Ngữ văn cần là môn học bắt buộc của bậc đại học!

Ngữ văn Đại học Trung Quốc (TQ) đang ở vào “tình trạng khẩn cấp”. Cụm từ mà tôi sử dụng không chỉ láy lại ý của bài báo trên “Thanh niên TQ” cho rằng giáo dục “Ngữ văn đại học” đã bị “ngoài lề hóa” một cách nghiêm trọng, trong khi giáo viên của môn này lại cảm thấy thất bại và lạc lõng bội phần.

Thông thường, mỗi giáo viên đều ưu ái môn của mình hơn hết, vì vậy, hay thổi phồng tầm quan trọng và nhấn mạnh tính tất yếu của việc xây dựng các giáo trình phục vụ môn học đó.
Nếu nói Ngữ văn quan trọng, vậy Lịch sử không quan trọng sao? Triết học không quan trọng sao? Chính trị quốc tế không quan trọng sao? Thậm chí, Vật lý học thiên thể không quan trọng sao? (Giả dụ không thì chúng ta lý giải thế nào về “Thần Châu 6”?) Nếu như các môn học và kiến thức đều đua nhau trở thành môn học bắt buộc chung, thì học sinh sẽ không thể chịu nổi gánh nặng này. Bởi vậy, tôi đồng ý rằng phải cân nhắc, lựa chọn giáo trình môn học chính, và nếu cần, có thể hi sinh.
Nhưng, chúng ta có thể hi sinh môn Ngữ văn không? Tôi cho là không thể. Ngược lại, trong mỗi trường đại học, Ngữ văn cần trở thành môn học bắt buộc của sinh viên (tất cả các chuyên ngành). Ở đây, điều tôi muốn nói không phải là những lý do sâu sắc mà xa xôi như “nêu cao văn hóa truyền thống” hay “giáo dục tinh thần nhân văn”… Mặc dù tôi cũng phần nào ủng hộ những lập luận này, nhưng chúng ta tạm thời gác lại những lý do ấy. Trong thời đại mà không ít người cho là thời đại của chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa vụ lợi ầm ĩ và bẩn thỉu, tôi đưa ra một lý do “thực dụng” nhất, “thiết thân” nhất, đó là các bài viết của sinh viên đại học đang ở trong tình trạng đáng báo động!
Hồi đầu mới về nước dạy học, từng nghe không ít đồng nghiệp than thở rằng “sinh viên bây giờ không biết viết một bài văn”, tôi không thể tin được. Trong hai năm sau đó, tôi đọc qua rất nhiều bài viết của sinh viên, nhiều nhất đương nhiên là các báo cáo học tập và luận văn. Cá nhân tôi đi từ kinh ngạc đến run rẩy và tê dại. Hầu hết những “văn bản” mà tôi đọc được hoàn toàn xuất phát từ cùng một mô thức – mô thức cứng nhắc, muôn bài như một. Tôi không thể dựa vào văn phong của học sinh để nhớ tên của các em, bởi dường như những con chữ này cũng từ bàn tay của một người máy vô danh mà ra. Về sau tôi mới rõ, đây thực ra là một loại “phương pháp và kỹ năng làm văn” rất thịnh hành, hoặc nói chính xác hơn, là một phương pháp che mắt rất tiện lợi, không ngần ngại lấy quan điểm của người khác làm quan điểm của mình, hơn nữa lại được biểu đạt một cách hoành tráng, khác gì thiên hùng văn! Kiểu viết như thế này đã trở thành “kiểu mẫu thông dụng” của sinh viên hiện nay. Đối với bất kỳ ai có thái độ nghiêm túc với chữ nghĩa, điều này đi ngược lại với cả hai từ “viết văn” và “thành thực”.
Nếu một giáo viên tận tâm đi tìm nguyên nhân, vén được bức màn che mắt, thì sẽ thấy rằng vẫn còn một số học sinh thực sự có cách nghĩ, quan điểm riêng, nhưng các em bất lực trong biểu đạt. Viết văn với đa số học sinh thật vất vả, họ hoảng đến mức có thể vứt bỏ cả cách nghĩ chân thực của mình để hành văn, chọn chữ theo cách mà họ mượn từ một “bài mẫu” nào đó. Nếu bạn bắt ép các em học sinh biểu đạt mình một cách chân thực, thì chỉ có một bộ phận học sinh may ra có thể làm được rõ ràng, rất ít người có thể viết ra những bài văn có “sức thuyết phục”. Còn những bài văn có phong cách, cá tính và sức biểu cảm thì cực kỳ hiếm hoi.
Những con chữ tươi mới, sống động phản ánh tâm tình của các em chỉ xuất hiện trong các tin nhắn điện thoại hoặc các diễn đàn trên mạng. Và các em tỏ ra rất giỏi về phong cách hài hước, châm biếm. Chính xác thì đây cũng là một khả năng viết văn, nhưng lại không hề là thành quả giáo dục ngữ văn của chúng ta.
Bởi thế, tôi không đồng ý với quan điểm của giáo sư Ôn Nho Mẫn ở Đại học Bắc Kinh: Việc văn học bị đẩy ra ngoài lề là bình thường, bởi vậy, “không cần thiết phải đưa giáo dục ngữ văn thành một bộ phận không thể thiếu của giáo dục đại học.” Chính xác thì, thời đại của chúng ta có thể (bất đắc dĩ) hi sinh văn học, nhưng chúng ta không thể hi sinh “ngữ văn”. Bởi theo tôi hiểu, về bản chất, “giáo dục ngữ văn” không phải là để đào tạo tiểu thuyết gia hay nhà thơ, mà thông qua “văn học” để nắm được cách đọc và viết tiếng nước mình. Tôi tin rằng đây là mục tiêu không thể đạt được nếu chỉ dựa vào cái gọi là “làm văn ứng dụng” hay “Tiếng Hán thực hành”.

Xã hội hôm nay đã có ngày càng nhiều sinh viên chọn công tác “trái ngành, trái nghề”sau khi tốt nghiệp. Theo xu thế lớn này, còn có môn học nào là bắt buộc? Nếu chúng ta cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, tiếng Anh là vô cùng quan trọng với người TQ, thậm chí có thể yêu cầu một học sinh phải học môn tiếng Anh từ cấp tiểu học cho tới nghiên cứu sinh, thì ngược lại, “ngữ văn” sẽ bị đặt vào vị trí một môn phụ có thể chọn hoặc bỏ, thậm chí bị gạt ra ngoài lề? Vậy thì, ai và dựa vào cái gì để hủy bỏ vị trí chính thức, cần thiết của Ngữ văn đại học, chẳng lẽ chúng ta không muốn đòi hỏi một lý do?

Lưu Kình 

Nguồn tin: Tân Hoa xã (người dịch Nhuệ Anh)

Tác giả

(Visited 29 times, 1 visits today)