Sinh viên nông thôn Trung Quốc bị bỏ lại phía sau

Cho đến nay, người Trung Quốc có vẻ sẵn sàng chấp nhận sự bất công bằng trong thu nhập, coi đó là cái giá phải trả cho sự phát triển kinh tế. Nhưng người dân sẽ khó chấp nhận hơn trước những bất công bằng trong giáo dục, bởi giáo dục được coi là cánh cửa hướng tới tương lai của đa số thanh niên nghèo.

Đây là nguy cơ có thể châm ngòi cho bất ổn xã hội cần được Trung Quốc phải tập trung giải quyết.

Từ nhiều thế kỷ, người Trung Quốc tin rằng “tri thức có thể thay đổi số phận”, và coi giáo dục là nấc thang để bước tới vị thế kinh tế và xã hội cao hơn. Nhưng rất nhiều người trong số 9,4 triệu thiếu niên Trung Quốc tốt nghiệp trung học năm nay sẽ không đạt được kỳ vọng này, khi mà tồn tại một hố ngăn cách lớn do chênh lệch thành tích học tập giữa học sinh đến từ các vùng thành thị và nông thôn. Điều này sẽ gây bất công, hạn chế cơ hội và ngăn cản những tài năng có triển vọng đi theo con đường khoa học.

Năm 2010, khoảng 2/3 học sinh dự thi tốt nghiệp trung học ở Trung Quốc đến từ nông thôn, nhưng tỉ lệ tân sinh viên đến từ nông thôn của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh – một trong những đại học danh giá của Trung Quốc – thấp dưới 1/5. Tỷ lệ sinh viên nông thôn tại Đại học Bắc Kinh, một đại học hàng đầu khác, cũng giảm từ khoảng 30% xuống còn 10% trong một thập kỷ qua. Hầu hết sinh viên đến từ nông thôn dồn vào các trường chất lượng thấp hơn. Ví dụ, số sinh viên đến từ nông thôn chiếm 82% tại các trường cao đẳng dạy nghề xếp hạng trung vào năm 2012.

Hầu hết sinh viên đến từ nông thôn dồn vào các trường chất lượng thấp hơn.

Nếu tiếp tục duy trì tình trạng các trường đại học nghiên cứu hàng đầu đều bị độc chiếm bởi dân thành thị, nền khoa học Trung Quốc sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Giống như vấn đề về thành kiến giới trong các ngành nghề khoa học và kỹ thuật, con đường nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học đối với các sinh viên nông thôn càng lên cao càng hẹp lại, giống như sự khuếch đại theo “hiệu ứng Matthew”- hiện tượng xã hội khi người giàu cứ tiếp tục giàu lên và người nghèo lại nghèo đi. Thực tế cho thấy điều này đã và đang diễn ra, khi một số giáo sư tại các trường đại học Trung Quốc nhận xét rằng các nghiên cứu sinh đến từ nông thôn thường thiếu tính sáng tạo và không giỏi ngoại ngữ bằng các đối thủ đến từ thành thị có điểm thi tương đương. Hệ quả trực tiếp là cơ hội cho các sinh viên nông thôn theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học đang giảm sút, cùng với lượng thành quả cấp quốc gia các nhà nghiên cứu xuất thân nông thôn.

Nếu xu hướng này trong thập kỷ vừa qua vẫn tiếp tục thì giáo dục sẽ đánh mất vai trò của mình là tác nhân giúp cân bằng xã hội, và không còn là chiếc van an toàn để thoát cảnh nghèo đói cho những thanh niên tài năng. Đây cũng là thảm họa cho một đất nước thường vẫn tự hào về truyền thống cổ vũ cho việc học hành để vươn lên vị thế cao hơn trong xã hội.

Có một câu thành ngữ Trung Quốc miêu tả sinh động quá trình thay đổi số phận nhờ sự cần cù học tập, đó là: “cá chép vượt long môn” (theo truyền thuyết Trung Quốc, long môn nằm trên đỉnh ngọn thác chảy xuống từ một ngọn núi thiêng. Rất nhiều cá chép bơi ngược dòng nước mạnh để lên được đỉnh thác, nhưng chỉ một số con đủ mạnh và dũng cảm mới có thể nhảy cú nhảy quyết định, để vượt qua long môn để rồi hóa thành rồng). Việc chuẩn bị cho “cú nhảy” vượt qua kỳ thi đại học quyết định cuộc sống của rất nhiều người trẻ ở Trung Quốc, đặc biệt là ở những vùng nông thôn.

Trong thập kỷ vừa qua, rất ít học sinh nông thôn thực hiện thành công cú nhảy đó, mà nguyên nhân chính là sự phân phối không đồng đều những tài nguyên giáo dục cho thành thị và nông thôn, bắt đầu ngay từ cấp mẫu giáo. Trẻ em thành phố bắt đầu được học ngoại ngữ (một trong ba môn thi đại học bắt buộc) từ mẫu giáo, trong khi ở nông thôn việc tìm được giáo viên tiếng Anh dạy cho trẻ em tiểu học là rất khó khăn.

Từ năm 607 trước Công Nguyên, Trung Quốc đã sử dụng kết quả các kỳ thi chính thức để tuyển chọn quan lại mà không quan tâm đến xuất thân và vị thế tài chính của gia đình họ. Kỳ thi khoa cử (keju) tạo một cơ hội mở và công bằng cho người dân Trung Quốc để thăng tiến, cải thiện đời sống của mình và gia đình. Việc này đã có ảnh hưởng sâu đậm đến thái độ của người Trung Quốc xung quanh vấn đề giáo dục và phần nào giải thích vì sao người Trung Quốc coi trọng việc học đến thế.

Chế độ thi khoa cử không còn tồn tại nữa, nhưng tinh thần của nó vẫn còn được lưu lại trong kỳ thi tuyển đại học quốc gia (gaokao), bắt đầu từ năm 1952. Kỳ thi này được giám sát hết sức nghiêm ngặt, và quá trình chấm thi hoàn toàn theo phương pháp dọc phách. Theo truyền thống, các trường đại học Trung Quốc chỉ sử dụng kết quả kỳ thi tuyển này để tuyển chọn sinh viên.

Đầu tư của xã hội vào giáo dục ở nông thôn thấp hơn rất nhiều so với ở thành thị. Ví dụ, năm 2011, các trường tiểu học thành thị nhận nhiều tài trợ công hơn tiểu học nông thôn 700 nhân dân tệ (112 đô-la Mỹ) trên mỗi đầu học sinh, và lên tới cấp trung học cơ sở thì khoảng cách giữa thành thị và nông thôn là 900 nhân dân tệ trên mỗi đầu học sinh. Tệ hơn nữa, các trường đại học hàng đầu Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng những chính sách để nhận nhiều sinh viên từ chính thành phố của mình hơn, dưới danh nghĩa là để ủng hộ việc phát triển địa phương, mặc dù hầu hết ngân sách của họ là do chính phủ Trung ương cấp và lẽ ra nhiệm vụ của họ là phải phục vụ tất cả công dân trên mọi miền đất nước.

Để khắc phục tình trạng trên đây, Trung Quốc sẽ cần hành động ở ba phạm vi. Thứ nhất, cần thừa nhận rằng chính sách đối đãi khác nhau giữa nông thôn và thành thị chính là vấn đề, vì vậy ngành giáo dục phải đưa ra chính sách có tính thống nhất công bằng. Ví dụ, những quy trình chính thức cho việc đánh giá các trường học và tuyển chọn giáo viên cần được chuẩn hóa. Hai là, cần phân phối lại những tài nguyên giáo dục. Chính phủ cần cấp nhiều quỹ công hơn nữa cho giáo dục nông thôn và cho phép học sinh nông thôn tham gia kỳ thi tuyển đại học tại các khu vực thành thị. Cuối cùng, các tổ chức từ thiện và phi chính phủ có thể giúp bằng cách khuyến khích những người tốt nghiệp từ các trường đại học danh giá ở Trung Quốc và phương Tây về giảng dạy ở những vùng nông thôn. Hầu hết những vùng này, đặc biệt là ở miền tây Trung Quốc, không chỉ riêng môn tiếng Anh mà nhiều môn khác đang thiếu trầm trọng giáo viên.


Đọc thêm:

Cuộc cách mạng giáo dục ở Trung Quốc
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=7733&CategoryID=6

Khánh Minh lược dịch từ bài viết của Qiang Wang, giáo sư Viện Sinh thái và Địa lý ở Urumqi, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc
http://www.nature.com/news/rural-students-are-being-left-behind-in-china-1.15448

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)