Nhìn lại chủ trương “đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội”

Phải chăng nhiều trường ĐH, CĐ đã và đang mạnh dạn phát triển các loại hình đào tạo ngoài chính qui dựa trên chủ trương “Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội” được hiểu theo nghĩa thực dụng nhất: xã hội và người học cần gì thì đào tạo nấy? Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần làm rõ khái niệm thế nào là “nhu cầu xã hội” đối với giáo dục – đào tạo và đánh giá xem chủ trương này đã mang lại những điều gì tích cực, những biểu hiện gì không bình thường để kịp thời điều chỉnh.

Để chuẩn bị cho công cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba (bắt đầu từ năm học 1981-1982), ngày 11/01/1979 Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW về cải cách giáo dục, theo đó, một trong những định hướng có tính nguyên lý cho giáo dục đã được đưa ra là: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động, nhà trường gắn liền với xã hội”. Nguyên lý này, cùng với những định hướng khác về phát triển mục tiêu, nội dung và hệ thống giáo dục được nêu trong Nghị quyết, đã trở thành những đòn bẩy quan trọng giúp xây dựng một nền giáo dục Việt Nam mang tính thống nhất trên cả nước và từng bước được phát triển đúng hướng.

Theo thời gian, nguyên lý giáo dục nêu trên cũng đã được nhắc lại đây đó với ít nhiều điều chỉnh, chẳng hạn “Học đi đôi với hành, lý luận đi đôi với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội”, hay “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” (Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010).

Chỉ tiếc rằng, trong khi chúng ta chưa có nhiều nghiên cứu và những chủ trương nhằm cụ thể hóa nguyên lý giáo dục trên thì gần đây nguyên lý này có vẻ như ít được đề cập đến, và thay vào đó là chủ trương “Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội”. Chủ trương này, theo tìm hiểu của tác giả, có lẽ bắt nguồn từ Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2007-2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong đó Bộ yêu cầu các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trong cả nước triển khai cuộc vận động (kéo dài trong ba năm): “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”.

Cơ sở cho cuộc vận động này là nhằm khắc phục tình trạng (được nêu trong Chỉ thị):

Sinh viên có bằng tốt nghiệp trình độ đại học, cao đẳng song không đạt chuẩn đào tạo, không hành nghề được một cách phù hợp, là một sự lãng phí lớn với xã hội, nhà trường, bản thân người học và gia đình. Hiện tượng chất lượng đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội đang là thách thức lớn nhất, là điểm yếu nhất và là một trong những sự lãng phí lớn nhất của hệ thống giáo dục đại học.

Chủ trương trên đã được tái khẳng định trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (số 296/CT-TTg, ngày 27/2/2010) về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT:

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội; tổ chức sơ kết, đánh giá 3 năm (2008-2010) việc triển khai thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội và xây dựng kế hoạch đào tạo theo nhu cầu xã hội cấp quốc gia, tại mỗi địa phương và mỗi cơ sở đào tạo.

Nhìn lại thực tiễn giáo dục ĐH trong ba năm trở lại đây trong việc triển khai cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”, bên cạnh những thành tựu ban đầu về những nỗ lực xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra của các trường ĐH và CĐ, sự phát triển của hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục, … một hiện tượng đáng lưu ý là sự tăng lên đáng kể số học viên được tuyển vào học các lớp thuộc hệ vừa làm vừa học (tại chức), liên thông, bằng II ở các trường.

Theo một khảo sát gần đây [1], “hiện tại, cứ ba người học ĐH, CĐ thì có một người học hệ tại chức. Thậm chí ở một số trường ĐH, tỉ lệ này là 1/1”; riêng trong “năm 2010, các trường ĐH, CĐ được Bộ GD&ĐT giao tổng chỉ tiêu đào tạo tại chức, văn bằng 2, liên thông với hơn 322.000 chỉ tiêu, tương đương tới 62,9% so với tổng chỉ tiêu đào tạo của hệ chính quy”. Động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình đào tạo này có lẽ xuất phát chủ yếu từ bài toán tài chính: trong khi học phí của hệ chính qui chịu sự ràng buộc của các qui định của Nhà nước và đang thấp hơn đáng kể so với chi phí đào tạo thực tế thì học phí và các khoản thu khác của hệ tại chức được “nới lỏng” hơn rất nhiều. Chính vì thế mà đôi khi chúng ta dùng từ “nồi cơm của các trường ĐH, CĐ” khi đề cập đến các loại hình đào tạo này, mà đã là “nồi cơm” thì không ai nỡ “mạnh tay”!

Chủ trương phát triển các loại hình đào tạo ngoài chính qui (tạm gọi cho các lớp tại chức, văn bằng 2, liên thông) là phù hợp với yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực cho đất nước và xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của các loại hình này so với sự phát triển nguồn lực (mà quan trọng nhất là đội ngũ giảng viên và hệ thống cơ sở vật chất) của các trường ĐH, CĐ; đồng thời với cơ chế quản lý còn khá nhiều lỏng lẻo từ các bộ chủ quản đã dẫn đến bức tranh chất lượng đào tạo của các loại hình này có vẻ như đang ngày càng ảm đạm!

Theo một đánh giá gần đây của Thanh tra giáo dục (thuộc Bộ GD&ĐT) thì các chương trình liên kết đào tạo tại chức đang có xu hướng đua nhau dễ dãi để thu hút người học, đánh vào tâm lý những người học muốn có được tấm bằng một cách nhẹ nhàng nhất [2]. Còn GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, cũng đã đánh giá ngắn gọn về thực trạng đào tào tại chức hiện nay là “xô bồ, lỏng lẽo và tùy tiện” [3].

Như giọt nước đã đến lúc làm tràn ly, sự kiện “UBND TP. Đà Nẵng vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành, quận, huyện chỉ đạo không tiếp nhận mới sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy nhà nước” [4] đã làm dấy lên những tranh luận sôi nổi trên báo chí về quyết định này cũng như về thực trạng các loại hình đào tạo ngoài chính qui.

Phải chăng nhiều trường ĐH, CĐ đã và đang mạnh dạn phát triển các loại hình đào tạo ngoài chính qui dựa trên chủ trương “Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội” được hiểu theo nghĩa thực dụng nhất: xã hội và người học cần gì thì đào tạo nấy? Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần làm rõ khái niệm thế nào là “nhu cầu xã hội” đối với giáo dục – đào tạo và đánh giá xem chủ trương “Đào tạo theo nhu cầu xã hội” đã mang lại những điều gì tích cực, những biểu hiện gì không bình thường để kịp thời điều chỉnh.

Chúng ta hãy thử tìm hiểu xem trên thế giới, người ta đã có những quan niệm, chủ trương gì liên quan đến việc trường ĐH, CĐ đáp ứng nhu cầu xã hội. Một trong những tài liệu đáng để tìm hiểu nhất liên quan đến chủ đề đang bàn có lẽ là một báo cáo của Trường ĐH Newcastle (Anh Quốc) trong năm 2009: “Characterising modes of university engagement with wider society: A literature review and survey of best practice” (Mô tả các phương thức gắn kết trường đại học với xã hội theo nghĩa rộng: Tổng quan và khảo sát các thực tiễn tốt nhất) [5]. Phần tổng quan của Báo cáo này cho thấy các hệ thống giáo dục ĐH trên thế giới đã và đang rất quan tâm đến những hoạt động nhằm giúp các trường ĐH, CĐ gắn kết (engage) với xã hội (được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm: chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các cộng đồng, kể cả cộng đồng khu vực và quốc tế). Hoạt động gắn kết này được thể hiện trên bốn nhóm hoạt động chủ yếu sau:

–    Kết hợp nghiên cứu (Engaged research): tổ chức hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa nhà trường và xã hội

–    Chia sẻ kiến thức (Knowledge sharing): tổ chức cung cấp, trao đổi thông tin hay quan điểm giữa nhà trường và xã hội.

–    Dịch vụ (Service): tổ chức tư vấn, cung cấp các dịch vụ chuyên môn cho xã hội; tạo điều kiện để xã hội tiếp cận các nguồn tài nguyên của nhà trường (ví dụ thư viện, bảo tàng, sân bãi phục vụ thể thao, …); tham gia các chương trình, dự án phát triển cộng đồng, …

–    Giảng dạy (Teaching): tổ chức giảng dạy, đào tạo theo nhiều hình thức và bậc học nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội về trang bị kiến thức, kỹ năng, nhu cầu học tập suốt đời.

Bên cạnh sự nỗ lực của mỗi quốc gia và nhà trường, hiện trên thế giới có một số tổ chức mang tầm quốc tế được thiết lập để hỗ trợ các trường thành viên nói riêng và hệ thống giáo dục ĐH quốc tế nói chung trong việc chia sẻ thông tin, tư vấn, xây dựng và triển khai các chương trình, dự án nhằm không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động gắn kết giữa nhà trường và xã hội, chẳng hạn:

–    Talloires Network [6]: Đề xướng bởi Trường ĐH Tufts (Hoa Kỳ), hiện bao gồm khoảng 190 trường ĐH và CĐ thành viên trên khắp các châu lục (Việt Nam mới chỉ có Trường ĐH An Giang tham gia).

–    The International Association for Research on Service-Learning and Community Engagement (IARSLCE) [7]: Đề xướng bởi Trường ĐH Tulane (Hoa Kỳ).

–    The Global Alliance on Community-Engaged Research [8]: Đề xướng bởi Trường ĐH Victoria (Canada).

Đối chiếu với nội dung của bốn nhóm hoạt động nói trên, hoạt động “Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội” chỉ là một phần trong các hoạt động giúp nhà trường gắn kết với xã hội. Và như vậy, chỉ có thực hiện tất cả bốn nhóm hoạt động như trên mới thể hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội (social accountability) của nhà trường.

Nhìn lại các chủ trương của chúng ta ở lĩnh vực này và so sánh với quan niệm của thế giới, mới thấy rằng chủ trương “Nhà trường gắn liền với xã hội” đã nêu trong Nghị quyết số 14-NQ/TW (1979) như đã nói ở phần đầu là mang tính khái quát và tính chiến lược cao. Phải chăng chúng ta nên quay về lại với chủ trương này để giúp các trường ĐH, CĐ thực hiện đầy đủ chức năng của mình đối với xã hội, đồng thời góp phần chấn chỉnh thực trạng chạy theo đào tạo ngoài chính quy dưới ‘chiêu bài’ “Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội”?

Tài liệu tham khảo

[1] http://tuoitre.vn/Giao-duc/415261/Tha-noi-dao-tao-tai-chuc—Ky-2-Chong-mat-voi-so-luong.html (Truy cập ngày 12/12/2010)

[2] http://tuoitre.vn/Giao-duc/415419/Tha-noi-dao-tao-tai-chuc—Ky-3-Ha-chuan-xen-chuong-trinh.html (Truy cập ngày 12/12/2010)

[3] http://tuoitre.vn/giao-duc/415555/he-tai-chuc-da-bi-bien-tuong.html (Truy cập ngày 13/12/2010)

[4] http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/413992/Khong-nhan-sinh-vien-tot-nghiep-he-tai-chuc-vao-co-quan-nha-nuoc.html (Truy cập ngày 12/12/2010)

[5]http://www.tufts.edu/talloiresnetwork/downloads
/Characterisingmodesofuniversityengagementwithwidersociety.pdf (Truy cập ngày 12/12/2010)

[6] http://www.tufts.edu/talloiresnetwork/

[7] http://www.researchslce.org/

[8] http://communityresearchcanada.ca/?action=alliance

Tác giả