Quốc tế hóa nền giáo dục Việt Nam

Bài viết nêu lên những nội dung chính của quá trình quốc tế hóa nền giáo dục Đại học Việt nam bao gồm: lộ trình xây dựng một trường đại học đẳng cấp Quốc tế như tuyển chọn nhân tài, quốc tế hóa công tác Nghiên cứu Khoa học. Trên cơ sở những liên kết đào tạo với nước ngòai hiện nay, bài báo cũng đề nghị bổ xung thêm các giải pháp để đa dạng hóa công tác liên kết đào tạo quốc tế. Đồng thời bài báo cũng nhấn mạnh công tác chuẩn bị cho giảng viên-sinh viên cũng như cán bộ quản lý các trường bao gồm cả một số chiến lược quản lý nhà nước,cũng như chiến lược vi mô của từng trường kể cả xây dựng chiến lược xuất khẩu Giáo dục đại học nhằm đồng bộ hóa quá trình quốc tế hóa nền GD Đại học VN.

Như 2 lần hội thảo trước đây chúng ta đã thảo luận nhiều về tầm quan trọng của GD SS ở VN, về sự cần thiết phải QT hóa nền GDĐH VN. Tiếp theo chủ đề trên, lần này chúng tôi muốn phân tích sâu hơn và cụ thể hơn về trình tự của quá trình QT hóa nền GD ĐH VN, những giải pháp cụ thể của quá trình này..

 

TRÌNH TỰ QUỐC TẾ HÓA

Nền GD ĐH VN nói chung  còn thua kém nhiều nước trên thế giới. Chúng ta đã từng phân tích khỏang cách giữa các trường đại học VN và quốc tế trong những lần hội thảo trước[1]. Muốn QT hóa nền GD ĐH VN trong một vài thập kỷ tới, chúng ta cũng cần có lộ trình. Có thể nêu lên vài điểm chính như sau:

1. Kiểm tra đánh giá lại chất lượng GD đào tạo của từng trường.

2. Tìm hiểu tình hình và chất lượng của các trường đẳng cấp QT, so sánh để thấy rõ mặt mạnh, mặt yếu của trường ĐH VN, tìm cách phát huy hay khắc phục.

3. Đặt lộ trình quốc tế hóa cho ĐH VN bao gồm một số việc cụ thể như: xây dựng trường ĐH đẳng cấp QT, đa dạng hóa liên kết đào tạo QT, chuẩn bị cho SV- GS sẵn sàng hội nhập QT.

Trong nội dung của một bài viết ngắn, chúng tôi xin đi sâu vào nội dung thứ 3, đó cũng là nội dung chính của quá trình quốc tế hóa nền GD ĐH VN.

XÂY DỰNG  TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ

Theo chiến lược phát triển GD VN 2010-2020, nhà nước ta có kế họach xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp Quốc tế (QT). Đây là một tín hiệu mừng với hy vọng đó sẽ là những đầu tầu kéo cả đòan tầu GD ĐH Việt Nam vươn lên. Tuy nhiên “đẳng cấp QT” không là cái mà trường ĐH tự phong cho mình được mà phải dựa trên sự công nhận của QT. Chúng ta có thể tham khảo bảng phân lọai thứ tự các trường ĐH trên thế giới năm vừa qua sau đó phân tích các yếu tố hình thành nên đẳng cấp QT của một trường ĐH để rút kinh nghiệm cho các trường ĐH VN.

 

Bảng 1: 20 trường Đại học hàng đầu thế giới, năm 2008


TT

Theo bảng phân lọai THES

TT

Theo bảng phân lọai SJTU

1

ĐH Harvard

1

ĐH Harvard

2

ĐH Yale

2

ĐH Stanford

3

ĐH Cambridge

3

ĐH Berkeley

4

ĐH Oxford

4

ĐH Cambridge

5

Viện công nghệ California

5

Viện công nghệ Massachusetts-MIT

6

ĐH hòang gia London

6

Viện công nghệ California

7

ĐH London

7

ĐH Columbia

8

ĐH Chicago

8

ĐH Princeton

9

Viện công nghệ Massachusetts-MIT

9

ĐH Chicago

10

ĐH Columbia

10

ĐH Oxford

11

ĐH Pennsylvania

11

ĐH Yale

12

ĐH Princeton

12

ĐH Cornell

13

ĐH Duke

13

ĐH California, LosAngeles

14

ĐH Johns Hopkins

14

ĐH California, San Diego

15

ĐH Cornell

15

ĐH Pennsylvania

16

ĐH quốc gia Australia

16

ĐH Washington, Settle

17

ĐH Stanford

17

ĐH Wisconsin, Madison

18

ĐH Michigan

18

ĐH California, Sanfrancisco

19

ĐH Tokyo

19

ĐH Tokyo

20

ĐH McGill

20

ĐH Johns Hopkins

 

THES ( Times Higher Education Suplement: Phụ trương Thời báo Giáo Dục Đại Học)

SJTU (Shanghai Jiao Tong University: ĐH Giao thông Thượng Hải)

 

Bảng xếp hạng THES được xây dựng từ năm 2004 với tiêu chí chủ yếu dựa trên danh tiếng của nhà trường qua thăm dò các nhà khoa học QT, kết hợp với các dữ liêu về số lượng GS và SV quốc tế, chất lượng SV, thành tích nghiên cứu được trích dẫn. Bảng xếp lọai SJTU xuất hiện vào năm 2003 thì lại nhấn mạnh vào đội ngũ cán bộ khoa học nổi tiếng (những người đã nhận các giải thưởng QT như Nobel, Fields…), số bài báo QT, số lần được trích dẫn. Ngòai 2 cách xếp hạng trên, còn một tổ chức có uy tín thứ 3 là Webometrics thuộc hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha.

Các cách xếp hạng có thể dựa trên những tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên qua nghiên cứu những trường được xếp trong các bảng, người ta có thể nhận xét chung về các yếu tố hình thành nên những trường ĐH đẳng cấp QT hàng đầu như sau:

-Tập trung cao độ nhân tài (sinh viên, giáo viên và cán bộ quản lý xuất sắc)

-Thành tích học tập-giảng dạy và nghiên cứu khoa học cao(chương trình tiên tiến, cơ sở vật chất thí nghiệm hiện đại, nhiều giải thưởng QT, bài báo QT)

-Vai trò quan tâm của chính phủ tới các trường ĐH: tầm nhìn chiến lược, cơ chế quản lý mềm dẻo và khuyến khích tự do học thuật, chính sách động viên và định hướng cho giáo viên, SV theo hướng QT hóa…

 

Tuyển Chọn Nhân Tài

Ở đây yếu tố đầu tiên phải là quy tụ nhân tài, đặc biệt là giáo viên và sinh viên. Tranh giành nhân tài dường như đã trở thành một cuộc chiến tranh ở các nước phát triển nhất là tại các trường ĐH hàng đầu..

Trường ĐH Oxford (Anh) vốn xưa nay có truyền thống chỉ dùng những người tốt nghiệp trường mình làm lãnh đạo nhưng trong cuộc chiến tranh giành giật nhân tài này, trường đã bỏ ra 1,25 tỷ Pound ( khỏang 2,5 tỷ USD) cho một chiến dịch thu hút nhân tài thế giới. Năm nay trường sẵn sàng mời Giáo sư Andrew Hamilton, hiệu trưởng trường ĐH Yale nổi tiếng của Mỹ về làm phó chủ tịch nhà trường. Chủ tịch hội đồng quản trị trường Oxford, GS. Lord Patten đã giới thiệu với hội đồng trường rằng GS. Hamilton đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo khoa học và GD tuyệt vời của mình ( trường Yale do ông lãnh đạo xếp thứ 2 trên thế giới theo bảng phân lọai của THES), rằng “ông là một sự lựa chọn tuyệt vời để dẫn dắt chúng ta bước vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21”[8].

Ngay trong nội bộ một quốc gia như Hoa Kỳ, cuộc chiến tranh nhân tài giữa các trường cũng khá là khốc liệt. Ví dụ một trường ĐH khá nổi tiếng, ĐH Wisconsin thuộc  Madison nhưng  với tiền lương thấp trường đã mất đi nhiều giáo sư xuất sắc. Niên khóa 2006-2007 trường đã rơi từ hạng 34 xuống thứ 38 trong bảng xếp hạng các trường ĐH Hoa Kỳ. Nhiều người dân ở Madison lo ngại rằng, với làn sóng ‘chảy máu chất xám” trong làng GS ĐH ở Madison, trường sẽ mất dần danh tiếng. Trong thời gian bốn năm trước đây có khỏang 400 GS ở đây đã ra đi. Gần đây số lượng còn tăng lên nhiều hơn nữa. Hai năm trước trường chỉ giữ được 80% GS, năm ngóai đây chỉ còn 63%. Năm nay Madison dự định bỏ ra 1,2 triệu USD chi cho việc mời mỗi một GS mới với hy vọng sau 8 năm trường sẽ thu hồi vốn từ các công trình nghiên cứu của GS đó. Ho cũng tính rằng nếu một GS giỏi ở Madison 25 năm sau  khi thu hồi vốn thì trường sẽ lãi trung bình 13 triệu USD tiền nghiên cứu từ công trình của các GS này [8].

Các trường ĐH đẳng cấp QT cũng hết sức chú ý thu hút các SV tài năng. Ở Trung Quốc, nhà nước cho phép 2 trường ĐH hàng đầu là Bắc Kinh và Thanh Hoa tổ chức tuyển chọn những học sinh xuất sắc nhất trong cả nước (trước kỳ tuyển sinh đại học chung).  Trường ĐH Bắc Kinh mỗi năm thu hút 50 SV giỏi nhất từ mỗi tỉnh trong tòan quốc. Trường ĐH Thanh Hoa tuyên bố sẽ tăng số lượng học bổng và sẵn sàng cấp học bổng đến 5700 USD ( tăng gấp đôi so với năm ngóai) cho những SV là thủ khoa các tỉnh, các ngành trong kỳ thi đại học hoặc SV giành giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế. Các trường ĐH hàng đầu ở Mỹ như Harvard, Yale, MIT,Stanford… cũng nổi tiếng về việc kén chọn SV. Số lượng SV của họ không nhiều. Thường thì tỷ lệ SV cao học và tiến sĩ nhiều hơn SV đại học. Những trường tốp đầu thường đã được xây dựng từ một vài trăm năm nhưng số SV đại học cũng không vượt quá 10 000. Ví dụ Viện công nghệ Massachusetts (MIT) có 4000 SV đại học và 6000 trên ĐH, Harvard có 7000 SV ĐH và 10 000 trên ĐH. Trong khi tiến hành xếp hạng các ĐH, một số tác giả cũng cho là đáng tiếc cho một số trường ĐH khá nổi tiếng, có những bộ môn xuất sắc và những nhà khoa học trình độ cao nhưng không được xếp ở thứ bậc nào trong khi xét, ví dụ như ĐH quốc gia Mexico có tới 190 418 SV, trường ĐH Argentina có 279 306 SV. Ngay cả trường ĐH hàng đầu của Trung Quốc, được sự đầu tư và tài trợ rất lớn của nhà nước như ĐH Bắc Kinh cũng bị coi là quá tải với hơn 30 000 SV [6].

Việc thu hút nhân tài không chỉ dừng lại với SV trong nước mà còn rất được đánh giá cao nếu trường ĐH có nhiều SV quốc tế. Ví dụ ĐH Columbia có 23% SV QT, Harvard có 19%, Stanfor có 21%, Cambridge 18%. Nếu kể cả giáo viên và cán bộ-nhân viên trong trường thì thành phần QT ở ĐH Harvard là 30%, Cambridge33%, Oxford 36%. Ở nước ta, việc thu hút SV QT còn nhiều khó khăn do trình độ khoa học kỹ thuật của chúng ta còn hạn chế. Với tiêu chí này nếu trường ĐH đẳng cấp QT hiện bắt đầu xây dựng tại Viện Khoa Học VN (Hànội) chỉ với những ngành nghề sẵn có của Viện sẽ khó lòng thu hút được SV QT. Tuy nhiên, để khắc phục điều này chúng tôi cho rằng các trường dự kiến đẳng cấp QT của ta có thể mở thêm những ngành mang bản sắc độc đáo VN, có khả năng thu hút SV QT như Việtnam học, Môi trường nhiệt đới, Văn hóa Đông phương…

 

Nghiên cứu khoa học

Giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH) là 2 nhiệm vụ khăng khít của một trường ĐH, đặc biệt với các ĐH bậc cao. Không thể có một đại học “đẳng cấp” QT mà các giáo sư chẳng có công trình khoa học nào hoặc chỉ có những lý thuyết sáo mòn mà thiếu các minh chứng thực tiễn khoa học. Theo những tiêu chuẩn đánh giá của nhiều tổ chức QT thì VN chưa có trường nào được xếp vào top 200 , thậm chí 500 QT.

Ở nước ngòai, nhiều nhà khoa học chỉ đánh giá nền khoa học VN qua các bài báo được công bố trên các tạp chí QT và họ kết luận rằng về NCKH các trường ĐHVN kém hơn hầu hết các nước trong khu vực. Tổng số công bố quốc tế của Việt Nam hiện nay chưa bằng một trường đại học Thái Lan, như Chulalongkorn hay Mahidol[ 6]. Quả thật đội ngũ giảng viên ĐH hiện nay còn quá thiếu thốn. Số giảng viên có tăng cũng chẳng thấm tháp gì với việc số trường ĐH được tăng một cách chóng mặt như hiện nay. Lo cho việc giảng dạy và “chạy sô” để tăng thu nhập đã gần như choán hết thời gian và sức lực của giảng viên, còn bao nhiêu thì giờ để làm nghiên cứu. Ở một số trường ĐH, công tác NCKH dường như được thực hiện cũng chỉ để lấy thành tích mà thôi vì sau đó it khi được ứng dụng. Tên đề tài cũng thường trùng lặp ở nhiều trường đại học  khác nhau nhất là các đề tài cấp trường) vì toàn ngành chưa có một mạng lưới thông tin và quản lý chung các đề tài khoa học. Nhiều đề tài khoa học còn thiếu nghiên cứu tổng quan hay nói cách khác là các giảng viên VN chưa hòa nhập với trào lưu nghiên cứu chung của tòan thế giới. Do trình độ Anh ngữ hạn chế nên giáo viên cũng chưa nghiên cứu đầy đủ các thông tin trên Internet. Thêm nữa lại ít tham dự các hội nghị, hội thảo QT.  Giáo viên chưa được tạo điền kiện để tham quan học tập các trường nước ngòai. Các chương trình hợp tác nghiên cứu QT còn rất hạn chế. Các tiêu chuẩn xếp lọai quốc tế ít được công khai công bố để các trường VN lấy đó làm chuẩn mà phấn đấu. Trừ các môn khoa học cơ bản như tóan, lý còn các ngành khác việc viết báo QT ít được quan tâm. Nói chung giáo viên ta còn rất thiếu thông tin và các nhà quản lý cũng chưa thực sự chú ý đến điều này.

Nói chung để VN có thể xây dựng được 4 trường Đẳng cấp QT trong khỏang trên 10 năm theo kế họach thì thu hút nhân tài cần đặt thành một chiến lược hàng đầu mang tầm cỡ quốc gia và cũng là mục tiêu chiến lược của từng trường. Kết hợp cùng các yếu tố khác như tập trung xây dựng cơ sở vật chất tốt ( kết hợp với viện nghiên cứu và khu công nghệ cao), chọn chương trình tiên tiến, chính sách thông thóang và quan tâm của chính phủ, chắc rằng mục tiêu xây dựng trường đẳng cấp QT, trước hết là trong khu vực, không đến nỗi quá xa vời.

 

CÁC DẠNG LIÊN KẾT ĐÀO TẠO QUỐC TẾ

Tuy nhà nước đã có kế họach xây dựng các trường đẳng cấp QT, nhưng trong cơ chế thị trường, tất cả các trường ĐH cùng cạnh tranh để vươn lên thì không ai biết được 10 năm nữa trường nào mới thực sự được đánh giá đạt đẳng cấp QT. Liên kết đào tạo là một cách làm cần thiết và sáng tạo giúp ước mơ đẳng cấp QT của nhiều trường có thể thành hiện thực theo những con đường ngắn nhất.

Dựa trên một số chương trình liên kết quốc tế đã thực hiện ở VN, dựa vào kinh nghiệm của một số nền GD Đông Nam Á, chúng tôi xin đề nghị các dạng liên kết mà các trường ĐH VN có thể tham khảo để hợp tác với nước ngòai như sau

1. Chương trình đôi: là những chương trình mà một phần thời gian SV học ở VN theo chương trình của trường liên kết, phần khác thời gian học ở trường nước ngòai và lấy bằng nước ngòai. Tùy theo hợp đồng liên kết, có thể theo phương án 1+1 cho cao học, 2+1 cho cử nhân theo chương trình các nước hệ Anh như khối liên hiệp Anh, Malaysia, Ấn độ..Hoặc 2+2 cho chương trình cử nhân ở nhiều nước. Chương trình này như một cách du học nước ngòai nhưng giá rẻ hơn. Hiện nay đã có một số trường tiên tiến nước ngòai đồng ý hợp tác với VN theo phương án này.

2. Chương trình liên kết: Là chương trình do VN và nước ngòai cùng thiết kế, biên sọan và thực hiện. Bằng cấp do 2 bên cùng ký.

3.Chuyển đổi tín chỉ: Nếu trường ĐH VN đủ năng lực và uy tín thì trường nước ngòai có thể đồng ý công nhận các tín chỉ mà SV đã học và tích lũy ở VN. Sau đó sang nước ngòai SV chỉ cần học thêm một thời gian ngắn nữa để hòan tất chương trình và nhận bằng nước ngòai.

4. Đại lý nước ngòai: trường hòan tòan do nước ngòai chủ trì về chương trình và giảng dạy. Phía VN có thể cho thuê cơ sở vật chất và làm đại lý cho trường nước ngòai. Những trường này có thể do nhà nước hoặc các tư nhân làm đại lý, nhưng tốt nhất là các tập đòan kinh tế hoặc các tổng công ty lớn thì cơ sở vật chất mới bảo đảm chất lượng và đáp ứng nhu cầu các trường có uy tín của nước ngòai.

5. Gia nhập các tập đòan ĐH QT: là biện pháp hội nhập nhanh và hiệu quả nhất, tiếc rằng hiện nay VN chưa có một trường ĐH nào nằm trong các tập đòan GD QT. Học tập  Singapor, Malaysia ..chúng ta cần đẩy mạnh giao lưu QT và nâng cao trình độ để có thể nhanh chóng gia nhập các tập đòan này.

6. Đào tạo từ xa: SV ghi tên học trực tiếp với các trường nước ngòai. Bằng cấp do nước ngòai cấp.Đối tác VN chuẩn bị cơ sở vật chất như máy tính, TV, băng, đĩa, in ấn tài liệu. Đồng thời chúng ta cũng nên chuẩn bị một đội ngũ giảng viên VN có trình độ ngọai ngữ và vi tính để phụ đạo cho SV quen dần với lối học qua máy tính.

Các chương trình này có thể thực hiện theo từng trường, có thể  từng khoa, hoặc  thậm chí từng bộ môn. Có thể thực hiện theo một dạng liên kết trên hoặc có thể kết hợp nhiều dạng với nhau sao cho chất lượng tốt nhất và có lợi nhất.

 

CHUẨN BỊ CHO SV,GV HỘI NHẬP QT

Để vươn lên tầm quốc tế cho GD ĐH VN, những người thực hiện trước hết phải là SV,GV. Do đó họ cần được giúp đỡ để tăng cường nhận thức phát triển các giá trị tòan cầu,  nâng cao kỹ năng ngọai ngữ hoặc có khả năng  đào tạo ra các chuyên gia tòan cầu. Một vài kiến nghị có thể như sau:

 1)Giáo dục nhận thức về  tòan cầu hóa. Nâng cao kiến thức chung về lịch sử, địa lý thế giới. Tăng cường hiểu biết cơ bản về các mối quan tâm chung tòan cầu như hòa bình, sức khỏe, môi trường, kinh tế, tình hữu nghị giữa các dân tộc. Các kiến thức này có thể nằm trong một môn chung cho tất cả các SV ĐH, có thể gọi là phần GD công dân tòan cầu trong môn GD Công Dân. Mặt khác, kiến thức này cũng có thể được tăng cường thông qua các buổi hội thảo quốc tế, các đợt giao lưu giữa SV VN với nước ngòai. Việc tổ chức các họat động này một cách thường xuyên là rất cần thiết.

2)Nâng cao kiến thức ngọai ngữ: cần đề ra yêu cầu cụ thể cho SV tốt nghiệp ĐH có thể đọc được sách chuyên môn nước ngòai, có thể giao tiếp với người nước ngòai. Muốn thể cần cải tiến phương pháp dạy và thi ngọai ngữ: chú ý cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết chứ không phải chỉ có thi viết như hiện nay.

3) Phát triển giáo trình tiên tiến, nâng cấp cơ sở vật chất giảng dạy, tạo cơ hội cho giáo viên tham quan các cơ sở GD nước ngòai. Một số trường có thể bước đầu xây dựng những chương trình đào tạo nhân lực xuất khẩu. Hiện nay có thể thực hiện một số ngành như công nghệ thông tin, cử nhân điều dưỡng, cử nhân du lịch, nhà hàng, khách sạn.

4) Tiến hành các NCKH để tìm ra cách làm cụ thể tốt nhất cho GD VN trong điều kiện tòan cầu hóa.

5)Tìm hiểu thị trường GD QT để nhập khẩu GD đạt chất lượng tốt. Hình thành chiến lược marketing, quảng bá thương hiệu và chuẩn bị  xuất khẩu GD VN trên một số thị trường thế giới.

Con đường hội nhập QT của nền GD ĐH VN đang rộng mở thênh thang, nhiều thời cơ nhưng cũng đầy thách thức. Trên đây chỉ là một vài ý kiến trong vô vàn giải pháp mà chúng ta có thể thực hiện. Nếu quyết tâm, nền GDĐH VN với truyền thống và tinh thần ham học, không có lý do gì để không trở thành một nền GD mạnh trong khu vực. Tuy nhiên việc chuyển biến đầu tiên chắc chắn rằng phải từ những người làm chính sách và các nhà lãnh đạo, quản lý các trường ĐH-CĐ Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Ciecer, 2008, Giáo dục Việt Nam trong bối cảnh tòan cầu hóa, kỷ yếu hội thảo

2.   Bộ GDĐT, chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020 ( dự thảo lần 14)

3.  Phạm Lan Hương, 2006, Giáo dục quốc tế- một vài tư liệu và so sánh, NXB Đại học Quốc gia Tp. HCM

4.  Phạm Lan Hương, 2006, Hệ thống Giáo dục đại học Malaysia: phát triển và quốc tế hóa, tạp chí Giáo dục số 139

5.   Phạm thị Ly và Vũ thị Phương Anh, 2009,Con đường xây dựng các đại học đẳng cấp quốc tế của Trung Quốc, báo Tia Sáng ngày 17/3/2009

6. Phạm Phụ, 2008, Giáo dục đại học Việt Nam đang ở đâu?,  Tuổi Trẻ .

7. Phạm Duy Hiển, 2008, Khoa học và đại học Việt Nam qua những công bố quốc tế gần đây,  Tia Sáng ngày 10/11/2008

8. Jamil Salmi, 2009, the Challenge of Establishing world- class universities, WB

9. Philip Altbach, 2006, The Dilemmas of Ranking, International Higher Education number 42.

10. Fernado M. Reimers, 2008, Preparing Students for the Flat World, Education Week, October 3, 2008

11. Các websites: Vnn.vn ngày 7-4-2008,   http://moet.gov.vn ngày 20/3/2009

 

Tác giả