“Sự hình thành biểu trưng ở trẻ em” – quyển sách không thể không đọc

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nêu cảm nghĩ của một người viết văn khi dịch cuốn “Sự hình thành biểu trưng ở trẻ em” của Piaget.

1. Tôi là một người viết tiểu thuyết, do vậy có thể nói tôi là kẻ ngoại đạo khi được phân công dịch sách về Piaget. Tuy nhiên, nghề viết văn và Tâm lý học lại rất quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhà văn nào khi đi sâu vào nghề đều phải học Tâm lý học. Riêng khối sách về Tâm lý học trên thế giới cũng rất phong phú và đồ sộ. Sách cần phải đọc rất nhiều: tâm lý dân tộc, tâm lý người nguyên thủy, tâm lý đám đông, tâm lý đàn ông, đàn bà, ứng xử luận, phân tâm học… Trong đó, tâm lý trẻ em, tâm lý giáo dục rất cần cho người viết văn. Mà Piaget là người lừng danh thế giới về tâm lý trẻ thơ. Khi nhận dịch, tôi phải cố gắng tìm hiểu về tri thức học sinh-triển (épistémologie génétique). Ở Việt Nam hầu như không có nhà tâm lý học nào chuyên nghiên cứu về Piaget, thành thử việc hiểu cho đúng để dịch cho đúng quả thật rất khó khăn.

Thế hệ chúng tôi là thế hệ được đào tạo giáo dục theo kiểu cũ. Nghĩa là học tập theo kiểu nhồi nhét, là học gạo, là thầy thao thao trên bục giảng, trò thụ động chấp nhận. Gần đây, ở Việt Nam người ta mới chú ý đến Piaget. Khi đọc Piaget, tôi mới hiểu ra một điều rất cơ bản: con người trong quá trình khám phá thế giới, nó đã tự mình tạo nên kiến thức, nó đã tự mình tạo nên thế giới của mình. Còn giáo dục chỉ là sự giúp đỡ để con người có thể tự học, để con người tự khai sáng cho mình.

Tri thức học sinh-triển của Piaget là luận thuyết về tri thức của con người được hình thành ra sao và biến đổi thế nào. Con người, theo quan điểm đó, phải tự tiếp xúc với thực tiễn, tự trải nghiệm thực tiễn, qua đó mới nhận thức được thực tiễn để tự tạo ra trí khôn, tự tạo ra tư duy của mình.

Cuốn “Sự hình thành biểu trưng ở trẻ em” là một trong nhiều cuốn sách của ông để chứng minh quan điểm đó. Trẻ nhỏ bằng sự bắt chước, bằng trò chơi các loại, đã đi từ những trải nghiệm cảm giác-vận động đến những hư cấu mang tính biểu trưng. Biểu trưng theo nghĩa rộng tức chính là tư duy.

Trong cuốn sách, tác giả chia ra nhiều giai đoạn từ cảm giác-vận động đến tượng trưng, từ những bắt chước có tính hành động đến bắt chước tượng trưng, trò chơi tượng trưng. Nói chung ở giai đoạn nào, trẻ cũng phải tự trải nghiệm, tự học để khám phá thế giới để cuối cùng đến được cái biểu trưng, tư duy.

Luận điểm con người tự khai sáng cho mình, con người tự làm ra chính mình đã được Piaget chứng minh rất khoa học cho suốt cuộc trưởng thành của trẻ từ lúc sơ sinh cho đến khi lớn lên thành một thiếu niên. Điều này khi chưa có luận thuyết của Piaget, con người vẫn đã tiến hành như thế, có nghĩa đó đã là quy luật. Từ thời sơ khai con người đã tự học. Khi có chữ, con người vẫn tự học. Có tự học thì cái học mới sâu sắc. Thấy cần gì nhất thì học cái ấy. Tìm mọi cách để mà tìm hiểu. Nhu cầu tự nhiên do ta tự do chọn lựa sẽ cho ta một động cơ để ta lấp đầy những chỗ ta thiếu để ta tự do tự tạo ra chính bản thân ta.

Đó là điểm thứ nhất tôi cảm nhận được khi tìm hiểu và dịch Piaget.

2. Tôi là một người viết văn, lẽ dĩ nhiên khi đọc “Sự hình thành biểu trưng ở trẻ em”, tôi rất chú ý tới phần Trò chơi và nhất là trò chơi biểu tượng, bởi vì như ông nói, trò chơi có họ hàng với nghệ thuật. Người nghệ sĩ luôn muốn có con mắt trẻ thơ để nhìn cuộc đời. Với con mắt trẻ thơ, cuộc đời luôn được bộc lộ ra dưới những góc nhìn mới mẻ lạ lùng độc đáo. Carl Gustav Jung thì bảo: Phép tượng trưng được coi như là tư duy và ngôn ngữ nguyên thủy. Piaget cũng đồng ý với quan điểm ấy.

Khi tôi đọc đến đoạn trò chơi tượng trưng của những bé từ hai đến bốn tuổi, ví dụ như đoạn chơi trò chơi con “Aseau”, một con vật vừa là chim vừa là chó, con “oiseau” được các bé em nói ngọng thành con “aseau”. Khi chơi, bé đã tưởng tượng hư cấu, liên kết, thêm bớt cả những chuyện thực và những chuyện bịa để tạo thành một trò chơi, một câu chuyện. Tôi ngạc nhiên kêu lên: “Sao mà giống lối viết tiểu thuyết đến thế!”

Khoảng từ bốn tuổi trở đi, trò chơi tượng trưng giảm dần – nguyên lý thực tiễn dần thay thế. Trò chơi dần biến mất. Chỉ còn sót lại một số trò chơi có quy tắc. Và cũng còn sót lại một vài bé chơi những “trò chơi cao cấp” về khoa học và nghệ thuật. Nó là tính tự phát của trò chơi. Nó đối lập với những bó buộc của lao động và bó buộc với sự thích nghi với thực tế. Nó nghiêng nhiều về nguyên lý khoái lạc hơn là nguyên lý thực tế (là nguyên lý của Freud). Nhiều nhà thơ, họa sĩ, nhà văn rất ngu ngơ trước thực tiễn cuộc đời, và đắm chìm trong thế giới hư ảo tưởng tượng là vì lý do ấy. Họ mãi mãi là một đứa trẻ dù đã lớn tuổi. Họ dừng lại ở tư duy và ngôn ngữ nguyên thủy.

3. Một điểm thứ ba tôi cảm nhận được từ Piaget khi dịch cuốn sách này, đó là ấn tượng về cách làm việc của tác giả. Theo những khám phá của Piaget, khi nhìn thấy con người tự tạo ra nhận thức của bản thân mình, khi nhận thức đãn hình thành như những cấu trúc tư duy ở một giai đoạn trước được biến đổi và tan hòa trong giai đoạn sau, thì đó chihs là việc con người tự tạo ra chính mình, đó chính là con người sáng tạo. Sáng tạo không nhất thiết chỉ là ở những con người xuất chúng như, mà sáng tạo là công việc tự nhiên trong tiến trình phát triển nhận thức của mọi con người bình thường.

Piaget là một con người sáng tạo ở cấp xuất sắc. Einstein đã nhận ra và đánh giá Piaget là “giản dị như một thiên tài”. Lý thuyết tâm lý giáo dục của ông được diễn đạt chặt chẽ, đã ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thể các nền giáo dục trên thế giới. Cái phẩm tính sáng tạo một cách giản dị, xuất chúng ở Piaget được thấy rất rõ trong cuốn sách tôi nhận dịch với nhóm Cánh Buồm.

Thứ nhất là sự làm việc khoa học và tỉ mỉ. Sáng tạo khoa học không phải là cái gì to lớn cao xa. Có khi đó chỉ là việc quan sát có hệ thống, có phương pháp một cách tỉ mỉ kiên nhẫn hằng ngày. Trong sách này ta thấy tác giả đã ghi chép quan sát ba đứa con của mình từ ngày trẻ mới ra đời, nụ cười của nó, cái nắm tay của nó, khi nào nó khóc,…, để rồi trên cơ sở những dữ liệu vặt vãnh ấy đúc kết nên một lý thuyết có ảnh hưởng lớn. Phải nói ông có một trực giác nhạy bén và một bộ óc khái quát phi thường. Ông không bao giờ bằng lòng với cái bề ngoài của thực tại, và luôn đào sâu tìm cái ý nghĩa có thể ẩn giấu đằng sau thực tại ấy.

Thứ hai, ông là người tự học vĩ đại (những người sáng tạo đều thế cả). Ông hầu như đã đọc hết những sách quan trọng của thời đại ông sống. Trong sách của ông, ta thấy trích dẫn những tên tuổi như Groos, Wundt, Claparède, Binet, Wallon, Buytendijk, Freud, Siberer, Adler, Jung, v.v. cùng nhiều người khác. Không những ông chỉ đọc mà ông còn đối thoại để tán thành để phản biện. Đối với ông chân lý là tối thượng. Dù một tác giả có uy tín đến thế nào, nếu thấy không đúng cũng phải phản biện. Ông đã dành rất nhiều trang sách để đối thoại với Groos, với Freud, với Jung… Chỉ với tinh thần khoa học, dân chủ, không giáo điều ấy, ông mới có thể sáng tạo.

Tôi không phải là một nhà giáo dục thành thử không thể nói sâu về những vấn đề không phải là lĩnh vực của tôi.

Tuy nhiên tất cả chúng ta đều có con cháu cho nên mọi người đều phải quan tâm tới giáo dục. Sách của Piaget có ích cho tất cả mọi người. Đặc biệt là, với những ai quan tâm tới giáo dục, tới trí tuệ, tới lĩnh vực sáng tạo, chắc chắn cuốn sách này là quyển sách không thể không đọc.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)