Sốt “giáo dục kiểu Ấn” ở Nhật
Giáo dục kiểu Ấn Độ đang bùng nổ ở Nhật, phản ánh sự thiếu niềm tin của nhiều người Nhật vào trường học đất nước mình, nơi từng đào tạo biết bao học sinh luôn giữ vững thứ hạng đầu trong các kỳ thi quốc tế. Các hiệu sách ở Nhật đang bày bán nhiều loại sách của Ấn Độ với các tiêu đề như “những bài luyện tập toán cao cấp của Ấn Độ” và “Những bí mật chưa được biết của người Ấn Độ”. Các tờ báo Nhật thường đưa tin về trẻ em ở Ấn Độ học giỏi. Và một số trường quốc tế của Ấn Độ tại Nhật đã nhận được rất nhiều đơn xin học từ những gia đình Nhật.
Theo các chuyên gia giáo dục và các nhà sử học, nhiều năm trước đây Nhật không hề coi các quốc gia khác trên thế giới như một hình mẫu trong giáo dục cũng như trong các lĩnh vực khác. Từ lâu Nhật vẫn tự hào vì mình là quốc gia có nền kinh tế phát triển tiên tiến nhất khu vực. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kinh tế Nhật tăng trưởng không ổn định. Điều này khiến nhiều người Nhật lo ngại hình ảnh của đất nước sẽ bị lu mờ trước sự vươn lên và phát triển nhanh của Ấn Độ và Trung Quốc. Chính phủ Nhật đang cố gắng bảo vệ vị trí hàng đầu về công nghệ kỹ thuật và củng cố sức mạnh quân sự.
Trường mẫu giáo Quốc tế ở Nhật |
Ông Yoshinori Murai, giáo sư chuyên nghiên cứu các nền văn hóa châu Á thuộc trường Đại Học Sophia ở Tokyo, nói: “Trong con mắt của người Nhật, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là những nước nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng vì Nhật đang mất dần sự tự tin vào chính bản thân mình cho nên thái độ đối với các quốc gia châu Á đã thay đổi. Người Nhật bắt đầu coi Ấn Độ và Trung Quốc như những tấm gương đáng học hỏi”.
Về giáo dục, sự tôn trọng của người Nhật cũng tăng lên khi so sánh tương quan trực tiếp với các đối thủ khác ở châu Á trong các cuộc tranh tài học sinh cấp quốc tế, khi Nhật bị thua kém. Theo một cuộc khảo sát quy mô toàn thế giới của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) công bố hồi tháng 12/2007, Nhật đã tụt xuống vị trí thứ 10 từ vị trí thứ nhất năm 2000, xếp sau Đài Loan, Hồng Kông và Hàn Quốc. Tương tự, đối với môn khoa học, Nhật cũng đã tụt hạng, xuống vị trí thứ 6 từ ngôi vị á quân năm 2000. Trong khi đó, Ấn Độ đã thành công trong phát triển công nghiệp phần mềm, kinh doanh Internet và các ngành dựa vào tri thức. Đây là những lĩnh vực mà Nhật đã thất bại khi thâm nhập vào. Vì thế Ấn Độ cũng khiến người Nhật hơi ghen tị. Điều đáng ngạc nhiên nhất đối với nhiều người Nhật là những gì của nền giáo dục Ấn Độ đang được họ ca ngợi lại tương tự như những điều họ từng làm. Đó là đạo đức trong lao động và kỷ luật: học tập nhiều hơn khi còn nhỏ, phụ thuộc nhiều hơn vào lối học thuộc lòng và ghi nhớ, chú trọng hơn đến các môn cơ bản đặc biệt là toán và khoa học.
Giáo sư Okamoto chuyên về các chính sách giáo dục thuộc Viện Nghiên cứu các Chính sách tại Tokyo, nói: “Mối quan tâm học hỏi ở nền giáo dục Ấn Độ của Nhật gần giống với cách người Mỹ đã học tập nền giáo dục Nhật”. Như đối với những điều mới mẻ ở Nhật, mối quan tâm đến nền giáo dục mang phong cách Ấn Độ đã trở thành hiện tượng xã hội, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Theo ông Jun Takai, một quan chức Phòng Quan hệ quốc tế Bộ Giáo dục Nhật, thì bộ này, vốn nổi tiếng bảo thủ, nay cũng bắt đầu thảo luận các phương pháp giảng dạy của Ấn Độ. Các bậc phụ huynh thì háo hức, gửi con em mình vào các trường học Ấn Độ ở Nhật, với hy vọng chúng sẽ có khởi đầu thuận lợi, trong viễn cảnh kỳ thi vào đại học đầy khó khăn sau này. Hai trường học lớn nhất của Ấn Độ ở Tokyo đào tạo học sinh từ cấp mẫu giáo đến trung học cơ sở, trước nay chủ yếu nhận con em những gia đình Ấn Độ sống ở Nhật. Nhưng từ đầu năm 2007, tự dưng lại nhận được một số lượng tăng đột biến đơn xin học của người Nhật. Ông Nirmal Jain, hiệu trưởng trường quốc tế Ấn Độ tại Nhật, nói: “Chúng tôi cảm nhận được mối quan tâm rất lớn của các bậc phụ huynh Nhật”. Sự bùng nổ này còn có tác dụng khác là làm cho nhiều người Nhật trở nên khoan dung, rộng lượng hơn đôi chút đối với người dân ở các quốc gia châu Á khác.
Bà Jeevarani Angelina, người sáng lập nên trường mẫu giáo Little Angels, trước đây là một cán bộ điều hành một công ty dầu khí ở Chennai, Ấn Độ. Bà đã cùng chồng sang Nhật năm 1990. Bà kể rằng ban đầu bà gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục chủ nhà cho một phụ nữ Ấn Độ thuê chỗ để mở trường. Nhưng nay thì khác, việc trong trường có 3 trong số 4 giáo viên chính thức không phải là người Nhật lại trở thành điểm quan trọng thu hút học sinh. Bà Jeevarani kể: “Khi tôi mở trường học ở Nhật, đó là trường đầu tiên ở đây dạy tiếng Anh cho học sinh với giáo viên là người Châu Á chứ không phải là người da trắng phương Tây. Trước đó, chỉ có các trường quốc tế của Mỹ và châu Âu là các cơ sở hiện diện đã lâu đời tại đây. Bà Jeevarani, năm nay 50 tuổi, lấy tên là Rani Sanku vì dễ đánh vần hơn đối với người Nhật, bày tỏ: “Tôi thật sự may mắn vì tôi mở trường đúng lúc nền giáo dục Ấn Độ đang phát triển bùng nổ”.
Bà đã điều chỉnh chương trình giảng dạy để thích nghi với chương trình học của Nhật, bằng cách đưa thêm nhiều hoạt động tập thể, giảm lượng học thuộc lòng và bỏ môn lịch sử Ấn Độ. Sau thành công của trường Little Angels, bà đã có kế hoạch mở thêm một trường nữa theo phong cách giáo dục của Ấn Độ trong năm nay. Các bậc cha mẹ thường rất thích các tiêu chuẩn khắt khe của trường. Bà Eiko Kikutake, có con trai 5 tuổi, đang theo học tại trường Little Angels, nói: “Trình độ của con trai tôi cao hơn hẳn so với những đứa trẻ Nhật khác cùng lứa tuổi. Nền giáo dục Ấn Độ thực sự tuyệt vời!”.
————————————-
Trong những năm gần đây, Ấn Độ gặt hái nhiều thành công trong phát triển công nghiệp phần mềm, trong khi Nhật Bản chưa đạt được điều đó