Người thầy

Trong cuộc đời mỗi con người, đã có biết bao lần đi học? bao lần chúng ta học hỏi thầy cô, ghi nhớ những kiến thức vào đời? chúng ta lớn lên, trưởng thành và nhớ gì về họ? Riêng tôi, không bao giờ tôi quên được hai người thầy đã để lại những ấn tượng không thể nào phai...

Người thầy đầu tiên khiến tôi nhớ mãi không phải là một giáo viên dạy môn chính, không phải là một giáo viên chủ nhiệm đầy quyền uy nào, khi tôi lần đầu bước chân vào học chuyên Toán, ông chính là một giáo viên dạy môn… Văn (!). Năm đó tôi lên 9 tuổi, khấp khởi bước vào lớp 4 (hệ cải cách) sau một cuộc thi cam go và bắt đầu háo hức học Toán. Thế nhưng chỉ sau vài buổi học Văn, chính ông – người thầy già, thấp bé và nói năng nhỏ nhẹ – mới là người khiến tôi thích thú nhất. Ông không tuân theo các giáo án cũ kỹ và khuôn phép như lệ thường mà thường dành thời gian đọc thêm cho chúng tôi chép và bình luận cho chúng tôi thấy cái hay, cái đẹp của những bài thơ (thậm chí không có trong chương trình!). Cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ được ít nhất 3 bài thơ trong số đó (mặc dù một phần tư thế kỷ đã trôi qua). Đó là những vần thơ ca ngợi quê hương, Tổ quốc, những vần thơ nói lên cái sự học là vô cùng, với những câu như:
“…làm được bài tính đúng,
con đừng vội hái hoa,
còn nhiều bài tính khác,
đang chờ con đi xa…”

…và đặc biệt, một bài thơ ngắn giản dị của Hai-nơ – nhà thơ Đức – khuyên con người ta hãy mộng mơ, phải có hoài bão, nhưng đồng thời cũng phải biết gắn với thực tế…
Khoảng 8 năm sau đó, tôi gặp được người thầy thứ hai để lại dấu ấn sâu sắc. Lúc đó, đứng trước ngưỡng cửa của kỳ thi vào đại học, tôi được người quen giới thiệu học thêm để luyện thi với một thầy giáo dạy Hóa/Lý rất giỏi. Ông là người rất uyên thâm, là một giảng viên đại học lâu năm, thậm chí từng được mời sang giảng dạy sau đại học ở những trường đại học danh tiếng trong khu vực, nhưng vì những vấn đề “lý lịch” (vốn rất nhạy cảm trong một giai đoạn lịch sử đầy khốn khó của đất nước) ông đã bị người trong nước đối xử bất công và gặp rất nhiều biến cố, thiệt thòi (những điều mà sau này tôi mới biết, khi đã thân với ông và được ông tâm sự khi tới thăm nhà riêng). Khi bước vào học cái lớp luyện “ngoài giờ” mà không phải trả tiền ấy (ông thầy này kiên quyết “chỉ dạy các cháu vì là con nhà quen biết chứ không vì tiền”), tôi thấy mình may mắn vì nhờ những người quen vòng vèo mà được học. Trong lớp toàn là những “cậu ấm, cô chiêu” con nhà được coi là trí thức có tiếng của Việt Nam, trong khi bố mẹ tôi chỉ là những trí thức bình thường, không quyền chức. Thế rồi sự tình cờ (hay là cũng không tình cờ lắm?) tôi dần được ông chú ý trong lớp. Ban đầu là do tôi “cãi” ông. Nói vậy e hơi nặng, thực ra ông giảng rộng và sâu, nhiều khi nói cho chúng tôi biết thêm nhiều về Hóa học, bên ngoài nội dung phổ thông để ôn thi đại học, nhưng một lần tôi đã tranh luận lại rằng hình như ông nhầm. Tôi vẫn nhớ chi tiết xoay quanh nguyên tố Indium, với cái tên như vậy, ông nói rằng người ta tìm ra nó lần đầu ở Ấn Độ, và đó là lý do có cái tên hao hao “India”. Tôi đã phát biểu rằng hình như không phải, theo tôi đọc đâu đó, “Indium” là bắt nguồn từ “indigo” vì có liên quan đến mầu tím trong quang phổ của nguyên tử nguyên tố đó, chứ không liên quan gì tới nước Ấn Độ xa xôi. Sau khi tìm hiểu lại, không bảo thủ như một số giáo viên khác, buổi học tiếp theo ông đã thừa nhận là tôi đúng và cũng từ đó, ông thường dành quan tâm đặc biệt cho tôi. Có những lần, câu hỏi “vượt khung” của tôi khiến ông lại phải khất lần sau trả lời. Và có buổi học ông gọi tôi ở lại cuối giờ, giải thích ôn tồn với đầy vẻ quan tâm và nhấn mạnh nhiều lần rằng “cháu phải rất cẩn thận, không được để xảy ra sai sót, phải làm đúng lời bác nói” (chả là câu hỏi của tôi có liên quan tới Hóa thực nghiệm, tôi muốn tự mình làm, tự khám phá, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với những phản ứng hóa học có thể gây cháy nổ). Sau này, lâu lâu tôi lại đến chơi nhà ông, tâm sự với ông, đôi khi tranh luận với ông cả về Vật lý vũ trụ, và thậm chí có lúc còn hỏi ý kiến ông khi cần quyết định chọn hướng đi vào đời sau khi rời trường đại học. Ông lắng nghe, theo thời gian ông yếu dần, nhưng lần nào ông cũng vẫn rất lắng nghe và cho tôi lời khuyên xác đáng. Rồi ông chia sẻ với tôi những chuyện thế sự ở đời, những đắng cay mà ông chịu đựng. Ông cũng cho tôi biết thêm nhiều điều thú vị về Hóa học và Vật lý, khiến tôi thấy ngỡ ngàng và nhận ra rằng cái sự học là vô bờ, rằng nhiều thứ tưởng như đơn giản như bảng tuần hoàn Menđêlêep hóa ra liên quan tới nhiều qui luật vĩ mô và vi mô của thế giới… Đặc biệt, ông động viên tôi học tiếp, học lên cao (nếu có cơ hội) và mang theo những say mê của mình suốt cuộc đời, đừng đánh mất chúng (dù rằng, về sau tôi chuyển sang say mê nhiều điều khác, không còn cặm cụi với những phản ứng hóa học như thời được ông dìu dắt ban đầu nữa). Sau này, khi đã hoàn thành những bậc học sau đại học, tôi đã tìm đến nhà ông với mong ước chia sẻ với ông thành quả nhỏ đó của mình. Rất tiếc ông đã chuyển đi nơi khác mà không một người hàng xóm nào trong cái khu nhà cổ bé nhỏ đó có thể cho tôi địa chỉ mới. Dường như ông đã cố ý mai danh ẩn tích, hay là biến cố nào đó đã lại xảy ra với ông? Tôi cầu mong không đúng vậy, và thấy mình như mang một món nợ với người thầy xưa…
Năm tháng trôi qua, tôi đã được gặp và học với biết bao nhiêu người thầy ở những trường đại học cả ở trong và ngoài nước. Có những người đã dạy tôi những kiến thức sâu sắc, giúp tôi có một tầm hiểu biết nhất định trong chuyên môn của mình. Có những người rèn cho tôi độc lập suy nghĩ, thậm chí khuyến khích tôi “vượt” họ, tìm hiểu thêm để rồi khi nắm chắc thì quay về “dạy lại” cho họ… Xét về những khía cạnh đó, tôi mang ơn nhiều người đi trước, nhưng thật đặc biệt, tôi cảm giác rằng để sống và làm người cho tử tế, tôi đã học được rất nhiều từ hai người thầy kể trên, dù rằng họ không hề dạy tôi những chuyên môn cụ thể tôi đang làm hàng ngày. Người thầy dạy Văn đó không ồn ào, và chắc ông cũng không quá kỳ vọng vào cái sự yêu văn của học sinh lớp chuyên Toán, nhưng ông đã làm hết sức mình để chúng tôi biết về tình yêu quê hương đất nước, yêu cái đẹp, yêu sự học mãi và vun đắp những hoài bão, ngay từ khi có thể nói là còn rất bé dại. Người thầy dạy Hóa đó đã chỉ cho tôi thấy cuộc đời có thể nhiều trái ngang, nhưng cần học để vươn lên, không chỉ học kiến thức, mà học cả cách sống. Ông động viên tôi và làm tôi sáng tỏ, rằng cái “danh” ở đời nhiều khi là hư ảo, rằng tài năng thực sự đòi hỏi nhiều phẩm chất và rèn luyện, và là để cống hiến. Nhưng điều lớn nhất (và cũng là điểm chung của cả hai người, dù rằng chính họ có lẽ cũng không biết được vai trò của họ đối với tôi) chính là cảm hứng và lòng tận tâm mà họ truyền cho tôi, những điều dường như là khó truyền thụ nhất trong nghề nhà giáo, nhưng họ đã làm được một cách đơn giản. Và tôi mong muốn rồi mình cũng làm được như họ, đối với những học trò của tôi… Khi nghĩ về họ, tôi thấy đúng như có người đã nói:
Người thầy trung bình chỉ biết nói,
Người thầy giỏi biết giải thích,
Người thầy xuất chúng biết minh họa,
Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng.

Chú thích ảnh: Ảnh: Phạm Bá Thịnh

K.L

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)