Phương pháp học Văn của Cánh Buồm: Tự tìm ra cái đẹp

Phương pháp học văn mà Cánh Buồm chủ trương không nhằm tạo ra những học sinh giỏi văn, mà nhằm tạo ra những con người dùng cái lõi ngữ pháp nghệ thuật đó để am tường về hoạt động nghệ thuật của con người - dĩ nhiên là ở mức độ phổ thông - những con người biết tự mình tạo ra Cái Đẹp.

Các tác phẩm văn chương là những vật liệu nghệ thuật chứa đựng toàn bộ phương pháp nghệ thuật cần trao vào tay trẻ em ngay từ khi học lớp Một ở trường phổ thông. Các “vật liệu” văn chương đó rất nhẹ và không mất tiền mua: đó chỉ là lời nói của con người.

Khi nhà sư phạm nhìn kỹ vào các tác phẩm văn chương, sẽ thấy trong đó những yếu tố quan trọng về phương pháp tạo ra một tác phẩm nghệ thuật như sau:

Một cảm hứng nghệ thuật thúc đẩy người nghệ sĩ tạo ra tác phẩm;

Một năng lực tưởng tượng khiến người nghệ sĩ tạo ra được một hình tượng nghệ thuật sinh động “y như thật”;

Một năng lực liên tưởng khiến cho cái hình tượng nghệ thuật kia mang một ý nghĩa nhất định;

Một năng lực sắp xếp khiến cho có thể nhào nặn cái hình tượng nghệ thuật kia sao cho nó mang một tư tưởng nhất định;

Theo đó mà hướng dẫn học sinh “đi lại con đường mà người nghệ sĩ đã đi” để đến cuối giáo dục phổ thông các em sẽ có năng lực văn như sau:

Nhân lõi tinh thần là một lòng đồng cảm với thân phận con người.

Xương cốt vật chất là một ngữ pháp nghệ thuật với 3 thành phần là thao tác tưởng tượng (gửi trong một hình tượng), thao tác liên tưởng (gửi trong một ý, hoặc một “nghĩa bóng”) và thao tác bố cục tác phẩm (gửi trong một chủ đề).

Thịt da kiến thức là sự am tường các bộ môn nghệ thuật suy ra được từ cái MẪU dùng trong nhà trường phổ thông là thơ, văn xuôi và kịch.

Trong thực tiễn giáo dục diễn ra tuyến tính, công việc học sẽ như sau qua năm tháng:

Ngay từ lớp Một: Huấn luyện thành tố hạt nhân của năng lực nghệ thuật: sự ĐỒNG CẢM.

Ở ba lớp tiếp theo: Huấn luyện ba thành tố của Ngữ pháp Nghệ thuật là năng lực TƯỞNG TƯỢNG để tạo ra những hình tượng nghệ thuật; năng lực LIÊN TƯỞNG để tạo ra những ý nghĩa gửi trong các hình tượng; và năng lực BỐ CỤC (sắp xếp) để từ một ĐỀ TÀI có thể biết tạo ra những CHỦ ĐỀ một cách có ý thức.

Ở các lớp tiếp theo: Vận dụng ngữ pháp nghệ thuật vào những loại hình nghệ thuật của con người như nghệ thuật dùng ngôn từ, nghệ thuật dùng ánh sáng và màu sắc, nghệ thuật dùng âm thanh, nghệ thuật dùng ngôn ngữ cơ thể, nghệ thuật sắp đặt–tạo dựng…

Cách thực hiện cụ thể ở từng lớp    

Lớp Một, công việc được tiến hành thông qua các trò chơi đóng vai để tạo ra ở trẻ em một tinh thần đồng cảm với những thân phận con người – công việc “lặp lại” chính cái lòng đồng cảm đã từng khiến người nghệ sĩ khóc cười với thân phận con người để có được cái cảm hứng tạo ra những nhân vật mang đậm tâm tình của người sáng tạo tác phẩm.

Trong sách Văn 1, có những “vở kịch” ngắn, thậm chí rất ngắn, chỉ vài ba câu đối thoại để học sinh đóng vai. Từ những “vở diễn” được gợi ra trong sách giáo khoa đó, giáo viên gợi tiếp cho học sinh tưởng tượng ra những cảnh ngộ mới, rồi chính các em tìm ra những “đối thoại kịch” để cùng diễn với nhau. Đó chính là hình thái sách giáo khoa thầy và trò cùng tạo ra trong tiết học.   

Kết thúc một tiết học, giáo viên không rút ra bài học đạo lý nào hết mà để cái cảm xúc nhân bản từ những trò chơi đóng vai ngấm dần vào các em. Cũng không có chuyện “ghi vở” hoặc “bài tập về nhà” nào cả. Nhà trường khuyến khích các em về nhà kể lại chuyện đã học những gì với gia đình. Nhà trường cũng khuyến khích các em cùng người thân diễn lại các trò chơi đóng vai đó trong gia đình.

Lớp Hai các em học thao tác làm ra hình tượng– đó là tưởng tượng, thao tác căn bản nhất để tạo ra tác phẩm nghệ thuật.

Các em học sinh lớp Hai sẽ học thao tác đó theo cách gì? Ngay tiết học Văn đầu tiên các em sẽ cùng cô giáo thực hiện công việc đi hái hoa mang về trang trì lớp học. Các em sẽ làm thầm trong đầu công việc “hái hoa” đó  – và sản phẩm (bó hoa) cũng nằm trong đầu các em. Xin lưu ý: công việc làm đó (đi hái hoa trong tưởng tượng) chính là để định nghĩa thao tác tưởng tượng – định nghĩa không bằng lời giảng giải mà bằng việc làm, bằng chính hoạt động của người học.

Tiếp theo định nghĩa đó, học sinh đi sâu vào thao tác tưởng tượng:

Tìm nguyên nhân đơn giản đầu tiên của thao tác tưởng tượng: những trải nghiệm đã được hằn lại trong ký ức nhờ nhìn thấy (trải nghiệm thị giác), nhờ nghe được (trải nghiệm thính giác), và những trải nhiệm khác đã được ghi lại trong cảm giác.

Từ những tưởng tượng “đơn giản”, học sinh bước sang những tưởng tượng khác, hoang đường và bay bổng, thậm chí tưởng tượng quái dị … 

Sau khi được biết về các thao tác, người học được củng cố bằng những văn bản thơ, văn, kịch chọn lọc. Người dạy (giáo viên ở lớp hoặc phụ huynh ở gia đình) dùng các vật liệu văn, thơ, kịch này để củng cố thao tác tưởng tượng của người học.

Một hình tượng bao giờ cũng mang một ý nghĩa nào đó. Vì vậy cần tổ chức cho học sinh tự tạo cho mình năng lực tiến hành thao tác liên tưởng sao cho hình tượng đó thoát khỏi trạng thái “thô” ban đầu và để được mang một phẩm tính nghệ thuật. Ví dụ:

Một hình ảnh hòn đá có dáng đứng như người mẹ bồng con và một ý nghĩa cũng gửi trong hòn đá đó nay đã mang tên gọi thí dụ như “Người chờ chồng hóa đá” – (“Hòn vọng phu”).
Một hình ảnh mẹ con cùng chiếc bóng trên vách “cha của Đản đó…” và tiếng oan khiến toàn bộ hình tượng được mang ý nghĩa một nỗi hy sinh thầm lặng chỉ cái chết mới giải oan nổi – (“Thiếu phụ Nam Xương”).

Một hình ảnh Ban nhạc thương binh ngày 27 tháng 7 và khi học sinh cùng nhau diễn xuất thì đã khiến cho toàn bộ hình tượng đó mang một ý nghĩa khác, thương binh tàn nhưng không phế –  (bài tập trong sách này).

Lớp Ba, học sinh học liên tưởng. Giống như khi học thao tác tưởng tượng, cách học khái niệm liên tưởng cũng không thông qua giảng giải, mà thông qua việc làm để học sinh nhận ra điều cần học.

Nguyên tắc chung của việc học thao tác liên tưởng là thay vật liệu. Thay từ vật liệu dễ nhất, để tìm ý nghĩa của tục ngữ chẳng hạn:

– Ăn quả nhớ kẻ trồng cây à thay “ăn quả” bằng ăn cơm…? qua sông…? học giỏi…? … thì “nhớ” ai, “nhớ” cái gì?

Thay đến vật liệu khó hơn, thí dụ như để tìm ý nghĩa của bài ca dao:

– Thùng thùng trống đánh ngũ liên … Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa à thay “nước mắt” người lính thú bằng lời nói của người đó với vợ, với người yêu, với mẹ già, với cha, với bạn học …

Thay cả một hình tượng, thí dụ để tìm ý nghĩa của tượng Hòn vọng phu à huy động trí tưởng tượng để thay toàn bộ hình tượng đó bằng hình tượng khác, xúc động hơn, mãnh liệt hơn.

Kết quả của một năm học Văn với chủ đề thao tác liên tưởng là học sinh sẽ biết cách tự tìm lấy một ý nghĩa của một tác phẩm nghệ thuật, không cần đợi giáo viên bày cho những “cảm thụ” rồi đồng loạt nhắc lại y nguyên các “xúc cảm nghệ thuật” hệt như nhau.

Lớp Bốn – thao tác sắp xếp tác phẩm (hoặc bố cục).

Tại sao gọi bằng “sắp xếp” mà không gọi bằng học về “bố cục” tác phẩm ? Khi nói đến “bố cục”, ta thường nghĩ đến một tác phẩm đã được làm xong và người thưởng thức nhìn và xem xét cái bố cục từ bên ngoài. Một tác phẩm có một hình thù bề ngoài ví như như một ngôi nhà – chúng ta có thể đứng bên ngoài xem xét cái bố cục của nó. Còn theo cách dạy học tuân thủ lý thuyết hoạt động của nhóm Cánh Buồm, cần tổ chức cho học sinh được tự mình bắt tay vào việc xây dựng ngôi nhà đó, nên chúng ta dùng cách gọi tên công việc là sắp xếp. Sách Văn 4 nói đến thao tác sắp xếp để nhấn mạnh công việc làm của người nghệ sĩ khi đang tạo ra một bố cục.

Giáo viên ở lớp học hoặc phụ huynh ở gia đình không giảng giải và bắt trẻ em nhại lại việc “cảm thụ” những “vẻ đẹp nghệ thuật” từ bên ngoài – phương cách sư phạm của chúng ta nằm trong việc tổ chức cho trẻ em tự làm ra tác phẩm bằng những thao tác xác định (tưởng tượng, liên tưởng, sắp xếp) cấu thành bộ ngữ pháp nghệ thuật.

Lớp Năm, các em dùng cái ngữ pháp nghệ thuật đã chiếm lĩnh được để tự tạo ra những cách biểu đạt nghệ thuật khác nhau – mà những cách biểu đạt chủ chốt là âm nhạc, múa, hội họa, thơ, văn xuôi, kịch.

Nên nhớ, học sinh phổ thông chỉ cần chiếm lĩnh những thao tác phổ thông của mỗi cách biểu đạt (hoặc mỗi loại hình nghệ thuật). Tinh thần chung, xuyên suốt những cách biểu đạt nghệ thuật đó là con đường đi từ lối biểu đạt thô kệch sang lối biểu đạt tinh tế. Sách Văn 5 có cấu tạo như sau:

Bài mở đầu – Ôn tập về ngữ pháp nghệ thuật.

Với vật liệu là những nét vẽ trừu tượng, học sinh cùng nhau tạo ra những câu chuyện (cũng là những hình tượng)– một công việc hoàn toàn dễ thực hiện huy động các thao tác các em đã quen tiến hành từ những lớp dưới.

Bài một – Cách biểu hiện tình cảm bằng âm nhạc.

Bài này cho học sinh làm lại hai cách biểu đạt của con người trước những hoàn cảnh vui buồn khác nhau. Một cách biểu đạt thô kệch, ồn ào, và một cách biểu đạt hài hòa của ba yếu tố cần chiếm lĩnh: nhịp điệu, giai điệu và hòa âm.

Bài hai – Cách biểu hiện tình cảm bằng nhảy múa.

Bài này cho học sinh làm lại con đường biểu đạt tình cảm từ hỗn tạp sang hài hòa qua những yếu tố vũ đạo phổ thông trên nền âm nhạc đã học ở bài một: bước nhảy cá nhân, bước nhảy đôi, và bước nhảy tập thể.

Bài ba – Cách biểu hiện tình cảm bằng nghệ thuật tạo hình.

Bài này cho học sinh làm lại con đường biểu đạt tình cảm từ hỗn tạp sang hài hòa qua những yếu tố tạo hình: nặn tượng, vẽ tranh, sắp đặt.

Bài bốn, bài năm, bài sáu – Cách biểu hiện tình cảm bằng nghệ thuật tự sự, trữ tình và kịch – những loại hình xưa nay vẫn được thực hiện như thói quen “học văn chương”, không đặt văn chương trong viễn cảnh giáo dục nghệ thuật.

***

Nếu cuộc đời đi học là tìm cách chiếm lĩnh một phương pháp học thì đối với môn Văn cái phương pháp đó nằm trong một ngữ pháp nghệ thuật. Tổ chức chiếm lĩnh ngữ pháp nghệ thuật xoay quanh cái lõi tình cảm nghệ thuật sẽ giúp cho việc học Văn ở nhà trường dễ dàng thực hiện qua các hành động tự học của học sinh.

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)