Sách ngôn ngữ Dân tộc thiểu số: Những lưu ý khi xây dựng chương trình và biên soạn

Năm học mới đã gần kề, trong khi các môn học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đều đã có đủ sách giáo khoa, nhưng riêng chương trình tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) (là môn học tự chọn từ lớp 1 đến lớp 12) vẫn chưa thể khởi động. Biên soạn sách giáo khoa tiếng DTTS là việc khó do nhiều biến thể ngôn ngữ, chữ viết nên chúng tôi đưa ra một vài lưu ý khi biên soạn.


Học sinh Khơ Me học chữ. Ảnh: Congthuong.vn

Những lưu ý này đặc biệt tập trung thảo luận vấn đề lựa chọn các biến thể phương ngữ, chữ viết của 8 dân tộc mà Bộ GD&ĐT đã lựa chọn để biên soạn sách giai đoạn đầu (gồm: Thái, Hmông, Ba Na, Mơ Nông, Gia Rai, Êđê, Chăm, Khơ Me).

 

Nhiều biến thể ngôn ngữ

 

Việt Nam là quốc gia đa dạng ngôn ngữ, phương ngữ và chữ viết dân tộc thiểu số. Về dân tộc học, mỗi tộc người của 53 dân tộc thiểu số bao gồm nhiều nhóm địa phương khác nhau. Về ngôn ngữ, ở một số dân tộc, cư dân thuộc các nhóm địa phương nói các thứ tiếng khác nhau, gọi là các biến thể ngôn ngữ. Hiện nay, chưa có câu trả lời thống nhất về tiêu chí xác định thế nào là ngôn ngữ và thế nào là phương ngữ, nên chưa ai đưa ra con số cuối cùng về số lượng ngôn ngữ ở Việt Nam; tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, số lượng ngôn ngữ chắc chắn lớn hơn con số 54 dân tộc. Số lượng các phương ngữ còn lớn hơn nhiều lần. Một dân tộc có thể sử dụng các bộ chữ viết khác nhau – biến thể chữ viết.

Nhìn vào các dân tộc được lựa chọn để biên soạn sách trong giai đoạn đầu, có thể thấy khó khăn đầu tiên là một dân tộc có thể có rất nhiều biến thể ngôn ngữ, biến thể chữ viết:

Ví dụ: Chỉ riêng dân tộc Hmông đã gồm các nhóm địa phương Hmông Lềnh, Hmông Đơ, Hmông Đu,  Hmông Si, Hmông Sua và Na Miểu Sla. Về ngôn ngữ, sự khác biệt giữa tiếng Na Miểu Sla với các tiếng thuộc Hmông là sự khác biệt giữa hai  ngôn ngữ (cư dân không thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ của mình). Còn giữa các tiếng Hmông như  Hmông Lềnh,  Hmông Đơ, Hmông Đu,  Hmông Si, Hmông Sua là khác biệt giữa các phương ngữ của một ngôn ngũ (khác biệt chủ yếu về ngữ âm, một phần từ vựng).

Trong tiếng Khơ me Nam Bộ cũng có sự khác biệt giữa phương ngữ Trà Vinh và tiếng địa phương khác.

Dân tộc Chăm gồm các nhóm địa phương: Chăm Ninh Thuận- Bình Thuận, Chăm Nam Bộ, Chăm Hroi. Tiếng nói ở mối nhóm địa phương cũng khác nhau.

Tương tự, mỗi dân tộc Ba Na,  Thái, Gia Rai, Ê Đê đều gồm rất nhiều nhóm địa phương.

 

Nhiều biến thể chữ viết

 

Trong cả 8 dân tộc nói trên, một dân tộc có các biến thể chữ viết khác nhau. Các biến thể này có thể phản ánh đặc điểm phương ngữ khác nhau, được chế tác (hoặc cải tiến) ở thời kì khác nhau.

Phân tích hai trường hợp người Hmông và người Thái dưới đây cho thấy rõ điều này.

Người Hmông ở nước ta sử dụng 2 bộ chữ viết: 1- bộ chữ Hmông (trước đây gọi là chữ Mèo) do Nhà nước Việt Nam ban hành năm1961 và 2- bộ chữ viết Hmông (thường được gọi là chữ Hmông quốc tế, hay chữ Hmông Mỹ) phổ biến ở nước ngoài, mới vào nước ta trong vài thập kỉ gần đây. Chữ Hmông Việt Nam lấy tiếng Hmông Lềnh vùng Sa Pa là cơ sở; chữ Hmông quốc tế, dựa chủ yếu vào tiếng Hmông Đơ ở Thái Lan. Cả 2 bộ chữ dùng các kí tự mẫu tự La tinh để ghi phụ âm, nguyên âm và thanh điệu. Chữ Hmông Việt Nam có nhiều hạn chế: phức tạp (ghi cả các biến thể ngữ âm), không hệ thống (khó học, khó nhớ). Chữ Hmông quốc tế tránh được những hạn chế này: đơn giản, mang tính hệ thống, nên dễ học dễ nhớ hơn.

Chữ Thái ở Việt Nam, tương tự chữ Thái Lan, Lào là chữ viết ghi âm-âm tiết, dựa trên hệ mẫu tự Sanscrít (Ân độ cổ). Có nhiều biến thể chữ Thái, khác nhau về một số kí tự, cách viết, mức độ hoàn thiện và phổ biến: chữ Thái Đen, chữ Thái Trắng Mường Lay, chữ Thái Trắng Phong Thổ, chữ Thái Trắng Phù Yên, chữ Thái Trắng Mộc Châu, Mai Châu, Đà Bắc, chữ Thái Thanh, chữ Thái Quỳ Châu (Nghệ An), chữ Thái Lai Pao (Tương Dương, Nghệ An). Trong giai đoạn 1954 – 1969, chữ Thái khu tự trị Tây Bắc cũ đã được cải tiến, thống nhất và mang tên Chữ Thái Việt Nam thống nhất. Từ tháng 5/2008 chữ Thái cải tiến mới được chính thức được đưa vào sử dụng, được gọi là chữ Thái Việt Nam. Bộ chữ này đã được mã hóa, có thể sử dụng trên máy tính.

Tiêu chí lựa chọn phương ngữ, biến thể chữ viết để dạy phổ thông

 

Vấn đề lựa chọn phương ngữ và biến thể chữ viết đặt ra không chỉ trong công tác dạy/ học ngôn ngữ DTTS mà cả trong các lĩnh vực khác như xây dựng chữ viết, truyền thông bằng ngôn ngữ DTTS. Giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể tiếp thu những kinh nghiệm, bài học thành công và cả thất bại từ các nước như Liên Xô (trước đây), Nga, Trung Quốc. Ở các nước như Trung Quốc, Liên Xô trước đây, các nhà ngôn ngữ học xuất phát từ quan niệm cho rằng, mỗi dân tộc chỉ có một ngôn ngữ, ngôn ngữ này cần được phát triển thành ngôn ngữ văn học, chuẩn mực hóa trên cơ sở một phương ngữ được coi là cơ sở, chuẩn mực. Cách phát âm phương ngữ này được lấy làm cơ sở để xây dựng chữ viết và đem chữ viết này làm chuẩn mực phát âm (chính âm), cách viết (chính tả) trong giáo dục, truyền thông cho các phương ngữ khác.

Tuy nhiên, thực tế các nước đã cho thấy sự sai lầm của quan niệm và cách làm này, bởi vì trong quốc gia đa ngôn ngữ, đa dân tộc, các ngôn ngữ phân công nhau thực hiện các chức năng xã hội (ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ giao tiếp khu vực, ngôn ngữ giao tiếp trong nội bộ tộc người), không nhất thiết mọi ngôn ngữ DTTS đều phát triển thành ngôn ngữ văn học có vị thế ngôn ngữ chính thức hay ngôn ngữ giao tiếp liên dân tộc. Dưới sự tác động của xu hướng toàn cầu hóa, đa số ngôn ngữ DTTS có nguy cơ bị mai một, thậm chí tiêu vong. Trong bối cảnh trên, vấn đề bảo tồn các di sản ngôn ngữ, chữ viết truyền thống của DTTS là ưu tiên trước tiên so với việc xây dựng phát triển ngôn ngữ DTTS thành ngôn ngữ văn học, chuẩn mực, thống nhất. Mặt khác, với tâm lí đề cao sự trung tín đối với tiếng mẹ đẻ, người nói các phương ngữ không dễ chấp nhận coi phương ngữ khác là chuẩn mực và nói (phát âm), viết theo phương ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của mình.

Vì vậy, việc xây dựng chữ viết, dạy/ học ngôn ngữ DTTS theo cách trên đã gặp thất bại ở Trung Quốc. Ở nước ta, việc chế tác chữ viết và chương trình dạy, học tiếng Tày- Nùng, tiếng Hmông (Mèo) giai đoạn 1960-1975 lặp lại sai lầm trên và không đi đến những kết quả như mong đợi.

Do vậy, với tư cách người nghiên cứu ngôn ngữ DTTS, về việc lựa chọn phương ngữ, chữ viết để dạy ngôn ngữ DTTS trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi khuyến nghị:

1. Khi hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa của các dân tộc thiểu số, cần chú ý đến tất cả các biến thể phương ngữ, chữ viết của DTTS.

2. Khi biên soạn sách dạy học ngôn ngữ DTTS, nên chọn mỗi ngôn ngữ một phương ngữ, bộ chữ viết làm đại diện nếu: a- có số người sử dụng tương đối đông; b- có tính phổ biến cao hơn. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, phương ngữ đại diện được hiểu chỉ là đại diện để biên soạn sách dạy, học, chứ không phải là phương ngữ cơ sở, chuẩn mực, áp đặt cho các phương ngữ khác.

3. Chọn một bộ chữ viết làm đại diện để biên soạn sách dạy, học ngôn ngữ DTTS, nếu: a- có cơ sở pháp lí (cơ quan cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh công nhận);  b- có tính hoàn thiện cao; c- có thể sử dụng trong công nghệ thông tin.

4. Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn sách dạy, học ngôn ngữ DTTS trên cơ sở phương ngữ, bộ chữ viết được chọn là đại diện. Sở giáo dục các tỉnh có DTTS có thể tổ chức biên dịch từ bộ sách do Bộ GD&ĐT biên soạn, thích ứng với phương ngữ và chữ viết ở địa phương, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của phụ huynh và học sinh DTTS sở tại.


Bộ sách dạy tiếng Ê đê. Ảnh: VOV.

Lựa chọn mô hình dạy, học ngôn ngữ DTTS

 

Việc dạy, học ngôn ngữ DTTS trong giáo dục phổ thông có thể lựa chọn một trong 2 mô hình: a- giáo dục song ngữ và b- giáo dục đơn ngữ.

Giáo dục song ngữ

Giáo dục song ngữ là việc sử dụng đồng thời hai ngôn ngữ trong dạy/ học (tất cả các môn, không chỉ môn ngôn ngữ). Giáo dục song ngữ hướng tới phát triển đồng thời cả hai ngôn ngữ ở học sinh. Đối với học sinh DTTS, học theo chương trình giáo dục song ngữ là việc sử dụng đồng thời tiếng DTTS (L1) và tiếng Việt (L2-ngôn ngữ quốc gia) trong dạy và học các môn. Giáo dục song ngữ cho học sinh DTTS có nhiều điểm ưu việt: 1- giúp phát triển nhận thức, tư duy của học sinh, giúp các em  dễ dàng tiếp thu các kiến thức, nhất là kiến thức về ngôn ngữ thứ hai (ngôn ngữ chính thức- tiếng Việt). 2- Góp phần giáo dục, phát triển cảm xúc cho học sinh DTTS (gắn bó với gia đình, tộc người, bạn bè người đồng tộc và dân tộc đa số). 3- Từ lợi thế (1) và (2), Giáo dục song ngữ giúp học sinh DTTS sớm đạt kết quả trong học tập ngay từ các lớp đầu cấp và củng cố, tăng cường kết quả trong các lớp tiếp theo. Điều này kích thích học sinh DTTS ham muốn học tập, không bỏ học giữa chừng, tăng tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí trong giáo dục. 4- Giáo dục song ngữ cho phép đạt hai mục tiêu đồng thời: bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết DTTS; đồng thời, phát triển các kĩ năng, kiến thức về ngôn ngữ thứ hai – ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức (tiếng Việt).

Theo mô hình Giáo dục song ngữ, cần có chương trình và bộ sách giáo khoa được thiết kế và biên soạn khoa học, trong đó tính toán thời lượng dạy, học L1 và L2 (cân nhắc dạy bằng L1 đến lớp mấy?) cũng như kết hợp L1 và L2 trong việc dạy/học từng môn học, bậc học như thế nào.

Ở nước ta, việc áp dụng mô hình giáo dục song ngữ ở vùng DTTS có những khó khăn riêng. Trước hết là tình trạng cư trú phân tán và đan xen của các dân tộc: nhiều dân tộc, nhóm địa phương cùng cư trú trong một bản, một xã; do vậy, trong  một lớp  học, học sinh nói các thứ tiếng mẹ đẻ khác nhau. Theo khuyến cáo của UNESCO, UNICEF, nhiều nước ở châu Á, châu Phi đã áp dụng mô hình Giáo dục song ngữ trong giáo dục vùng DTTS. Chúng ta có thể tiếp thu cơ sở lí luận và kinh nghiệm thực tế Giáo dục song ngữ từ các nước như Trung Quốc, Nga, các nước khu vực Đông Nam Á. Riêng nước ta cũng đã triển khai thực tế các dự án thí điểm Giáo dục song ngữ đối với học sinh dân tộc Hmông (Bắc Hà, Lào Cai), dân tộc Gia rai (tỉnh Gia Lai), dân tộc Khơ me (Trà Vinh) từ năm 2005 đến 2014 và có thể đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm.       

Giáo dục đơn ngữ

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, môn tiếng Dân tộc thiểu số (DTTS) là môn học tự chọn từ lớp 1 đến lớp 12. Như vậy, việc dạy, học môn ngôn ngữ DTTS  không theo mô hình giáo dục song ngữ, mà theo mô hình giáo dục đơn ngữ. Theo mô hình này, ngôn ngữ DTTS được dạy như một môn học độc lập, tách rời với các môn học khác. Tiếng Việt là phương tiện trong giảng dạy, tiếng DTTS là đối tượng giảng dạy.

Theo mô hình giáo dục đơn ngữ, cần xây dựng, thiết kế chương trình dạy/học ngôn ngữ DTTS một cách khoa học, hợp lí: bám sát mục tiêu, từ đó xác định toàn bộ nội dung dạy / học (học đến bậc học nào?) nội dung dạy/học từng bậc học, lớp học? Căn cứ vào chương trình, tổ chức biên soạn các sách giáo khoa dạy/học ngôn ngữ DTTS ở mỗi bậc học, lớp học. Chúng tôi cho rằng, điều này nên cân nhắc thêm:

Nếu mục tiêu của việc dạy/học môn tiếng DTTS hướng đến “giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa của các dân tộc thiểu số”, chứ không phải nhằm góp phần phát triển ngôn ngữ DTTS thành một ngôn ngữ văn học, thống nhất, phát triển, có vị thế cao, thì việc dạy môn ngôn ngữ DTTS từ lớp 1 đến lớp 12 vị tất là cần thiết và phù hợp;

Môn ngôn ngữ DTTS được dạy/ học như môn học tự chọn, hướng đến mục tiêu nói trên. Nhưng liệu cha mẹ và học sinh DTTS có lựa chọn học môn học này đến tận lớp 12, trong khi nhu cầu nâng cao kiến thức, kĩ năng sử dụng tiếng Việt và các ngoại ngữ để hòa nhập và tìm kiếm các cơ hội thành đạt cũng cấp thiết, nhất là ở bậc trung học phổ thông.   

Ngoài ra, việc dạy học ngôn ngữ DTTS được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ gặp hàng loạt khó khăn trong việc biên soạn sách dạy/học (nội dung dạy/ học, nguồn ngữ liệu), đội ngũ biên soạn sách, đội ngũ giáo viên (nhất là giáo viên dạy các lớp bậc học cao).

1- Do sự hạn chế về chức năng xã hội, ngôn ngữ DTTS thường hạn chế về cấu trúc: vốn từ, phương thức cấu tạo từ, cú pháp, ngữ dụng, phong cách chức năng.

2- Hầu hết ngôn ngữ DTTS ở nước ta còn ít được nghiên cứu; về các ngôn ngữ này, chủ yếu dừng lại ở những kiến thức sơ bộ về ngữ âm, vốn từ, ngữ pháp.

Từ (1) và (2)  đặt ra vấn đề: nội dung dạy, học về ngôn ngữ DTTS từ lớp 1 đến lớp 12 (nhất là ở các lớp bậc cao): dạy, học cái gì?

3- Hầu hết ngôn ngữ DTTS (trừ tiếng Khơ me Nam Bộ) chưa phát triển như một ngôn ngữ văn học, chuẩn mực với nhiều tác phẩm văn học; người biên soạn sách dạy, học ngôn ngữ DTTS gặp khó khăn, khi tìm nguồn ngữ liệu để miêu tả, minh họa các hiện tượng ngôn ngữ.

(1), (2) và (3) đòi hỏi người biên soạn không chỉ am hiểu ngôn ngữ DTTS đối tượng (như L1), mà còn phải có các kiến thức ngôn ngữ học về ngôn ngữ DTTS và tiếng Việt, về phương pháp giáo dục ngôn ngữ. Hiện nay, đòi hỏi này có thể quá khó đối với việc biên soạn sách dạy, học ngôn ngữ DTTS (nhất là sách các lớp bậc cao).

4- Công tác đào tạo giáo viên dạy ngôn ngữ DTTS ở nước ta chưa được chú ý; điều này dẫn đến những khó khăn trong việc tìm giáo viên có thể dạy môn ngôn ngữ DTTS ở các trường phổ thông, nhất là các lớp bậc cao.

Nói tóm lại, hiệu quả của việc dạy, học ngôn ngữ DTTS, dù theo mô hình giáo dục song ngữ hay đơn ngữ đều phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng, thiết kế chương trình, phương pháp và việc biên soạn sách giáo khoa. Khi tiến hành những công việc này, cần cân nhắc theo các tiêu chí: a-Chức năng, vị thế xã hội từng ngôn ngữ; b- Sự phát triển cấu trúc, chức năng… và các kiến thức đã có về chúng ở từng ngôn ngữ; c- Thái độ, nguyện vọng của người DTTS về dạy, học ngôn ngữ đó; d- Đội ngũ  cán bộ có thể biên soạn sách. e- sự chuẩn bị đội ngũ giáo viên các lớp, cấp dạy môn ngôn ngữ DTTS.

Chúng ta đã có những bài học không đạt được kết quả như mong muốn trong việc dạy/ học ngôn ngữ, chữ viết Tày-Nùng, Hmông trong những năm 1960-1975 ở miền Bắc khi không cân nhắc đầy đủ các yếu tố này.

 

Dạy ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong không gian số

 

Không gian số (Cyber Space) có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ DTTS nói chung và trong công tác giáo dục ngôn ngữ DTTS nói riêng. Sự phát triển công nghệ số hóa tạo môi trường sinh thái để đẩy mạnh giáo dục, truyền thông, giao tiếp trong nội bộ dân tộc và liên dân tộc, liên quốc gia bằng ngôn ngữ DTTS. Để có được điều kiện trên, chữ viết DTTS cần được mã hóa theo chuẩn quốc tế, trong sự hợp tác giữa các chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ DTTS, công nghệ thông tin và các trí thức người DTTS.   

Mặt khác giáo dục ngôn ngữ DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông mới liên quan đến nhiều lĩnh vực: tâm lí giáo dục (chương trình, phương pháp GD), tổ chức giáo dục, ngôn ngữ học (nghiên cứu ngôn ngữ chữ viết DTTS), công nghệ thông tin…Để đạt được kết quả, cần huy động sự đóng góp của các chuyên gia các lĩnh vực trên. □

Tác giả

(Visited 33 times, 1 visits today)