Những chặng đường thánh giá

Ta thường biết câu danh ngôn: "việc học như đi thuyền trên dòng nước ngược, không tiến ắt phải lùi". Hiểu theo nghĩa "khuyến học" thông thường, việc học và người học ở đây tuy gắn bó mật thiết, nhưng vẫn là hai, như trong hình ảnh so sánh: dòng nước và chiếc thuyền.

Trong tư duy giáo dục của Hegel (1770-1831) và John Dewey (1859-1952), cả hai thực ra chỉ là một: người học đồng nhất với việc học, như là kẻ tự “vác lấy thánh giá” của đời mình, với thuận lợi và khó khăn (“nước xuôi” và “nước ngược”), hy vọng và thất vọng, hạnh phúc và khổ đau. Hegel: “giáo dục (Bildung) gắn liền với trải nghiệm về sự bất hạnh”. Dewey: “giáo dục là hành động và chịu đau khổ, chứ phải đơn thuần mở mang kiến thức”. Một sự gặp gỡ lạ thường giữa hai triết thuyết giáo dục mới thoạt nhìn tưởng như giữa nước với lửa!

HẠNH PHÚC VÀ BẤT HẠNH CỦA “CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI”

“Hạnh phúc” của con người hiện đại là được giải phóng khỏi sự “lệ thuộc ngột ngạt” để có thể “xưng tôi” như một chủ thể hành động tự do với tư cách cá nhân “tự trọng” và “tự tin”. Nhưng, đồng thời, hạnh phúc ấy là bấp bênh, bởi phải đấu tranh hàng ngày, hàng giờ để bảo vệ nó. Con người hiện đại chỉ trải nghiệm được sự tự do khi hoàn cảnh buộc họ phải làm như thế. Con người hiện đại chỉ hình thành trong cuộc đấu tranh đòi được “công nhận” (Hegel), cũng thế, “tính chủ thể” ra đời từ sự đề kháng, chứ không từ sự ban phát. Theo nghĩa đó, trong một thế giới hài hòa và tự mãn, ắt tự do và giáo dục không chỉ không cần thiết mà còn không thể có được! Hay nói ngược lại, điều kiện cần và đủ cho giáo dục chính là sự tăng cường không ngừng ý thức về tự do. Mở rộng ra, không phải ngẫu nhiên khi Hegel là tác giả của lời khẳng định thời danh: “Lịch sử thế giới là sự tiến bộ trong ý thức về tự do”.

Tuy nhiên, đấy không phải là một đại lộ thênh thang, bằng phẳng! Như đã nhắc qua, giáo dục không đồng nghĩa với hạnh phúc (cá nhân), trái lại, đi liền với trải nghiệm về sự bất hạnh. Hơn đâu hết, ý tưởng này được chắt lọc và trình bày có hệ thống trong tác phẩm bất hủ “Hiện tượng học Tinh thần” (1807, bản tiếng Việt, NXB Tri Thức, 2006, 2013). Tác phẩm triết học vĩ đại ấy quả thật còn là một “tiểu thuyết giáo dục” (Bildungsroman), vẽ nên bức tranh toàn cảnh và bi tráng của diễn trình giáo dục nói chung. Mỗi bước nhận thức của con người (gọi là “mỗi hình thái ý thức”) hình thành đầy tự tin và cả tự phụ nữa, nhưng rồi đều tự sụp đổ khi vướng phải mâu thuẫn nội tại, thấm thía sự bất lực của mình khi đối chiếu giữa tham vọng và thực tế. Con người tự mình phải thay đổi thước đo, qua đó nâng mình lên một bước nhận thức mới, rồi lại thất vọng và cứ thế tiếp tục đi suốt những “chặng đường thánh giá” cho đến khi đạt được sự thỏa mãn. Người đọc chúng ta có quyền không… thỏa mãn với sự “thỏa mãn” sau cùng của Hegel, nhưng khó có thể không tán thưởng những phân tích và nhận định sâu sắc của ông: mỗi bước nhận thức, học hỏi – như một trò đùa cay nghiệt – luôn đẩy con người đến chỗ thất vọng, thậm chí “tuyệt vọng”. Và chính sự “tuyệt vọng” sẽ dồn con người vào đường cùng để phải tự tìm thấy sinh lộ và sức sống mới. Hegel gọi toàn bộ diễn trình ấy là “lịch sử kinh nghiệm của ý thức”, và sự hoài nghi liên tục thấy ở đây không xuất phát từ thái độ hay cái nhìn bi quan của người quan sát mà là một “thuyết hoài nghi (được ý thức) tự thực hiện lấy”.

Trong lĩnh vực thực tiễn, sự ra đời của tự do càng minh họa điều này mạnh mẽ hơn nữa. Một trong những chương nổi tiếng nhất của tác phẩm này (“Về làm chủ và làm nô”) cho thấy sự tự do (trong ý thức của người làm nô và với tư cách là Tự-ý thức) phải trải qua nhiều giai đoạn. Thoạt đầu, người làm nô ở thế yếu, chỉ có thể giữ thái độ “khắc kỷ”, hài lòng với sự tự do nội tâm của mình, cam phận phục vụ người làm chủ, nhưng ngày càng nhận thấy người làm chủ phụ thuộc vào mình. Giai đoạn “hoài nghi” bắt đầu khi người làm nô nghi ngờ vai trò của chính mình và nhất là nghi ngờ cả sự ưu việt về quyền lực tinh thần của người làm chủ. Nhưng rồi người làm nô lại rơi vào “ý thức bất hạnh” khi nhận ra rằng bản thân mình vừa là nô mà cũng vừa là chủ, song chưa tìm ra lối thoát. Từ sự tự do đơn thuần trong nội tâm, rồi sự tự do bất an trong sự nghi ngờ đến ý thức bất hạnh vì chưa “hòa giải” được với chính mình, con đường đi tới sự tự do “lý tính” của chủ thể hiện đại là con đường còn xa ngái! Sennett, khi bàn về chương này, đã cảm thán: “Vì tự do, nhân loại còn phải chịu đựng bao nhiêu nỗi dằn vặt, thất vọng và bất hạnh nữa đây?”. Nhưng, ở giác độ triết học giáo dục, Lars Loevlie, nhà triết học giáo dục Na uy, nhận xét: ở đây, giáo dục (Bildung) được quan niệm như là kinh nghiệm chuyển hóa của ý thức trong sự tương tác giữa cá nhân và “văn hóa” (môi trường xã hội). Chủ thể là tác nhân vừa tự trị vừa phụ thuộc, buộc phải tự vướng vào những mâu thuẫn. Các kinh nghiệm này đòi hỏi ta phải có cái nhìn phê phán về chính lập trường cố hữu của mình cũng như tiếp thu các lập trường đối lập. Thật thế, nếu tra hỏi là nguyên tắc của lý trí, thì việc “an nghỉ” nơi câu trả lời đã tìm thấy chỉ là sự an nghỉ tạm thời và là cơ hội cho việc tiếp tục tra hỏi. Giáo dục là tiến trình phá bỏ và đảo lộn giá trị đối với kho tàng kinh nghiệm, như cách nói mạnh mẽ của một nhà giáo dục học khác.

DEWEY: GIÁO DỤC LÀ ĐỔI MỚI KINH NGHIỆM

Trước khi giới thiệu về John Dewey (“triết gia lớn nhất của Mỹ, theo Bertrand Russell) và triết thuyết giáo dục “thực dụng” (mà chúng tôi đề nghị dịch là “hành dụng”) của ông, xin nhắc qua vài ý tưởng cơ bản của Dewey tương đồng với tinh thần của triết thuyết duy tâm Đức.

Giáo dục – độc lập với phương pháp tiến hành -, theo Dewey , bao giờ cũng là “sự không ngừng đổi mới kinh nghiệm”. Theo đó, mục tiêu của giáo dục không phải ở bên ngoài mà nằm ngay trong chính tiến trình giáo dục. Dewey minh họa bằng nghệ thuật bắn cung. Mục tiêu của bắn cung không phải là hồng tâm (tách rời với việc bắn), mà là bắn làm sao để trúng được hồng tâm! Nói cách khác, chính “việc làm” giáo dục chứ không phải bản thân giáo dục là mục tiêu. Tiến trình giáo dục, do đó, bao hàm những tiến trình tự trải nghiệm, “biết bỏ đi những cái cũ và thêm vào những cái mới có ý nghĩa”. Giáo dục là hành động và chịu đau khổ giống như trong cuộc đời, vì thế, cương lĩnh cốt lõi của triết thuyết giáo dục hành dụng của Dewey sẽ là: “nhà trường là xã hội thu nhỏ ở dạng bào thai”.

 (Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 30, 23.10.2014)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)