Phát triển đại học ngoài công lập ở Việt Nam ?

Trong Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006-2020 ban hành năm 2007 (Quyết định 121/2007/QĐ-TTg), chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ có khoảng 30-40% sinh viên đại học học tại khu vực tư thục. Để đạt được mục tiêu đó cơ cấu và vài trò của đại học tư phi lợi nhuận và vị lợi nhuận nên là như thế nào?

Các loại hình giáo dục đại học tư thục

Giới nghiên cứu về giáo dục đại học phân loại giáo dục đại học tư theo hai cách1: thứ nhất là theo đối tượng đào tạo; thứ hai là theo loại hình sở hữu.

Về đối tượng đào tạo, những đại học tư hiện đại đầu tiên ra đời ở Mỹ nhắm vào đối tượng tinh hoa (elite). Điều này cũng phù hợp với triết lý giáo dục đại học thời bấy giờ (thế kỷ 17-19) là đại học chỉ dành cho số ít. Và vì hướng tới mục tiêu elite, nên các đại học thuộc nhóm này thường tập trung vào đào tạo sau đại học và nghiên cứu. Quy mô cũng tương đối vừa phải (khoảng từ 20.000 – 40.000 sinh viên các hệ) để đảm bảo suất đầu tư trên đầu sinh viên đủ lớn để duy trì chất lượng cao. Các trường tư này (ví dụ Harvard, Princeton, Stanford) vẫn duy trì mục tiêu đó cho đến tận ngày nay.

Bắt đầu từ những năm 1960- 1970 cùng với sự bùng nổ của dân số, giáo dục đại học bắt đầu chuyển từ mô hình đào tạo tinh hoa (cho số ít) sang đại chúng (cho số đông). Nhiều trường đại học tư ra đời ở thời điểm này, nhất là tại châu Á với sứ mệnh thoả mãn nhu cầu học đại học của phần đông dân chúng. Ta gọi đây là các trường “hấp thu theo nhu cầu” (demand-absorbing). Cùng lúc bên bờ kia của Thái Bình Dương, tại Mỹ cũng xuất hiện nhiều đại học tư hướng vào số đông dân chúng, đặc biệt là tầng lớp quân nhân trở về sau chiến tranh. Vì là chạy theo nhu cầu, các trường thuộc nhóm này chủ yếu đào tạo ngành nghề theo yêu cầu thị trường (quản trị, kế toán, tài chính, y tá, điều dưỡng, công nghệ thông tin…) với mục tiêu chính là ra trường nhanh, dễ kiếm được việc. Một trong những đại học ở Mỹ theo mô hình “demand-absorbing” nổi tiếng nhất ra đời thời kỳ này là Đại học Phoenix, thành lập năm 1976, chủ yếu đào tạo bằng hình thức online, với tổng số sinh viên hiện nay khoảng 300.000.

Ở giữa mô hình đại học tư elite và đại học tư“demand-absorbing” là mô hình đại học tư “semi-elite” (bán tinh hoa). “Semi-elite” có thể hiểu theo hai nghĩa: một là nó hướng đến đối tượng sinh viên có chất lượng khá (sau sinh viên elite) hoặc các ngành nghề có xu hướng thị trường ở mức độ vừa phải; hai là nó bao gồm cả các chương trình dành cho sinh viên elite lẫn chương trình cho sinh viên có trình độ đầu vào thấp.

Về loại hình chủ sở hữu: thế giới chia làm hai loại trường đại học tư phi lợi nhuận (không có cổ đông/không có chủ sở hữu) và đại học tư vị lợi nhuận (có cổ đông, có chủ sở hữu). Các đại học tư thành lập tại Mỹ từ thời kỳ đầu chủ yếu là phi lợi nhuận, không có sở hữu; mọi lợi nhuận nếu có sẽ tái đầu tư cho nhà trường. Đây chủ yếu cũng là các trường elite, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và nặng về đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học. Các đại học tư vị lợi nhuận có chia lãi cho cổ đông và thường hướng đến mô hình đào tạo cho số đông (“demand-absorbing”). Các trường thuộc nhóm semi-elite có thể là phi lợi nhuận hay vị lợi nhuận tuỳ từng trường hợp cụ thể.

Vai trò của Chính phủ

Vì vốn thuộc nhóm hàng hoá công với sự quản lý toàn diện của chính phủ, giáo dục đại học tư phát triển ra sao phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của các chính phủ.

Đức có truyền thống đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục đại học và truyền thống này vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Vì vậy, nước này không có giáo dục đại học tư.

Tương tự Đức là Pháp hay Úc, có tồn tại giáo dục đại học tư nhưng chiếm số nhỏ.

So với các nước kể trên, giáo dục đại học tư tại các nước phát triển ở châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan phát triển hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do dân số ở các nước này bùng nổ rất nhanh trong khoảng những năm 1970-1990 (tăng nhanh hơn tại châu Âu hay Úc). Các chính phủ nước này, vì vậy buộc phải trông chờ vào sự tham gia của khu vực tư nhân nhằm chia lửa cho đại học công. Vì là các nước phát triển và có chính sách hỗ trợ tương đối tốt (ví dụ cấp kinh phí nghiên cứu khoa học như cấp cho trường công hoặc cấp học bổng/tín dụng cho sinh viên), nên các trường đại học tư thuộc các nước này chủ yếu định hướng elite, semi-elite và phi lợi nhuận. Một số đại học tư tiêu biểu tại các nước này có thể kể đến là Đại học Waseda (Nhật), Đại học Công nghệ Pohang (Hàn Quốc) hay Đại học Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan).

Giáo dục đại học tư tại các nước đang phát triển ở châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan cũng bùng nổ như tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan trong mấy chục năm qua. Điểm khác biệt là ở chỗ, vì nguồn lực chính phủ hạn chế, các đại học tư ở các nước đang phát triển này phần nhiều có mục tiêu “demand-absorbing” và vị lợi nhuận.

Nói tóm lại, hình hài và quy mô của giáo dục đại học tư ra sao phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của chính sách nhà nước. Nếu nhà nước đủ nguồn lực thì không cần giáo dục đại học tư; nếu nhà nước “đuối sức nhiều ” thì giáo dục đại học tư sẽ phát triển theo quy luật cung – cầu của thị trường với chủ yếu là các đại học theo mô hình “demand-absorbing” và vị lợi nhuận; nếu nhà nước “đuối sức” ở mức độ vừa phải và vẫn có thể can thiệp và hỗ trợ phù hợp thì đại học tư theo mô hình elite hoặc semi-elite, phi lợi nhuận có điều kiện phát triển. 

Giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam

Lịch sử phát triển của đại học tư thục ở Việt Nam tương đối phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn. Cụ thể, từ năm 1993 cho đến trước khi Quyết định 14/2005/QĐ-TTg ngày 17/01/2005 về ban hành quy chế và tổ chức đại học tư thục được ban hành, các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam đều là các trường dân lập – mô hình có điểm gần giống với đại học phi lợi nhuận ở Mỹ ở chỗ: không có chủ sở hữu và lợi nhuận thì không chia cho cổ đông (điểm khác biệt là nguồn thu của các đại học dân lập ở Việt Nam vẫn là học phí là chủ yếu, không đa dạng như đại học tư phi lợi nhuận ở Mỹ).

Với việc ban hành Quyết định 14/2005/QĐ-TTg và sau đó là Quyết định 122/2006/QĐ-TTg ngày 29/5/2006 về việc chuyển loại hình dân lập sang tư thục của toàn bộ trường đại học dân lập, mô hình đại học phi lợi nhuận (dân lập) ở Việt Nam được thay thế bằng mô hình đại học tư thục vị lợi nhuận. Cho đến năm 2014, với việc ban hành Quyết định 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014, chính phủ nước ta lại khai sinh ra một mô hình đại học tư mới với tên gọi đại học tư không vì lợi nhuận, có chủ sở hữu nhưng lợi nhuận được phép chia cho cổ đông nhưng không vượt quá mức lãi trái phiếu của chính phủ cùng kỳ. Như vậy cho đến nay, bên cạnh khu vực đại học “tư trong công”, Việt Nam đang tồn tại ba loại hình đại học ngoài công lập: đại học tư vì lợi nhuận, đại học tư không vì lợi nhuận, đại học dân lập (một trường vẫn chưa chuyển đổi mô hình hoạt động thành đại học tư theo Quyết định 122/2006/QĐ-TTg).


Quay trở lại với câu hỏi: “Khu vực giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam nên phát triển như thế nào?” Trước khi đưa ra câu trả lời cá nhân, xin điểm qua hai trường hợp đại học ngoài công lập gây khá nhiều chú ý trong năm qua:


Thứ nhất là trường hợp Đại học Hoa Sen – một trong những đại học dương cao ngọn cờ “không vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận” trong cả nước mấy năm vừa qua. Nhưng trong mấy diễn biến gần đây xung quanh đến tranh chấp giữa các thành viên trong Ban Giám hiệu và một số cổ đông của trường này, các văn bản trả lời của Bộ GD&ĐT hay UBND thành phố Hồ Chí Minh đều cho thấy về mặt pháp lý, đây vẫn chưa phải là đại học “không vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận”. Đơn giản là bởi, khung pháp lý cho đại học “phi lợi nhuận” theo đúng nghĩa phương Tây (không có chủ sở hữu, chính sách ưu đãi thuế cho các hoạt động giáo dục phi lợi nhuận …) ở Việt Nam vẫn chưa có hoặc chưa hoàn thiện. Khi chưa có khung pháp lý, thì không thể tồn tại đại học “phi lợi nhuận” theo đúng nghĩa của nó được.

Thứ hai là trường hợp dự án Đại học Fulbright, một đại học với sự hỗ trợ của Quốc hội Mỹ đang rất muốn trở thành đại học “phi lợi nhuận” như các đại học ở Mỹ. Tuy vậy, cũng vì đang vướng khung pháp lý như đã nói ở trên, dự án này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc định hướng triển khai các bước tiếp theo.

Trong vòng 10-20 năm tới, chắc chúng ta sẽ chưa thể có ngay nhiều trường đại học tư phi lợi nhuận đủ mạnh để có thể trở thành một lực lượng đối trọng và chia lửa với các đại học công hàng đầu đã có (như hai Đại học Quốc gia, ĐH Bách khoa Hà Nội …) trong việc hướng tới mục tiêu đào tạo elite và nghiên cứu khoa học đỉnh cao. Nếu có môi trường chính sách thuận lợi, với yêu cầu ngày càng khắt khe hơn từ phía người học và xã hội, tin rằng các đại học tư vị lợi nhuận sẽ đủ năng động để đổi mới và gánh bớt cho nhà nước phần đáng kể trong việc đào tạo sinh viên chất lượng semi-elite và elite các ngành “demand absorbing”.

Ở nước ta, trong những năm gần đây, đã có rất nhiều nhà giáo dục ủng hộ sự ra đời của đại học tư phi lợi nhuận. Nhưng xét bối cảnh Việt Nam, có thể thấy, sẽ không thể có đại học tư phi lợi nhuận nếu như khung pháp lý rõ ràng, rành mạch dành cho nó chưa được ra đời.

Đối với đại học tư vị lợi nhuận, vốn đang rất phổ biến ở nước ta thì dường như, đánh giá chung của xã hội là không tin mô hình đại học này, thậm chí coi đó là một vấn đề nhức nhối ở nước ta hiện nay. Đánh giá như vậy là có phần oan uổng cho mô hình vị lợi nhuận. Chúng ta đều biết, vị lợi nhuận cũng chính là động lực lớn nhất để tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng; và chắc chắn, giáo dục cũng sẽ không nằm ngoài quy luật đó. Trong những năm qua, mặt bằng chung các trường tư vị lợi nhuận có thể có chất lượng chưa cao một phần là bởi mức cầu trong lĩnh vực này vẫn quá cao so với cung. Tuy vậy, tín hiệu từ một số trường hợp tại đại học tư vị lợi nhuận đã hướng tới mục tiêu semi-elite gần đây lại cho chúng ta có quyền hy vọng sẽ nhiều hơn vào mô hình đại học này. 

——-

Tài liệu trích dẫn

[1] UNESCO (2009). A new dynamic: private higher education. Paris.

[2] Bộ GD&ĐT (2013).Thống kê giáo dục năm 2013. Hà Nội.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)