Sự mê hoặc của xếp hạng đại học thế giới (2011-2012)*

Kết quả xếp hạng đại học thế giới năm 2011-2012 của tổ chức THE vừa được công bố trong tuần trước đã gây nhiều tranh luận, khi Harvard đã phải nhường vị trí hàng đầu của nó cho một trường đại học Mỹ khác là Caltech.

Đây không phải là lần đầu tiên Harvard mất vị trí hàng đầu thế giới. Năm 2010, Harvard cũng phải chịu vị trí số 2 trong bảng xếp hạng đại học thế giới của tổ chức QS, đứng sau ĐH Cambridge của Anh – lần đầu tiên sau 6 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân trên bảng xếp hạng này.
Phải chăng đây là những dấu hiệu cho một sự xuống dốc của người khổng lồ Harvard? Hay nó cho ta thấy sự đỏng đảnh, thất thường của các bảng xếp hạng quốc tế? Vì chỉ mới cách đây 2 tháng thôi, Harvard đã kiêu hãnh xuất hiện ở vị trí đứng đầu của một bảng xếp hạng đại học được đánh giá là số một về sự tin cậy và khoa học  – bảng xếp hạng ARWU của ĐH Giao thông Thượng Hải.
Với cách làm thiếu minh bạch của các tổ chức xếp hạng như hiện nay, chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được giá trị thật của việc xếp hạng.“Công nghiệp xếp hạng đại học” rõ ràng là cần phải được “cấu hình” lại và giám sát cẩn thận hơn.
Đó là thông điệp của các tác giả Kris Olds và Susan Robertson trong bài viết vừa đăng trên trang mạng Global Higher Education cách đây một tuần. Kris Olds cũng là tác giả của bài viết có tựa là “Đo lường thư mục, xếp hạng đại học và sự minh bạch” đã được chúng tôi dịch và giới thiệu đến các độc giả của Tia Sáng vào năm trước.
Xin giới thiệu bài viết mới của Kris Olds và đồng sự đến tất cả các bạn.
Phương Anh dịch và giới thiệu

Mùa xếp hạng lại đến rồi; kết quả của Bảng xếp hạng đại học thế giới (WUR) năm học 2011-2012 của tờ Times Higher Education (THE) hợp tác với Thomson Reuters mới vừa được công bố.

Sau khi được điều chỉnh cho chính xác hơn vì sự cố rớt hạng của một số trường đại học lớn trong bảng xếp hạng năm 2010, phương pháp xếp hạng của THE năm nay hẳn sẽ đưa ra kết quả tốt hơn, sáng chói và hợp lý hơn. Nhưng liệu có đúng như vậy không?

Như tất cả những ai đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học, chúng tôi rất quan tâm đến kết quả xếp hạng, dù phải nói thật là những kết quả này thường năm nào cũng giống năm nào.

Nhưng lần này, chúng tôi muốn các bạn thử suy nghĩ về “cấu hình” của hoạt động xếp hạng. Những yếu tố cấu hình cần xem xét gồm có:

Kết quả xếp hạng: Trường của bạn đạt thứ hạng nào, hoặc các trường đại học của các quốc gia X, Y, X có vị trí so sánh như thế nào với những trường khác/ quốc gia khác; so với những trường/ quốc gia tương tự; so với năm trước; hoặc so với thứ hạng trên một bảng xếp hạng khác?

Phương pháp: Phương pháp luận được sử dụng có phù hợp và hiệu quả không? Phương pháp ấy đã được thay đổi như thế nào? Tại sao lại thay đổi?

Phản ứng: Các vị lãnh đạo của các trường, hoặc các bộ ngành (và tương đương) phản ứng ra sao với kết quả xếp hạng?

Chu kỳ xếp hạng: Tại sao lại công bố kết quả xếp hạng hàng năm trong khi chu kỳ 4 hoặc 5 năm có lẽ sẽ phù hợp hơn (vì đó chính là nhịp độ hoạt động tạo ra sự thay đổi của các trường)? Việc chuẩn hóa số liệu theo cái chu kỳ hằng năm này được thực hiện như thế nào?
Quyền lực và chính trị: Ai là người thực hiện xếp hạng, và họ được lợi gì trong việc này? Các tổ chức xếp hạng có minh bạch trong các hoạt động, các mối quan hệ (kể cả những đối tác cộng tác với họ), các thiên kiến, và năng lực của họ hay không?

Sáng tạo tri thức: Hiện đang tồn tại một sự mất cân xứng khó mà tin được trong việc sáng tạo tri thức, bao gồm ngôn ngữ công bố khoa học và ngành công nghiệp xuất bản. Như vậy, các bảng xếp hạng đại học thế giới (vốn rất xem trọng các số liệu đo lường thư mục) phản ánh tình trạng mất cân xứng này ra sao?

Vấn đề quản trị: Ai quản lý ai? Ai là người chịu trách nhiệm nếu có, và chịu trách nhiệm như thế nào, thường xuyên ra sao? Các trường được xếp hạng có những quyền gì ngoài công việc cung cấp thông tin (miễn phí) cho các tổ chức xếp hạng? Liệu có cần một cơ chế hiệu quả để quản lý các tổ chức xếp hạng cũng như hoạt động xếp hạng vốn đang trở thành một ngành công nghiệp hay không? Lãnh đạo các trường đại học có chút khả năng nào (cho tới nay thì chưa thấy gì) để hợp tác về những vấn đề quản trị của việc xếp hạng hay chăng?

Bối cảnh: Các bảng xếp hạng khác nhau như WUR của tổ chức THE, ARWU của ĐH Giao thông Thượng Hải, và bảng xếp hạng đại học thế giới của QS, chúng có liên hệ như thế nào với những nỗ lực bao quát hơn, đó là đối sánh các hệ thống giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục, và các kết quả đầu ra của việc nghiên cứu và giảng dạy?

Chúng tôi muốn nhắc mọi người về dự án xếp hạng mới U-Multirank của EU, và nhiều sáng kiến của OECD (ví dụ như công cụ đo lường năng lực đầu ra của sinh viên AHELO) để đánh giá kết quả việc học ở bậc đại học trên khắp toàn cầu, và cũng muốn nhắc đến cuộc tranh luận về đối sánh nữa. Nói vắn tắt, các bảng xếp hạng như THE vừa công bố liệu có “phù hợp với mục tiêu” như mong đợi của mọi người, đó là làm rõ chất lượng, sự đáp ứng, và hiệu quả của giáo dục đại học trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay, hay không?

Danh sách 400 trường hàng đầu sẽ còn được người tranh luận (kết quả này quả thực cũng đáng tranh cãi), và mọi người sẽ tò mò muốn biết vị trí tương đối của trường mình trong danh sách xếp hạng, cũng như muốn thấy những cải thiện trong phương pháp xếp hạng của THE/Thomson Reuters. Nhưng xin các bạn đừng để bị cuốn đi và chỉ quan tâm đến một số vấn đề như kết quả, phương pháp, và các phản ứng.

Thay vào đó, chúng ta cần phải đặt ra những câu hỏi khó hơn, như các vấn đề quyền lực, quản trị, và bối cảnh, hoặc lợi ích, và sự hủy hoại  tiềm năng mà việc xếp hạng có thể gây ra cho các trường đại học (khi kết quả xếp hạng này được công bố và được báo chí tại các quốc gia đưa tin, rồi sau đó thì nằm trên bàn làm việc của các vị Bộ trưởng). Rõ ràng việc xếp hạng đại học là một vấn đề kinh tế chính trị, và các bảng xếp hạng (tất cả các bảng, chứ không phải chỉ riêng bảng xếp hạng của THE) đều có quyền lực tiềm ẩn cũng như khả năng gây ra tác động đáng kể; dù những tác động này có thể không được các tổ chức xếp hạng biết đến (ví dụ như việc phân bổ lại nguồn lực ở các trường).

Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ bao quát và phản biện nhiều hơn về những vấn đề quan trọng liên quan đến sự mê hoặc kỳ lạ của phong trào xếp hạng đại học hiện nay?
————–
* http://globalhighered.wordpress. com/2011/10/05/seduced-world-university-rankings/

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)