“Ngọc quý” nhập khẩu

“Người lớn”, đặc biệt là các bậc thầy cô giáo, lắm phen lắc đầu trước những lỗi ngớ ngẩn khó chấp nhận của học trò, thậm chí nhiều cái sai mà bất cứ nhà nghiên cứu giáo dục nào nhìn vào cũng đành... bó tay! Nhưng thử mở cửa nhìn bên ngoài xem ở xứ người có sáng sủa hơn không?

Thì đây, ở Pháp từ 1999 đến nay, hàng năm, cứ vào cuối thu, các thầy cô giáo lại nô nức đón chờ “lô hàng mới”, hào hứng truyền tay hoặc meo cho nhau những sản phẩm ấy. Những câu, từ có chứa cái sai, cái lỗi lượm lặt từ kỳ chấm thi Tú tài toàn quốc mà họ âu yếm gọi tên là “ngọc quý”.
Xin nêu ra đây để quý vị cùng chiêm ngưỡng một số viên ngọc quý thu nhặt được từ bài làm của các thí sinh Tú tài mà tôi đã “nhập khẩu” về Việt Nam.
Liên quan đến kiến thức tự nhiên nói chung, các em viết gì? Xin mời quý vị thưởng thức. Một lít nước 20 độ + một lít nước 20 độ = hai lít nước 40 độ. “Muốn bảo quản nước đá được tốt hơn, người ta phải làm cho nó đông lạnh”. Chưa hết, “Một chai nước sẽ nổ tung khi đông cứng, vì dưới tác động của độ lạnh, nước trở thành chất gây nổ . Đọc những câu: “Từ thời Ác-si-mét về sau, tàu thuyền có thể nổi trên mặt nước”. “Bom nguyên tử là vô hại khi nó được dùng để làm ra điện”v.v… Người ta dễ có cảm giác đang lạc vào một cõi u mê nào đó.
Riêng toán học, kết quả hơn mười năm mài ghế nhà trường với một số em: “Com-pa được dùng để đo độ của một hình tròn”. – “Hình đa giác là một hình có cạnh gần như khắp nơi”. Hay: Số tự nhiên là số có thể dùng tay sờ mó được (Úi dà…) “Định luật xác suất được gọi tên như thế vì người ta không chắc chắn là nó tồn tại”. (Nghe như chuyện hài, nhưng thực sự là chúng được trích trong các bài thi!)
Về sinh học, có em viết: “Bộ óc có hai bán cầu, một bán cầu có nhiệm vụ theo dõi bán cầu kia”. Nhạy cảm hơn: “Chỉ số sinh sản phải bằng 2 để đảm bảo việc tái tạo các thế hệ, bởi vì phải có hai người để tạo nên một em bé. Có thể có ba hay bốn người để làm việc đó nhưng hai người là đã đủ”. “Loài thỏ có xu hướng sinh sản với tốc độ của âm thanh”. Xem ra thế hệ trẻ của người ta cũng chẳng “kém cạnh” con em mình về mặt khoa học tự nhiên đấy nhỉ!
Còn khoa học xã hội? Những viên ngọc quý cũng không kém phần phong phú. Ngô nghê như: “Những truyện ngụ ngôn của La Fông-ten (La Fontaine) xưa đến nỗi người ta không còn biết tên tác giả nữa”. Ở cung bậc khác, ngọc vật lý có: “Ga-li-lê (Galilée) bị kết án tử hình vì ông là người đầu tiên biết làm cho trái đất quay”. “Bốn phương trời là: phải, trái, dưới và trên”.
Về địa lý: “Trung Hoa là đất nước đông dân nhất, với một triệu dân cho mỗi km vuông”. “Việt Nam là thủ đô của Li-băng.” (!!!???) “Nước Pháp gồm 60 triệu dân, trong số đó có nhiều thú vật”. Đặc biệt: “Đất nước càng nóng thì càng kém phát triển, lạnh thì phát triển vừa vừa, rất lạnh là rất phát triển”(!). Trả lời cho câu hỏi “Hãy cho biết tên một con sông lớn của Nga”, có em viết: “La vodka.” (là… rượu vốt-ca) !
Tương tự, ngọc lịch sử gồm những viên: “Lịch sử Trung cổ đã được giải thích rõ ràng bởi Crix-tiăng Cla-viê (Christian Clavier) trong phim “Những vị khách lạ tập 1 và 2”1. “Chữ viết được phát minh ở La Mã bởi những người Ai Cập cách đây 100 năm”. “Người Ai Cập biến người chết thành xác ướp để giữ cho họ được sống”. “Chiến tranh thế giới thứ nhất đã làm khoảng mười người chết nhưng chỉ về phía người Đức”.
Liên quan đến lịch sử nước Pháp, có em viết: “Thập tự chinh là chuyến du lịch bằng tàu biển do Giáo hoàng tổ chức”. “Gian-đa (Jeanne d’Arc) là tổng thống”.2 “Phrăng-xoa đệ nhất (Francois 1) là con trai của Phrăng-xoa 0 (Francois 0)”. “Lu-i XV (Louis XV) là chắt trai của chú ông ta là Lu-i XIV (Louis XIV)”.
Một số ngọc quý bắt nguồn từ sự nhầm lẫn. Bởi nhầm từ viết tắt GDP thành BNP (Banque Nationale de Paris = Ngân hàng Quốc gia Paris), có em viết: “Người ta nhận ra một đất nước là giàu hay nghèo khi nhìn vào BNP (Ngân hàng Quốc gia Paris) của họ”. Tương tự như thế, có thể kể ra: “Mỹ đã thả hai quả bom nghệ thuật ẩm thực (thay vì hai quả bom nguyên tử) trên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki”. (“atomique”= nguyên tử/“gastronomique”= nghệ thuật ẩm thực). Do nhầm lẫn giữa “faucon” (chim cắt) và “faux con” (thằng ngu giả hiệu), mà có: “Thần Horus có đầu của một thằng ngu giả hiệu (thay vì của một con chim cắt)”. Đáng thương thay cho thần Horus!
Tên các tác phẩm văn học Pháp cũng bị bóp méo: Lẽ phải gọi là “Những quý bà kệch kỡm” thì có em viết: “Trong tất cả các vở kịch của Mô-lie (Molière), “Những viên đá quý kệch cỡm” là vở nổi tiếng nhất”. (“les précieuses” là những quý bà, nhưng “les pierres précieuses” lại là những viên đá quý). “Bô-đơ-le (Baudelaire) đã gây ra xì-căng-đan khi viết cuốn sách nổi tiếng “Những đóa hoa của con đực”. “Mal” – niềm đau, đã biến thành “mâle” – con đực. Xì-căng-đan là lẽ tất nhiên!
Đặc biệt, danh nhân của nhân loại, của Pháp cũng cùng chung số phận hẩm hiu: “Những tài năng của thời Phục Hưng Ý là: Mic-ky thiên thần (Mickey l’ange) và con tôm hùm của Vin-xi (le homard de Vinci)”, thay vì Mi-ken Lăng-giơ (Michel Ange) và Lê-ô-na đơ Vanh-xi (Léonard de Vinci). Hẳn chuột Mic-ky quen thuộc với các em hơn danh họa Mi-ken Lăng-giơ và Lê-ô-na đơ Vanh-xi, không gần gũi bằng… một chú tôm hùm! Còn “Vich-to Huy-gô (Victor Hugo) viết quảng cáo cho những kẻ khốn khổ đáng thương” (trong khi, ông là tác giả của bộ tiểu thuyết “Những người khốn khổ”).
Có một số “danh ngôn” được các thầy cô giáo ở Pháp xếp vào loại câu “không thể xếp loại nổi: “Patxcan (Pascal) đã dành trọn đời mình để viết những tiểu luận của Mông-te-nhơ (Montaigne)”.3 “Con cháu của A-đam và E-va là Giê-su Ki-tô (Jésus Christ)”. “Giu-lơ Xê-da (Jules César) là một thương hiệu pa-tê dành cho chó”.4 Và không biết việc tang ma của tướng Đơ-Gôn (De Gaulle) được tiến hành ra sao mà: “Tướng Đơ-Gôn đã được chôn cất trong hai nhà thờ ở Cô-lom-bây (Colombey)”. Chẳng lẽ vị tướng này khi qua đời đã bị… phanh thây!
Cuối cùng là một số viên ngọc khác, kèm với lời nhận xét không thể bình luận: “Nếu một người nào đó đi theo bạn ngoài đường, hãy cảnh báo trước với anh ta, anh ta có thể hãm hiếp bạn”. “Bằng cách ve vẫy đuôi, con chó diễn đạt tình cảm giống như con người”. “Đức Giáo hoàng vừa qua đời lần thứ 264”. v.v. và v.v.
Cứ thế, vào cuối thu, những viên ngọc quý ấy lại được các thầy cô bổ sung vào kho tàng “ngọc quý” của nền giáo dục Pháp. Kể ra thì… ngọc phương Tây cũng phong phú đa dạng và “sáng” đâu thua gì ngọc ta, phải không quý vị ?
Vâng! Có thế mới ngộ ra một “chân lý”: nỗi đau này… đâu của riêng ta. Trước những vấn nạn Giáo dục hiện nay có phải ầm ĩ lên thế? Dù học sinh “ngồi nhầm lớp” ở ta đã quá phổ biến, không chỉ ở tiểu học mà còn ở nhiều cấp học cao hơn. Có thể một ngày nào đấy, chúng ta có sáng kiến tổ chức một Festival quốc tế “ngọc quý học đường”, ắt hẳn sẽ thu hút sự quan tâm tham dự của đông đảo bà con, thế nào họ chẳng chen nhau từ khắp nơi đến thi thố. Hẳn cũng là một phương thức độc đáo để tạo nên thương hiệu Giáo dục cho mỗi quốc gia ấy chứ nhỉ.
—————
1 Crix-tiăng Cla-viê (Christian Clavier): một diễn viên chính của phim “Những vị khách lạ” với câu chuyện kể về thời Trung cổ.
2 Gian-đa (Jeanne d’Arc): một cô gái chăn cừu, sau thành nữ tướng chống quân Anh, bị đưa lên giàn thiêu và cuối cùng được phong thánh.
3 Patx-can (Pascal): nhà văn Pháp thế kỷ XVII, Mông-te-nhơ (Montaigne): nhà văn Pháp thế kỷ XVI.
4 Giu-lơ Xê-da (Jules César): tên của một bạo chúa La Mã.

Phạm Thị Anh Nga

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)