Phụ huynh 4.0

Thế giới đã mới, thế kỷ 21 lại còn mới hơn. Hai thứ đó cộng lại, nghĩa là cùng một lúc cả phụ huynh và thế hệ con em bị quăng vào một cơn giông có đến hai tâm bão, tâm bão toàn cầu hoá khi ta phải học hỏi mọi thứ về thế giới, và tâm bão 4.0 khi mọi trật tự và nguyên tắc truyền thống đều có thể lật nhào… Hai bà mẹ, đều là tiến sĩ ở những trường danh tiếng hạng nhất thế giới, đều “đi mây về gió”, vẫn loay hoay tìm cách làm “phụ huynh 4.0”.


Các em học sinh thích thú khi trò chuyện với robot NAO. Ảnh: USTH.

Dạy con làm người giữa thế hệ máy 

Tiến sĩ Nguyễn Phi Vân, chủ tịch công ty Retail and Franchise Asia đang họp, nhìn đồng hồ, ra ngoài gọi điện cho cô con gái 15 tuổi của mình. Nghe giọng chị ngọt ngào và trìu mến hẳn so với một nữ tướng trong phiên thảo luận đang diễn ra. Xong thấy chị lụi cụi mở máy, đặt một phần bánh-cuốn-không-hành-phi giao về cho con… Tiến sĩ Trần Phương Ngọc Thảo, chủ tịch công ty trí tuệ nhân tạo AInovation, tranh thủ nghỉ được một buổi sáng, lặng lẽ vô trường tiểu học của con, cần mẫn làm tình nguyện viên bao tập vở cho học sinh, chỉ để được sống trong môi trường mà con mình đang học tập, để có thể hiểu mọi chuyện đang diễn ra mà nói chuyện cùng con…
Hỏi: “Các chị chắc làm mẹ khoa học lắm nhỉ?”. Câu trả lời của hai phụ nữ rất khác nhau này, lại giống nhau: “Không. Làm mẹ là làm bằng chính trải nghiệm, chính con người và chính bằng tình thương yêu của mình. Đâu có thể nào dùng khoa học để áp vô thay cho cái kết nối đặc biệt thiêng liêng này được…”. Chị Phi Vân bảo: “Dù đời thêm vài con AI – trí tuệ nhân tạo, thế hệ mấy chấm không, tình thương mẹ dành cho con chẳng thể đo bằng mấy lần download – tải dữ liệu… Con gái tôi, năm nay 15 tuổi, là đại diện của Gen Z = thế hệ Z. Đội chúng tôi, cũng thôi rồi là kịch tính. May là tôi được rèn trong môi trường bôn ba quốc tế, cập nhật tin tức thế giới cũng tàm tạm, nên tính tôi hết sức open – dễ tiếp nhận. Bất cứ chuyện gì, cũng mang ra bàn bạc, brainstorm – não công – với con. Có khi, mình nói có lý thì cô ấy nghe. Có khi, bạn ấy đưa ra ý kiến và giải pháp mà tôi nghĩ là make sense – phù hợp – hơn tôi nữa. Khi đã lập đội, và cùng giải quyết một vấn đề, hai đứa bình đẳng ngang nhau. Không bao giờ là phải thế này thế kia. Không bao giờ là đừng thế này thế nọ. Mọi thứ, đều có sự dẫn dắt, có câu chuyện, có sự phản biện của riêng nó. Tôi quan tâm lắng nghe quan điểm của bạn, nên cô gái trẻ vì vậy cũng thoải mái tìm hiểu quan điểm cá nhân tôi. Hai bản thể, hai cá nhân, mỗi người một cách tư duy và tiếp cận riêng. Chúng tôi tôn trọng nhau, tin tưởng nhau, và hợp tác cùng sáng tạo ra giải pháp. Vậy, đâu phải lúc nào cũng sóng bằng thuyền lặng? Hai nền tảng thế hệ cách xa nhau dĩ nhiên là cũng có lúc choảng nhau”. 
Chị Ngọc Thảo thẳng thắn hơn: “Tôi nghĩ với trẻ em việc được dạy dỗ bởi những trái tim yêu thương là vô cùng quan trọng. Đối với tôi việc dạy con pha trộn giữa yếu tố khoa học, luân lý, niềm tin của bản thân và chắc chắn phải lồng vào đó tấm lòng của cha mẹ nữa. Tôi nghĩ đó là một hành trình thú vị mình cùng đi với con, cùng khám phá, cùng thay đổi và trưởng thành hơn mỗi ngày”.
Thảo kể: “Những trụ cột của việc phát triển con người như nhân cách, tư duy, tính nhân bản,… thì vẫn tốt nhất là “người dạy người” chứ máy không dạy được. Hồi tôi 12 tuổi từng sáng tác một truyện ngắn được đăng báo về một ông thầy robot gia sư cho một cậu bé, lúc đầu thì cậu bé rất khoái vì thầy không la mắng gì và cái gì cũng biết, nhưng sau đó thì cậu buồn vì thầy khô khan quá, một hôm cậu nghịch moi quả tim thầy ra xem và phát hiện ra quả tim bằng sắt, cậu ngồi khóc ước gì thầy là một con người…”. 

Dù thời đại nào, công nghệ  nào, dạy cho trẻ về lòng nhân ái, tình yêu thương vẫn là điều quan trọng nhất đối với trẻ. 

Thảo tin rằng, những lý thuyết, khoa học về dạy con thì nhiều, nhưng không bằng thực hành, mà khi thực hành thì nó phụ thuộc vào tính cách, điều kiện cụ thể, năng lực cụ thể của ba mẹ nữa. “Tôi tự đánh giá mình cũng mắc nhiều sai lầm lúc này hay lúc khác, nhiều lúc cũng xuống tinh thần một tí. Nhưng tôi động viên mình là mình luôn mong muốn điều tốt nhất cho con, và ai cũng sai lầm, sai đâu sửa đó. Tôi gọi đó là “dạy con nguyên bản” (authentic parenting), giống với khái niệm “lãnh đạo nguyên bản” (authentic leadership). Niềm tin của mình thế nào, mình sống thế nào thì dạy con như thế. Mình muốn dạy con được tốt thì tự mình phải sống tốt cái đã”.
Và với chị Phi Vân, chị tin rằng thứ mà con chị sẽ nhớ nhất khi nghĩ về mẹ, là những lần mẹ ngồi hong tóc cho con, kể con nghe những câu chuyện xa xưa về dòng sông Tiền, nơi chị lớn lên…  

Công thức của “bà mẹ thức tỉnh”

“Con tôi bắt đầu hỏi câu “Mẹ muốn con mai mốt làm nghề gì” rồi, nhiều lúc hỏi đi hỏi lại buộc tôi trả lời. Tôi luôn cố gắng tránh đưa ra một ngành nghề cụ thể. Tôi chỉ nói mẹ động viên và sẽ tạo điều kiện cho con theo đuổi những gì con thích. Nhưng con phải chuẩn bị tinh thần là có nhiều yếu tố ảnh hưởng. Bây giờ con thích A, tập trung vào A nhưng cũng có thể con chưa đủ năng lực để làm điều đó thì cũng cần phải linh hoạt để thay đổi và chấp nhận. Chưa kể là sở thích của mình cũng sẽ thay đổi nữa. Thực tế là từ sau đợt World Cup vừa rồi, con tôi rất mê đá banh, cháu theo dõi các giải đấu lớn, các cầu thủ nổi tiếng trên thế giới rất kỹ lưỡng, và cũng đặt mục tiêu làm cầu thủ chuyên nghiệp, chơi cho CLB lớn. Tôi nghĩ mình nên giúp cháu quản lý sự kỳ vọng của mình. Hồi tôi học Tiểu học, tôi nghĩ lớn lên mình sẽ làm kỹ sư Tin học, kết quả tôi lại chuyển hướng sang nghiên cứu Kinh tế học, rồi lại chuyển hướng tiếp sang quản trị kinh doanh, nên tôi rất thấm thía tại sao quản lý sự kỳ vọng và chấp nhận thay đổi là cần thiết…” – Ngọc Thảo chia sẻ bí quyết “làm bạn với con”.
Chị Phi Vân cười: “Có khi, tôi nhận được inbox của phụ huynh, hỏi chị ơi, muốn dạy con cho nó thành công dân toàn cầu, cho nó hội nhập thì em phải làm sao bây giờ hả chị. Chúng ta, những phụ huynh 4.0 chưa tìm được lối đi cho chính bản thân mình, lại mang vào người trách nhiệm phải dẫn dắt các em. Dẫn đắt thế nào, đến đâu? Một con đường mờ mịt phủ dầy sương. Ta quờ quạng, lần bước về vô định. Mệt lắm! Tôi biết hành trình này không dễ, khi trận hơn thua thế kỷ cùng lúc đương đầu nhiều chiến tuyến khác nhau. Cứ thập diện mai phục như kia, sơ suất chút là tan đàn sẻ nghé. Nhưng nghĩ lại ta có cần mang vác, hết cả gùi áp lực lên mình?
What if – Sẽ thế nào – nếu ta vận dụng kỹ năng thế kỷ, rồi tư duy, brainstorm, và sáng tạo cùng các em thì sao? Nếu ta lập một đội “già trẻ đều teen” để collaborate – hợp tác giải quyết vấn đề phức tạp thì sao? Nếu ta sử dụng ngôn ngữ của các em, kênh giao tiếp của các em để trao đổi bàn bạc lựa chọn thì sao? Nếu đứa nào trong gia đình cũng muốn trở thành công dân toàn cầu, sao không cùng học, cùng trải nghiệm, và cùng nhau ra thế giới? Nếu phải hội nhập vào thế kỷ số, sao không áp dụng flipped classroom – lớp học ngược, khi các em là người đứng lớp dạy cho ba má của mình? Thôi, đừng có mày mặt làm gì. Về cái khoản này, tụi nhỏ hơn mình vạn dặm. Khi chính ta, phụ huynh 4.0 ôm chầm tư duy mở (growth mindset), khi ta vận dụng tư duy thiết kế để giải quyết vấn đề, khi ta biết học là chuyện của cả đời, các em và ta trở thành những kẻ đồng hành cùng đi vào tương lai bất định. Đó, đối diện với thế kỷ toàn cầu và thế kỷ 4.0, tụi mình với tụi nó chỉ là bạn đồng hành. Ta chẳng dạy gì. Chúng chẳng học gì. Đội hình 4.0, cả đám trẻ già đều lăn ra cùng học…”.
Thảo thì bảo: “Tôi có một ước mơ là huấn luyện con tôi thành người đa ngôn ngữ – đa văn hóa. Một phần trong đó là cho con sống ở nhiều môi trường văn hóa khác nhau, nên nếu có điều kiện tôi sẽ lại “tha” con đi một nước khác. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một chiếc nôi quan trọng, tôi nghĩ con tôi sẽ có nhiều thời gian ở Việt Nam…”.

Và tâm sự của hai đứa con…

Các bà mẹ là thế. Còn con họ – một thế hệ con cái 4.0 – thì phản ứng như nào, yêu cầu ra sao với các phụ huynh của mình, khi mà họ lướt ipad, xài ứng dụng và trò chuyện với những con robot chắc chắn là rành rẽ hơn cha mẹ của mình? 
Jessie – cô con gái vừa chạm tuổi teen – 13 tuổi – của chị Phi Vân viết bằng thứ tiếng Việt chuẩn không cần chỉnh, mặc dù vẻ bề ngoài của cô gái này thì lại rất Tây: “Đừng bao giờ ép con làm gì. Cha mẹ cần lắng nghe tại sao con đưa ra đề nghị như vậy. Có khi, con nói đúng thì sao? Với lại, cha mẹ lúc nào cũng nên supportive – có tinh thần hỗ trợ con mình. Có nhiều cái cha mẹ đâu có hiểu. Vậy thì phải tìm hiểu đã trước khi cấm cản con. Nếu không đồng ý cũng nên giải thích cho con tại sao không đồng ý. Con hiểu tại sao thì con sẽ nghe lời thôi. Con nghĩ là, mỗi người có một con đường khác nhau. Có người thích đi con đường người khác chọn cho mình. Riêng con, mà nhiều bạn của con nữa, thì thích con đường do mình tự chọn. Con đường đó, có khi là con đường do cha mẹ chỉ ra cho con, và con thấy là phù hợp với mình. Nhưng con đường đó, cũng có khi không phải là con đường do cha mẹ chọn, mà là con đường con tự tìm ra. Nếu thế, con rất mong cha mẹ ủng hộ con, chia sẻ kiến thức và trải nghiệm với con, chỉ con, giúp con, nâng con lên trên hành trình con đã chọn”.
Chị Phi Vân vừa ngạc nhiên, vừa hạnh phúc khi biết con gái mình đã… khác đứa con bé bỏng mà mỗi ngày mình vẫn lo lắng nhiều lắm. Phải rồi, dù có là siêu nhân đi nữa, thì con cái cũng vẫn mãi trẻ thơ với những người mẹ cơ mà… 
Bạn Tom, chàng trai 7 tuổi của Ngọc Thảo thì chưa có sự chững chạc như Jessie. Nhưng anh chàng đã kịp biết rằng, ba mẹ cần tôn trọng sở thích và để bạn thử nghiệm những điều mình muốn. “Cuối cùng cuộc đời này là của con mà, ba mẹ cần ủng hộ những quyết định của con chứ, đúng không?”. 
Quả vậy, con cái, thời xưa cũng như thời nay, không bao giờ nên là “cục thịt dư” của cha mẹ, dùng để hoàn tất những ước mơ không thành của phụ huynh. Nhưng dù tiến bộ đến mấy, như Tom chẳng hạn, suốt ngày nói chuyện với siri (trợ lý ảo trong các thiết bị của Apple) hay Google để tìm hiểu những thông tin mình quan tâm, nhưng đồng thời thì vẫn có thể hỏi đi hỏi lại hàng chục lần những câu hỏi như “Ba mẹ có yêu con không?” “Ba mẹ có thấy con dễ thương không?” “Ba mẹ thấy con giỏi không?” để tìm sự xác nhận về việc bản thân mình là quan trọng trong lòng ba mẹ. Và Tom vẫn thích những cử chỉ âu yếm yêu thương của mẹ, vẫn muốn thể hiện sự nũng nịu như một em bé. Với thế hệ 4.0 thì các con vẫn cần nhất việc ba mẹ là chỗ dựa yêu thương cho mình, cho mình cảm giác an toàn và ấm áp. Đây thuộc dạng mong muốn phải “read between the line” (thành ngữ – đọc giữa những dòng chữ – nghĩa là phải tự hiểu ra từ những thông điệp khác nhau điều quan trọng nhất) chứ các con sẽ không tự phát biểu lên thành một nhu cầu của mình… 

Đến lá thư chưa được gửi

Xin kết lại bằng một đoạn trích trong lá thư mà chị Phi Vân viết cho con gái, để cô nàng có thể nhận được vào năm 2050, thay cho tâm sự của một bà mẹ 4.0: “Con yêu của mẹ. Mẹ lập trình rồi, sáng mùng một Tết 2050 là con nhận được thư. Cũng không biết, khi thư tới mẹ có còn ở đây uống ly trà với con ngày Tết. Mẹ và con, chúng ta cũng chỉ là những sinh linh bị thời gian đẩy vào dòng chảy, và hành trình sẽ có đến có đi. Thư trên tay, nếu mẹ ở chốn này, mẹ mong con tạm dừng, đừng vội vã, mình cùng ngắm hoa mai con nhé. Thế giới vùn vụt mỗi ngày qua trước mắt, ta vô tình chẳng bắt kịp thời gian.  
Con gái ơi, đời lao theo những đại lộ thông tin không không một một vô hồn, ta bối rối mình là người hay máy. Nếu có lúc con giật mình thảng thốt, hãy tìm về nắm nhẹ một bàn tay. Khi con sinh ra, mẹ đã nắm ngón này. Mong con lớn ấm êm đời hạnh phúc. Chỉ vậy thôi, mẹ chẳng mong gì khác. Chẳng xe bay, chẳng tiền ảo, chẳng nhà in đâu đó một hành tinh. Loài người tiến lên, bỏ lại chính mình. Trái tim máy yêu sao thân xác thịt? 2050 rồi, thế kỷ của những điều huyễn hoặc. Mẹ vẫn ngồi đây, lá một chiếc đầu xuân. Vẫn yêu con quắt quay như những đêm thức trắng bần thần, khi con sốt trở mình trong đêm lạnh. Vẫn chờ con chén cơm lùa câu chuyện, ngả nghiêng cười từng vạt gió mùa Âu. Thế giới đa chiều, mờ mịt lòng xuân. Mong con đến, một nụ cười ánh sáng. Mặt trời rồi có còn, hay đổi thành hành tinh khác. Trăng cuối đường, mẹ vẫn lặng chờ con.
Nếu Tết nay, mẹ đã chẳng còn. Ánh nắng đầu ngày con hãy ngồi hong tóc. Nghe trong gió câu à ơi mẹ hát. Nghe đỏ tươi dòng máu chảy về tim. Ta đến, ta đi, giữa những muộn phiền. Đời khép lại, máy chẳng còn giá trị. Mẹ đi rồi, cây mai trước ngõ xuân này đừng tuốt lá. Để nhớ một mùa vắng mẹ chẳng trổ hoa. Con gái ơi, hiện tại là tương lai của quá khứ mà. Hãy sống trọn từng phút giây con nhé. Ừa, thì đời cứ vạn ngàn phát minh sao lãng, nhưng cuối đời, con chắc chỉ nhớ ngày mẹ gội tóc cho con…”.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)