Những nhược điểm của giáo dục tinh hoa Mỹ (Kỳ II)

Các sinh viên theo học các đại học tinh hoa hàng đầu của Mỹ ít khi theo đuổi những ngành học có tính mạo hiểm hay ít sinh lợi, và nếu có theo đuổi thì cũng dễ bỏ cuộc nhanh hơn những người khác, mặc dù họ thường xuất thân từ tầng lớp khá giả, khi tốt nghiệp không phải chịu nhiều gánh nặng nợ nần, và có khả năng dựa dẫm vào chu cấp từ gia đình trong một khoảng thời gian. 

Thiếu mạo hiểm và sự đam mê tri thức

Tôi đã không ý thức được hiện tượng này cho tới khi nghe về nó từ một cặp sinh viên trong khoa, một từ Yale, một từ Harvard. Họ nói về việc cố gắng làm thơ, về việc bạn bè họ từ bỏ hoàn toàn công việc sáng tạo này sau 1,2 năm trong khi những người từ các trường ít danh giá hơn vẫn còn gắn bó với nó. Tại sao lại như vậy? Bởi vì sinh viên từ các trường tinh hoa kì vọng thành công, và muốn gặt hái kết quả ngay tức khắc. Họ chưa bao giờ trải nghiệm điều gì khác, và ý thức về cái tôi của họ được xây dựng xung quanh khả năng thành công. Ý nghĩ về việc không thành công khiến họ kinh hãi, làm chệnh hướng họ, đánh bại họ. Cả cuộc đời họ được thúc đẩy tiến lên bởi nỗi sợ thất bại, và thường là bởi nỗi sợ thất bại từ chính cha mẹ họ. Lần đầu tiên làm hỏng bài kiểm tra, tôi bước ra khỏi phòng thi cảm thấy dường như không còn biết mình là ai. Lần thứ hai, dễ dàng hơn; tôi bắt đầu học được rằng thất bại không phải là tận cùng thế giới.

Nhưng nếu bại lo sợ thất bại, bạn sẽ ngại mạo hiểm, điều này giải thích bất lợi cuối cùng và tệ hại nhất của giáo dục tinh hoa: nó hết sức phản tri thức. Dường như điều này trái với trực giác thông thường. Không phải sinh viên của các trường tinh hoa là sáng dạ nhất sao, ít nhất là theo ý nghĩa học thuật? Không phải họ làm việc chăm chỉ hơn những người khác, và thực tế là, hơn những thế hệ trước ư? Đúng vậy. Nhưng làm một trí thức không giống với làm một người sáng dạ. Để làm một người trí thức cần nhiều hơn việc chỉ làm bài tập về nhà.

Họ là sản phẩm của một hệ thống hiếm khi đòi hỏi phải nghĩ về điều gì khác ngoài bài tập tiếp theo.

Không ngạc nhiên khi ít có sinh viên nào hiểu được vấn đề này. Họ là sản phẩm của một hệ thống hiếm khi đòi hỏi phải nghĩ về điều gì khác ngoài bài tập tiếp theo. Hệ thống này đã quên dạy họ trong quá trình tuyển sinh uy tín và những công việc sinh lời, rằng thành quả quan trọng nhất là không thể xác định bằng một lá thư [chúc mừng trúng tuyển], một con số hay một cái tên. Họ đã quên rằng mục đích thật sự của giáo dục là tạo ra trí tuệ, chứ không phải công ăn việc làm.

Làm một trí thức, trước hết, là đam mê các ý tưởng – và không phải chỉ trong một kì, để khiến giáo viên hài lòng, hoặc để đạt điểm tốt. Một người bạn tôi giảng dạy ở Đại học Connecticut than phiền rằng sinh viên của anh không nghĩ cho bản thân họ. Còn tôi thì cho biết, sinh viên Yale nghĩ cho mình, nhưng chỉ bởi vì họ biết chúng tôi muốn họ như vậy. Tôi có rất nhiều những sinh viên tuyệt vời ở Yale và Columbia, sáng dạ, chín chắn, sáng tạo, những người thật dễ chịu khi nói chuyện cùng hay học hỏi từ họ. Nhưng phần lớn số đó có vẻ hài lòng với sự giáo dục họ nhận được đã đủ khiến mình trở nên nổi bật. Chỉ thiểu số cho rằng nền giáo dục đó chỉ là một đoạn đường trên hành trình tri thức, tiếp cận công việc trí óc với tâm hồn của người hành hương. Những người này có khuynh hướng bị coi như kẻ lập dị, không chỉ bởi họ nhận được rất ít sự tài trợ từ phía trường. Một người trong số họ đã chia sẻ với tôi rằng những nơi như Yale thì không thuận lợi đối với những người thực sự tìm kiếm tri thức.

Dấn sâu vào đào tạo nghề với những câu hỏi nhỏ

Những nơi như Yale đơn giản được thành lập không phải để giúp sinh viên trả lời những câu hỏi lớn. Tôi không nghĩ đã từng có một thời hoàng kim của chủ nghĩa tri thức ở đại học Mỹ, nhưng thế kỉ 19 các sinh viên ít nhất có thể có cơ hội được nghe những câu hỏi như vậy đặt ra ở các hội nhóm văn học và các câu lạc bộ luận đàm nhan nhản trong khuôn viên trường. Phần lớn thế kỉ 20, với sự lớn mạnh của lý tưởng nhân văn trong các trường học Mỹ, sinh viên có lẽ phải đối mặt với những câu hỏi lớn trong lớp học của những giáo sư có ý thức cao về sứ mệnh của sư phạm. Những giáo viên như vậy vẫn hiện diện trên khắp đất nước, nhưng tình hình ngày càng trầm trọng của việc chuyên nghiệp hóa học thuật đã khiến họ gần như biến mất khỏi các trường tinh hoa. Giáo sư ở những viện nghiên cứu hàng đầu chỉ được tôn vinh qua chất lượng của những công trình học thuật; hệ quả là họ không chuyên tâm dành thời gian cho giảng dạy.

Không phải vô cớ mà các trường tinh hoa chỉ nói về việc đào tạo ra những nhà lãnh đạo mà không phải là những nhà tư tưởng – những người nắm giữ quyền lực mà không phải những nhà phê bình.

Khi các đại học tinh hoa vênh vang rằng họ dạy sinh viên cách nghĩ, hàm ý là họ dạy các kĩ năng phân tích và hùng biện để thành công trong lĩnh vực luật, dược, khoa học, hay kinh doanh. Nhưng một nền giáo dục nhân văn cần nhiều hơn thế, như các trường đại học vẫn mơ hồ cảm nhận. Do vậy khi sinh viên mới bước chân vào đại học, họ được nghe một tràng những bài thuyết trình yêu cầu đặt ra những câu hỏi lớn. Nhưng sau đó, họ dành bốn năm tham gia các lớp chuyên đào tạo để đặt những câu hỏi nhỏ – những khóa chuyên biệt, dạy bởi những giáo sư chuyên sâu, nhằm chuyên môn hóa sinh viên. Mặc dù ý niệm về độ mở là hàm ẩn trong khái niệm về nền giáo dục khai phóng (liberal art education) , qui trình tuyển sinh ngày càng có xu hướng lựa chọn những ai đã tự lên kế hoạch cho mình với một chuyên môn cụ thể: một nhà báo tuổi xanh, nhà thiên văn học đang lên, thần đồng ngôn ngữ. Chúng ta, ngay cả những trường tinh hoa, đang dấn sâu vào một hình thức đào tạo nghề.

Thật vậy, đây chính xác là những gì các trường đó muốn. Không phải vô cớ mà các trường tinh hoa chỉ nói về việc đào tạo ra những nhà lãnh đạo mà không phải là những nhà tư tưởng – những người nắm giữ quyền lực mà không phải những nhà phê bình. Một trí óc độc lập thì độc lập với tất cả các hình thái trung thành, trong khi các trường tinh hoa, mà phần lớn đóng góp trong ngân sách là từ các cựu sinh viên, thì lại được đầu tư mạnh để nuôi dưỡng sự trung thành mang tính có tổ chức. Một người bạn nữa của tôi, sinh viên Yale thế hệ thứ ba, nói rằng mục đích của trường là để sản xuất hàng loạt cựu sinh viên Yale. Đương nhiên, những cựu sinh viên này cần tiền cho hệ thống vận hành. Tại Yale, việc các sinh viên từ bỏ các ngành học nhân văn và khoa hoa cơ bản để chuyển sang các ngành mang tính thực tiễn hơn như khoa học máy tính hay kinh tế được tiếp tay bởi sự thờ ơ mang tính hành chính. Văn phòng hướng nghiệp của trường đại học hầu như chẳng có gì nhiều để nói với những sinh viên không hứng thú với luật, dược, kinh doanh, và các đại học tinh hoa không dự định làm gì để ngăn cản phần lớn sinh viên của họ mang bằng cấp tới Wall Street. Thực tế là, các trường này còn chỉ dẫn đường cho họ. Những trường đại học khai phóng thì đang trở thành những đại học doanh nghiệp, trọng tâm của nó đang dịch chuyển sang những lĩnh vực kĩ thuật nơi sự tinh thông học thuật có thể biến thành những cơ  hội sinh lời màu mỡ.

Chẳng ngạc nhiên khi số ít sinh viên, những người đam mê ý tưởng, thấy mình lạc lõng và bối rối. Năm ngoái, một người trong số họ đã nói chuyện với tôi về sự hứng thú của anh này với bilddung, sự trau dồi tâm hồn, một khái niệm ra đời trong thời kì Lãng mạn. Nhưng anh ta, lúc đó là sinh viên năm cuối, nói rằng thật khó khăn để kiến tạo tâm hồn khi những người xung quanh đang rao bán nó.

“Những con cừu ưu tú”

Tuy nhiên, có một khía cạnh của đời sống tri thức còn cao hơn cả niềm đam mê các ý tưởng, mặc dù nền văn hóa của chúng ta đã gạt sạch nó đến nỗi chẳng ngạc nhiên khi thậm chí những sinh viên tỉnh táo nhất của tôi cũng không ý thức được điều này. Ý tưởng về giới trí thức khởi nguồn từ thế kỉ 18, và cốt lõi của nó là sự cam kết làm chuyển đổi xã hội. Làm một người trí thức nghĩa là hướng suy nghĩ của bạn tới viễn cảnh một xã hội tốt đẹp và cố gắng hiện thực hóa điều này bằng cách cất tiếng nói lên sự thật với giới cầm quyền. Điều này có nghĩa là dám chấp nhận một sự lưu đày về tinh thần. Nghĩa một sự tự do trong cô đơn, dừng các cam kết về các bổn phận đối với Chúa, với đất nước và với Yale. Nó đòi hỏi không chỉ tri thức, nó còn đòi hỏi trí tưởng tượng và sự can đảm. “Tôi không sợ phạm sai lầm” như Stephen Dedalus đã nói , “ngay cả sai lầm lớn, sai lầm cả cuộc đời, và sai lầm vĩnh viễn cũng vậy”.

Áp lực để tỏ ra bình thường hẳn rất nặng nề đối với cuộc sống của họ.

Làm một người trí thức bắt đầu từ việc nghĩ theo cách của mình bên ngoài những giả định và hệ thống bao bọc chúng. Nhưng sinh viên ở trường tinh hoa chính xác là những người học tập giỏi nhất để làm việc trong hệ thống đó, do vậy gần như bất khả để họ có cái nhìn vượt thoát ra ngoài. Trước khi vào đại học, họ đã biến mình thành những chuyên gia về thi cử và luôn biết cách làm hài lòng giáo viên. Họ đạt điểm A trong mọi lớp học dù giáo viên có nhàm chán và chủ đề có vô bổ thế nào chăng nữa, tham gia hùng hục 8 đến 10 hoạt động ngoại khóa mà chẳng quan tâm xem thực sự họ có muốn làm gì khác với thời gian của mình. Nghịch lý thay, tình cảnh trên có thể khả dĩ hơn ở những trường hạng hai và đặc biệt, ở những đại học khai phóng hơn là tại các trường đại học danh giá nhất. Một số sinh viên vào học các trường hạng hai mặc dù họ cũng giống hệt những sinh viên ở Harvard hoặc Yale, chỉ có điều kém tài năng và ít động lực hơn. Nhưng một số những sinh viên khác vào các trường hạng hai bởi vì họ có một tinh thần độc lập hơn. Họ không đạt điểm A liên tục bởi vì học không muốn phải cố gắng tối đa ở mọi lớp học. Họ tập trung vào những lớp có ý nghĩa nhất với mình hoặc vào một đam mê ngoại khóa duy nhất, hay vào các dự án chẳng có liên hệ gì với trường, thậm chí chẳng hề giúp tô điểm thêm cho hồ sơ đăng ký đại học. Có thể họ chỉ ngồi đọc sách trong phòng hay viết nhật trình. Có những dạng sinh viên  một khi đã vào trường đại học, trở nên hứng thú với đời sống tinh thần nhân loại hơn là tinh thần trường lớp, và nghĩ đến việc khi tốt nghiệp sẽ mang theo những câu hỏi này thay vì một bản sơ yếu lí lịch.

Tôi đã khá choáng váng khi thấy mọi người giống nhau thế nào trong thời gian học tại Yale. Bạn gần như không thấy bất cứ những dạng thanh niên theo kiểu dân hippi, punk, hay dạng sinh viên từ các trường nghệ thuật. Và tại ngôi trường được biết đến trong thập niên 80 với tên gọi Gay Ivy, hiếm thấy công khai những người đồng tính. Những kẻ lập dị nhìn chẳng lập dị lắm, những kẻ chạy theo thời trang thì thích thú với vẻ thanh nhã giản đơn. Bao nhiêu hương vị nhưng thực ra chỉ cùng một loại. Những trường tinh hoa nhất trở thành chốn tầm thường chật hẹp và ngột ngạt. Mọi người đều cảm thấy sức ép của việc duy trì vẻ ngoài thành đạt. Từ kinh nghiệm thực tế làm cố vấn, tôi biết không phải sinh viên Yale nào cũng chỉn chu và thích nghi tốt với hoàn cảnh, và chính điều này khiến tôi lo ngại tại sao quá nhiều người tự che giấu mình bằng vẻ bề ngoài. Áp lực để tỏ ra bình thường hẳn rất nặng nề đối với cuộc sống của họ. Hậu quả là những sinh viên không theo được chương trình (thường là những người đến từ hoàn cảnh nghèo khó hơn) thường phân cực theo hướng đối lập, lao vào trạng thái cực đoan bất mãn và tự hủy hoại bản thân. Nhưng còn một hậu quả nữa liên quan đến đa số sinh viên, những người bắt kịp chương trình.

Tôi đã dạy một lớp văn chương về tình bạn vài năm trước. Một hôm chúng tôi thảo luận về tiểu thuyết The Waves của Virginia Woolf, mô tả một nhóm bạn từ thời thơ ấu cho tới trung niên. Trong đó, vào thời trung học, một nam sinh yêu một nam sinh khác. Cậu ta nghĩ: “tôi có thể bày tỏ nỗi niềm thôi thúc của mình được với ai?… Chẳng có ai – nơi đây giữa những cổng vòm màu xám, tiếng gù của lũ chim bồ câu, giữa những trò chơi, những truyền thống, các cuộc ganh đua náo nhiệt, tất cả đều được tổ chức một cách khéo léo để ngăn ngừa cảm giác cô độc.” Đây là sự mô tả khá chính xác cho đời sống trong các trường tinh hoa, bao gồm cả việc không bao giờ chấp nhận việc cảm thấy cô đơn. Tôi đã hỏi các sinh viên của tôi nghĩ về điều này thế nào? Việc tới trường nơi bạn không phải chịu cảnh cô độc ảnh hưởng tới bạn thế nào? Một trong số sinh viên của tôi nói cậu cảm thấy không thoải mái khi ngồi một mình trong phòng. Thậm chí ngay cả khi làm bài viết, cậu cũng phải tới chỗ bạn. Cũng hôm đó, một sinh viên trình bày bài luận của Emerson về tình bạn. Cậu trích lời Emerson rằng một trong những mục đích của tình bạn là để trang bị cho bạn sẵn sàng đương đầu với trạng thái cô độc. Khi tôi hỏi các sinh viên họ nghĩ gì về điều này thì một cậu ngắt lời tại sao lại cần cô độc cơ chứ? Bạn có thể làm được những gì khi một mình mà không thể làm được với bạn bè?

Vấn đề là đây: một thanh niên đã đánh mất khả năng cô đơn và một người khác thì không thể thấy ý nghĩa của điều này. Gần đây người ta nói nhiều về sự riêng tư đang bị mất đi, nhưng hệ quả của nó cũng tai hại không kém, đó là sự cô đơn cũng đang mất đi. Trong quá khứ, bạn không thể lúc nào cũng ở cạnh bạn bè ngay cả khi muốn thế. Giờ đây sinh viên thông qua sự liên lạc điện tử không ngớt, lúc nào cũng có thể tìm đến nhau. Nhưng dường như khả năng hòa đồng khiên cưỡng đó không khiến họ có thể phát triển được một tình bạn sâu sắc. “Tôi có thể bày tỏ nỗi niềm thôi thúc của mình được với ai?”: sinh viên của tôi đang ngồi trong căn phòng của bạn mình viết luận, chứ không phải đang có cuộc trao đổi tâm tình. Có lẽ cô không có thời gian; thực tế, sinh viên của tôi nói rằng họ thấy bạn bè mình quá bận rộn cho sự thân thiết.

Điều gì sẽ xảy ra khi sự bận rộn và những sự vụ xã giao khiến không còn chỗ cho sự cô đơn? Ngày hôm đó, tôi nói với các sinh viên của mình rằng, khả năng tự xem xét nội tâm là tiền đề thiết yếu cho cuộc sống trí thức, và tiền đề thiết yếu cho sự tự xem xét nội tâm là cô đơn. Các sinh viên của tôi sau khi thu nạp điều đó, một trong số họ nói với sự tỉnh thức, “Có phải ý thầy là tất cả chúng em giống như những con cừu ưu tú không?”. Tôi không biết. Nhưng tôi biết rằng đời sống của trí óc tồn tại một cách độc lập, với những đặc tính cô đơn, hoài nghi, bền bỉ độc lập.

                                                                            Thanh Hiền lược dịch

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)