SGK Cánh Buồm: Tường trình bước đầu về cuộc thử nghiệm trong cải cách giáo dục (Kỳ 2)

Bộ SGK Cánh Buồm chọn định hướng tổ chức cách học cho con em. Trong suốt bậc Tiểu học đã phải tìm ra những thao tác tự học và tự đánh giá cho con em quen dần, để rồi từ lớp Sáu trở đi, việc học sẽ được thực hiện theo phương thức tự học.

2.    Thử nghiệm hai – huấn luyện cách tự học

Làm SGK khác với viết và công bố một tác phẩm nghệ thuật. Một tác phẩm nghệ thuật là một tiếng nói ẩn dụ cất lên lạc lõng giữa Chợ Giời hoặc giữa Hoang Mạc. Còn SGK là sự cụ thể hóa một ý đồ tổ chức sự phát triển của con em cả một dân tộc. Sứ mệnh của nó là phải đến được với con em, để con em có những sở hữu riêng và mới mẻ trong tư duy và kỹ năng chứ không chỉ sở hữu những cuốn sách trên giá sách ở góc học tập.

Vì thế, bộ SGK Cánh Buồm chọn định hướng tổ chức cách học cho con em. Trong suốt bậc Tiểu học đã phải tìm ra những thao tác tự học và tự đánh giá cho con em quen dần, để rồi từ lớp Sáu trở đi, việc học sẽ được thực hiện theo phương thức tự học.

Tự học, không phải là một ước vọng viển vông hoặc một mệnh lệnh duy ý chí của người lớn đối với con em. Tự học, đó phải là cả một chuỗi kỹ thuật học được nghiên cứu và truyền tay sang người học. Tự học, đó phải là một lối-sống-người, và là người-hiện-đại, như một “món quà hai tay dâng tặng trẻ em”9. Được xác định tại Hội thảo năm 2011 Tự học – Tự giáo dục10, nhóm Cánh Buồm luôn luôn cố gắng không xa rời con đường vương giả ấy.

Hành vi tự học nằm trong cái gốc – nằm trong định nghĩa đối với khái niệm Giáo dục.

Cho tới nay, khái niệm Giáo dục bao giờ cũng mang tính áp đặt – dù mang động cơ tốt đẹp, thì cũng là dội từ “bên trên” ban xuống bên dưới, tác động vào người học.

Định nghĩa lại khái niệm xuất phát từ người học, ta sẽ thấy Giáo dục là một quá trình con người tự học thông qua những thích nghi và điều tiết. Đó là định nghĩa khái niệm Giáo dục tổng quát nhất,chắt lọc từ những nghiên cứu của nhà tâm lý học Jean Piaget. Định nghĩa này coi Giáo dục như là quá trình diễn ra những hành động của chủ thể giáo dục – bắt đầu từ tự học cách bú mút nghe nhìn sờ nắm cầm… rồi tiến lên các hành động và hành vi “sang trọng” khác.

Con người lọt lòng bắt đầu từ bỏ “quá khứ” môi trường sống trong dạ con của mẹ, tối om, đầy nước, không ăn uống hít thở, vì được nối với mẹ bằng cuống nhau. Liền đó, đứa nhỏ có lai lịch một phút tuổi đời bắt đầu phải tự thích nghi với môi trường sống bên ngoài dạ con. Con người bé bỏng ấy tự học ngay từ phút đầu tiên chào đời – tự ăn, tự thở, tự sống bên ngoài dạ con. Những cô cậu học trò đó thích nghi với môi trường sống và đạt đến những điều học được (Piaget gọi là những “acquis”) và những điều học được sẽ từng bước được điều tiết cho phù hợp với những điều mới học được thêm. Con đường phát triển đó được nghiên cứu bởi Tâm lý học phát triển11.

Hệ quả của định nghĩa này đặc biệt nghiêm trọng đối với tư duy và hành động của nhà sư phạm. Tại vì nhà sư phạm là người tổ chức quá trình thích nghi và điều tiết đó.

Nó lại càng vô cùng nghiêm trọng xét theo chủ thể người học, với đặc tính chung là tính dễ dát mỏng (malleable) – trong cuộc sống thực, đó là “đức tính” dễ bảo và dễ sai khiến. Về mặt sinh học cũng như xã hội học, chủ thể càng malleable thì càng dễ sống. Gặp môi trường nào chủ thể cũng thích nghi và điều tiết theo được.

Rất dễ để trở thành những kẻ nô lệ hoàn hảo. Và khó khăn đau đớn vô cùng để cưỡng lại sự dát mỏng, để trở thành những con người tự do đầy trách nhiệm, để không trở thành những công cụ “nên người” ngay cả khi các ông chủ khéo mồm tránh dùng chữ “công cụ” mà thay bằng “nguồn lực xã hội”.

9Tường trình của Nhóm Cánh Buồm tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội CHXHCN Việt Nam ngày 16/7/2014, http://canhbuom.edu.vn/index.php/cung-ban-dung-sach/488-canhbuom-bao-cao-quoc-hoi
 
10Nhóm Cánh Buồm, Một nền giáo dục Việt Nam hiện đại – Kỷ yếu hội thảo Tự học – Tự giáo dục, Tri thức xuất bản, Hà Nội, 2011, sách dày 232 trang.

11Sẽ hiểu vì sao cùng với chương trình và sách giáo khoa, nhóm Cánh Buồm cũng tìm mọi cách để cho ra đời Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm với hai bản dịch đầu tiên – (1) Jean Piaget, Sự ra đời trí khôn ở trẻ nhỏ (Hoàng Hưng dịch); (2) Howard Gardner, Cơ cấu trí khôn (Phạm Toàn dịch). Một cuốn tiếp theo của Jean Piaget cũng sắp ra mắt: Sự hình thành biểu trưng ở trẻ nhỏ (Nguyễn Xuân Khánh dịch).

Tác giả