Những ngôi trường mầm non cổ tích

Những ngôi trường mầm non Steiner nuôi nấng trẻ trong bầu không khí cổ tích để trẻ phát triển tối đa trí tưởng tượng, thu nhận trọn vẹn sự khôn ngoan của tri thức vũ trụ, thay vì nhìn trẻ như người lớn thu nhỏ và cố gắng dạy dỗ sớm nhất các kiến thức về thế giới vật chất xơ cứng và hỗn mang.


Từ sau khi thế giới công nhận học thuyết về phân tâm học Freud, mọi nhà tâm lý giáo dục đều hiểu rằng giai đoạn từ 0 đến 6 (hoặc kéo dài đến 8) là giai đoạn tạo nên cái ngã – cái gốc người bền vững không thay đổi theo thời gian, hay nói cách khác là giai đoạn mọi trải nghiệm cá nhân sẽ để lại dấu ấn trong tiềm thức, là cái luôn có đó và ẩn sâu bên trong con người, có thể được bộc lộ ra một lúc nào đó khi ý thức “cho phép”, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Trong bộ ba: cái siêu tôi, cái tôi và cái ấy (Super-ego, Ego, Id) thì cái siêu tôi (phần nhiều thuộc về miền tiềm thức, cái tạo nên “lương tâm” của mỗi cá thể) khó lòng mà thay đổi hay tác động tới được khi chúng đã hình thành. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tác động đến quá trình hình thành nên nó, chính là giai đoạn ấu thơ. Cái ấy (thuộc miền vô thức) là cái thuộc về bản năng (Freud chỉ nhấn mạnh duy nhất đến bản năng tính dục, và vì điều này mà học thuyết của ông bị phản đối), thuộc phần Con trong tính Người nhiều hơn, và là miền chúng ta hoàn toàn không can thiệp được. Cái tôi nằm trọn vẹn trong sự điều khiển của ý thức, hình thành do môi trường, giáo dục và thay đổi liên tục trong suốt quá trình sống của con người. Vậy, xét theo góc nhìn của phân tâm học, và nhiều nhà tâm lý giáo dục học đồng tình với góc nhìn đó, thì giai đoạn ấu thơ có một tầm quan trọng không thể thay thế, không thể sửa chữa trong việc hình thành nhân cách Người, hay con-người-tương-lai của trẻ như cách dùng chữ của nhà giáo dục Montessori. Bà tha thiết yêu cầu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, phải là những người đã được tôi rèn và chuẩn bị từ bên trong, từ chối sự độc tài và kiêu ngạo để tạo ra môi trường giáo dục là môi trường tự nhiên, đầy ắp tính văn hóa được chuẩn bị cho trẻ tự trải nghiệm và tự tìm ra kiến thức, tự làm bừng nở con-người-tương-lai của mình1.

Góc nhìn về nhân cách của người thầy và tầm quan trọng, sự ảnh hưởng của giai đoạn ấu thơ đến sự hình thành con-người-tương-lai của Montessori và Rudorf Steiner là đồng nhất, mặc dù cách thực hành phương pháp giáo dục mầm non của họ rất khác biệt, thậm chí đi theo hai khuynh hướng trái ngược nhau.

Steiner cho rằng trẻ con có sự thông thái đặc biệt (nếu chưa bị làm cho hỏng hay mất đi); chúng sẽ tự phát triển theo cách tốt nhất nếu được yêu thương, được vui đùa trong thiên nhiên, được tôn trọng và tự do.

R. Steiner sinh cùng thời với Nietzsche, nhưng không chịu nhiều ảnh hưởng từ Nietzsche2 mà như hai nhà tư tưởng lớn gặp nhau (Steiner viết Philosophy of freedom năm 1894 và Friedrich Nietzsche, Fighter for Freedom năm 1895). Hai ông đều quan tâm đến eternal recurrence (vĩnh cửu luân hồi – một khái niệm cho rằng vũ trụ đã được lặp đi lặp lại và sẽ tiếp tục như vậy ở một dạng tương tự với chính nó trong một số lần vô hạn) và đấu tranh cho sự phát triển cao nhất của con người là để đạt tới Con-người-Tự-do: tự do với Thượng đế, với tôn giáo, với các thể chế chính trị, tự do bởi việc làm chủ năng lực và khát vọng của bản thân, tự do với chính sự trở lại vĩnh cửu của vũ trụ. Bởi quan niệm này, Steiner đưa ra quan điểm về giáo dục mầm non (từ 0-7 tuổi) là giai đoạn trẻ còn sự kết nối sâu sắc với các kiến thức tiềm ẩn của vũ trụ, nhiệm vụ của người lớn (bố mẹ, thầy cô, xã hội) là nuôi nấng trẻ trong môi trường đầy ắp tính Thơ, ngập tràn tình Yêu thương và Tự do để trẻ phát triển tối đa trí tưởng tượng, thu nhận trọn vẹn sự khôn ngoan của tri thức vũ trụ; thay vì nhìn trẻ như một người lớn thu nhỏ và cố gắng dạy dỗ sớm nhất các kiến thức về một thế giới vật chất xơ cứng hỗn mang. Ông cho rằng trẻ con có sự thông thái đặc biệt (nếu chưa bị làm cho hỏng hay mất đi), nhận được những kiến thức tiềm ẩn của vũ trụ; chúng sẽ tự phát triển theo cách tốt nhất nếu được yêu thương, được vui đùa trong thiên nhiên, được tôn trọng và tự do; ví như việc tập đi càng dạy sẽ càng làm cho bị hỏng, việc chơi đùa sẽ không còn ý nghĩa nếu được người lớn dạy chơi. Quan điểm này khá lạ lẫm đối với nền giáo dục phổ quát và xã hội ngày nay, khi mà người lớn luôn muốn mọi thứ phải sớm, phải nhanh; chúng ta quen thuộc và dễ dàng chấp nhận ý tưởng cho rằng cần dạy dỗ con em chúng ta càng sớm càng tốt, miễn là sự dạy dỗ đó được ngụy trang bởi chữ chơi, sự dạy dỗ sớm sẽ khiến con chúng ta xuất phát sớm hơn và có cơ hội đến đích nhanh hơn.

Vậy không cần dạy thì có thầy để làm gì? Nếu chỉ là sự vui đùa tự do trong thiên nhiên thì các lớp học mầm non có vai trò gì?

Gieo mầm trí tưởng tượng

Ai cũng biết và có lẽ đồng tình với câu nói nổi tiếng của Albert Einstein “muốn con bạn thông minh, hãy đọc cho chúng nghe truyện cổ tích. Muốn con bạn thông minh hơn nữa, hãy đọc nhiều hơn nữa những truyện cổ tích cho chúng” và “trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức”. Nhưng không phải ai cũng hiểu tầm quan trọng đến vô cùng của việc đọc truyện cổ tích cho trẻ con, tạo dựng một môi trường cổ tích cho trẻ con phát huy tối đa trí tưởng tượng. Điều này, các trường mầm non Steiner đã làm rất tốt, nâng lên một nấc cao hơn mà Einstein nhắc đến, từ đọc truyện sang kể chuyện. Đọc tức là còn phải cần đến sách, là còn chưa sống với câu chuyện. Kể là đã biết sống trong câu chuyện. Đặc biệt hơn, giờ kể chuyện của trường mầm non Steiner là lúc trí tưởng tượng của trẻ tha hồ bay bổng. Không gian lớp học ấm cúng, ánh sáng được làm dịu đi, nến được thắp lên bên cạnh “sân khấu” nhỏ của các nhân vật rối, được các cô sắp đặt và tạo bối cảnh với lụa, hoa, và lá… Cô khe khẽ cầm cây đàn lyre chơi vài nốt ngân nga, trẻ lập tức im ắng, chăm chú đón đợi và bắt đầu tưởng tượng theo từng động tác diễn rối nhịp nhàng, từng câu kể khoan thai. Những giờ kể chuyện sẽ gieo mầm, nuôi nấng trí tưởng tượng của trẻ lớn lên từng ngày, để rồi một lúc nào đó, trẻ sẽ tái hiện lại những trải nghiệm này.

Theo Steiner, chỉ khi tiếp xúc với các vật liệu thực, trẻ mới phát triển các giác quan thực nhất, tinh tế nhất, mọi sự giả dù đạt trạng thái tinh xảo hơn thực, đều đem lại sự giả tạo đối với các giác quan, mà giai đoạn ấu thơ lại là giai đoạn quan trọng nhất để duy trì và phát triển sự tinh nhạy này.

Một khác biệt nữa với các mô hình giáo dục khác là lớp mầm non Steiner có giờ chơi tự do mỗi ngày, theo nghĩa trẻ là người tổ chức trò chơi, giải quyết các vấn đề nảy sinh khi chơi với bạn, giáo viên chỉ đóng vai trò như người thiết lập môi trường, đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa sự can thiệp. Chơi tự do, hay còn gọi là chơi sáng tạo theo lựa chọn của trẻ, là một nhu cầu thiết yếu để trẻ “trải nghiệm lại”, “diễn lại” những gì đã thẩm thấu, để tưởng tượng và sáng tạo ra vô vàn câu chuyện trong mỗi trò chơi. Để việc chơi của trẻ thực sự chất lượng, theo nghĩa nuôi nấng tối đa trí tưởng tượng, đồ chơi ở các lớp mầm non Steiner hoàn toàn mở, không có những loại đồ chơi theo kiểu “one-way-right”, tức là chỉ có duy nhất một cách chơi “đúng” bởi Steiner nhìn giai đoạn từ 0 đến 7 tuổi là giai đoạn vàng để trẻ phát triển trí tưởng tượng, nuôi dưỡng tâm hồn, chưa phải và chưa nên tập trung vào kích thích tư duy logic, là công việc của giai đoạn từ 7 đến 14 tuổi.

Phát triển các giác quan nhờ cái thực

Xây dựng một môi trường cổ tích, thế nhưng, điều đặc biệt là, trong các ngôi trường mầm non Steiner, tính thực lại là yếu tố đầu tiên cần và phải có – đó là cái thực của vật liệu trong lớp học, từ đồ chơi đến rèm cửa, áo quần; mọi vật liệu là tự nhiên, có thật, tuyệt đối không sử dụng vật liệu nhân tạo. Sự đòi hỏi tính thực của vật liệu này xem ra có vẻ nhiêu khê nếu chúng ta không thấu hiểu và trân trọng sự phát triển của trẻ được như Steiner – ông cho rằng, chỉ khi tiếp xúc với các vật liệu thực, trẻ mới phát triển các giác quan thực nhất, tinh tế nhất, mọi sự ngụy tạo dù đạt trạng thái tinh xảo hơn thực đều đem lại sự giả tạo đối với các giác quan, mà giai đoạn ấu thơ lại là giai đoạn quan trọng nhất để duy trì và phát triển sự tinh nhạy này.

Cái thực khó hơn nữa là thực trong từng hành động, cảm xúc của giáo viên; giáo viên làm việc say sưa phải là sự say sưa thực, không phải sự vờ làm; yêu thương cũng phải là yêu thương thực lòng chứ không phải chỉ ở cử chỉ bên ngoài; sự giận dữ nơi giáo viên là yếu tố không được có mặt trong bất cứ tình huống nào; nhưng nếu chưa đạt tới trạng thái này thì việc giáo viên chọn bộc lộ sự giận dữ thực sẽ tốt hơn sự giả tạo yêu thương khi đang giận dữ. Bởi, ông cho rằng trẻ có thể “thấy” được con người bên trong của người lớn, mọi sự giả tạo trong cảm xúc trẻ sẽ thẩm thấu; và đó không phải là con người tự do mà Steiner hướng tới.

Xây dựng năng lực và phẩm hạnh bằng sự tôn trọng

Ngay từ bậc mầm non, trẻ được tôn trọng như một cá thể Người với đầy đủ năng lực và phẩm hạnh; giáo viên tuyệt đối chỉ là người quan sát, quan sát chăm chú và khách quan để giúp trẻ phát triển hài hòa nhất mà không phán xét. Để đạt tới con người tự do, trẻ phải được tự do với mọi sợ hãi, tự do với uy quyền của người lớn, tự do ngay cả với sự ái ngã. Sự trừng phạt làm gia tăng sự sợ hãi với uy quyền. Sự tưởng thưởng làm gia tăng sự ái ngã, sự phụ thuộc vào đám đông, sự công nhận bên ngoài bản thân mình.

Việc không phán xét, không tưởng thưởng hay trừng phạt trong các ngôi trường mầm non Steiner làm nảy nở một cách tự nhiên sự hợp tác và tình yêu thương giữa các cá thể, trẻ con với trẻ con, trẻ con với người lớn. Trẻ con vui đùa bên nhau, trong sự quan sát và đảm bảo an toàn của người lớn, khám phá một cách không cần ý thức các năng lực nội tại, nuôi dưỡng niềm đam mê qua từng việc làm, việc chơi hằng ngày bởi chúng thích và cần làm, chứ không bởi bất cứ sự thưởng phạt nào nơi giáo viên. Thậm chí, thực tế là trong các lớp mầm non Steiner còn không có đến cả câu mệnh lệnh.

Vậy tại sao các lớp mầm non Steiner lại đạt tới trạng thái kỷ luật cao như vậy? Trẻ con đến giờ ăn ngồi ngay ngắn ăn uống, đến giờ ngủ tự đi lấy chăn đệm và nằm ngủ ngoan, giờ kể chuyện ngồi yên ắng chăm chú nuốt từng lời của cô? Nghe có vẻ phi lý khi mà chúng ta quen với việc nuôi nấng trẻ bằng hàng loạt các câu mệnh lệnh và vô số các kỹ xảo thưởng phạt. Tính nhịp điệu trong các giờ sinh hoạt, nhịp điệu của ngày, của mùa, của năm, của các lễ hội, của vũ trụ và sự kiên nhẫn đến vô cùng, sự yêu thương mà rắn rỏi không bi lụy của giáo viên làm nên kỳ tích này.

Nuôi dưỡng lòng biết ơn

Ai đó sẽ e ngại cho rằng trẻ con được “nuông chiều” đến như vậy dễ “sinh hư” lắm. Ấy vậy mà, trong các lớp học mầm non Steiner, trẻ con tự do là thế mà lại vô cùng nhã nhặn và khiêm nhường (sự khiêm nhường này dễ nhìn thấy khi trẻ đã lớn, khoảng độ tuổi tiểu học); có lẽ bởi ngay từ mầm non trẻ được sống trong bầu không khí của lòng biết ơn. Các bài hát, các hoạt động có sự tổ chức, hướng dẫn của thầy cô, các lễ hội, đến cách trang trí lớp học đều thấm nhuần sự biết ơn đối với tạo hóa, thiên nhiên, vũ trụ; không phải sự yếm thế hay sùng kính tôn giáo như nhiều người duy vật cực đoan phản đối nền giáo dục Steiner.

Khi chúng ta có lòng biết ơn, chúng ta sẽ sống vị tha hơn, yêu thương hơn, bình an hơn. Và lòng biết ơn được nuôi dưỡng từ tấm bé sẽ là gốc rễ vững chắc cho ta đứng trước những giông bão của cuộc sống, giữ tâm bình an và mạnh mẽ, bởi từ sâu thẳm ta biết ơn cuộc sống này, với tất cả những hạnh phúc, đắng cay của nó.

Kỳ tới: Giáo dục Steiner ở bậc tiểu học
——–
1 Bí ẩn tuổi thơ, Montessori, NXB Tri Thức, 2013, Nghiêm Phương Mai dịch.
2 Philosophy of Freedom, R. Steiner; https://en.wikipedia.org/wiki/Rudolf_Steiner.

Tác giả