Tất cả nhờ giáo dục
Thái độ ứng xử của dân chúng Nhật Bản trước đại thảm họa thiên tai cộng nhân họa động đất, sóng thần và rò rỉ phóng xạ hạt nhân Fukushima đã chứng tỏ cho toàn thế giới thấy người Nhật là một dân tộc được giáo dục tốt nhất, nhờ thế xã hội họ được tổ chức tốt nhất.
Sau thảm họa sóng thần và động đất khủng khiếp, cả thế giới đều tin rằng người Nhật sẽ xây dựng lại đất nước mình đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như họ từng làm sau thảm bại trong Thế chiến II.
Vì sao người Nhật được giáo dục tốt nhất?
Vì họ thực sự coi trọng giáo dục, trước hết là giáo dục làm người. Không phải bây giờ mới thế, mà từ ngàn đời trước. Ý thức ấy thấm nhuần trong suy nghĩ và hành động của từng người dân thường, trong mỗi ông bố bà mẹ, và trong mỗi người lãnh đạo từ thấp tới cao nhất.
Hiếm có quốc gia nào giáo dục được đặt đúng vị trí và nở hoa thơm trái ngọt như nước Nhật.
Truyền thống trọng giáo dục được thể chế hóa. Ngay từ sau chiến tranh Giáp Ngọ (1894-1895), khi được Trung Quốc bồi thường 200 triệu lạng bạc, vua Nhật là Minh Trị ra lệnh dùng toàn bộ số tiền này để xây trường học, bảo đảm không một vùng hẻo lánh nào không có trường học cho trẻ em. Hiến pháp Nhật 1946 quy định nghĩa vụ lớn đầu tiên của công dân là phải tiếp nhận giáo dục bắt buộc (nghĩa vụ thứ nhì là lao động, thứ ba là đóng thuế). Bất cứ ai, kể cả bố mẹ, ngăn cản con trẻ đi học đều là phạm pháp. Gia đình nào có trẻ đến tuổi học mà chưa tới trường, cảnh sát khu vực lập tức đến tận nhà nhắc nhở. Tại nước Nhật, tòa nhà đẹp nhất, to nhất, kiên cố nhất trong làng ắt phải là trường học; mỗi khi có động đất, dân chúng đều tới lánh nạn tại trường học (so sánh: trong trận động đất Tứ Xuyên 2008, hầu hết trường học đều sập, vùi chết không biết bao nghìn trẻ của các gia đình chỉ được sinh một con). Thủ đô Tokyo có giá đất đắt nhất thế giới nhưng không trường học nào không khang trang rộng rãi. Năm 1947, lạm phát nặng nhất, chính phủ Nhật vẫn nâng giáo dục nghĩa vụ từ 6 năm lên 9 năm và hoàn toàn miễn phí. Nghề dạy học là một trong những nghề danh giá và hấp dẫn nhất, nhưng cũng là nghề không dễ: cứ năm thí sinh thi vào ngành sư phạm chỉ lấy một, giáo viên có chứng chỉ của nhà nước mới được lên bục giảng…
Đặc biệt, người Nhật vô cùng coi trọng giáo dục gia đình. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng nhất trong sự nghiệp này. Điều đầu tiên họ dạy con là phải biết xấu hổ và không bao giờ được làm những việc đáng hổ thẹn, mất nhân cách. Phải biết trọng danh dự và khí tiết, vì nó là bộ phận bất hủ trên con người mà thiếu nó thì con người chẳng khác gì con vật. [1]
Đây là đạo đức căn bản nhất của con người, vì Cảm giác xấu hổ là mảnh đất gieo trồng của mọi thứ đạo đức, mọi cách ứng xử tốt và mọi tinh thần tốt đẹp (Thomas Carlyle). Biết hổ thẹn với cái ác [trong Hán ngữ, ác còn có nghĩa là xấu xa] tức là sự mở đầu của việc Nghĩa vậy (Mạnh Tử: Tu ác chi tâm, nghĩa chi đoan dã).[1]
Sau quá trình khảo sát vùng Viễn Đông, Sir Henry Norman (1858-1939) từng nhận xét: Nhật Bản khác các nền chuyên chế phương Đông còn lại ở chỗ nước này có một hệ thống luân lý danh dự con người từng nghĩ ra, nghiêm ngặt nhất, cao cả nhất và chi tiết tỉ mỉ nhất, có ảnh hưởng thống trị trong toàn dân. [1]
Chính là nhờ được gia đình dạy dỗ như vậy mà người Nhật từ bé đã biết giữ tự tôn tự trọng cho mình, cho gia đình và tổ quốc. Làm bất cứ việc gì họ đều nghĩ đến danh dự của bản thân, của quốc gia, dân tộc. Vì thế xã hội Nhật được tự tổ chức cao độ, mọi người dân đều tự giác giữ trật tự kỷ luật công cộng, thượng tôn luật pháp, biết lo cho mình (tự cứu) và cho cộng đồng; khi xảy ra thiên tai nhân họa, họ điềm tĩnh chịu đựng và tìm cách đối phó, tận tình giúp nhau vượt khó khăn, không trông chờ chính quyền, không cầu Trời khấn Phật. Có thể nói từ xa xưa nước Nhật đã thực sự là một xã hội công dân, cho dù khái niệm ấy do phương Tây đưa ra.
Ngay từ sau chiến tranh Giáp Ngọ (1894-1895), khi được Trung Quốc bồi thường 200 triệu lạng bạc, vua Nhật là Minh Trị ra lệnh dùng toàn bộ số tiền này để xây trường học, bảo đảm không một vùng hẻo lánh nào không có trường học cho trẻ em. Tòa nhà đẹp nhất, to nhất, kiên cố nhất trong làng ắt phải là trường học; mỗi khi có động đất, dân chúng đều tới lánh nạn tại trường học. Thủ đô Tokyo có giá đất đắt nhất thế giới nhưng không trường học nào không khang trang rộng rãi. |
Trong bài Vì sao nước Nhật không bao giờ rối loạn?, một nhà báo kỳ cựu của Singapore viết: Trước tai họa, người Nhật vẫn có thể giữ được trật tự kỷ luật, điềm tĩnh ứng phó, chủ yếu vì họ đã được rèn luyện đào tạo, mà điều đó có liên quan tới giáo dục quốc dân và tố chất quốc dân. Do được giáo dục, họ đều có khả năng tìm ra lời giải khoa học các hiện tượng thiên nhiên như gió bão, động đất, sóng thần. Họ cầu nguyện cho mọi người bình yên nhưng không ai có ý định dùng cách hối lộ thần linh để cầu cứu thần linh giúp con người tránh thiên tai.
Trong bảng xếp hạng các quốc gia thành công và thất bại công bố hàng năm trên tạp chí Foreign Policy [2], Nhật luôn luôn là quốc gia thành công nhất châu Á.
Dù cho nước Nhật đất chật người đông, đã rất nghèo tài nguyên lại luôn luôn bị thiên tai ác liệt đe dọa, động đất như cơm bữa, nhưng hầu như không người Nhật nào bỏ ra nước ngoài sống. Tỷ lệ học sinh Nhật đi học ở phương Tây về nước làm việc cao nhất trong các nước châu Á.
Không cần một chủ nghĩa nào dẫn dắt và chưa từng làm một cuộc cách mạng nào, thế mà người Nhật tạo dựng được một nhà nước bảo đảm cho toàn dân có cuộc sống tự do bình đẳng, sung túc, ổn định vào hàng nhất thế giới…
Đất nước này quả là rất đáng để chúng ta tìm hiểu và học tập.
Nhờ đâu họ làm được như vậy?
Tất cả nhờ giáo dục, trước hết là giáo dục cách làm người.
Không người Việt Nam nào không tự hỏi: tại sao thế hệ ông cha ta, những người sinh vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, lại tài giỏi phi thường và có cống hiến cho dân tộc hơn hẳn thế hệ chúng ta rất nhiều, mặc dù chúng ta hiện nay có đội ngũ cán bộ, trí thức, giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ đông gấp hàng trăm lần các cụ.
Gần đây anh Dương Trung Quốc đã giải đáp một phần câu hỏi đó. [3]
Anh gọi thế hệ các cụ là Thế hệ vàng và giải thích thế hệ ấy xuất chúng là do được hưởng một nền Quốc học rất căn bản với quan niệm về dạy học là dạy làm người, đồng thời lại được tiếp nhận giá trị đích thực của văn minh phương Tây, là khoa học và dân chủ.
Thế hệ chúng ta kém xa thế hệ vàng vì chúng ta mất gốc hoàn toàn; có tiếp cận phương Tây thì chỉ là tiếp cận văn minh bề ngoài, phương tiện sống, kiến thức; còn thế hệ vàng thì tiếp thu được cả một nền văn hóa. Thời kỳ đổi mới sau này, dòng chảy từ thời thế hệ vàng không chảy tiếp vì tư tưởng ấu trĩ của một số nhà lãnh đạo, nhận thức đã hạn hẹp lại bị chi phối bởi lợi ích cho nên không tiếp cận được những chân giá trị của văn hoá Đông và Tây.
Ngày xưa các cụ có triết lý rất đơn giản: thực học và thực nghiệp, cho nên không bị hư hỏng. Chúng ta đang khủng hoảng vì tiếp nhận quá nhiều giá trị ảo.
Xin mạn phép bàn thêm: các cụ ngày xưa nói thế nào thì làm thế ấy, còn chúng ta nói một đằng làm một nẻo, giả dối, hình thức, cho nên nói chẳng ai tin, mà đã mất niềm tin tức là mất tất cả.
Cốt lõi của giáo dục cần phải quan tâm đến, nhất là trong bối cảnh hiện nay, là vẫn phải giáo dục con người. Kiến thức làm người là quan trọng nhất, sau đó mới đến kỹ năng và tri thức khác.
Xin mượn lời anh Dương Trung Quốc làm lời kết bài này.
—
1. Võ Sĩ Đạo, linh hồn Nhật Bản. NXB Công an nhân dân, 2006
2. http://www.foreignpolicy.com/articles/2010/06/21/the_failed_states_index_2010
3. http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/8407/the-he-vang-vu-dinh-hoe-khong-lap-lai.html