từ bài viết của Derek Bok, tác giả cuốn Giáo dục đại học ở Mĩ (Higher Education in America). Bok là giáo sư Đại học Harvard, đồng thời là Chủ tịch đại học này từ năm 1971 đến năm 1991 và từ năm 2006 đến 2007.
Nguồn: http://www.project-syndicate.org/commentary/derek-bok-on-policymakers—misconceptions-of-the-role-of-higher-learning