Quốc tế hóa Giáo dục Đại học ở Ấn Độ: Coi chừng con ngựa thành Trojan*

Quốc hội Ấn Độ thường bị người ta kết án là hoạt động thiếu tích cực hoặc luôn luôn phản ứng chậm trễ. Trường hợp Dự thảo Luật về Giáo dục Nước ngoài bị ngâm tới hai năm do những bất đồng về việc liên minh cai trị với nhà nước, có thể là một trường hợp mà sự chậm trễ lại là điều tốt. Chính sách giáo dục đại học Ấn Độ có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia đồng thời có một ý nghĩa quan yếu đối với những trường đại học nước ngoài muốn hoạt động tại Ấn. Báo chí Ấn cho biết đã có 40 trường đại học nước ngoài tìm đất thông qua chính quyền vùng Maharashtra ở the Mumbai-Pune-Nashik để xây dựng trường sở. Phong trào này mới chỉ cho thấy một biểu hiện của sự quan tâm to lớn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường giáo dục mênh mông và hứa hẹn nhiều lợi nhuận của Ấn. Một số trường đại học nước ngoài đã và đang hoạt động tại Ấn,  chủ yếu là hợp tác với các đối tác Ấn Độ.

Ấn Độ có lẽ là thị trường có một không hai lớn nhất cho các trường đại học nước ngoài. Đất nước này có một nhu cầu vô cùng to lớn về học đại học còn chưa được đáp ứng—hiện nay mới chỉ 10% dân số trong độ tuổi học đại học—một nửa của Trung quốc và thua xa so với những nước có thu nhập trung bình và những nước đang phát triển nhanh nhất. Hơn nữa, Ấn Độ có một nhu cầu khổng lồ về giáo dục đại học chất lượng cao chưa được đáp ứng. Khả năng tiếp nhận sinh viên của một số rất ít các trường tốt nhất ở Ấn- Viện Khoa học Công nghệ Ấn Độ, Học viện Quản lý Ấn Độ và những trường tương tự – hết sức hạn chế so với nhu cầu của xã hội. Bởi vậy, các trường nước ngoài thấy ngay một cơ hội sinh lợi khổng lồ  trong thị trường Ấn Độ.

 

Những lý do cần cảnh giác

Một số người xem giáo dục đại học đơn giản là một món hàng để mua và bán trên thị trường quốc tế thì thiên về ủng hộ việc mở cửa không hạn chế cho mọi loại sản phẩm liên quan đến giáo dục. Các công ty giáo dục vì lợi nhuận, nhiều trường tư, các công ty khảo thí quốc tế, và ngày càng nhiều các trường đại học và cơ quan nhà nước của những nước xuất khẩu giáo dục như vương quốc Anh và Hoa Kỳ có quan điểm như thế. Những người tin rằng giáo dục đại học không chỉ là một thứ hàng hóa thì lo ngại nhiều về việc vội vã tiến tới xuất nhập khẩu các trường đại học, các chương trình đào tạo, bởi vì những ý tưởng về đào tạo tư cách công dân, đào tạo tư duy phản biện, và những mục tiêu mang lại “lợi ích công” tương tự thường bị các nhà xuất nhập khẩu giáo dục bỏ qua. Các nhà kinh doanh quan tâm đến việc bán những sản phẩm đáp ứng nhu cầu trước mắt và không quan tâm đến việc nâng đỡ các trường đại học nghiên cứu, hay hỗ trợ việc tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tăng cường bình đẳng trong tiếp cận đại học và những thứ đại loại như thế.

Tại sao những trường đại học nước ngoài và các công ty giáo dục như công ty Laureate Education Inc. muốn thâm nhập thị trường Ấn Độ? Động cơ của họ khá phức tạp nhưng tìm hiểu điều này có ý nghĩa rất quan trọng. Một mục tiêu rất rõ ràng- ai bước vào thị trường Ấn Độ cũng muốn bòn rút lợi nhuận- chủ yếu là bằng cách đưa ra những chương trình đào tạo đang ăn khách. Với rất ít ngoại lệ, các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài  không quan tâm đến cơ sở hạ tầng khoa học đắt tiền như những phòng thí nghiệm hay thiết bị nghiên cứu khoa học. Họ muốn đầu tư ít nhất và lợi nhuận cao nhất, giống như những tập đoàn kinh doanh khác. Một số nước trong đó có Vương quốc Anh và Úc, có chính sách quốc gia để thu lợi nhuận từ xuất khẩu giáo dục đại học. Bởi vậy Hội đồng Anh và những tổ chức tương tự trợ giúp các trường đại học Anh tăng cường tối đa tiềm năng xuất khẩu. Hội đồng Anh nay không còn chủ yếu là một cơ quan thông tin nữa mà tập trung vào đẩy mạnh xuất khẩu giáo dục.

Hoa Kỳ có khác ít nhiều nhưng về bản chất cũng theo mô hình Anh và Úc. Hoa Kỳ không có chính sách giáo dục đại học quốc gia. Giáo dục đại học chủ yếu là trách nhiệm của 50 tiểu bang, và không có tiểu bang nào tuyên bố rằng giáo dục đại học là ưu tiên xuất khẩu. Không như Anh và Úc, Hoa Kỳ có một thành phần giáo dục đại học tư rất phát triển, và các trường đại học tư là những trường xông xáo nhất trong việc xuất khẩu dịch vụ giáo dục ra nước ngoài. Gần như chắc chắn nhiều nhất trong những trường đang tìm cách thâm nhập thị trường Ấn Độ là những trường tư chất lượng thấp đang tìm kiếm lợi nhuận ở nước ngoài.

Các tổ chức giáo dục vì lợi nhuận cũng mạnh nhất ở Hoa Kỳ so với bất kỳ nơi nào khác. Hai tổ chức lớn nhất là Công ty Laureate Education Inc. Và Tập đoàn Apollo Group (chủ sở hữu của University of Phoenix và nhiều trường khác). Chiến lược của Laureate là mua những trường đại học đang hiện hữu bên ngoài nước Mỹ (họ đang làm chủ 29 trường đại học và cơ sở đào tạo sau trung học ở ba lục địa), hoặc là xây dựng những trường mới. Laureate đã bắt đầu một trường đại học ở Andhra Pradesh, một tiểu bang khá thân thiện với các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục của nước ngoài, nhưng rồi lại rút ra khi thấy việc điều chỉnh môi trường quá phức tạp.

Những trường đại học công và tư hàng đầu của nước Mỹ- khoảng chừng 20% trong tổng số hơn 3000 trường cao đẳng và đại học- có những động cơ khá phức tạp khi thâm nhập thị trường Ấn Độ. Phần lớn là họ thành thật quan tâm đến việc quốc tế hóa nhà trường và xem Ấn Độ như một đối tượng quan trọng, cả về mặt kinh tế và về mặt giáo dục trong thế kỷ 21. Họ quan tâm tới hình ảnh thương hiệu của mình và muốn mở rộng thương hiệu ấy trong một thị trường giáo dục lớn của thế giới. Họ có thể dùng những ‘tiền đồn’ Ấn Độ của mình để tuyển chọn những sinh viên và giảng viên Ấn Độ thông minh sáng láng nhất để đi học tại Mỹ. Những chi nhánh Ấn Độ của họ sẽ cung cấp một chỗ cho sinh viên và giảng viên của họ học tập và nghiên cứu. Và tất nhiên là trong phần lớn trường hợp các trường sẽ tìm kiếm lợi nhuận từ những chương trình họ đưa ra tại Ấn.

Vấn đề đối với Ấn Độ là ở chỗ vô số trường ở hàng chót trong thứ bậc của hệ thống giáo dục đại học Hoa Kỳ, cả những trường vì lợi nhuận và phi lợi nhuận, đang tập trung thâm nhập thị trường Ấn Độ với một lý do thực chất là kiếm tiền. Trong lúc nhiều trường trong số đó đưa ra những chương trình đào tạo đúng đắn thì cũng có trường cắt xén bớt nội dung. Xem xét điều chỉnh những trường như thế là một việc không hề dễ dàng.  Hệ thống kiểm định chất lượng rất được tôn trọng của Hoa Kỳ không giúp được gì. Một trường đại học chỉ cần được kiểm định (tiêu chuẩn kiểm định Hoa Kỳ không đòi hỏi chất lượng cao mà là những tiêu chuẩn tối thiểu) ngoài ra không có nguyên tắc chỉ đạo chính thức nào về chất lượng nhà trường cả.  Những trường này sẽ đưa ra  các chương trình đào tạo ăn khách tại Ấn hơn là gắn bó với việc duy trì chất lượng cao hoặc tồn tại lâu dài tại Ấn.

 

Những câu hỏi cốt yếu về vấn đề cơ sở đào tạo tại nước ngoài của các trường đại học

Khi Ấn Độ xem xét một cách thận trọng chính sách của họ về việc cho phép các trường nước ngoài hoạt động tại Ấn, họ sẽ thấy nhiều vấn đề trọng tâm cần phải được giải quyết. Động cơ của những trường nước ngoài này là gì? Mọi chi tiết về việc mở chi nhánh này liệu có minh bạch và công khai? Trường này có địa vị như thế nào trong nước của họ?  Liệu họ có khả năng đào tạo tại Ấn với cùng chất lượng như tại nước họ, và chất lượng ấy có được công nhận là chất lượng cao ở nước họ hay không? Các trường nước ngoài có khả năng thực hiện chương trình đào tạo của họ tại Ấn với đội ngũ giảng viên của chính nhà trường hay không, liệu họ có những cơ sở hạ tầng tương ứng như thư viện, thiết bị học tập điện tử, phòng thí nghiệm để thực hiện chương trình đào tạo mà họ đưa ra? Họ có khả năng duy trì việc đào tạo của họ lâu dài tại Ấn hay không?

Cho phép các trường nước ngoài mở “cửa hàng” của họ tại Ần không phải là con đường để quốc tế hóa giáo dục đại học Ấn. Những chương trình đôi, liên kết cấp bằng, trao đổi giáo sư và sinh viên, chia sẻ nội dung chương trình và những mối quan hệ khác là những khả năng chắc chắn hơn để bảo đảm duy trì sự kiểm soát cốt yếu của Ấn đối với giáo dục đại học Ấn Độ.

Cho đến nay, đóng góp chính của Ấn Độ cho giáo dục đại học thế giới là xuất khẩu sinh viên, rất nhiều người trong số đó không trở về cố hương. Ấn Độ cần gắn bó hơn với phần còn lại của thế giới, nhưng không phải với cái giá đánh mất chủ quyền về đào tạo và học thuật. Giáo dục đại học cuối cùng không phải chỉ thuần túy là một món hàng để mua và bán trên thị trường quốc tế.  Giáo dục đại học tiêu biểu cho một bộ phận thiết yếu của di sản quốc gia và là chìa khóa mở cánh cửa bước vào tương lai thịnh vượng.

 

TS. Phạm Thị Ly dịch

Nguồn: International Education Number 53, Fall 2008. Có thể đọc tại  
http://www.bc.edu/bc_org/avp/soe/cihe/newsletter/Number53/p18_Altbach.htm

———-

* Thành Trojan là một thành phố cổ vùng Tiểu Á. Xem giải thích thành ngữ “con ngựa thành Trojan’ tại http://vi.wikipedia.org/wiki/Con_ng%E1%BB%B1a_th%C3%A0nh_Troia (chú thích của người dịch)

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)