Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ trước tuổi đến trường (Kỳ cuối)

Ngôn ngữ ở trẻ em phát triển tuần tự, từ thấp đến cao, giai đoạn phát triển sau chỉ có thể đến được và được xác lập khi trẻ đã trải qua giai đoạn phát triển trước đó.


Ở giai đoạn 18-24 tháng tuổi, sự tiến bộ trong ngôn ngữ và lời nói của trẻ gái và trẻ trai thể hiện rõ sự khác biệt: bé gái nói rõ hơn và nói được nhiều từ hơn bé trai; tuy nhiên, không có sự khác nhau đáng kể nào về độ dài và chất lượng câu nói giữa bé gái và bé trai.

Giai đoạn 18-24 tháng tuổi

Đến giai đoạn này, trẻ đã nhận biết và sử dụng được tên gọi của người quen, đồ vật quen thuộc trong nhà, các bộ phận cơ thể. Trẻ biết lắng nghe những câu chuyện ngắn, tập trung quan sát cuộc nói chuyện của người lớn, dễ dàng lặp lại những từ nghe lỏm được, và biết nghe theo các chỉ dẫn, hiệu lệnh đơn giản mà không cần có cử chỉ hay hành động đi kèm. Cuối giai đoạn, trẻ có thể tự đặt những câu hỏi như cái gì? đi đâu?… Những từ ngữ mà trẻ nói được tuy không đúng về mặt phát âm nhưng trong đầu trẻ cái hình ảnh âm thanh đó được hình dung, nhận biết một cách rõ ràng. Vốn từ vựng của trẻ, trong đó có những từ biểu hiện cảm xúc (yêu, thích,…), tăng lên rõ rệt. Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu thích được kể chuyện cho nghe. Mỗi tháng trẻ học được hàng chục từ; cho đến lúc bước sang tuổi thứ hai, trẻ có thể nắm và sử dụng được khoảng 200 từ.
Bên cạnh sự phát triển số lượng từ vựng một cách vượt bậc, trẻ bắt đầu quá trình tự chiếm lĩnh và chủ ý kiểm soát các quy tắc của cấu trúc ngôn ngữ, đặc biệt là các quy tắc ngữ pháp tuyến tính. Câu mà trẻ nói ra thường có kích thước hai từ (hay hai đơn vị thông tin, hai thành phần), ví dụ như ăn cơm, mẹ đi, đá bóng,… Thi thoảng trẻ có thể nói được câu ba thành phần (bé uống sữa). Qua những câu nói kiểu này, trẻ đã bắt đầu xác lập các mối quan hệ mình – người, mình – vật, mình – hành động, người – hành động, hành động – đối tượng,… trong việc quy chiếu và biểu đạt ý định giao tiếp. Trẻ đã biết sử dụng các hành động ngôn ngữ tường minh để thể hiện yêu cầu của mình, ví dụ như uống sữa, ăn cơm, thêm sữa, không ăn,… Trẻ cũng đã nắm và sử dụng được các nghi thức hay mô hình giao tiếp đơn giản như gọi – dạ, xin – cho, hỏi – trả lời,…; bắt đầu học hỏi, làm quen với các mô hình ngôn ngữ (cũng như các mô hình tương tác xã hội nói chung) phức tạp như mắc lỗi – xin lỗi- sửa lỗi… Trẻ có thể thực hiện cuộc đối thoại ngắn với người lớn. Lời nói của trẻ thường chỉ gồm những từ chính thể hiện thông tin cần truyền đạt, chứ chưa đầy đủ các bộ phận như lời nói của người lớn. Tuy nhiên, trẻ thường là phía người trả lời, ít khi thể hiện ở phía người hỏi thông tin. Trẻ đã biết nhận ra lỗi ngôn ngữ và tự sửa chúng (cũng giống như dần biết và sửa các lỗi ứng xử khác). Ý thức sở hữu đã manh nha thể hiện qua ngôn ngữ (của anh, của Tôm, của con,…). Ngôn ngữ cái tôi của trẻ bắt đầu được bộc lộ, không chỉ thể hiện ở các đại từ, tên riêng mà còn ở các quá trình, hoạt động lời nói như thích hay không thích, yêu hay không yêu, đẹp hay không đẹp. Trong giao tiếp, để hỗ trợ hay đáp ứng các nhu cầu của mình, trẻ đã biết sử dụng ngón trỏ thường xuyên hơn. Khi trẻ phát âm, cấu trúc âm tiết được hoàn thiện. Các âm đầu, âm cuối, kể cả thanh điệu trong ngôn ngữ mẹ đẻ về cơ bản đã được trẻ nhận biết và phát âm, mặc dù có thể không đúng. Ở giai đoạn này, sự tiến bộ trong ngôn ngữ và lời nói của trẻ gái và trẻ trai thể hiện rõ sự khác biệt: bé gái nói rõ hơn và nói được nhiều từ hơn bé trai. Tuy nhiên, độ dài và chất lượng câu nói (đúng ngữ nghĩa và trật tự ngữ pháp) không thể hiện sự khác nhau đáng kể nào giữa bé trai và bé gái. Những lỗi ngữ pháp (về trật tự từ, về kết hợp thành phần câu) và ngữ nghĩa (sử dụng quá khái quát hoặc không chính xác) bắt đầu được bộc lộ.

Nếu thấy trẻ 18-24 tháng có những biểu hiện như vẫn chưa nói được khoảng chục từ quen thuộc, chưa nói được những câu có hai từ (ăn cơm, bà bế,…), không biết bắt chước lời nói, không thể làm theo các mệnh lệnh đơn giản, thì cha mẹ nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ để có biện pháp tác động kịp thời.

 

Giai đoạn 24-36 tháng tuổi

Bước sang tuổi thứ hai, trẻ bước sang giai đoạn bùng phát về mặt ngôn ngữ trên cả phương diện từ vựng lẫn phương diện tổ chức ngôn ngữ. (Cũng bắt đầu từ đây, cá tính của trẻ đã được bộc lộ). Ở giai đoạn này, trẻ học từ mới rất nhanh. Năng lực sử dụng từ ngữ cũng được cải thiện đáng kể, có thể gây ngạc nhiên cho người lớn. Trẻ không chỉ học cách gọi tên sự vật, hiện tượng, mà còn học cả những từ chỉ quan hệ ngữ pháp (cái, của, rồi, chưa, à,…). Trẻ thường xuyên nói chuyện một mình, nói chuyện với đồ chơi, quan sát và bắt chước lời nói của người lớn (cũng như bắt chước làm theo việc người lớn làm). Đến ba tuổi, trẻ có thể có 1.000 từ. Câu nói của trẻ dài năm – sáu âm tiết, thậm chí chín – mười âm tiết. Năng lực và nhu cầu thực hiện các hành động ngôn ngữ tăng lên đáng kể – các nhu cầu, mong muốn của trẻ đều có thể được thể hiện trực tiếp bằng các hành động ngôn ngữ (Con muốn uống. Đái tè…). Trẻ có thể hiểu, nhớ và làm theo một số mệnh lệnh đơn giản liên tiếp (đi ra ngoài, đóng cửa; bê ghế, ngồi vào bàn,…). Ngữ điệu lời nói của trẻ được thể hiện rõ với các mục đích giao tiếp khác nhau. Trẻ đã biết nhận lỗi, biết reo vui, biết chào miễn cưỡng và biết chào tự nguyện,… Về mặt hình thức, trẻ hầu như hiểu hết những gì mà cha mẹ trao đổi với mình. Trẻ đã manh nha phân biệt và thể hiện được phạm trù số lượng và phạm trù chất lượng đối với các vật xung quanh, ví dụ như trẻ biết ít kẹo hay nhiều kẹo, ngon hay không ngon. Trẻ cũng có thể đếm khi được dạy dù rằng chưa hiểu hết và áp dụng được vào việc đếm thực sự. Trẻ đã biết họ tên đầy đủ của mình, biết mình là con trai hay con gái. Ý thức về cái tôi, nhu cầu về sự độc lập tăng lên và thể hiện rõ trong ngôn ngữ hằng ngày (nói về sự sở hữu, nói về các trạng thái của mình,…) Trẻ đã sử dụng tương đối chính xác các đại từ, từ chỉ thân tộc (con, cháu, cô, bác, chủ,…); nói được và thường xuyên sử dụng câu phủ định một cách tường minh; phân biệt các màu cơ bản như trắng, đen, xanh, đỏ; sử dụng tương đối thành thạo các câu hỏi đơn giản (cái gì, đâu,…); hát được những bài hát ngắn có vần điệu đơn giản dù không hiểu lời. Khi vui chơi, trẻ đã biết dùng lời nói để điều tiết, phân vai các hoạt động (làm bố, làm mẹ, làm hàng xóm, làm khách hàng, làm ông chủ,…). Lời nói của trẻ đã tương đối rõ, người lạ cũng có thể hiểu được.
Đến cuối giai đoạn này, trẻ đã có thể nghe hiểu hàng chục nghìn nghĩa từ mà người lớn nói với trẻ. Hầu hết các kĩ năng giao tiếp cần thiết đã được trẻ nắm bắt và sử dụng. Năng lực tưởng tượng và sử dụng ngôn ngữ để thể hiện sự tưởng tượng ấy bắt đầu xuất hiện. Trẻ có thể nghe và kể lại chuyện đã nghe. Quan hệ tương phản và quan hệ nhân quả trong lời nói của trẻ được xác lập rõ ràng qua cách sử dụng những từ ngữ pháp (như để, để cho, nhưng, nhưng mà,…). Hệ thống lập luận bằng ngôn ngữ được kích hoạt. Sự gắn kết các hành động và lời nói của trẻ được thể hiện tường minh, chẳng hạn như trẻ biết đặt các câu hỏi Thế còn con? Vậy ai ở nhà? Các cặp thoại trao đáp của trẻ đã được thể hiện gần như người lớn (hỏi – trả lời, mắc lỗi- xin lỗi, chào – chào,…).
Cần lưu ý rằng giai đoạn trước ba tuổi là cực kì quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Trong giai đoạn này, não trẻ có khả năng hấp thụ mọi ngôn ngữ (bao gồm thể chất, cấu trúc, và các hành vi ngôn ngữ). Khả năng học hỏi ngôn ngữ sẽ kém đi hoặc không còn hiệu quả như mong muốn nữa nếu như giai đoạn này trôi qua mà trẻ không được trải nghiệm hay làm quen với ngôn ngữ mà mình định sử dụng suốt cả cuộc đời.
Đến cuối giai đoạn này, sự phát triển ngôn ngữ của trẻ sẽ là không bình thường nếu như vốn từ của trẻ vẫn quá nghèo nàn, trẻ chưa biết cách phối hợp từ để thể hiện nhu cầu và sự hiểu biết của mình, nói ra câu nói với ngữ điệu không đúng, nói ra câu mà người lạ cố gắng cũng không hiểu, không biết tham gia các trò chơi ngôn ngữ cần sự phối hợp, không hiểu các mệnh lệnh đơn giản,… Trong các trường hợp này, cha mẹ cần cho trẻ đi kiểm tra ở bệnh viện để có thể nắm bắt được tình hình phát triển ngôn ngữ thực sự của trẻ.

Giai đoạn 3 – 6 tuổi

Đây là giai đoạn mà chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển vượt bậc về chất và lượng trong ngôn ngữ trẻ. Ở giai đoạn này, các lỗi cơ bản về cách phát âm, ngữ pháp, cách sử dụng từ ngữ đã được trẻ tự khắc phục, loại bỏ dần dần. Trẻ dễ dàng nói được các câu có năm-sáu từ. Đến năm tuổi, trẻ có thể đã có khoảng 5.000 từ. Trẻ nói đã rõ ràng, với một đứa trẻ nói ngọng, người lạ cũng có thể hiểu đến 75% những gì chúng nói. Trẻ gần như có thể hiểu hết những gì nghe được hay chủ động tiếp xúc. Trẻ có thể bắt chước lời nói của người lớn một cách chính xác. Trẻ cũng có thể phát âm chính xác các chữ cái hay các âm riêng rẽ khi chúng ta dạy trẻ, kể cả những chữ cái hay âm không có trong ngôn ngữ mẹ đẻ. Các kĩ năng giao tiếp được phát triển rất nhanh. Trẻ biết chủ động gây sự chú ý hay thiết lập quan hệ bằng lời nói (như rủ bạn chơi). Trẻ dễ dàng kể lại một câu chuyện đã nghe, cũng dễ dàng tưởng tượng ra các câu chuyện, tình huống chuyện chưa bao giờ gặp để kể lại cho người khác (về siêu nhân, về ông tiên, về kho báu, về công chúa ngủ trong rừng,…). Ở giai đoạn này, lời nói dối của trẻ xuất hiện nhiều. Bên cạnh đó, trẻ rất thích những bài hát, bài vè có vần có điệu, ngay cả khi chúng không có nghĩa gì cả. Trong cách nói của trẻ, các phạm trù về thời gian (như trình tự sự kiện), không gian (như trật tự, khoảng cách sự vật), số lượng,… đã được trẻ thể hiện chính xác. Trẻ hiểu được mình bao nhiêu tuổi, cầm tinh con gì, sinh tháng năm nào, đang ở đâu, có bố mẹ làm nghề gì,… Trẻ hiểu được phạm trù giống nhau và khác nhau. Lời nói của trẻ đã có những từ nối (và, rồi,…). Trẻ thường xuyên sử dụng câu hỏi để giao tiếp với người thân (như làm gì, ở đâu, cái gì, vì sao, để làm gì, như thế nào,…). Trong vốn ngôn ngữ của trẻ, bên cạnh các từ đơn, câu đơn, đã có cả những từ ghép và câu ghép. Chính vì thế mà trẻ có thể miêu tả, giải thích một sự vật hay sự việc nào đó dù là hiện diện hay vắng mặt trước trẻ, và bản thân trẻ cũng rất thích nghe người khác miêu tả, giải thích về một cái gì đó. Trẻ đã chủ động tham gia nói chuyện với người khác. Các nhu cầu, trạng thái của bản thân đều có thể được trẻ nói ra một cách rõ ràng và trực tiếp. Trẻ đã biết đưa ra những lời hướng dẫn tường minh cho người khác làm, cũng như biết sử dụng ngôn ngữ để tranh luận để bảo vệ mình. Khi vui chơi, trẻ tự biết dùng ngôn ngữ để điều tiết trò chơi (xử lí mâu thuẫn, đưa ra quy tắc chơi, quy tắc thưởng, quy tắc phạt,…). Ngôn ngữ và nhận thức cá nhân cái tôi của trẻ được thể hiện rất rõ, trẻ luôn coi mình là trung tâm. Trẻ cũng rất thích khám phá, trải nghiệm,… vì thế mà trẻ thường hay sử dụng những từ như đi, chơi, làm, làm được, có, có được, được,… Ở giai đoạn này, những hoạt động lời nói phức tạp tưởng chừng như chỉ có ở người lớn cũng đã xuất hiện trong lời nói của trẻ (ví dụ như cách lập luận: nếu bạn A chơi thì tớ không chơi nữa, cách ra điều kiện cho một trò chơi: tớ cho bạn cái này thì bạn cho tớ mượn cái kia,…).
Bắt đầu từ bốn tuổi trở đi, trẻ đã khá thành thục với ngôn ngữ mẹ đẻ. Trẻ hiểu được vai trò và sức mạnh của ngôn ngữ trong giao tiếp, biết sử dụng ngôn ngữ vào trong tất cả các hoạt động tương tác, tiếp xúc hằng ngày. Trẻ cũng hiểu rằng ngôn ngữ có thể tồn tại dưới cả dạng nói và dạng viết, có thể lưu truyền dưới nhiều hình thức khác nhau. Và cho đến trước khi bước chân vào lớp Một, nhìn chung trẻ đã có thể khắc phục triệt để lỗi phát âm, chiếm lĩnh được toàn bộ vốn ngữ pháp và ngữ dụng trong ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Trẻ cũng đã có đủ số lượng từ vựng cần thiết để đáp ứng tất cả các nhu giao tiếp xã hội của mình.
Trong giai đoạn này, nếu như trẻ vẫn chưa biết kiểm soát lời nói, chưa biết sử dụng lời nói để thể hiện trạng thái, cảm xúc, nhu cầu, chưa sử dụng lời nói đúng ngữ điệu, chưa nói được câu đủ ba thành phần, chưa sử dụng đúng các đại từ, chưa thể tập viết được dù là nguệch ngoạc,…, thì có thể xem như trẻ có sự phát triển ngôn ngữ không bình thường, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời.

Ngôn ngữ ở trẻ em phát triển tuần tự

Những giai đoạn phát triển ngôn ngữ trình bày ở trên được coi là những giai đoạn mà đứa trẻ nào cũng trải qua trong quá trình tự sản sinh và phát triển ngôn ngữ của mình. Tuy vậy, nói như thế cũng không có nghĩa là đứa trẻ nào cũng có các mốc thời gian phát triển ngôn ngữ bất biến như nhau. Mỗi đứa trẻ, tùy vào mức độ hoàn thiện của hệ thống thần kinh, cơ quan cấu âm của mình; tùy vào điều kiện, môi trường sinh sống và giáo dục; tùy vào thiên hướng phát triển, trạng thái trể lực sẵn có,… sẽ tự lựa chọn và tự thiết lập cho mình một biểu đồ phát triển ngôn ngữ riêng.
Đối với trẻ em, sự phát triển nói chung cũng như sự phát triển ngôn ngữ nói riêng là sự phát triển tuần tự, từ thấp đến cao, giai đoạn phát triển sau chỉ có thể đến được và được xác lập khi trẻ đã trải qua giai đoạn phát triển trước đó. Có thể hiểu một cách đơn giản như thế này: trẻ chưa phát ra được những tiếng vô nghĩa thì cũng không thể tự nói ra được những từ có nghĩa, trẻ không phát âm được các từ rõ ràng thì cũng không thể nói được một câu trơn tru, trẻ không nắm được ý nghĩa của các từ thì cũng không thể nói ra được những câu có ý nghĩa, trẻ không nói ra được những câu ngắn và sai thì cũng không thể nói ra được những câu dài và đúng v.v. Hiểu được điều này thì chúng ta mới có thể tác động đúng, phù hợp, nhanh chóng và hiệu quả đến quá trình phát triển ngôn ngữ bình thường, tự nhiên của trẻ.

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)