Tái cơ cấu giáo dục: Nhiều chương trình – nhiều bộ sách!
Nếu đúng là việc gọi tên “Trận đánh lớn” của ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không nhằm nói cốt để lấy lòng dư luận xã hội, thì lần này chính là sự nghiệp giáo dục bước vào một cuộc tái cơ cấu!
Tái cơ cấu Giáo dục
Trước khi giáo dục bước vào cuộc tái cơ cấu, cũng cần nhắc lại chuyện Chương trình năm 2000 hiện hành (CT-2000), và việc nhắc lại đây quyết không thể coi là thừa.
Theo kinh nghiệm vụ sách CT-2000, dự kiến năm 2000 đem dùng như cái tên đã nói lên đủ, nhưng mãi đến 2004 mới cuốn chiếu xong và chính thức dùng. Vừa công bố xong, trong mấy năm liền, các nhà quản lý và các tác giả cãi nhau hơn là mổ bò xem công cuộc đó là cải cách hay chỉ là cuộc thay sách hay là cuộc thay cả sách và thay cả chương trình nhưng không phải là cải cách.
Thế rồi vụt cái đến năm 2008 thì báo Tuổi trẻ lần đầu tiên đã phát biểu bằng một từ ngắn gọn quá tải. Rồi các quan chức giáo dục bắt đầu dùng từ giảm tải, có lúc còn dùng từ giảm tải sâu. Các tác giả mới đầu huy động tư duy cụ thể để nhờ người cân cặp sách của học sinh, và ngây thơ công bố chiếc cặp nặng vì các em mang theo nhiều thứ không phải là sách giáo khoa. Kịp đến khi được dư luận xã hội nhắc nhở rát quá, bà con liền được nghe lời thanh minh về nguyên nhân của quá tải là “tính hàn lâm”!
Có gì bảo đảm sách cải cách cuốn chiếu bắt đầu từ năm 2015 hoặc 2017 gì đó sẽ không rơi vào vết xe cũ của CT-2000?
Có điều tình hình đã thay đổi, ít nhất cũng bảo đảm cho cuộc cải cách giáo dục không còn ở thế một mình một khoảnh vừa đá bóng vừa thanh minh rằng huấn luyện viên thì không cần giỏi đưa bóng vào lưới. Vào những ngày xưa không xa ấy, bộ CT-2000 còn được chống lưng bởi Luật Giáo dục, với “pháp lệnh” Một chương trình – Một bộ sách. Nay cái lệnh đó đã bị cuộc sống làm cho hết thiêng, và bây giờ ở đâu cũng nói rào rào đòi Một chương trình – Nhiều bộ sách… trong khi riêng người viết bài này và nhóm Cánh Buồm thì từ vài năm nay đã thực sự tạo ra tiền lệ cho vấn đề Nhiều chương trình – Nhiều bộ sách, coi đây là chuyện cốt lõi của Tái cơ cấu giáo dục.
“Cuốn chiếu”
Xã hội vẫn đang hy vọng, thì vào ngày 8 tháng 3 năm 2014, bỗng hoang mang vì một gáo nước lạnh. Tại cuộc “đại hội thảo” nghe các thông báo của Bộ GD&ĐT, nếu căn cứ theo tường thuật của các báo, thì toàn dân được hứa đến năm 2020 mới “cuốn chiếu” xong để có đủ chương trình và sách mới – dĩ nhiên là cho bậc giáo dục phổ thông, vì bậc sau và trên phổ thông thì muôn đời chỉ xoay quanh một chữ: tự chủ. Có điều là, cũng theo các báo, thì giáo sư Văn Như Cương tính toán và cho biết muốn xong chuyện “cuốn chiếu”, phải chờ đến 2024 …1
Điều rất đáng chú ý là câu trả lời của ông Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển mà báo chí viết: “Đáp lại đề xuất rút ngắn thời gian viết sách của ông Cương, ông Hiển cho hay: “Thay đổi SGK theo kiểu “cuốn chiếu” từng cấp học hay cùng một lúc chỉ trong một năm mà thay sách cho cả 12 lớp, cá nhân tôi chưa hình dung ra được phương án này”.
Ông Hiển là người rất thực thà. Ông đã nói to lên một điều ông không biết, hoặc ông biết đấy mà không thể nói ra, hoặc giả ông cho rằng có nói ra thì cũng chẳng giải quyết được. Cái điều cả nước đang ấp úng đó chính là cái tử huyệt này: Bộ GD&ĐT không tìm ra được một tác giả hoặc một nhóm tác giả đủ tầm tư tưởng và nghiệp vụ đề ra cách soạn sách giáo khoa đổi mới thật nhanh – trong vòng 2-3 năm là cùng. Các vị mới chỉ có thói quen và năng lực “cuốn chiếu”!
Điều kiện của việc làm và cách làm ngay tức thời này (mà “cá nhân tôi – lời ông Hiển – chưa hình dung ra được) đòi hỏi một tầm tư duy hệ thống để tổ chức việc làm của cả hệ thống, chứ không đòi hỏi tầm giỏi hoặc rất giỏi về một mảnh của hệ thống.
Nếu có người chỉ huy với tư duy hệ thống thì có thể chỉ đạo cùng một lúc soạn sách cho tất cả các lớp, kể cả nội dung “gối đầu” cho những lớp chuyển đột ngột từ chương trình và sách cũ sang chương trình và sách mới.
Có một tư duy hệ thống là tốt nhưng hoàn toàn chưa đủ – trong cuộc đời thiếu gì người có “tư tưởng” – nhưng năng lực thể hiện tư tưởng lại là chuyện khác. Năng lực này thể hiện rất cụ thể trong việc cấu tạo chương trình và biên soạn sách giáo khoa – chưa kể đến một “siêu năng lực” khác là cái DUYÊN của kẻ cầm bút kiêm nhà giáo.
Yêu cầu này trước hết dính dáng đến quan niệm HỌC và về các MÔN HỌC.
Học và Môn học
Xưa nay, suốt lịch sử phát triển công việc Giáo dục không chỉ tiêng ở Việt Nam, việc học của con trẻ luôn luôn diễn ra “dưới ánh sáng” của công việc thu gom kiến thức.
Cứ nhìn vào bộ sách Ngữ Văn bậc tiểu học của CT-2000 là đủ thấy “sứ mệnh” thu gom đó cùng với phương pháp thu gom ù lì gần trăm năm vẫn không chịu thay đổi ra sao. Loại sách “Vần quốc ngữ”, “Học vần”, “Ngữ văn” (hoặc thay tên mới, “Tiếng Việt”) có chung một cách biên soạn có từ đầu thế kỷ trước theo kiểu “Phổ thông độc bản”, “Quốc văn giáo khoa thư” và sách dạy tiếng Pháp mấy năm cuối bậc tiểu học có tên là “Le livre unique de français” với cấu trúc hệt như sách Chương trình năm 2000 đang dùng: học theo chủ điểm, dùng một “bài khóa” để “tập đọc”, sau đó trích ra giải nghĩa vài ba từ, luyện chính tả, luyện câu, và vào thời hiện đại thì có thêm vài ba mẹo bài tập “hấp dẫn” khác nhau.
Các giáo viên đứng lớp thực thi sách này thường kêu là bị “tra tấn” – dĩ nhiên đang nói về sách CT-2000 đương thời. Tuy vậy, những giáo viên có kinh nghiệm nhất và rất yêu nghề vẫn tự ý chữa lại các sách đó khi dùng ở lớp mình dạy.
Có điều là, ít có người trong rất đông các giáo viên giỏi đó đã chịu rút ra bài học sư phạm tổng quát nhất: muốn có học sinh giỏi thì phải tạo ra ở chúng những người LÀM ra trí tuệ của chính mình. Nguyên lý làm mà học – làm thì học ấy chính là khẩu hiệu learning by doing phổ cập hiện thời.
Ta sẽ nói cho dễ nhớ và dễ hiểu: trẻ em là nhà sản xuất chứ không phải là những người tiêu thụ. Sứ mệnh nhà giáo – từ đó, sứ mệnh công cuộc tái cơ cấu nền giáo dục – không là “bán cháo phổi”, hoặc nhẹ nhàng hơn và dùng các slide của công cụ powerpoint để rao bán hấp dẫn hơn những mặt hàng giả định là trẻ em rất cần. Sứ mệnh nhà giáo dục hiện đại là tổ chức cho trẻ em tự tạo ra những sản phẩm tinh thần trụ đỡ bền vững cho những năng lực người ở trong từng em.
Mỗi môn học có nhiệm vụ như một lộ trình tổ chức việc sản xuất những sản phẩm tinh thần đó. Theo định nghĩa, và người Tây họ định nghĩa ngay ở cái tên, chữ discipline vừa có nghĩa là kỷ luật lại vừa có nghĩa là môn học hiểu theo nghĩa là kỷ luật, là bắt buộc phải học, là không học thì không sống được ở cõi đời…
Vậy có những “kỷ luật” gì bắt phải theo nếu muốn sống được trên đời này? Theo tinh thần chúng ta đang bàn, những “kỷ luật” ấy sẽ không được rao bán cho học sinh như những món hàng tiêu dùng, mà phải coi đó là những con đường bắt buộc phải tổ chức cho trẻ em đi để sản xuất ra những sản phẩm tinh thần trong sự sống không ở thì tương lai mà ngay ở đây và ngay bây giờ của chính mình.
Vậy là, chúng ta nên nghĩ đến những MÔN HỌC theo cách tư duy khác. Môn học và cách tổ chức việc học phải là kỷ luật bắt buộc để học sinh với năng lực gốc là NĂNG LỰC TỰ HỌC – TỰ GIÁO DỤC, sẽ có:
Năng lực tư duy lô gich (qua môn Toán học, Tin học);
Năng lực tư duy ngôn ngữ (qua môn tiếng Việt và tiếng nước ngoài – với những thao tác ngôn ngữ học có cả phần lô gich và cả phần võ đoán của ngôn ngữ);
Năng lực tư duy nghệ thuật (qua môn Văn– với cái lõi cảm xúc và những thao tác tạo ra cái Đẹp nghệ thuật trong Âm nhạc, Múa, Tạo hình, Văn xuôi, Thơ trữ tình, Kịch);
Năng lực tư duy đồng thuận (để từng cá nhân đều có ý thức và năng lực sống với cộng đồng lớn nhỏ, trường lớp, gia đình, làng xóm, và xa hơn là Tổ quốc và nhân loại);
Năng lực sống thân thiện với môi trường.
Vậy là, quanh đi quẩn lại, ở bậc tiểu học chẳng hạn, cũng chỉ cần đến NĂM môn học mang tính chất “kỷ luật” thôi. Không nhiều về số lượng, nhưng chất lượng do quan điểm tái cơ cấu đó tạo ra sẽ hoàn toàn khác với phẩm tính “hàn lâm” trong chương trình học hiện thời.
Tạm kết luận
Trận đánh lớn Giáo dục cần mở màn bằng nhiều trận đánh trong cái đầu những nhà tổ chức. Trận đánh lớn không lệ thuộc vào cách “cuốn chiếu” hoặc cách “làm nhanh” … nếu cả hai cách đều sai.
Trận đánh lớn, hoặc cuộc tái cơ cấu nền giáo dục Việt Nam cần tập trung vào thay đổi cách tạo năng lực người cho học sinh, bắt đầu với việc đưa ra một CÁCH LÀM KHÁC với cách làm theo thói quen và kinh nghiệm cũ.
Trong khi chờ đợi xuất hiện một nhạc trưởng nên chăng cái lò ấp nhạc trưởng tiềm tàng ở đâu đó hãy cắn răng chấp nhận những thay đổi mang tính thi đua ái quốc của những nhóm tác giả công dân trong xã hội dân sự.
Từng nhóm sẽ trình ra cho xã hội những bộ chương trình mang quan điểm giáo dục của mình cùng những bộ sách giáo khoa mang giải pháp nghiệp vụ sư phạm tổ chức trẻ em tự làm ra – sản xuất ra năng lực người của chính các em.
Cả nước có thể làm công việc tái cơ cấu này mà không tiêu tốn nhiều tiền bạc. Hãy mở ngay một diễn đàn trên mạng Internet để các nhóm tác giả công bố quan điểm giáo dục, chương trình giáo dục, cùng bộ sách giáo khoa của họ.
Trên diễn đàn mạng này, sẽ có những nhà thẩm định đủ kiểu, chứ không chỉ có những thành viên xuất thân từ cái cũ, không làm ra nổi một mảnh của cái mới, nhưng lại được quyền đứng ra thẩm định cái mới.
Xã hội sẽ có dịp mổ xẻ vì sao một chương trình học nào đó luôn luôn tạo ra nhiều học sinh cuối cấp vào đại học nhưng lại chỉ tạo ra Zero phần trăm người có thiên hướng yêu quý các môn khoa học xã hội và nhân văn.
—-
1 VNN – Nhà nghèo mà thay đổi SGK liên tục sẽ lãng phí http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/164686/nuoc- ngheo-ma-thay-doi-sgk-lien-tuc-se-lang-phi.html
NLĐ online – Nên rút ngắn thời hạn viết sách giáo khoa
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/nen-rut-ngan-thoi-gian-viet-sach-giao-khoa-20140308230146594.htm