Sẽ mãi chỉ là lời kêu gọi

Ngày hiến chương các nhà giáo. Ngày vui của thầy và trò một thời. Chuyện thật. Trăm phần trăm là thật.

Trong kí ức của tôi, đêm 20. 11 luôn là một đêm mùa thu nhiều gió. Một lũ lau nhau góp mỗi đứa vài hào mua hoa tặng thầy cô. Có mỗi bó hoa, làm gì được gói được bọc trong giấy trang kim sành điệu như bây giờ, thế mà cũng cãi nhau tưng bừng. Ðứa bảo hoa cúc vàng mới là hoa mùa thu, hợp với cô chủ nhiệm đã có tuổi, đứa lại khăng khăng cô giáo sinh mới về thì phải tặng hồng nhung. Lại có đứa phát huy năng lực sáng tạo đòi mua cho cô hoa hồng thạch cao trắng để cô treo tường hay cái thuyền buồm kết bằng phim cũ. Chả có gì, mà thầy và trò phấn khởi. Cô giáo già nhắc con trai bê ra nải chuối, cái thằng học sinh cá biệt ở lớp đến thăm cô 20.11 ra chiều bẽn lẽn, bỏ hết mọi trò nghịch ngầm, rất hồn nhiên bẻ chuối ăn. Rất nhiều năm sau, thầy trò gặp lại, nhắc những ngày vui mà trào nước mắt.

Trong kí ức của tôi có đêm 20.11 năm tốt nghiệp phổ thông, mấy đứa vừa nhận giấy gọi vào đại học kéo đến thăm thầy cũ. Tôi đoan chắc mấy đứa bạn không hiểu vì sao đêm đó đường về tôi im lặng. Thật ra, với tôi, vào sư phạm có phần nào là nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Giá kể bộ Giáo dục năm đó không có quyết định cho học sinh giỏi toàn quốc vào thẳng đại học, và quan trọng hơn, giá như mẹ tôi lúc đó còn sống để tôi yên tâm mà phiêu lưu, giá như tôi không sợ nỗi bố già thêm khổ thì có lẽ lúc này tôi đã là một nhà báo, nhà ăn hay nhà nghèo gì đó, chứ nhất định không phải là một cô giáo dở (dang) như thế này. Nhưng ngày đó, bốn năm lận đận của cả nước sau một cuộc chiến tranh dài, chăm chăm theo ý thích của mình trong hoàn cảnh gia đình tôi thì quá là ích kỉ. Ðêm 20.11 năm đó, lần đầu tiên tôi thôi thất vọng vì quyết định chọn nghề không phải vì bản thân của mình.

Trong kí ức của tôi có kì họp hội đồng trước ngày 20.11 ở một ngôi trường suốt hai mươi mấy năm qua được coi là xịn nhất thủ đô. Ông giáo già, vâng, lúc đó ông đồng nghiệp của tôi đã sắp hưu rồi tập tễnh đứng lên đề nghị nhà trường yêu cầu ban phụ huynh học sinh đừng đến thăm giáo viên như năm trước. Năm trước đó là năm 1985, với những người từng sống qua thời bao cấp thì đó là một cái mốc không thể nào quên do chính sách giá lương tiền. Ban phụ huynh học sinh trường nào cũng phát huy sáng kiến nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam viện trợ cho các thầy cô. Ông làm cơ quan Lương thực thì liên kết mua hộ trường bánh quy gẫy để liên hoan. Bà làm bên Bách hóa thì xung phong mua hộ vài ba trăm mét vải, cái thứ vải may quần lót cho đàn ông thì mỏng cho đàn bà thì dày. Tóm lại là cha mẹ học trò rất có lòng, còn lòng dạ người thầy thì nhàu nát. Cho đến giờ tôi không quên được cái im lặng sững sờ của cả hội đồng nhà trường khi tiếng ông thầy già, (nhà giáo ưu tú, giáo viên chuyên cực kì nổi tiếng) nghẹn tắc. Hai dòng nước mắt chảy trên má người đồng nghiệp già, người trong thâm tâm tôi kính như thầy. Lúc đó tôi đã có hai năm vào nghề. Hai năm vào nghề, đã trải nhiều vui sướng, vui sướng nhất là được đứng trên bục giảng ngôi trường này, cùng với những thầy cô giáo mà từ hồi đi học tôi đã biết tiếng là rất giỏi, vui sướng vì học trò của trường này cũng được tiếng giỏi nhất Hà Nội. Thế mà tôi đã ớn lạnh khi nghe tiếng nghẹn ngào, khi nhìn thấy giọt nước mắt trên má người thầy già đã qua ba mươi năm dạy học. Cảm giác sợ hãi này chỉ tan đi khi chính trong đêm 20.11 năm đó, từ nhà thầy giáo cũ về, tôi gặp lố nhố trong bóng đêm mất điện chính đám học trò mình mười bảy mười tám, hồn nhiên gọi ông bán bánh mì rong vào mua ăn qua cơn đói và nhất quyết chờ cô.

Ý kiến cải cách giáo dục bắt đầu từ đại học. Không còn gì đúng hơn, vì giáo dục đại học là đầu ra của nguồn nhân lực có tri thức mà các nhà đầu tư nước ngoài kì vọng khi hướng tới Việt Nam. Nhưng đầu ra có thể tốt được không, khi đầu vào là những đứa trẻ mụ mị vì không được chơi theo đúng nghĩa, vì bị nhồi sọ kiến thức, mụ mị vì được chăm lo và không có khả năng chịu trách nhiệm đúng yêu cầu lứa tuổi.

Từ bấy đến nay, chẵn hai mươi năm. Hai mươi năm, ngành giáo dục chẳng khác gì một con bệnh, chẩn đâu cũng thấy chứng tật và về lí thuyết thì bệnh gì cũng chữa ngon lành. Có điều, con bệnh đó chẳng biết bao giờ mới khỏi. Phương thuốc nào cải cách ngành giáo dục dường như cũng rất khả thi, nếu đứng ở từng góc độ mà bàn. Nhưng, cho đến giờ, vẫn chỉ là  nên chăng, cần phải, đề nghị, xem xét…». Trên mặt báo hàng ngày, có thể đọc thấy rất nhiều điều không bao giờ sai. Ví như giáo dục cần chiến lược 20 năm. Nhưng chẳng lẽ chúng ta hi sinh vài ba thế hệ luôn hai mươi năm cho đến ngày đủ điều kiện gây dựng mới. Hay ý kiến cải cách giáo dục bắt đầu từ đại học. Không còn gì đúng hơn, vì giáo dục đại học là đầu ra của nguồn nhân lực có tri thức mà các nhà đầu tư nước ngoài kì vọng khi hướng tới Việt Nam. Nhưng đầu ra có thể tốt được không, khi đầu vào là những đứa trẻ mụ mị vì không được chơi theo đúng nghĩa, vì bị nhồi sọ kiến thức, mụ mị vì được chăm lo và không có khả năng chịu trách nhiệm đúng yêu cầu lứa tuổi.

Nguyên Phó chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng giáo dục Việt Nam Nguyễn Thị Bình vừa nhắc rằng nói tới kinh tế tri thức mà không đề cập tới đạo đức con người là thiếu. Thật ra vấn đề cần phải đảo ngược, đạo đức con người phải được hiểu như điều kiện cần và đủ để xây dựng nền kinh tế tri thức. Mà đạo đức, là biểu hiện chất lượng của toàn bộ những ứng xử xã hội mà đứa trẻ phải được dạy từng ngày, chứ không bóp vào trong khuôn trật tự, vâng lời, gọi dạ bảo vâng… thì, hãy nghiêm túc hỏi nhau: thầy cô ở trường, bố mẹ ở nhà có quan niệm như thế không? Tôi từng có kinh nghiệm khi đi dạy: có học sinh rất giỏi, rất cá tính, chỉ vì ba lần bị ghi sổ đầu bài vì những lí do ấm ớ, thế mà bị hạ hạnh kiểm từ tốt xuống khá một học kì trong sáu học kì ở phổ thông trung học. Và chỉ vì thế thôi, cậu học trò đó đã bị gạt khỏi danh sách đi nước ngoài mặc dù điểm thi cao ngất trời. Thử đặt mình vào vị thế của cậu học trò mười bảy tuổi, tôi hiểu rằng nếu cậu không tin vào con người, có thể còn ác với người thì cũng là bình thường. Phải, làm sao cậu có thể sống và nghĩ một cách bình thường khi bị tước đoạt cơ hội sống khi còn rất trẻ vì những lí do không thể coi là tội lỗi.

Nhưng có trách được những người thầy không. Quả bây giờ có vẻ khó tìm những ông thầy bà thầy nhất mực giữ danh giá người thầy bất chấp vòng đời điên đảo như ông đồng nghiệp một thời của tôi. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta đòi thầy cô giáo tập nói chữ Không với đủ thứ tiêu cực. Nhưng nghĩ cho kĩ, chính người thầy hôm nay là sản phẩm giáo dục của ngày hôm qua. Và đời sống, với đủ tấm gương mờ trước mắt nhưng lại hứa hẹn sự khá giả cho cả một gia đình, nói gì thì nói qủa khó bắt người thầy quay lưng. Một nhà giáo, giáo sư bệnh lí học Nguyễn Ngọc Lanh của đại học Y Hà Nội chẩn rằng chuyện sa ngã của người thầy trong quan hệ với trò và gia đình trò là triệu chứng của căn bệnh sa đọa về đạo đức của ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Nghe thấy sợ. Nhưng mà đúng.

Ngăn chặn ư ? Người ta đã cấm giáo viên dạy thêm không phải một lần. Những biện pháp đi kèm lệnh cấm nghe ra chẳng khác gì phát hiện và tố cáo tội phạm. Liệu người thầy có còn uy trước học trò không khi giới thầy bị hành xử như thế? Và liệu có ngăn được không hay lại là chuyên bắt cóc bỏ đĩa? Bộ GD&ĐT đang có hướng cải cách thế nào để tới năm … 2010 thì nhà giáo sẽ sống được bằng lương ? Ngày đó liệu có tới hay không? Hãy đợi đấy! Vậy thì các nhà giáo cứ dạy thêm mà sống để chờ, và hãy chuẩn bị tinh thần mà ăn kỉ luật nếu lệnh cấm được thực thi thật.

Nhiều đồng nghiệp cũ của tôi giờ rất giàu nhờ dạy thêm. Dạy thật chứ không phải ép học trò của mình nhiều giờ vàng ngọc nữa ngoài giờ chính thức. Nói cho cùng, họ giàu nhưng phải làm việc cật lực, mà cũng là trên cơ sở cung cầu thôi. Thầy hết đường dạy nếu chương trình học hợp lí, học trò không phải đối đầu với những kì thi đoán tủ. Nhưng có bao nhiêu người thầy sống được bằng việc bán chữ này? Tôi tin là rất ít.

Vậy là phải chờ tới 2010 người thầy sẽ sống được bằng lương. Nói thật, khi điều đó còn trong kế hoạch thì lời kêu gọi thầy trò trung thực và sáng tạo của Bộ trưởng giáo dục sẽ mãi chỉ là lời kêu gọi, bộc lộ bản chất bất thường của ngành giáo dục Nước nhà. Nó bất thường cũng hệt như chuyện nghề giáo hàng chục năm qua bị coi là cuối bảng xếp hạng trí thức thì bây giờ vọt lên đầu bảng đối với sĩ tử, mặc dù lương thực tế chả bao nhiêu. Ở chính ngôi trường xưa tôi từng dạy, có tin đồn (kiểm chứng rồi), để xin vào đó dạy học người ta bỏ ra vài ba trăm triệu. Có cần phải hỏi vì sao và để làm gì hay không?

Ðảm bảo cuộc sống của người thầy là đảm bảo tương lai của học trò. Ðây không phải là phát lương cho hương sư tùy theo thu nhập gia chủ. Ðây là trách nhiệm hành xử của một xã hội, vì sự tồn tại và phát triển của chính nó. Nếu giáo dục Việt Nam cứ tiếp tục vận hành với những kiến nghị và kêu gọi, với, cứ tạm coi là cái tình của thầy trò và bố mẹ học trò như thế này, nó sẽ tạo ra cái gì ?

Nước Ðức nơi tôi ở mấy năm vừa qua cũng cải cách giáo dục liên miên để vươn trở lại mấy nước dẫn đầu thế giới về chất lượng lao động. Có điều, người ta không nói là sẽ làm, mà họ làm luôn, từng việc, từ việc hạ tuổi nhập học, rút ngắn thời gian học, tới việc sửa đổi chính tả.  Sự chống đối từ phía xã hội với những cải cách này có những lúc thật là mãnh liệt và những người nắm quyền từng lúc phải thỏa thuận với nhân dân. Chính từ những thỏa thuận trở thành pháp lệnh, đất nước này đi tới.

 

Tác giả